Thursday, April 2, 2020

LỜI NHẮN BẠN TRẦN ĐỨC ANH SƠN (Nguyễn Đình Cống)




Nguyễn Đình Cống
02/04/2020

Tháng 3/2019 khi được tin nhà nghiên cứu khoa học xã hội có danh tiếng Trần Đức Anh Sơn bị Thành ủy Đà Nẵng khai trừ khỏi ĐCSVN tôi cứ tiếc và trách thầm. Định viết vài ý kiến, nhưng rồi lại cho qua. Nay nhân đọc bài của Anh Sơn Viết thật trong ngày cá tháng tư”, đăng trên báo Tiếng Dân ngày 2/4/2020, tôi thấy muốn trao đổi vài lời, không những với Anh Sơn mà với nhiều bạn khác nữa.

Khi Anh Sơn còn ngập ngừng, các thầy Trần Quốc Vượng, Nguyễn Hữu Thông đã khuyên nên vào đảng. Thầy Vượng nói: “Nếu cậu không có đảng, chúng nó cho cậu ra rìa, dù cậu là Giám đốc bảo tàng. Cậu phải vào, phải tham gia cấp ủy và phải họp hành cùng chúng nó, phải giành quyền ra quyết sách để phát triển bảo tàng. Chứ không có đảng thì không làm gì được đâu”.

Rất đông người phấn đấu vào Đảng là phần tử cơ hội, vào để tranh giành quyền nọ, lợi kia. Nhưng cũng có một số ít tự thấy phải vào Đảng để làm việc tốt hơn. Anh Sơn là một trong số đó. Tôi đã vào Đảng ở tuổi 48 khi đã có chức danh Phó Giáo sư, cũng ở trong tâm trạng như vậy, do tôi tự suy ngẫm chứ chẳng có ai khuyên bảo gì. Sau khi nghỉ hưu và thấy rõ sai lầm của Mác Lê tôi tuyên bố bỏ Đảng lúc 80 tuổi. Sau khi biết tôi bỏ Đảng, một vài học trò cũ hỏi rằng, họ đang làm việc rất tốt, vậy có nên vào Đảng không. Tôi trả lời : “Thầy từ bỏ Đảng vì thấy không cần đến nó nữa, còn các em thì để làm việc tốt hơn mà cần phải vào”. Lời khuyên của tôi gần giống lời của GS Trần Quốc Vượng.

Tôi chủ động vào Đảng để làm việc tốt. Tôi tự đánh giá đã làm được nhiều việc có ích cho Dân, cho Nước. Đến khi thấy không cần ở trong Đảng nữa thì tôi chủ động từ bỏ mà không làm đơn xin ra, vì làm đơn là bị động nhiều hơn. Đảng vẫn kiên trì Mác Lê, còn tôi chống lại. Tôi đang là một trí thức có uy tín trong ngành và ở địa phương. Cách gì rồi cán bộ Đảng sẽ ra sức giáo dục và thuyết phục tôi ngừng việc công khai chống đối Mác Lê. Tôi tự lượng sức mình không thể ngừng được. Việc đó làm cho Đảng phải khai trừ tôi. Dại gì mà để cho người ta khai trừ. Khi vào Đảng, mặc dù chủ động, nhưng theo thủ tục phải làm đơn. Khi từ bỏ, chỉ một câu tuyên bố là xong. Việc gì phải để cho người ta thi hành kỷ luật.

Tôi tiếc và thầm trách Anh Sơn là ở chỗ đó. Tháng 2 năm 2019 Anh Sơn đã đệ đơn xin thôi việc. Mà khi đã thôi việc nhà nước thì nhu cầu danh hiệu đảng viên là thấp. Lúc này những người chính trực, vẫn còn khả năng phấn đấu cho những điều tốt đẹp của xã hội rất cần cân nhắc việc ở lại hoặc từ bỏ Đảng. Đã rất nhiều người lặng lẽ từ bỏ và cũng không ít công khai từ bỏ. Tháng 10/2018, sau vụ GS Chu Hảo tuyên bố từ bỏ Đảng, đã có một số đảng viên hưởng ứng.

ĐCSVN đã và đang phạm nhiều sai lầm mà quan trọng nhất là đường lối độc quyền đảng trị theo Mác Lê, theo vô sản chuyên chính. Việc có nhiều đảng viên, đặc biệt là đảng viên trí thức tuyên bố công khai từ bỏ Đảng là một cảnh tỉnh rất có giá trị đối với Đảng, thể hiện lòng yêu nước trong thời đại mới của những người có chút ít dũng cảm.

Tôi nhiệt liệt chúc mừng bạn Trần Đức Anh Sơn, sau khi thoát ra khỏi một tổ chức ô uế, đầy cạm bẫy, vẫn có nhiều đóng góp cho khoa học trong Tao Đàn Thư Quán. Phải chăng qua lần bị xô mà không ngã, vẫn tiến lên với những bước vững vàng.

Qua việc của Trần Đức Anh Sơn tôi bỗng nảy ra suy nghĩ, nhưng chưa được kiểm chứng. Sau khi tôi từ bỏ Đảng thì an ninh của Đảng ngăn cản, không cho tôi làm các hợp đồng về giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Phải chăng cứ để bị thi hành kỷ luật khai trừ thì an ninh để yên cho mà ký hợp đồng làm các việc trên.








No comments: