Tuesday, July 28, 2020

BIỂN ĐÔNG : ÚC DÁM ĐỐI ĐẦU TRỰC DIỆN VỚI TRUNG QUỐC? (RFI)




NỘI DUNG :

Thu Hằng  -  RFI
.
Thu Hằng  -  RFI

===========================================
.
Thu Hằng  -  RFI
Đăng ngày: 28/07/2020 - 13:42

Phải chăng công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc phản đối mọi yêu sách của Bắc Kinh nhằm chiếm trọn Biển Đông là lời đánh động cho việc Úc sẵn sàng đối đầu trực diện với Trung Quốc? Liệu bước tiếp theo của Úc sẽ là tham gia trực tiếp vào chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOPS) của Mỹ?

Ngoại trưởng Úc Marise Payne tại cuộc hội đàm với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Washington D.C. (Hoa Kỳ) ngày 27/07/2020. REUTERS - ALEXANDER DRAGO

Hoa Kỳ thường xuyên đề nghị quân đội Úc tham gia vào một chiến dịch FONOPS, nhưng lời đề nghị mới chỉ dừng ở cấp tư lệnh Hải Quân, mà chưa bao giờ đến từ một bộ trưởng Quốc Phòng hoặc Ngoại Giao. Việc hai bộ trưởng Úc đích thân đến Washington, bất chấp dịch Covid-19 và bất chấp việc phải cách ly 14 ngày khi trở về nước, cho thấy cuộc họp AUSMIN (Tham khảo cấp bộ trưởng Mỹ- Úc) lần này có tầm quan trọng như thế nào và có nhiều khả năng Úc chính thức tham gia FONOPS, theo Greg Sheridan, biên tập viên của báo The Australian và là một trong những nhà bình luận về an ninh quốc phòng nổi tiếng ở Úc.

Úc vẫn tham gia tuần tra vì tự do hàng hải trong khu vực, vì đây cũng là tuyến đường giao thương chính của nước này. Nhưng khi tham gia FONOPS cùng với Mỹ, tầu của Úc có khả năng phải đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các thực thể ở Biển Đông mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp, để phản đối yêu sách vô lý của Bắc Kinh. Trước đó, chính quyền Canberra đã bác mọi đòi hỏi chủ quyền trong « đường 9 đoạn » do Trung Quốc tự vẽ.

Tuy nhiên, theo Greg Sheridan, Úc cần cân nhắc thấu đáo khi đưa ra quyết định tham gia FONOPS. Thứ nhất, cần phải chú ý đến mức độ bất cân xứng giữa lực lượng hải quân Úc và Trung Quốc. Tầu chiến của Úc chỉ có thể an toàn khi tuần tra chung với Hải Quân Mỹ. Ngược lại, nếu tuần tra một mình, tầu của Úc có thể bị phía Trung Quốc gây hấn, cảnh cáo, răn đe.

Điều này từng được cựu thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nêu lên trong cuốn hồi ký, được trang abc.net trích dẫn ngày 27/07 : « Nếu Hoa Kỳ ủng hộ chúng ta thì Trung Quốc sẽ lùi bước. Nhưng nếu Washington do dự hoặc vì một lý do nào đó quyết định không can thiệp hoặc không có khả năng can thiệp ngay lập tức, thì Trung Quốc sẽ giành được chiến thắng vang dội về mặt tuyên truyền, coi Mỹ là một con cọp giấy mà các đồng minh phải ngờ vực ».

Đúng là quan hệ Mỹ-Trung đang ở trong giai đoạn xấu chưa từng có kể từ khi hai nước thiết lập bang giao năm 1979. Căng thẳng này lại diễn ra vào thời điểm trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng thay đổi về chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ sau cuộc bầu cử này, dù đó là ứng viên Joe Biden hay đương kim tổng thống Trump đắc cử. Chính sách về Trung Quốc dưới thời tổng thống Trump đã thay đổi theo thời gian, từ « bạn » chuyển sang « địch thủ ». Trước đó, dưới thời tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, thuộc đảng Dân Chủ, vấn đề Biển Đông từng bị lơ là cả về quân sự lẫn ngoại giao. Greg Sheridan cho rằng đó là một trong những thất bại nghiêm trọng dưới thời tổng thống Obama.

Thứ hai, nếu tuần tra chung với Mỹ, chắc chắn Canberra sẽ bị Bắc Kinh đáp trả. Tuy nhiên, chính quyền Úc tỏ vẻ sẵn sàng, bằng chứng mới nhất là công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền tại Biển Đông của Bắc Kinh. Ngay lập tức, Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đã đánh tiếng cảnh cáo rằng « Úc đang bất cẩn leo lên con tầu Mỹ bị thủng để can thiệp vào Biển Đông ». Trừng phạt kinh tế (nông sản như thịt bò, rượu vang) được cho là một trong những biện pháp trả đũa mà Trung Quốc nhắm đến.

Thứ ba, theo nhiều nhà phân tích, hành động của Úc chắc chắn được các nước ASEAN hoan nghênh, nhưng không theo cách công khai, do vị thế cũng như mối quan hệ tế nhị ở nhiều cấp độ với Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyên bố của Mỹ và Úc bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể tạo thành một cán cân mới, theo nhận định của Emma Connors trên trang Financial Review (26/07/2020), giúp thúc đẩy việc đạt đến Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) mà ASEAN đang đàm phán với Trung Quốc.

Úc hiện có chính sách quyết liệt hơn với Trung Quốc về nhiều mặt, từ yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona ở Trung Quốc đến vấn đề dân chủ ở Hồng Kông và hiện giờ là Biển Đông. Tuy nhiên, theo nhà bình luận Greg Sheridan, Canberra cần cân nhắc để tránh phải bảo vệ một tiền đồn mà rất có thể Hoa Kỳ âm thầm rút khỏi ngay khi quân đội Úc tham gia và như vậy, một mình Úc sẽ đối đầu với Trung Quốc.

                                                  ***
Thu Hằng  -  RFI
Đăng ngày: 28/07/2020 - 11:25

Hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Úc đã đến Washington ngày 27/07/2020 để tham gia cuộc họp thường niên AUSMIN (Tham khảo cấp bộ trưởng Mỹ- Úc) với hai đồng nhiệm Mỹ, diễn ra ngày 28/07. Biển Đông và an ninh trong khu vực là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngoại trưởng Úc Marise Payne tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở Washington. Ảnh ngày 27/07/2020. REUTERS - ALEXANDER DRAGO

« Chuyến thăm này là bằng chứng cho tầm quan trọng của liên minh bền vững của chúng ta ». Trên mạng Twitter, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Linda Reynolds đã khẳng định như trên ngay khi vừa đến Mỹ cùng với ngoại trưởng Marise Payne ngày 27/07.

Theo trang The New Daily ( Úc ), hai bộ trưởng Úc không tiết lộ những nội dung sẽ được trao đổi trong cuộc họp chính thức với phái đoàn Mỹ. Tuy nhiên, ngoại trưởng Úc khẳng định trên mạng Twitter sau khi thăm bộ Ngoại Giao Mỹ: « những giá trị chung về tự do và dân chủ là nền tảng liên minh của chúng ta ».

Đây là những điểm từng được ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh trong bài diễn văn đọc ngày 23/07 tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon. Ông Pompeo đồng thời nhắc đến triển vọng thành lập « một nhóm các quốc gia có chung tư tưởng và một liên minh dân chủ mới », để chống lại sự đe dọa của Trung Quốc, hành động quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, đánh cắp sở hữu trí tuệ và mưu đồ phá hoại trật tự được thành lập dựa trên luật lệ.

Cũng trong ngày 23/07, Úc đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự kiện này diễn ra chỉ một tuần sau khi ngoại trưởng Mỹ chính thức công bố bản « Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách tại Biển Đông ».

Vẫn theo trang The New Daily, cuộc họp thường niên năm 2020 phải có tầm quan trọng lớn vì bất chấp dịch Covid-19 và tuy có khả năng họp trực tuyến, hai bộ trưởng Úc vẫn chọn đích thân đến Washington để hội đàm với các đồng nhiệm Mỹ. Có nhiều khả năng trong cuộc họp lần này, Washington sẽ đề nghị Canberra tham gia trực tiếp vào các chiến dịch vì tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOPS) mà Mỹ thực hiện từ lâu. 

***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.






No comments: