Thursday, April 30, 2020

30 THÁNG TƯ 1975 : VÌ ĐÂU NÊN NỖI (Vann Phan / Người Việt)




NỘI DUNG :

Vann Phan/Người Việt
.
Vann Phan/Người Việt
.
=============================================
.
Vann Phan/Người Việt
April 28, 2020

Có thể nói rằng nhân loại đã dành hết nửa sau của thế kỷ 20 và ít ra là hai thập niên đầu của thế kỷ 21 để suy nghĩ, hổ thẹn, than thở, vật vã, và ăn năn về biến cố 30 Tháng Tư, 1975, ngày mà Việt Nam Cộng Hòa, với nền dân chủ, tự do non trẻ, nhưng đầy triển vọng tốt đẹp, bị Cộng Sản Bắc Việt xâm chiếm và đặt dưới ách nô lệ của một chế độ độc tài, đảng trị sau hơn một thập niên phát động cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, với một cái giá đắt chưa từng thấy trong lịch sử xét về tổn thất nhân mạng, tài nguyên đất nước, và luôn cả nền văn minh và văn hóa rực rỡ của nước Việt Nam nghìn năm văn hiến. 

45 năm nhìn lại

Gần nửa thế kỷ sau, khi đống tro tàn của cuộc chiến tàn khốc hầu như lắng đọng và khi dân chúng Việt Nam từ Nam chí Bắc đang rên siết vì chế độ độc tài Cộng Sản tại Hà Nội liên tiếp tước đoạt tự do của con người và chà đạp nhân quyền, câu hỏi “Vì sao Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ?” từng được trả lời bằng tiếng nói và dưới ngòi bút của biết bao nhiêu tác giả, cả bạn lẫn thù, ở hai bên bờ Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vì đa số những câu trả lời cho vấn nạn này đều xuất phát từ những kẻ tự giành quyền trả lời thay cho người trong cuộc nhằm biện minh cho những nhận định sai lầm của họ về cuộc chiến đã qua, có thể nói là vẫn chưa có câu trả lời nào thỏa mãn được tâm tư và tình cảm của dân chúng miền Nam tự do, nạn nhân trực tiếp của một cuộc chiến mà xem ra chỉ để thỏa mãn tham vọng mù quáng của các lãnh tụ Cộng Sản chứ không hề có mảy may nào cần thiết cho cuộc sống và hạnh phúc của dân chúng miền Nam Việt Nam.

Năm nay, 45 năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ, người dân miền Nam tự do cũ, dù đang ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, có thể vẫn cảm thấy cần có thêm một lời giải đáp nữa cho câu hỏi “30 Tháng Tư, 1975: Vì đâu nên nỗi?” Câu hỏi này được trả lời, trước là để tưởng niệm anh linh các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vị quốc vong thân để bảo vệ miền Nam tự do trong suốt 21 năm trời tồn tại, sau là để ghi nhận công lao của hằng trăm nghìn chiến sĩ và viên chức từng xả thân bảo vệ mảnh đất thân yêu mà đành chịu cảnh đọa đày qua bao năm tháng trong lao tù cộng sản sau ngày miền Nam mất đi, và kế đó là để thắp một nén hương lòng tưởng nhớ hằng trăm nghìn thuyền nhân và bộ nhân bỏ mình trong quá trình vượt thoát gông cùm Cộng Sản, và cuối cùng là để chia sẻ tâm trạng ưu tư, lo lắng và xót xa của những người có lòng với tổ quốc và dân tộc Việt Nam trước viễn tượng toàn bộ đất nước Việt Nam thân yêu sẽ âm thầm, lặng lẽ rơi vào vòng cai trị bạo tàn và nham hiểm của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. Cộng Sản Trung Hoa nay chẳng cần phải nổ thêm phát súng nào nữa như hồi những năm 1979, 1984, và 1988 để nuốt chửng Việt Nam, bởi vì các nhà lãnh đạo Cộng Sản tại Hà Nội, vì quyền lợi tối thượng của đảng Cộng Sản Việt Nam, đã để cho Bắc Kinh nắm hết của cải và tài nguyên đất nước xuyên qua bàn tay thâu tóm nền kinh tế Việt Nam của giới Hoa Kiều cùng với đồng tiền vạn năng mà từ lâu Bắc Kinh chi trả để nuôi sống chế độ Cộng Sản tại Hà Nội, trong đó có hai lực lượng võ trang là quân đội và công an Cộng Sản Việt Nam, các thành phần lúc nào cũng chỉ biết “trung với đảng” và lâu lâu lại tỏ ra “hiếu với dân” cho có lệ mà thôi. 

Một số nguyên nhân dẫn đến thảm họa ngày 30 Tháng Tư

Hầu hết các nguyên nhân được nói đến dưới đây về thảm họa ngày 30 Tháng Tư là tổng hợp những gì mà một số chính khách, nhà văn, nhà báo, chiến sĩ, nạn nhân cuộc chiến… đề cập tới trên sách báo và truyền thanh, truyền hình khắp thế giới từ gần nửa thế kỷ qua, nhưng nơi đây có kèm theo những lời dẫn giải cho rõ ràng hơn và phù hợp với tình thần của bài viết này.

Thứ nhất, kẻ ở vị thế tấn công như Cộng Sản Bắc Việt luôn quyết chí chinh phục mục tiêu đã định, trong khi miền Nam chỉ lo phòng thủ chống lại kẻ xâm lược từ bên ngoài mà lại không đánh giá đúng mức độ tàn bạo của kẻ địch trong trận chiến. Hơn nữa, lịch sử cho thấy các chế độ độc tài vẫn dễ dàng xua đẩy dân chúng vào chỗ chết hơn là các chế độ tự do, dân chủ.

Thứ nhì, nhân dân miền Nam không răm rắp tuân theo mệnh lệnh của những nhà cai trị như dân miền Bắc, chỉ vì họ đang được hưởng một nền tự do, dân chủ khá hoàn chỉnh so với một số quốc gia đang phát triển khác vào lúc bấy giờ (như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Miến Điện, Pakistan…). Vì quyền tự do, miền Nam có hàng chục đảng phái khác nhau ngoài đảng đương quyền và hàng trăm nhân vật đối lập với chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, trong khi miền Bắc chỉ có một đảng cai trị duy nhất và hầu hết các thành phần bất đồng chính kiến đều bị bắt giam.

Thứ ba, nhìn bề ngoài thì nền kinh tế miền Nam phồn thịnh và dân chúng ấm no hơn miền Bắc, nhưng trên thực tế, cái phồn thịnh và giàu có đó phần nào tùy thuộc viện trợ Mỹ. Nền kinh tế tự túc, tự cường tại miền Nam, khởi sự dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, bị đình trệ khi Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam khởi động cuộc chiến tranh xâm lược và phá hoại. Rồi đến đầu thập niên 1970, khi Mỹ bắt đầu cắt giảm viện trợ, miền Nam Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn. Ngược lại, dân miền Bắc có mức sống thấp hơn miền Nam, nhưng cũng nhờ thế mà sức chịu đựng của họ luôn cao. Dân miền Bắc có thể bất chấp gian khổ, năm này qua năm khác, vì không còn lựa chọn nào khác.

Thứ tư, chính vì là một đất nước có tự do, dân chủ, Việt Nam Cộng Hòa thường phải đối phó với nhiều rối loạn chính trị làm cho tinh thần chiến đấu của quân và dân bị lung lay và xói mòn dần, trong đó phải kể đến các cuộc biểu tình thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, các cuộc làm loạn của sinh viên và dân chúng, v.v… Ngược lại, tại miền Bắc, chính quyền Cộng Sản không ngần ngại dùng võ lực đàn áp và dập tắt ngay lập tức các cuộc nổi dậy từ trong trứng nước, như cuộc nổi dậy của đồng bào Quỳnh Lưu (1956) hoặc cuộc thanh trừng các nhà văn và giới trí thức trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm (1958).

Thứ năm, chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ thiếu quyết tâm bảo vệ miền Nam Tự Do khỏi nanh vuốt Cộng Sản trong khi Cộng Sản Quốc Tế luôn thừa quyết tâm giúp miền Bắc chinh phục miền Nam. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì, khác với các nước độc tài, đảng trị như Liên Xô, Trung Cộng, Bắc Hàn, hoặc Cu Ba, Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ, hễ dân chúng chán ngán chiến tranh rồi thì chính phủ trước sau gì cũng phải chấm dứt cuộc chiến và rút quân về. Các cuộc biểu tình phản chiến trên khắp nước Mỹ hồi thập niên 1960 làm suy yếu rất nhiều nỗ lực yểm trợ của Hoa Kỳ cho quân và dân miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống quân Cộng Sản xâm lược. Vả lại, về mặt tâm lý, người Mỹ tuy ưa can thiệp vào chuyện người khác nhưng luôn thiếu kiên nhẫn khi gặp phải khó khăn, trở ngại, do đó họ bỏ cuộc nửa chừng tại Việt Nam khi cuộc chiến cứ kéo dài mãi. Đã thế, bản tính người Mỹ (bản xứ) lại ít khi coi trọng lòng chung thủy với cả người tình lẫn bạn bè, chơi với nhau thân như thế đó nhưng dứt áo bỏ nhau hồi nào không hay.

Thứ sáu, quân đội miền Nam Việt Nam tuy hùng mạnh hơn nhiều sau khi được trang bị khí giới và chiến cụ tối tân hơn hồi diễn ra Trận Ấp Bắc năm 1962, nhưng lại tùy thuộc nặng nề vào hỏa lực yểm trợ, chẳng hạn từ trọng pháo hay phi pháo, khiến quân đội dễ bị suy yếu một khi đạn được và hỏa lực yểm trợ suy giảm, như những năm tháng sau ngày ký Hiệp Định Paris 1973, là lúc Hoa kỳ khởi sự cắt giảm viện trợ quân sự và không cung cấp đầy đủ súng ống, đạn dược, máy bay, tàu chiến, và chi tiêu quốc phòng cho Việt Nam Cộng Hoà như trước kia nữa. Để đối phó với cuộc chiến tranh du kích của Cộng Sản tại miền Nam Việt Nam, điều thiết yếu là hỏa lực của quân phòng thủ phải vượt trội quân tấn công, bởi vì phía tấn công luôn tập trung lực lượng đông đảo hơn và luôn có lợi thế chiến trường khi họ chủ động về thời gian và địa điểm tấn công.

Thứ bảy, tinh thần chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không còn như trước sau khi chính quyền của Tổng Thống Gerald Ford rút hết quân chiến đấu Mỹ về nước và từng bước cắt hết viện trợ kinh tế và tài chánh cho miền Nam Việt Nam sau Hiệp Định Paris 1973. Ngón đòn cắt giảm viện trợ để gây áp lực buộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa phải nhường đất cho Cộng Sản hoặc gia nhập vào một chính phủ liên hiệp với phe Cộng Sản, trên thực tế, gây thiệt hại nặng nề cho nỗ lực chiến đấu chống lại cuộc xâm lược miền Nam Việt Nam của Cộng Sản Bắc Việt. Việc cắt giảm mức tiếp tế đạn được và quân trang, quân dụng cho miền Nam Việt Nam trong khi chiến cuộc đang gia tăng cường độ đặt các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào thế hết sức bất lợi, như từng được thấy rõ trong các cuộc tấn công của Cộng Quân vào Tiểu Khu Phước Long hồi cuối năm 1974 hoặc vào Xã Khánh An ở Thới Bình thuộc tỉnh An Xuyên (Cà Mau) hồi đầu năm 1975. 

Hai nguyên nhân ít được nhắc tới

Nhưng còn hai nguyên nhân nữa khiến Việt Nam Cộng Hòa không thể đủ sức chống lại cuộc xâm lược của quân Cộng Sản từ miền Bắc, lạ thay, lại rất hiếm khi được nhắc tới trong sử sách, trên báo chí, truyền thông, và trong những phim ảnh liên quan tới cuộc chiến Việt Nam. Đó là sự ngây thơ và lầm tưởng của thế giới trước những lời tuyên truyền xảo trá về cái gọi là “Thiên Đường Cộng Sản” cùng với cuộc “chiến tranh giải phóng miền Nam” và bản chất tàn bạo của các lực lượng Cộng Sản trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam tự do.

Về sự thơ ngây và lầm tưởng của thế giới, trong đó có cả một số người Việt Nam nữa, trước những lời tuyên truyền xảo trá của Cộng Sản Quốc Tế về cái gọi là “Thiên Đường Cộng Sản” và cuộc “chiến tranh giải phóng miền Nam,” tưởng cũng cần phải nhắc đến tên của các phần tử phản chiến, các lãnh tụ chính trị ganh tị với nước Mỹ và vô cớ thù ghét Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ và trên khắp thế giới, như Jane Fonda, Joan Baez, Tom Hayden, De Gaulle, Olof Palme… cũng như các sinh viên miền Nam Việt Nam được chính phủ quốc gia gởi ra ngoại quốc du học (trong đó có Nguyễn Thái Bình là một) nhưng lại tuyên truyền chống phá chế độ Việt Nam Cộng Hòa và đòi phải có hòa bình bằng bất cứ giá nào, mặc dù miền Nam Việt Nam không phải là người gây chiến mà chỉ là nạn nhân của cuộc chiến tranh xâm lược do Cộng Sản Quốc Tế phát động.

Còn về tính tàn bạo của các lực lượng cộng sản trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam tự do, xin hãy nghe lời của cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo trong cuộc phỏng vấn với đài BBC vào ngày 17 Tháng Năm, 2015, do phóng viên Nguyễn Hùng thực hiện. Tướng Đảo kể: “Một người cộng sản đã nói với chúng tôi thế này: ‘Các anh biết các anh thua, tại sao các anh thua không? Không phải tại Mỹ bỏ cái gì hết cả. Là tại anh không dám cầm súng anh bắn vô dân anh. Còn tụi tôi có chuyện [cần] làm chúng tôi vẫn phải bắn…’”

Thật không thể nào kể cho hết những hành động bạo tàn của đoàn quân xâm lược Cộng Sản qua các vụ như giết hại hàng loạt dân lành tại Huế hồi Tết Mậu Thân 1968, pháo kích bừa bãi vào xóm nhà dân tại Sài Gòn (1972), sát hại các em học sinh vô tội tại Cai Lậy (1973), nã đạn gây chết chóc cho thường dân trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” ở Quảng Trị (1972), tấn công sát hại dân di tản trên liên tỉnh lộ 7B từ Pleiku tới Tuy Hòa (1975)…

Trong cuốn hồi ký chiến trường nhan đề “Hố Chôn Người Ám Ảnh” của Trần Đức Thạch, một cựu sĩ quan trinh sát thuộc Tiểu Đoàn 8, Trung Đoàn 266, Sư Đoàn 341 Cộng Sản Bắc Việt, có đoạn kể lại chuyện Cộng Quân giết hại hàng trăm người dân vô tội tại một ấp trong tỉnh Long Khánh ngay sau khi họ chiếm được miền Nam Việt Nam hồi năm 1975.

Theo truyền thống, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa luôn bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân tại những vùng hành quân, cho nên đôi khi vì vướng víu với dân mà họ phải hứng chịu nhiều tổn thất trên chiến trường, trong khi, từ cổ chí kim, luật chơi của chiến tranh vẫn là “thắng lợi thuộc về kẻ nào tàn bạo hơn tại mặt trận.” (đ.d.)

*
April 24, 2020

--------------------------------------------

Vann Phan/Người Việt
Apr 29, 2020

Đã 45 năm trôi qua sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 bi thảm đó. Khi hàng trăm ngàn người dân miền Việt Nam chen chúc nhau, hối hả chạy theo cuộc di tản cuối cùng khỏi Sài Gòn tối 29 Tháng Tư, thì những chiếc T-54 cùng những chiến binh mặc đồ trận màu xanh lá cây, đầu đội nón cối và nón tai bèo, lấp ló đâu đó tại vùng ngoại ô thủ đô nước Việt Nam Cộng Hòa.

Thế rồi Sài Gòn sụp đổ ngay ngày hôm sau cái đêm kinh hoàng và hoảng loạn kia. Và cũng từ giây phút ấy, hàng ngàn, rồi hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn, rồi cả triệu dân chúng miền Nam Việt Nam, bằng đôi chân rớm máu hay trên những con thuyền gỗ mong manh, đã âm thầm vượt biên, vượt biển để trốn tránh chế độ Cộng Sản bạo tàn, tìm đến nương thân tại những miền đất nước tự do xa xăm.

“Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời…” nhạc sĩ Nam Lộc đã thổn thức trước cảnh nước mất, nhà tan, trong khi thành phố thân yêu thì chẳng biết đến bao giờ mới gặp lại, qua nhạc phẩm “Sài Gòn Vĩnh Biệt.”

Gần nửa thế kỷ sau cái ngày định mệnh đau thương đó, khoảng 4 triệu người Việt lưu vong trên khắp thế giới ngày nay đang tìm thấy, nơi quê hương mới, cuộc đời mới của chính mình. Phần lớn các thế hệ một rưỡi, hai, và ba của những người tị nạn cũ nay đã thành công và thành danh tại những quốc gia từng bao dung đón nhận họ tới định cư. Từ Mỹ tới Úc, Pháp, Đức, Anh, Đan Mạch… đâu đâu cũng thấy người tị nạn Việt Nam vừa đủ sức đứng vững trên đôi chân của mình vừa còn thừa tấm lòng và khả năng để đóng góp và đền ơn cho quê hương mới. 

Người Việt trên khắp thế giới
Ngày nay, người ta có thể nói câu “mặt trời không bao giờ lặn tại những vùng đất có người Việt tị nạn đến sinh sống,” tức là từ Âu sang Á, và từ Úc sang Mỹ, là nơi những con tàu vớt người vượt biển đã chọn làm điểm đến sau cùng, cho dù điểm đến đầu tiên của họ thường là các quốc gia tự do thuộc vùng Đông Nám Á.

Các con số chính thức và không chính thức cho thấy hiện nay số người Việt, hầu hết là dân tị nạn, đang sinh sống tại Hoa Kỳ là 2,200,000 người; Nhật, 372,000; Pháp, 350,000; Úc, 300,000; Canada, 250,000; Đài Loan, 200,000; Đức, 170,000; Nam Hàn, 170,000; Malaysia, 70,000; Anh, 60,000; Ba Lan, 50,000; Hòa Lan, 23,500; Na Uy, 23,000; Thụy Điển, 20,000; Thái Lan, 18,000; Bỉ, 15,000; Đan Mạch, 15,000; Thụy Sĩ, 15.000; Phần Lan, 12,000; New Zealand, 8,000; Ý, 3,000; và Philippines, 2,000. 

Thành công của người Việt tại Canada, Úc và Pháp
Các thế hệ những người Việt hải ngoại sinh sống tại những quốc gia bên ngoài Hoa Kỳ có nhiều người thành công trên thương trường hoặc trên các lãnh vực lao động, nông nghiệp hay ngư nghiệp, trong khi đó một số người khác lại thành công trên các lãnh vực chính trị, giáo dục, văn hóa, chính trị… Trong phạm vi của bài viết này, chỉ xin kể đến một số nhân vật người Việt hải ngoại đã thành công và thành danh trong số đó.

Tại Canada, có các nhà văn nổi tiếng Kim Thúy và Nguyễn Ngọc Ngạn; ba anh em diễn viên điện ảnh Lance Lưu, Charles Lưu, và Mark Lưu; Luật Sư Ngô Thanh Hải, người Canada gốc Việt đầu tiên trở thành thượng nghị sĩ tỉnh bang Ontario; và ba người Canada gốc Việt khác, là Eve-Mary Thái Thị Lạc, Anne Minh Thu, và Hoàng Mai, đắc cử dân biểu tỉnh bang Quebec…

Tại Úc, Tiến Sĩ Võ Bá Ngữ và Tiến Sĩ Võ Bá Tường đoạt giải thưởng danh giá Eureka 2010 về các công trình khảo cứu toán học, trong khi Giáo Sư Lê Văn Hiếu trở thành thống đốc đầu tiên của tiểu bang South Australia (Nam Úc) hồi năm 2014.

Tại Đức, Tiến Sĩ Philipp Rosler trở thành phó thủ tướng chính phủ liên bang nhiệm kỳ 2011-2013.

Tại Pháp, có hai nhân vật gốc Việt trẻ tuổi nổi tiếng, đó là đạo diễn Trần Anh Hùng và nữ diễn viên Phạm Linh Đan… 

Những thành công của người Việt tại Hoa Kỳ
Nhưng có thể nói rằng chỉ tại Hoa Kỳ, nơi có khoảng 2.5 triệu người Việt tị nạn sinh sống, tức chiếm gần 2/3 tổng số người Việt định cư trên toàn thế giới, những thành công của người Việt trên quê hương thứ hai của họ đáng chú ý trong hầu hết mọi lãnh vực hoạt động, từ giáo dục, xã hội, khoa học, thương mại, kinh tế, văn hóa, báo chí, chính trị, tư pháp, và đặc biệt nhất là quân sự, tức là trong binh nghiệp.

Về giáo dục, thật không sao kể cho hết tên, tuổi của những học sinh và sinh viên gốc Việt đạt điểm ưu hoặc tối ưu tại các trường trung học và đại học Mỹ. Từ các trường đại học danh giá thuộc nhóm các trường Ivy League và những trường đại học công, tư khác trong nước cho tới những trường trung học tại các thành phố lớn, nhỏ ở các tiểu bang.
Năm 2016, Luật Sư Nguyễn Thị Thúy trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào chức vụ Viện Trưởng Đại Học Foothill ở miền Bắc California. Về khoa học, phải kể đến khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, thuộc Trung Tâm Vũ Khí Hải Quân Hoa Kỳ, và kỹ sư Đức Trí Nguyễn, trong dự án đại bác thông minh 155 ly của Lục Quân Hoa Kỳ.

Về kinh tế và thương mại, người Việt có sáu doanh gia nổi tiếng tại Hoa Kỳ, đó là Hoàng Kiều, Chính Chu, Michelle Phan, Dung Tấn Trung, David Dương, và David Trần.

Về văn hoá, có nhà văn Thanh Việt Nguyễn, khôi nguyên giải Pulitzer về tác phẩm hư cấu (2016). Về báo chí, có ông Yến Đỗ (Đỗ Ngọc Yến), tổng giám đốc kiêm chủ nhiệm sáng lập nhật báo Người Việt ở Orange County (California), tờ báo Việt ngữ lớn nhất tại hải ngoại, và nữ xướng ngôn viên truyền hình Leyna Nguyễn của hệ thống KCBS-TV/KCAL-TV…

Về chính trị, ông Tony Lâm được bầu vào Hội Đồng Thành Phố Westminster, California, năm 1992, là dân cử gốc Việt đầu tiên ở Mỹ.

Ông Joseph Cao Quang Ánh của Louisiana được bầu vào Hạ Viện Mỹ năm 2008 là dân cử liên bang gốc Việt đầu tiên.

Stephanie Murphy của Florida được bầu vào Hạ Viện Mỹ năm 2016 là nữ dân cử liên bang gốc Việt đầu tiên.

Ông Hubert Võ được bầu vào Quốc Hội Texas năm 2004 là dân cử gốc Việt đầu tiên ở tiểu bang này. Cũng trong năm 2004, ông Trần Thái Văn trở thành người Việt đầu tiên được bầu vào Quốc Hội California, sau khi ông đắc cử chức dân biểu Hạ Viện.

Năm 2014, bà Janet Nguyễn trở thành thượng nghị sĩ gốc Việt đầu tiên của California, trước đó, năm 2007, bà là người gốc Châu Á đầu tiên được bầu vào Hội Đồng Giám Sát Orange County, California.

Năm 2012, Nghị Viên Trí Tạ của Westminster trở thành người gốc Việt đầu tiên được cử tri một thành phố ở Mỹ bầu làm thị trưởng.

Năm 2016, ông Rich Trần là người Việt đầu tiên đắc cử thị trưởng Milpitas.

Tại các nơi khác, nhiều người gốc Việt cũng trở thành “đầu tiên.” Tại Massachusetts, năm 2017, ông Dean Trần đắc cử chức thượng nghị sĩ tiểu bang. Một năm sau, bà Trâm Nguyễn trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên đắc cử dân biểu Hạ Viện Massachusetts.

Tại Virginia, bà Kathy Trần đắc cử dân biểu Hạ Viện năm 2017, trở thành người gốc Việt đầu tiên được bầu vào Quốc Hội tiểu bang này.

Tại Washington, năm 2018, ông Joe Nguyễn được bầu vào Thượng Viện, trong khi bà Thái Mỹ Linh được bầu vào Hạ Viên. Đây là hai người gốc Việt đầu tiên được bầu vào Quốc Hội Washington.

Về phía hành pháp, ông Việt Đinh được bổ nhiệm làm phụ tá bộ trưởng Bộ Tư Pháp năm 2001, là giới chức liên bang cao cấp nhất của người Việt ở Mỹ từ trước tới nay.

Năm 2012, Chánh Án Jacqueline Nguyễn được Tổng Thống Barack Obama bổ nhiệm làm chánh án  Tòa Kháng Án Liên Bang Hoa Kỳ. Bà là chánh án gốc Việt đầu tiên và là duy nhất hiện nay trong hệ thống tòa kháng án liên bang Hoa Kỳ.

Nhưng có thể nói rằng Việt Nam, miền đất nơi “Thần Chiến Tranh” ngự trị triền miên suốt dòng lịch sử, từ cổ chí kim, vẫn là nơi võ nghiệp rạng danh, anh hùng nức tiếng, cho dù con dân Việt Nam có sinh sống ở phương trời nào và vào thời điểm nào đi nữa.
Hiện nay, người Mỹ gốc Việt có đến năm vị tướng trong quân đội Hoa Kỳ. Đó là Thiếu Tướng Lục Quân Lương Xuân Việt, Chuẩn Tướng Không Quân John Edwards, Phó Đề Đốc Hải Quân Nguyễn Từ Huấn, Chuẩn Tướng Thủy Quân Lục Chiến William Seely III, và Chuẩn Tướng Vệ Binh Quốc Gia Châu Lập Thể.

Ngoài ra, người Mỹ gốc Việt cũng rất hãnh diện về nữ Trung Tá Elizabeth Phạm, phi công phản lực cơ chiến đấu thế hệ thứ tư F/A-18 Hornet của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ.

Hơn thế nữa, hiện có hàng chục nghị viên, ủy viên, giới chức, chánh án…gốc Việt hiện đang làm việc ở nhiều tiểu bang Hoa Kỳ.

Sau cùng, điều mà người Việt hải ngoại cảm thấy sung sướng và hãnh diện giữa những thành công của mình trên quê hương mới chính là sự hiện hữu của thủ đô tị nạn Little Saigon ở Orange County, miền Nam California, nơi có một khu thương mại sầm uất vào bậc nhất bên ngoài Việt Nam, với một con đường mang tên Sài Gòn thân thương, một đại lộ mang tên Trần Hưng Đạo thênh thang, một tượng đài Đức Thánh Trần uy nghi, một tượng đài Đại Đế Quang Trung sừng sững, một Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ trang nghiêm.

Kể từ Little Saigon này mà ngày nay có thêm nhiều Little Saigon khác, nhất là những nơi có đông đảo người Việt sinh sống. (đ.d.)







No comments: