Monday, December 2, 2019

MỘT BÀI TẬP DỊCH THUẬT PHÁP - VIỆT (Hà Dương Tuấn)





Câu chuyện bắt đầu từ cuộc bàn cãi nóng cả bầu trời Xi-be về hai ông Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes. Không ai nói nhiều đến ông thầy FdP mà tập trung nã pháo hay phản pháo về ông trò AdR.

Tìm mãi thì thấy một tài liệu mấu chốt mọi người hay dùng để tranh luận, đó là một câu mà văn bản cũ nhất có lẽ từ Chương Thâu trên Talawas, xin chép lại phía dưới ảnh chụp câu trích trong nguyên bản mà bạn Nguyễn Lê Tiến đã tìm cho :



Google chụp từ bản in hồi ký của Alexandre de Rhodes

Dưới đây là bản viết lại theo tiếng Pháp hiện đại trong bài của Chương Thâu; phải nói ngay chữ Pháp thời đó không dễ đọc vì chính tả chưa được chuẩn hoá, do đó có vài lỗi chính tả không đáng kể khi chép lại (được tôi gạch dưới):

J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos Pères et nos Maîtres en ces Églises. Je suis soirti de Rome à ce dessein le 11e Septembre de l’année mil six cens cinquante deux après avois baisé les pieds du Pape”.

Dưới đây xin viết lại cho thuận chuẩn chính tả hơn :

J’ai cru que la France, étant le plus pieux Royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujettir à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos Pères et nos Maîtres en ces Églises. Je suis sorti de Rome à ce dessein le onzième Septembre de l’année mil six cent cinquante deux après avoir baisé les pieds du Pape”.

Bối cảnh : Đây là câu trích hồi ký của nhà truyền giáo dòng Tên Alexandre de Rhodes (1591-1660). Ông phụ trách truyền giáo ở Việt Nam trong giai đoạn 1624-1645 và nhiều lần bị trục xuất rồi lại được vào VN. Ông sống tại La Mã từ 1649 đến 1652; hồi ký này được xuất bản lần đầu năm 1653, trong tài liệu Google đã dẫn. Và ngay sau đoạn kể trong hồi ký, ông trực tiếp từ La Mã sang Pháp gặp nhà vua trẻ Louis 14, thành công thành lập "Hội truyền giáo viễn phương Paris" Rome Mission étrangère de Paris của dòng Tên, chứng tỏ nhiệm vụ xin giúp đỡ đã hoàn thành xuất sắc. Sau đó cấp trên giao cho ông nhiệm vụ khác.

Xin thử dịch như sau, và có mấy chú thích (đánh dấu /x/ ):

Tôi vốn tin tưởng nước Pháp, vương quốc ngoan đạo nhất thế giới, sẽ có thể cấp cho tôi nhiều chiến sĩ /a/ đi chinh phục tất cả Phương Đông để đặt dưới sự ngự trị của chúa Giê-Su, và đặc biệt nơi vùng đất ấy, tôi sẽ có thể làm sao có được /b/ các Giám mục, họ sẽ là những người Cha và Thầy của chúng ta trong các Giáo hội ấy /c/. Tôi rời La Mã theo ý định này ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi hôn chân Đức Giáo Hoàng.

/a/ - Điểm đầu cũng là điểm gay cấn nhất : Ông ấy xin lính hay không xin lính ? và dịch thế nào ? Tại sao đề nghị dịch là chiến sĩ mà không phải binh sĩ, cũng không phải thừa sai ? Chúng ta biết rằng dòng Tên là dòng tu được lập ra để đi truyền giáo viễn phương. Đây là một công việc nguy hiểm cần tinh thần quả cảm, chấp nhận gặp rủi ro và vượt qua, nên nhớ thuyền tàu bị đắm không ít, và các giáo sĩ tiền nhiệm của ông cũng chìm theo. Tinh thần của những người truyền đạo ấy chẳng khác tinh thần các tông đồ thời lập giáo. Trong kinh thánh cũng dùng chữ soldat trong nghĩa đó: "Prends ta part de souffrance comme un bon soldat du Christ Jésus " (Hãy nhận phần đau khổ như một chiến sĩ của chúa Giê Su)" -- Tin Mừng theo thánh Phaolô, thư thứ hai gửi Timothée. Bởi vậy không nên dịch là "binh sĩ", vì binh là vũ khí, binh sĩ là người cầm vũ khí, còn "ác ôn" hơn cả soldat. Cũng không nói "thừa sai" được, vì như thế chỉ là dịch từ ngữ missionaire theo nghĩa đen (người nhận -- thừa) một chuyện được (giao phó -- sai), không có cái quyết liệt của soldat.

/b/ - AdR hy vọng tại chỗ (Phương Đông) có được các giám mục, những người làm Cha và làm Thầy cho các con chiên; nhưng Giám mục là một chức rất cao trong nhà thờ, cai quản cả một vùng rộng lớn. Thời ấy tại Pháp mỗi giám mục của một vùng đất là kết quả của thương lượng giữa ba phía: cộng đồng các chức sắc của nhà thờ địa phương bầu cử để đề nghị một người, rồi nhà vua, và giáo hoàng (người thông qua và chính thức bổ nhiệm giám mục lãnh đạo vùng ấy). Như vậy không thể có việc yêu cầu nhà vua gửi giám mục sang cho ông như một chiến sĩ. Nhưng trong hồi ký ông viết bản thân ông hy vọng có được nhiều giám mục cho Phương Đông, có lẽ vì hy vọng ở việc Giáo hoàng sẽ bổ nhiệm qua đề cử của các giáo sĩ tại chỗ, không thể có thương thảo với nhà vua Việt Nam trong quan hệ căng thẳng thời ấy.

/c/ - (ces Églises) : mỗi “Giáo hội ấy” nói đến một tập hợp có cấu trúc của đạo Thiên chúa trong một vùng rộng lớn (thí dụ người ta có thể nói “Église de France” , Giáo hội Pháp), bao gồm các giáo dân và các chức sắc". Các “giáo hội ấy” nói về các giáo hội của “tất cả Phương Đông” mà ông nói đến nhiều trong hồi ký, gồm nhiều vùng và mỗi vùng sẽ do một giám mục lãnh đạo.

Hàn Thuỷ
30-11-2019


*
Pham Quang Tuan "/b/ - AdR với nhóm chiến sĩ của ông ấy sẽ đào tại ngay tại chỗ (Phương Đông) các giám mục, những người làm cha và thầy cho các con chiên." Điểm này sai. GIám mục cao hơn linh mục hay thừa sai. Giám mục có quyền phong chức linh mục, chứ linh mục không có quyền phong chức gm hay lm. Vì vậy de Rhodes cố gắng xin vua Pháp gửi giám mục sang Phương Đông, để những giám mục đó có thể phong những linh mục bản xứ, có như vậy thì mới có thể truyền đạo hữu hiệu.

(Còn về lý do tại sao lại gặp vua Pháp để xin giám mục, xin đọc tại đây: 






No comments: