Wednesday, April 29, 2020

VIỆT NAM CÓ THỂ ĐỤNG ĐỘ VỚI TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG? (Võ Ngọc Ánh)




Võ Ngọc Ánh
29/04/2020

Trung Quốc ngày càng hung hăng, quyết đoán trong việc tranh chấp trên biển Đông, đặc biệt với Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ rất khó có một cuộc chiến thật sự ở vùng biển đang ‘nóng bỏng’ này.

Sức mạnh vũ khí khó thắng

Theo Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế (SIPRI), có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, trong giai đoạn 2014-2018, Việt Nam là một trong mười nước mua sắm vũ khí nhiều nhất thế giới, chiếm gần 3% tổng số lượng vũ khí bán ra trên toàn cầu.

Sự đầu tư của Việt Nam tập trung tăng cường sức mạnh cho hải quân và không quân. Về hải quân, Việt Nam đang có 6 tàu ngầm Kilô mua của Nga, các tàu hộ vệ tên lửa Gepard, tàu tên lửa, tàu pháo… Không quân cũng được trang bị, nhằm mục đích hỗ trợ cho hải quân, từ hệ thống phòng không S300, 35 chiếc Su-30MK2 thuộc thế hệ thứ 4 và hơn chục chiếc Su-27SK/UBK…

Tuy được trang bị vũ khí khá nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng so với Trung Quốc, sức mạnh quân sự của Việt Nam không là gì. Dù có thể gây nhiều khó khăn cho Trung Quốc, nhưng khó lòng đánh thắng.

Trên biển, Việt Nam không dễ thực hiện chiến tranh du kích để khắc phục hạn chế về khí tài như đã từng thực hiện rất hiệu quả trong các cuộc chiến tranh trên bộ như trước đây. Nếu phải đánh nhau thật sự, Việt Nam cũng khó lòng giữ được các đảo trước sức mạnh áp đảo của Trung Quốc.

Một cuộc chiến sẽ gây nên căng thẳng toàn diện, khi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc như hiện nay, từ nông sản, cho đến nguyên liệu, thiết bị, máy móc đầu vào cho nhiều ngành sản xuất. Có thể thấy rõ, bởi điều này đã diễn ra trong quá khứ: Cứ mỗi lần Việt – Trung có chút bất đồng, nông hải sản của Việt Nam ứ đọng bên này biên giới.

Do đó, trong điều kiện hiện nay, các nhà chính trị tại Hà Nội không dễ gì chọn giải pháp đánh nhau với Trung Quốc, dù bị Bắc Kinh o ép đủ điều, bởi sự lệ thuộc của Hà Nội vào Bắc Kinh quá lớn.

Khó chọn Mỹ

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ khó dựa hẳn vào Mỹ để đương đầu với Trung Quốc. Chọn Mỹ có thể giữ được đảo, nhưng sẽ là cửa tử đối với sự độc quyền cai trị của Hà Nội. Bởi nếu dựa vào Mỹ để đánh Trung Cộng, thì Hà Nội sẽ phải chấp nhận điều kiện dân chủ hóa đất nước do Mỹ đưa ra. Điều này dẫn đến, đảng CSVN sẽ mất thế độc quyền cai trị, đây là điều mà đảng CSVN không chấp nhận trong suốt 75 năm qua.

Mặt khác, bài học của Việt Nam Cộng Hòa, của người Kurd tại Trung Đông, thỏa thuận với Taliban của Mỹ mới đây, làm cho Việt Nam dè dặt khi chọn Mỹ để chống lại Trung Quốc. Bởi Mỹ sẽ vì lợi ích của họ, chứ không phải của Việt Nam. Giữa hai bên, Bắc Kinh luôn có sức nặng hơn với Mỹ, so với Hà Nội. Cho nên, Việt Nam có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào, nếu không có lợi ích chung với Mỹ.

Chịu nhục để duy trì sự cai trị

Nếu có đụng độ trên biển Đông sẽ là quy mô hạn chế và sẽ được hai bên giàn xếp. Cuối cùng, Cộng sản Việt Nam sẽ chấp nhận điều kiện có lợi cho Trung Quốc. Có thể họ sẽ làm theo đề nghị của Trung Cộng: “Gác tranh chấp, cùng khai thác” theo kiểu Philippines dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte đang bị Bắc Kinh đưa vào bẫy hiện nay.

Nếu chấp nhận đề nghị này, Bắc Kinh sẽ đưa ra điều kiện, rằng chỉ có các đơn vị mà họ chọn, chẳng hạn như các tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc mới được quyền khai thác trong vùng này. Trung Quốc sẽ cấm cửa những đơn vị đến từ các quốc gia khác tới nghiên cứu, thăm dò, khai thác.

Trong quá khứ, Cộng sản Việt Nam đã cúi đầu chịu thiệt về lãnh thổ, lãnh hải để dựa vào Trung Quốc nhằm bảo đảm sự cai trị của mình ở Việt Nam. Đó là Trường Sa 1988, hội nghị Thành Đô 1990, hiệp ước phân chia biên giới trên bộ 20 năm trước… Do đó, không có gì bảo đảm nhà cầm quyền CSVN sẽ không đánh đổi với kẻ cướp thêm một lần nữa để duy trì sự cai trị.

Cũng khó có chuyện Cộng sản Việt Nam sẵn sàng liên kết với bên ngoài để chống lại Trung Quốc. Cho nên, có thể giải pháp cuối cùng là Hà Nội tiếp chịu nhục để duy trì sự cai trị ở Việt Nam.

Giải pháp nào?

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh cũng chưa đủ mạnh để chọn giải pháp đối đầu trực diện với Washington trên biển Đông trong lúc này. Trung Quốc cứ tiếp tục phản đối, quấy nhiễu sự hiện diện, di chuyển của tàu chiến, máy bay Mỹ và đồng minh trên biển Đông. Vùng biển này dù tiếp tục nóng, nhưng cơ bản vẫn giữ được tự do hàng hải, hàng không trong thời gian tới.

Hòa hoãn với Mỹ, nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục việc lấn dần, chèn ép các nước có tranh chấp trực tiếp. Sự thờ ơ của các nước trong khu vực Đông Nam Á như của Thái Lan, Campuchia, Lào… sẽ giúp cho Trung Quốc từ từ có được những yêu sách mà họ muốn.

Hiện nay, có lẽ giải pháp tốt nhất cho Việt Nam là dựa vào luật pháp quốc tế, cũng như tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ, Nhật, Pháp… để bảo vệ lãnh hải, tài nguyên trên biển. Cho dù “kẻ cướp” không tuân thủ luật lệ, nhưng với sức ép của nhiều nước, chúng không thể làm càn trong giai đoạn này.







No comments: