Thứ Hai, 11/04/2019 - 16:35 — songchi
Thảm kịch 39 người Việt chết trong chiếc container
xe tải tại một khu công nghiệp ở Grays, hạt Essex, cách trung tâm London khoảng
32 km về phía đông vào ngày 23.10, khi đang trong hành trình tìm cách nhập cư bất
hợp pháp vào nước Anh, đã làm rúng động lương tâm cả nước Anh và thế giới.
Suốt những ngày qua, đi bất cứ nơi nào ở Anh người
ta cũng có thể nhìn thấy tin tức về sự việc bi thảm này tràn ngập báo chí Anh.
Những người bạn Anh biết tôi là người Việt, đều gửi cho tôi những đường link
thông tin và những lời chia sẻ chân thành. Thậm chí khi đang ngồi trên taxi,
người tài xế Pakistan khi biết tôi là người Việt cũng lập tức nói về chuyện
này.
Một lần nữa, bi kịch Việt Nam lại được nhắc đến, tiếp
nối của những bi kịch kéo dài trên đất nước này kể từ sau sau biến cố
30.4.1975, minh chứng qua việc người dân lũ lượt bỏ nước ra đi từ những năm
70-80 của thế kỷ XX, không bao lâu sau cái ngày VN thống nhất, với bao nhiêu thảm
cảnh vượt biển thương đau, đã khiến cho hai chữ “thuyền nhân” đi vào ngôn ngữ của
nhiều quốc gia, cho tới những cuộc vượt biên bằng nhiều con đường khác nhau
hàng chục năm sau, với đủ mọi lý do, mọi tầng lớp người Việt. Từ con đường
chính thức đi học, đi làm thuê qua chính sách “xuất khẩu lao động” của chính
quyền VN, đi du lịch rồi trốn ở lại, kết hôn, làm giấy tờ giả, kinh doanh…Trong
đó, nhập cư lậu là con đường nguy hiểm và nhiều bi kịch nhất, nhưng vẫn thu hút
ngày càng nhiều người lao động tìm cách ra đi…
Suốt những ngày qua, tôi không biết mình phải viết
gì khi đã có quá nhiều bài viết, thông tin về thảm kịch này, nhưng là một người
đang sống ở Anh, tôi nghĩ mình phải chia sẻ ít nhiều về cuộc sống người Việt tại
Anh, vì sao có nhiều người Việt cũng như nhiều người dân từ nhiều quốc gia khác
tìm cách tới Anh. Thảm kịch này chỉ là một phần rất nhỏ của cả một tảng băng
chìm về nạn nhập cư bất hợp pháp, nạn buôn người, đã và vẫn dăng diễn ra suốt
bao lâu nay, và sẽ còn tiếp tục nếu những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng
đó không được giải quyết ổn thỏa.
Cuộc sống người lao động Việt ở Anh và tại sao nhiều người
Việt muốn đến Anh.
Theo Wikipedia, người Việt tại Vương quốc Anh có khoảng
55.000-60.000 người, trong đó khoảng 33.000 người tập trung tại London, và 65%
là người từ miền Bắc và miền Trung ở đằng ngoài. Nhưng con số này có lẽ chưa
chính xác với thực tế số người Việt nhập cư lậu đang sinh sống và làm việc ở
Anh hiện tại.
So với các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Thụy
Điển…dân số ít-chỉ có chừng 5-8 triệu, thị trường lao động nhỏ, người nhập cư
khó tìm việc làm, một phần vì phải vượt qua rào cản ngôn ngữ, phần khác các
ngành kinh doanh, dịch vụ tư nhân nhỏ cũng không phát triển, trong khi đó ở Anh
dân số hơn 60 triệu, thị trường kinh doanh buôn bán nhỏ tràn lan như nấm, người
nhập cư dễ tìm việc hơn nhiều.
Cũng cần phải thấy rằng những quốc gia nào mà cộng đồng
người Việt đông đảo, làm ăn nhiều, như Anh, Đức, Ba Lan, Tiệp…thì càng thu hút
đồng bào trong nước tìm đến vì họ có thể làm việc cho người Việt, không cần học
ngôn ngữ. Không hiếm người sống ở Anh nhiều năm nhưng vẫn không sử dụng được tiếng
Anh ở mức độ đơn giản. Con gái tôi đi làm phiên dịch part-time cho tổ chức
Language Line Solutions từng gặp những trường hợp sống ở Anh đến 30 năm mà vẫn
không nói được!
Ở Anh lại có hệ thống y tế miễn phí rất hào phóng,
dù bạn chưa phải là công dân, ngay cả khi bạn không có giấy tờ sống tại nước
Anh bạn vẫn có thể đi khám bệnh miễn phí, sinh con miễn phí. Người ta thường ca
ngợi hệ thống an sinh xã hội của các nước Bắc Âu, nhưng riêng về y tế, nước Anh
hào phóng hơn nhiều. Ở Na Uy, dù đã có giấy tờ được phép sống ở Na Uy hay kể cả
có quốc tịch Na Uy, đi khám bệnh, xét nghiệm máu, tầm soát ung thư vú hay thực
hiện các dịch vụ ngừa thai…vẫn phải trả tiền, chỉ khi nào vào bệnh viện nằm mới
được miễn phí.
Cũng lại con gái tôi khi đi làm phiên dịch, từng gặp
không biết bao nhiêu trường hợp các cô gái Việt qua Anh làm việc, chưa có giấy
tờ chính thức nhưng vẫn mang bầu, sinh con, và được chăm sóc y tế hoàn toàn miễn
phí. Lúc đầu chúng tôi cứ thắc mắc tại sao đang đi làm thuê, đời sống bấp bênh,
giấy tờ chưa có mà còn sinh con làm gì cho khổ, sau mới biết nhiều người sinh
con xong sẽ tìm cách khai sinh cho con với một người có quốc tịch Anh, để đứa
trẻ sinh ra sẽ có quốc tịch Anh. Đây lại là cả một câu chuyện dài về việc làm
sao để “chạy” mua một người “bố” có quốc tịch Anh! Cứ người này làm trước rồi vẽ
đường cho người sau. Chuyện đi lậu vào Anh cũng thế, người đi trước giới thiệu,
chỉ đường cho người đi sau. Giống như chuyện lấy chồng Hàn chồng Đài ở nhiều tỉnh
miền Tây, nhiều làng nhiều tỉnh ở miền Bắc, miền Trung, nhất là Nghệ An, Thanhh
Hóa…cùng rủ nhau đi lậu vào Anh, Đức…để tìm việc. Trên chuyến xe định mệnh ngày
23.10 kia phần lớn là người thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ở Anh, hai lĩnh vực người Việt kinh doanh nhiều nhất,
là trồng cần sa và làm nail. Cảnh sát Anh đã từng bắt một số vụ người Việt trồng
cần sa. Buôn bán cần sa thì làm giàu to, nhưng ngày càng khó hơn, sau này người
Việt làm nail nhiều. Từ London cho tới Birmingham, Manchester, Leeds v.v…chỗ
nào có tiệm nail thì hầu hết là của người Việt. Ở Leeds, chỉ quanh khu vực
trung tâm, hàng chục tiệm nail từ nhỏ xíu một vài bàn cho tới rộng lớn, khang
trang, có trên chục bàn làm móng tay, vài bàn làm móng chân, đều là của người
Việt làm chủ, thợ Việt. Đến mức có những người Anh từng hỏi tôi ở VN các trường
trung học có dạy làm nail không, sao người Việt ai cũng làm nail!?
Mấy hôm nay báo chí trong nước có những bài viết về
“mặt tối” của thị trường làm móng tay của người Việt ở Anh, rằng thợ Việt bị trả
lương rất thấp, vài chục bảng một tuần, sống chen chúc trong những căn nhà chật
hẹp, lao động 6 ngày/tuần, mỗi ngày có khi 10 tiếng, như nô lệ. Những cảnh tượng
đó nếu có chắc là hiếm, tôi xin khẳng định người Việt làm nail ở Anh kiếm sống
rất khá. Nếu như mức lương của một thợ làm tóc tại các salon từ £8.21/giờ (là mức
lương tối thiểu ở Anh) cho tới khoảng £9.50/giờ tùy theo tay nghề và kinh
nghiệm, lương thợ thực hiện các dịch vụ làm đẹp như chăm sóc da, lông mày lông
mi…; hay thợ làm nail người bản xứ hoặc người nước khác cũng chỉ ở mức đó thì
các ông bà chủ người Việt trả lương cho thợ Việt cao hơn nhiều.
Một thợ nail người Việt tùy theo tay nghề, kinh nghiệm
sẽ được trả từ £450-£700/tuần, bao luôn chỗ ở, tuần làm 6/ngày, mỗi ngày 8-9 tiếng.
Có những chỗ ở trên London trả lương thợ nail £120/ngày. Như vậy một thợ nail sẽ
kiếm được khoảng hơn £1,800-£2,800, thậm chí £3,000/tháng, trước thuế. Mức
lương này phải nói là quá cao, nếu so với nhiều người có bằng đại học, trên đại
học, đi làm công chức cũng chỉ chừng £1,800 trước thuế.
Thợ nail Việt hầu hết không nói được tiếng Anh, nên
khi xin việc, thường yêu cầu chủ lo luôn chuyện ăn ở, hoặc chí ít cũng là chỗ ở,
vì họ không có ngôn ngữ, không biết làm sao để đi thuê nhà, làm giấy tờ hợp đồng,
nếu là người mới từ VN qua thì không rành đường xá…Vì lẽ đó, nhiều chủ tiệm
nail lớn thường thuê luôn một căn nhà cho tất cả thợ Việt cùng ở, người thợ khỏi
phải tốn tiền thuê nhà, thu nhập làm ra chỉ ăn uống tiết kiệm và để dành gửi về
VN. Ăn ở có phần chật hẹp, không được thoải mái, nhưng người Việt đi làm xa đâu
có nề hà gì.
Cái khác nhau giữa thợ nail Việt làm cho chủ Việt và
thợ nail người Anh hoặc người nước khác làm việc tại các salon nail của người
Anh hoặc người nước khác, đó là người Anh tuân thủ luật pháp, luật lệ, hợp đồng
làm việc soạn thảo đàng hoàng, lương lãnh ra người chủ sẽ trích lại một phần để
đóng thuế thu nhập (Income Tax) và bảo hiểm (National Insurance) cho thợ, người
thợ sẽ được hưởng một năm bao nhiêu ngày nghỉ ăn lương heo đúng luật, cứ nhân số
ngày làm việc trong tuần với 5.6 là ra số ngày nghỉ trong năm, nếu đau ốm liên
tiếp 4 ngày thì có tiền bệnh, nếu người thợ muốn thì có thể yêu cầu người chủ
cùng đóng lương hưu cho mình (thợ đóng góp 5% mức lương hàng tháng, chủ doanh
nghiệp phụ 3%) v.v…Tất cả những quyền lợi này thợ Việt làm cho chủ Việt hoàn
toàn không được hưởng gì. Đau ốm tự lo, không có ngày nghỉ lễ. Đa phần những tiệm
nail do người Việt làm chủ thường chỉ khai thợ làm chừng 16 giờ cho tới tối đa
20 giờ/tuần trong khi thực tế thợ làm có khi 48 giờ/tuần, thậm chí hơn. Khai
như thế cả chủ cả thợ đều trốn được thuế, nên ai cũng hài lòng!
Riêng tôi, không phải là công dân Anh lại vốn nhát
nên nhất nhất cái gì cũng theo đúng luật mà làm, hợp đồng cho nhân viên cũng phải
do cố vấn lao động người nước ngoài thảo đàng hoàng, bao nhiêu ngày nghỉ, quyền
lợi đều đúng luật. Tôi cũng kinh doanh trong lĩnh vực làm tóc, làm đẹp và cả
nail, nhưng không hề dám thuê đồng bào mình làm nail vì trả lương không nổi!
Xin hỏi lợi nhuận ở đâu mà các tiệm nail Việt có thể
trả lương cao ngất ngưởng như vậy? Nếu như mặt tốt là vì người Việt nổi tiếng với
nghề nail nên các tiệm nail Việt thường là đông khách, nhưng mặt khác, những
người kinh doanh cũng biết tìm đủ cách để lách thuế, để có thể có lời. Mà chuyện
này thì không chỉ người Việt. Các cộng đồng nhập cư đến từ các quốc gia đang
phát triển khác cũng vậy thôi.
Từ lâu, các tiệm nail chủ Việt, thợ Việt đã nằm
trong “tầm ngắm” của cảnh sát Anh và các tổ chức nhân quyền vì họ biết người Việt
mở tiệm nail thường tìm nhiều cách để lách thuế, một số thợ không có giấy phép
lao động ở Anh, và trong con mắt họ thì làm việc với số giờ như vậy dù được trả
lương cao vẫn là bóc lột sức lao động, vi phạm nhân quyền.
Nhưng với người Việt, cho dù có phải ở chật chội,
làm nhiều, ngày Chủ nhật còn lại chỉ dành để giặt giũ, dọn dẹp và ngủ, thì mức
lương đó vẫn là quá tuyệt vời, ở VN người lao động ở những tỉnh thành nhỏ, vùng
quê nghèo, kiếm đâu ra được £100/tháng chứ đừng nói 2,3 ngàn.
Đó là lý do tại sao nhiều người Việt tìm đến Anh và
nhiều quốc gia phát triển có cộng đồng đang ăn nên làm ra khác, bất chấp cái giả
phải trả không chỉ là hàng chục ngàn bảng mà có khi còn cả tính mạng!
*
*
Thứ Hai, 11/04/2019 - 16:48 — songchi
Vì sao nhiều người Việt đi làm nail và kinh doanh nghề
nail ở Anh và nhiều nước khác?
Ở vùng phía Bắc nước Anh, người Pakistan thường mở
nhà hàng, làm tài xế taxi hoặc làm luật sư lo về giấy tờ kinh doanh (ví dụ ở
Leeds hay ở Manchester, tôi bước chân lên cái xe taxi của hãng Amber thì 10 lần
có đến 9 lần tài xế là người Pakistan), người Philippines nổi tiếng với nghề phụ
việc nhà, gọi là au pair, hoặc y tá tại nhà. Phụ nữ Pakistan khi mở tiệm làm đẹp
thường giỏi về vẽ lông mày, waxing, threading. Còn người Việt thì làm nail.
Với một người không giỏi ngoại ngữ, làm nail là một
nghề dễ học, dễ làm, không cần phải sử dụng ngôn ngữ nhiều, học bằng thực tế,
không cần phần lý thuyết. Trong khi đó nếu học nghề cắt uốn tóc, thời gian kéo
dài 1-2 năm, học và thi cả lý thuyết lẫn thực hành. Học trang điểm, massage,
hay chăm sóc da, cái gì cũng có phần lý thuyết, thi lấy giấy chứng nhận, hoặc
có bằng mới làm được. Không có nhiều chủ người Việt kinh doanh mở tiệm tóc hay
làm đẹp, vì nhiều người trong số họ cũng không giỏi tiếng Anh, không “điều khiển”
thợ bản xứ được, nên tốt nhất là cứ mở tiệm nai, thuê người Việt.
Công bằng mà nói, thợ nail Việt siêng năng, cần mẫn,
khéo tay, về mặt kỹ thuật làm móng thì vững, nhưng về mặt nghệ thuật như
design, vẽ móng, trang trí thì không bằng thợ Ba Lan, Hunggary hay Hy Lạp.
Trang trí, vẽ móng là cả một thế giới làm đẹp cho móng đòi hỏi phải đi học và
phải có khiếu thẩm mỹ, biết vẽ.
Nhưng sản phẩm nào thì giá cỡ đó. Những bộ móng được
vẽ vời, trang trí, tô điểm cầu kỳ công phu, thực hiện mất cả hàng một, hai, ba
tiếng kia giá phải lên tới £50-60/bộ, trong khi bộ móng acrylic
extensions-white tips or colours, tiệm nail Việt làm chừng 45-50 phút, giá chỉ
chừng £20-25 thôi.
Nhập cư lậu và buôn người-câu chuyện cũ đã hàng chục năm
nay…
Từ hơn 10 năm trước, lúc mới bước chân ra khỏi VN và
có cơ hội đến Đức, Ba Lan, Tiệp khắc, tôi đã nung nấu ý định làm một bộ phim
tài liệu về nạn xuất khẩu lao động và buôn người tại các quốc gia Đông Âu cho tới
Malaysia, Đài Loan v.v…Bộ phim tài liệu dự tính có tên “Việt Nam-từ xuất
khẩu lao động đến nạn buôn người” (“Vietnam- From Labour Export to
Human Trafficking”). Tôi đã đọc và thu thập những bài báo, đã liên hệ với một
số tổ chức như Hiệp hội nhân quyền quốc tế (ISHR), Frankfurt, Đức (hiệp hội này
là một thành viên của CAMSA, Liên minh bài trừ nô lệ mới ở Á Châu), Văn phòng của
tổ chức Camsa-một tổ chức độc lập của người Việt chống nạn buôn người lao động
tại Malaysia (Tổ chức CAMSA (tên viết tắt tiếng Anh của Liên minh bài trừ nô lệ
mới ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia), Trung tâm giúp
lao động và cô dâu VN tại Đài Loan v.v…; đã gặp và phỏng vấn rất nhiều người Việt
đang sinh sống và lao động tại Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc.
Từ những ngày đó tôi đã nghe không biết bao nhiêu
câu chuyện bi thảm của những người Việt rời nước ra đi làm thuê ở xứ người
thông qua các chương trình “lao động xuất khẩu” của nhà nước VN, cho tới những
con đường nhập cư lậu vào các quốc gia Đông Âu thông qua vé du lịch đi Nga chẳng
hạn.
Hẩu hết người lao động Việt Nam khi chấp nhận rời bỏ
nhà cửa, gia đình, quê hương đi làm thuê ở xứ người đều có hoàn cảnh nghèo khó,
vất vả, không có công ăn việc làm hoặc có mà không đủ sống ở trong nước. Khi nộp
đơn xin đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài, họ phải nộp một lệ phí khá cao cho
các công ty môi giới lao động trong nước với nhiều lý do là làm thủ tục giấy tờ,
tiền đặt cọc để ngăn ngừa họ bỏ việc khi chưa xong hợp đồng v.v… Để có được số
tiền này, hầu hết họ phải cầm cố nhà cửa, đất đai, vay nợ ngân hàng hoặc vay mượn
họ hàng, người quen…Về sau này là nộp tiền cho những kẻ môi giới đưa người đi
nhập cư lậu-như chúng ta vừa nghe qua thảm kịch ngày 23.10, số tiền lên đến hơn
£30,000/người!
Do vậy mỗi người khi phải ra đi đều gánh trên vai một
món nợ khá là nặng nề và họ phải làm việc bất kể trong điều kiện như thế nào,
trước hết là để trả nợ, để nuôi gia đình ở nhà, và sau đó là gom góp ít vốn trở
về nhà. Do khao khát muốn đi làm để kiếm tiển nhưng lại thiếu hiều biết, những
người nghèo ở Việt Nam muốn đi lao động ở nước ngoài rất dễ bị bắt nạt, bị thiệt
thòi, xử ép, thậm chí bị lừa, từ những công ty môi giới ở trong nước cho đến những
công ty lao động ở nước ngoài.
Phía sau mỗi người đi làm thuê ớ xứ người là cả một
gánh nặng gia đình phải cưu mang, là những câu chuyện đời đắng cay, đầy nước mắt.
Đã vậy, khi chấp nhận ra đi làm thuê ớ xứ người, nhiều người lại phải chịu thêm
những bi kịch khác. Có người làm việc vất vả quá chịu không nổi, bị cho nghỉ hoặc
bỏ ra ngoài rồi bị cảnh sát bắt, trục xuất về nước. Có người đi làm xa lâu quá
chồng hay vợ ở nhà thay lòng đổi dạ, thế là mất chồng, mất vợ, gia đình ly tán.
Lại có người cả chồng lẫn vợ đều đi làm ăn xa, con cái ở nhà không ai chăm nom
dạy dỗ, đâm ra hư hỏng, bỏ học, phạm pháp phải vào tù. Có người thiếu may mắn
hơn lại gặp phải công ty môi giới chuyên lừa đảo, phải sa chân vào con đường mại
dâm, làm gái điếm ở nước người. Lại có người bị tai nạn lao động trở thành tàn
phế, thậm chí bị chết….
Tiếc rằng bộ phim không tìm được nguồn tài trợ nên
không thể thực hiện. Vài năm sau tôi lại cố gắng xin tài trợ từ quỹ Norsk
faglitterær forfatter- og oversetterforening (NFFO) (Norwegian
Non-Fiction Writers and Translators Association) để viết cuốn sách có cùng
tên, cùng chủ đề nhưng cũng không nhận được tài trợ. Có lẽ với Na Uy đây không
phải là vấn đề họ quan tâm lắm vì không trực tiếp xảy ra trên đất nước họ?
Ngoài con đường “xuất khẩu lao động”, sau này, người
lao động Việt lại lũ lượt rủ nhau tìm đường đi lao động chui. Từ Anh cho tới
các quốc gia châu Âu khác, tình trạng người nhập cư lậu nói chung và người Việt
nói riêng chẳng còn là hiện tượng mới mẻ gì mà đã có từ hàng chục năm nay, các
tổ chức buôn người ngày càng hoạt động tinh vi, mức độ quy mô hơn, với những đường
dây nối dài từ Nga, từ Trung Quốc sang các nước châu Âu và điểm dừng cuối cùng
thường là Đức hoặc Anh.
Từ năm bảy năm trước nước Anh và thế giới đã được biết
đến những câu chuyện, những hình ảnh bi thảm về “người rơm” (người nhập cư lậu)
do chính một số nhà báo tự do người Việt lẫn quốc tế viết lại, quay lại, về những
con người đã phải trải qua những hành trình dài gian khổ, nguy hiểm rồi ăn chực
nằm chờ ở trong những khu rừng của thành phố cảng Calais, Pháp trước khi tìm đường
vào nước Anh. Chính phủ Pháp đã cố gắng càn quét, dẹp sạch khu vực này vào
tháng 10.2016 nhưng cho đến bây giờ, vẫn có những lán trại người Việt và người
nước khác tìm cách nhập cư lậu vào Anh ở đây.
Hiện tượng không mới. Những câu chuyện về thân
phận người Việt tìm đường đi làm thuê ở xứ khác thì vẫn thế, còn nguy hiểm hơn
vì không phải đi "chính thức" theo ngạch "xuất khẩu lao động"
mà là đi lậu, nhập cư bất hợp pháp vào nước khác. Còn lại vẫn là nợ nần, máu và
nước mắt, và những kẻ buôn người ăn nên làm ra trên sự may rủi, sống chết của
người khác.
Bi kịch từ đâu?
Nếu bi kịch 39 người Việt chết ở hạt Essex, nước Anh
ngày hôm nay không xảy ra thì sớm muộn cũng xảy ra.
Có những bài báo của nhà nước VN còn lên tiếng rằng
“đừng cái gì cũng đổ lỗi cho chính quyền”, hoặc thậm chí, cho rằng xảy ra thảm
kịch này là do…chính sách nhập cư khó khăn của nước Anh.
Các nước phát triển ở châu Âu từ mấy chục năm nay đã
khốn khổ với tình trạng người nhập cư nói chung và nhập cư bất hợp pháp nói
riêng. Ở Anh có những khu vực, thành phố mà người nhập cư chiếm đa số và dần dần
biến khu vực đó, thành phố đó thành “xứ” của họ, ví dụ Bradford hay Birmingham
chẳng khác nào những thành phố của người Hồi giáo với bảng hiệu, cửa hàng, quán
xá đặc trưng về văn hóa, với hình ảnh phụ nữ Hồi giáo trùm kín từ đầu tới chân,
đàn ông Hồi giáo mặc trang phục của họ đi ngoài đường. Ở những nơi như vậy, người
nhập cư có thể ăn thức ăn của nước mình, sử dụng các dịch vụ của đồng bào mình
và có thể sống cả đời không cần phải nói tiếng Anh, không cần phải hội nhập.
Bao nhiêu vấn đề nảy sinh từ những khác biệt về văn
hóa, tôn giáo cho tới vấn đề cung cấp công ăn việc làm, an sinh xã hội, tình trạng
tội phạm v.v…
Vấn đề về người nhập cư và làm sao giải quyết cân bằng
giữa những lý do nhân đạo và những xung đột, mâu thuẫn khác luôn luôn làm đau đầu
chính phủ các nước phát triển nói chung và nước Anh nói riêng. Dù nhân đạo, họ
cũng không thể mở toang cửa hay dễ dãi hơn để người nhập cư vào thoải mái, và
ngoài Mỹ, thì Anh thì là một trong những điểm đến ưa thích của công dân nhiều
quốc gia. Cho nên thật vô lý khi trách chính sách cho nhập cư của họ khó khăn.
Nhà nước VN phải tự hỏi mình rằng đâu là nguyên nhân
gốc rễ của hiện tượng người Việt vẫn tiếp tục bỏ nước ra đi, không ngừng, từ
sau ngày VN thống nhất cho đến tận bây giờ, hơn 40 năm sau? Những năm đầu khi
hàng trăm ngàn người Miền Nam bỏ nước ra đi, nhà cầm quyền còn đổ thừa rằng đó
là những con người không có tinh thần yêu nước, những kẻ ham bơ thừa sữa cặn,
ham bám đuôi người Mỹ, không chịu được xã hội mới nên bỏ đi.
Nhưng bây giờ sau hàng chục năm, người Việt vẫn bỏ
nước ra đi, bằng mọi cách, thuộc mọi tầng lớp khác nhau, từ những người dân
nghèo tìm đường đi làm thuê ở xứ người cho tới tầng lớp du học sinh, trí thức học
xong rồi tìm đường ở lại, thậm chí cả tầng lớp giàu có, đang thành đạt, những
người đang làm việc cho bộ máy nhà nước, đảng viên đảng cộng sản cũng tìm đường
cho con cháu họ ra đi và cho chính họ, một “bãi đáp” sung sướng, nhàn hạ sau
khi đã về hưu. Như vậy có lý do gì để đổ thừa ngoại trừ một thực tế rành rành
là sự thất bại của đảng và nhà nước cộng sản VN trong việc tạo ra một đất nước
khiến người ta vui vẻ sống và không nghĩ đến chuyện bỏ nước ra đi?
44 năm cầm quyền duy nhất, đảng và nhà nước cộng sản
VN phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của họ trong việc xây dựng VN trở thành
một quê hương đáng sống, một môi trường xã hội trong lành và bình yên về mọi
nghĩa, một thị trường lao động công bằng với mức thu nhập đủ sống cho người
dân. Đó là những yêu cầu tối thiểu!
Đảng và nhà nước cộng sản là một đảng cầm quyền thất
bại về mọi mặt, chỉ trừ việc bằng mọi giá giữ được chính quyền và họ cũng chỉ cần
có thế, bất chấp hiện trạng và tương lai đất nước, dân tộc. Hệ thống chính trị-xã
hội độc đảng độc quyền mang cái vỏ Mác Lênin, cái vỏ XHCN nhưng ruột thì là
phong kiến cộng với độc tài cộng với tư bản thời hoang dã, là một hệ thống thất
bại, đáng phải vứt vào sọt rác từ lâu.
Dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, VN là một quốc
gia thất bại từ kinh tế, y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa, đạo đức xã hội,
chính sách ngoại giao cho đến chính sách phát triển về con người và hệ quả của
nó là việc dòng người vẫn tiếp tục bỏ nước ra đi. Bốn mươi năm trước thì một nửa
trong số họ vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương, hoặc trải qua những bi kịch mất
sạch tất cả, bị cướp bóc, hãm hiếp trước khi đến được bến bờ tự do, bốn mươi
năm sau là những cái chết khát-chết ngạt, chết cóng trong container xe tải, chết
đói chết bịnh hoặc cũng lại bị cướp bóc, hãm hiếp trên những hành trình dài ra
đi.
Và bi kịch 39 người chết hôm nay sẽ không dừng lại.
Khi nào VN chưa thay đổi về thể chế chính trị xã hội để VN có thể phát triển
thành một quốc gia đáng sống hơn.
Có dân tộc nào phải trải qua hết bất hạnh này đến bất
hạnh khác như dân tộc tôi, đồng bào tôi?
No comments:
Post a Comment