Saturday, November 16, 2019

THỎA THUẬN THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT THẾ GIỚI RCEP CÓ Ý NGHĨA NHƯ THẾ NÀO? (Nguoi Viet Phone)



TRANG NÀY GỒM 2 BÀI :

Nguoi Viet Phone
.
Nguoi Viet Phone


===================================





Nguoi Viet Phone
15/11/2019

Sau 6 năm đàm phán, 15 quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đặt mục tiêu ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm 2020. Theo trang CNBC, đây sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, và không có sự tham gia của Mỹ.

RCEP bao gồm 10 nước trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, trong đó có Việt Nam, và 5 đối tác thương mại lớn của khối bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Tổng cộng, 15 quốc gia chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và khoảng 1/3 tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu. Vì vậy, RCEP sẽ lớn hơn các khối thương mại khu vực khác như Liên minh Châu Âu (EU) hay Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Ban đầu, có 16 quốc gia tham gia đàm phán RCEP, nhưng cuối cùng Ấn Độ đã quyết định rút lui vì lo ngại thỏa thuận sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước.

RCEP ra đời như thế nào?

RCEP được khởi xướng vào năm 2012 từ Campuchia, như một sáng kiến của ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước trong khối và 6 đối tác thương mại lớn.

6 quốc gia bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand và Hàn Quốc, đều đã có thỏa thuận tự do mậu dịch (FTA) riêng lẻ với ASEAN. Với việc ký kết một thỏa thuận bao trùm là RCEP, thương mại giữa các quốc gia thành viên sẽ được thúc đẩy nhờ hàng rào thuế quan được hạ thấp, các quy định và thủ tục hải quan được quy chuẩn hóa, và cánh cửa thị trường được mở rộng hơn giữa các nước hiện chưa có FTA với nhau.

16 nước bắt đầu đàm phán RCEP vào năm 2013, trong khi một thỏa thuận thương mại lớn khác là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang được đàm phán. Do Trung Quốc tham gia RCEP và Mỹ đang dẫn đầu TPP - thỏa thuận khi đó được kỳ vọng sẽ trở thành FTA lớn nhất thế giới - đã có nhiều ý kiến cho rằng RCEP sẽ là một cách để Bắc Kinh đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Washington trong khu vực.

Tuy nhiên, sau khi cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi TPP vì cho rằng đây là một thỏa thuận tồi cho Mỹ. Các nước còn lại trong thỏa thuận, gồm Việt Nam và Nhật Bản, tiếp tục đàm phán, đi đến ký kết, và thực thi TPP từ cuối năm 2018. Thỏa thuận đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tương tự như CPTPP, RCEP là một thỏa thuận không dễ dàng và là một nỗ lực của các nước chống lại chủ nghĩa bảo hộ cho dù nước Mỹ thời ông Trump chủ trương sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại.

Sau khi rút Mỹ khỏi TPP, ông Trump đã áp thuế quan lên nhiều mặt hàng từ các đối tác thương mại của Mỹ mà ông cho là có hành vi thương mại bất bình đẳng. Đặc biệt, cuộc chiến thương mại mà ông châm ngòi với Trung Quốc đã kéo dài hơn một năm rưỡi qua, gây sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đến nay vẫn chưa có hồi kết. Trong bối cảnh như vậy, sự cấp bách phải hoàn tất RCEP càng gia tăng.

RCEP có ý nghĩa như thế nào?

Văn kiện chính thức của RCEP sẽ được các nước thành viên rà soát kỹ lưỡng trước khi ký kết và công bố. Giới truyền thông và các nhà phân tích nói rằng RCEP chủ yếu mang lại lợi ích cho thương mại hàng hóa vì sẽ giảm mạnh thuế quan đối với nhiều mặt hàng. Ngoài ra, thỏa thuận sẽ cho phép các doanh nghiệp bán cùng một mặt hàng tại tất cả các quốc gia trong thỏa thuận mà không cần phải thực thi các thủ tục riêng lẻ tại từng thị trường.

Bà Deborah Elms, Giám đốc công ty tư vấn Asian Trade Centre, nói rằng cách này sẽ giúp các nhà sản xuất Châu Á bán được nhiều sản phẩm hơn tại thị trường khu vực. Đối với các công ty xuất khẩu hàng hóa ra ngoài khối, việc xây dựng chuỗi cung ứng trong các nước RCEP cũng mang lại nhiều lợi ích hơn.

Tuy nhiên, RCEP bị cho là thiếu chất lượng và quy mô như CPTPP. Cụ thể hơn, RCEP không có cam kết của các quốc gia thành viên về bảo vệ quyền của người lao động và bảo vệ môi trường như CPTPP. Chưa kể, RCEP cũng bao trùm ít ngành dịch vụ hơn, và đây chính là một lý do được cho là khiến Ấn Độ rút lui.

Vai trò của Ấn Độ

New Delhi tham gia đàm phán RCEP từ đầu, nhưng đã rút lui khỏi thỏa thuận, vì lo ngại không bảo vệ được các nhà sản xuất trong nước. Sự thận trọng của Ấn Độ chính là một trong những rào cản chính đối với tiến trình đàm phán RCEP gần đây.

Một số thành viên RCEP, trong đó có Nhật Bản, xem sự tham gia của Ấn Độ vào thỏa thuận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên phương diện kinh tế cùng vai trò của quốc gia như một đối trọng với Trung Quốc, theo công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group. Điều này dễ hiểu bởi Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba Châu Á và là một thị trường tiêu dùng lớn.

Công ty tư vấn The Economist Intelligence Unit (EIU) dự báo rằng cho dù Ấn Độ rút lui, 15 nước còn lại trong RCEP vẫn sẽ đưa thỏa thuận vào thực thi. Một báo cáo của EIU viết: “Không có Ấn Độ, RCEP giảm tầm quan trọng, nhưng con đường tiến tới thực thi thỏa thuận trở nên êm ái hơn”

-------------------------------------

Nguoi Viet Phone
15/11/2019

Không quốc gia nào có thể đạt được sự thành công giống như những gì Trung Quốc đã tận hưởng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã thổi bùng lên cuộc tranh luận về việc nền kinh tế đang phát triển nào ở Châu Á có thể thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới”. Ấn Độ và Indonesia là 2 cái tên được nhắc đến nhiều nhất.

Tuy nhiên, theo một báo cáo mới của Bloomberg Economics, không quốc gia nào có thể đạt được sự thành công giống như những gì Trung Quốc đã tận hưởng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Thay vào đó, đang có một nhóm các nền kinh tế có tiềm năng thay thế Trung Quốc, trong đó mỗi nền kinh tế đang nỗ lực tận dụng lợi thế của mình nhưng lại bị cản đường bởi những vấn đề mang tính cấu trúc như cơ sở hạ tầng không tương xứng hoặc bất ổn chính trị.

Mạng lưới phức tạp tinh vi gồm các nhà máy, nhà cung ứng, dịch vụ hậu cần và cơ sở hạ tầng vận tải của Trung Quốc được phát triển trong một thời kỳ hoàn toàn khác, được hỗ trợ bởi tiền bạc và công nghệ từ Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông ở thời điểm mà các vấn đề môi trường, quyền của người lao động chưa được quan tâm sát sao như hiện nay. Trung Quốc còn có lực lượng lao động giá rẻ, dồi dào và trong gần 3 thập kỷ gần như không đối mặt với bất kỳ rào cản nào khi thâm nhập thị trường toàn cầu.

Bloomberg Economics xem xét đến 6 khía cạnh - từ lao động đến môi trường kinh doanh - của 10 nền kinh tế Châu Á để tìm ra nền kinh tế đang phát triển nào sẽ tiến lên chiếm lĩnh “miếng bánh” lớn hơn trong ngành sản xuất.

Các chuyên gia Chang Shu và Justin Jimenez viết trong báo cáo: “Không một nền kinh tế đơn lẻ nào có khả năng đi vừa chiếc hài mà Trung Quốc để lại. Nhiều nơi có lợi thế chi phí rẻ, nhưng ngoại trừ Ấn Độ, tất cả đều có quy mô quá bé nhỏ so với Trung Quốc. Và tất cả đều phải đối mặt với các thách thức về năng lực cạnh tranh”

Ấn Độ đứng đầu về tiềm năng xuất khẩu nhờ có dân số đông đảo. Đứng thứ hai là Indoneisa, thứ 3 là Việt Nam.

Một phần vấn đề là cần phải tạo ra được các chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ mạng lưới kết nối rộng lớn giống như ở các thành phố công nghiệp của Trung Quốc.  Đây là điều không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai bởi mạng lưới đó đã được các doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc bồi đắp trong một thời gian dài.

Ví dụ như Quanzhou Kuisheng, 1 công ty sản xuất các thiết bị trang trí nhà cửa và sân vườn ở Tuyền Châu, thuộc tỉnh Phúc Kiến. Thuế quan của ông Trump khiến doanh số bán hàng của công ty sụt giảm 30%, nhưng từng đó là chưa đủ để công ty nghĩ đến việc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Thay vào đó, họ bù đắp bằng cách theo đuổi những chiến lược khác, chẳng hạn như tăng cường hoạt động ở Châu Âu.

Theo chia sẻ của giám đốc kinh doanh Will Huang: “Việt Nam có lao động giá rẻ hơn nhưng văn hóa làm việc rất khác. Những người công nhân Trung Quốc có kỹ năng tốt hơn và sẵn sàng làm thêm ngoài giờ hơn”. Không giống như ở Việt Nam, hàng sản xuất ở Trung Quốc ít khi cần đến bên thứ ba kiểm định chất lượng. Huang cho biết vài năm qua chỉ có 2 công ty đối thủ ở Tuyền Châu chuyển nhà máy sang Việt Nam.

Trung Quốc vẫn có những lợi thế khác như thị trường tiêu thụ rộng lớn và doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn. Suốt mấy chục năm qua các nhà máy Trung Quốc đã phải tự cạnh tranh với nhau, tìm ra nhiều cách để cắt giảm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất.


Thực tế, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc liên tục giảm trong mấy tháng gần đây, chủ yếu nhờ chi phí năng lượng giảm, do đó các nhà máy ở nước ngoài khó có thể cạnh tranh. Và những diễn biến tích cực của cuộc chiến thương mại có thể phần nào giúp giảm bớt áp lực lên các nhà sản xuất Trung Quốc.

Ấn Độ bắt đầu nỗ lực đuổi kịp khả năng sản xuất của Trung Quốc từ 5 năm trước, khi Thủ tướng Narendra Modi thông báo về sáng kiến "Make in India" với nhiều ưu đãi dành cho các công ty nước ngoài muốn mở nhà máy tại đây.

Đến năm 2050, Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới, và số dân trong độ tuổi lao động cũng được dự báo sẽ chạm mốc 1 tỷ người. Tuy nhiên, lợi thế nguồn cung lao động giá rẻ đã bị triệt tiêu bởi các yếu tố khác, ví dụ như cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, luật đất đai và luật lao động lạc hậu, cùng với bộ máy hành chính cồng kềnh. Đất nước Nam Á đã tiến bộ khá xa khi tăng 37 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của World Bank, nhưng vẫn đứng thứ 63 và còn cách Trung Quốc rất xa.

Câu chuyện của Indonesia cũng tương tự. Dù Indonesia xếp trên Ấn Độ về mức độ ổn định kinh tế vĩ mô nhưng bị kéo lùi bởi cơ sở hạ tầng yếu kém. Hồi tháng 09/2019, Tổng thống Joko Widodo tự thừa nhận đất nước của ông không thể thu hút các nhà máy từ Trung Quốc vì nhà đầu tư vẫn lo ngại về các luật lệ cồng kềnh phức tạp.

Một lãnh đạo của Sharp cho biết, khi Sharp muốn chuyển dây chuyền sản xuất máy giặt từ Thái Lan sang Indonesia, công ty Nhật Bản đã phải mất 2 năm để hoàn tất khâu chuẩn bị, từ thiết kế địa điểm, tìm nhà cung ứng địa phương, thử nghiệm sản xuất và giải quyết tất cả các vấn đề hành chính.

Năm 2018, Indonesia đã triển khai hệ thống kê khai 1 cửa trực tuyến nhằm giúp các doanh nghiệp có thể lấy giấy phép kinh doanh dễ dàng hơn. Nhưng động thái cũng không mang lại nhiều hiệu quả vì doanh nghiệp vẫn cần nhiều giấy phép từ chính quyền địa phương. Điều tương tự cũng tồn tại trong hệ thống thuế.

Trường hợp của Việt Nam cũng bị vướng mắc bởi vấn đề cơ sở hạ tầng. Dòng tiền đổ vào các nhà máy mới khiến đường sá và các cảng bị quá tải, ngày càng có nhiều lời than phiền và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng. Trong khi Trung Quốc sở hữu 7 trong số 10 cảng container nhộn nhịp nhất thế giới (Thượng Hải đứng số 1), 2 cảng lớn nhất của Việt Nam là cảng Sài Gòn và Cái Mép lần lượt đứng thứ 26 và 50.

Và không chỉ các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại mới. Các doanh nghiệp Mỹ đã chuyển hướng 21 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu khỏi Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019. Trong đó Đài Loan là nơi hưởng lợi nhiều nhất với xuất khẩu tăng 4.2 tỷ USD trong cùng kỳ. Mexico đứng thứ hai với mức tăng 3.5 tỷ USD, sau đó là EU tăng 2.7 tỷ USD và Việt Nam tăng 2.6 tỷ USD.

Và trong khi các nền kinh tế chạy đua sao chép mô hình sản xuất của Trung Quốc, các công nghệ mới làm cho bản chất của chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất toàn cầu biến đổi rất nhanh, khiến câu chuyện thành công của Trung Quốc ngày càng khó lặp lại. Sẽ không có một “công xưởng thế giới mới” mà đó là hàng loạt các phiên bản "Trung Quốc mini".






No comments: