Tháng 10, 2015. Tôi đang ở Mù Cang Chải. Dừng chân tại
một cửa hàng gần lối rẽ lên thửa ruộng mâm xôi nổi tiếng để mua nước, bỗng có
tiếng quát từ phía trong dội ra: "mày có mua gì không, không thì cút
đi!". Rồi bước từ phía trong ra là bà chủ quán, mắt lườm về phía một gia
đình người H'mong có con nhỏ, người mẹ muốn mua thạch rau câu cho con của mình,
nhưng chần chừ...
Rồi thỉnh thoảng tôi lại thấy xuất hiện các đoạn
video clip ghi lại cảnh các nhóm người H'mong đánh nhau với cảnh sát giao
thông, hoặc cảnh sát địa phương, hầu hết xảy ra ở Lào Cai, đánh rất ác liệt.
Nhiều người cho rằng đó là do người thiểu số ít học
nên cục tính. Nhưng không phải vậy. Họ thực ra đang trút giận, nỗi giận vì đất
đai, bản sắc, lối sống và danh tính của họ đang bị mất đi.
Người H'mong và các sắc dân bản địa khác ở vùng núi
phía Bắc đã sinh sống trong một trật tự ổn định kéo dài nhiều trăm năm, các vua
dưới đồng bằng thường tôn trọng trật tự đó và hiếm khi thể hiện ý định cai trị
trực tiếp, mà thường để cho các thiết chế xã hội địa phương tự trị. Ngay cả khi
người Pháp xâm lược Việt Nam và xây các tiền đồn ở các vùng cực phía Bắc, họ
cũng không dám thay đổi thiết chế ấy.
Khi Hồ Chí Minh làm chủ tịch nước thì có mời vua của
người H'mong vùng Đồng Văn về làm đại biểu quốc hội, và thành lập khu tự trị Việt
Bắc năm 1959, đồng thời thì khu tự trị Tây Bắc cũng ra đời. Một bước đi rất
khôn ngoan nhằm thu phục người dân ở vùng này và tránh khiến họ hiểu nhầm rằng
chính phủ mới sẽ đe doạ lối sống của họ. Tuy nhiên sau năm 1975 thì các khu tự
trị bị giải thể.
Nhưng phải đợi đến khi sự di cư ồ ạt thiếu quy hoạch
của người Kinh lên các vùng này, từ Điện Biên, Lai Châu sang Lào Cai và Hà
Giang đất đai bị lấy để xây thị trấn, các khu du lịch, khách sạn. Cán bộ từ
xuôi lên làm lãnh đạo không hiểu ngôn ngữ và phong tục bản địa, cộng với chính
sách nghi kị tôn giáo thì mâu thuẫn mới được đẩy lên cao. SAPA có lẽ là điển
hình của tình trạng này. Chắc không ai tưởng tượng được Sapa từng là vùng đất của
người H'mong, người Dao, người Tày, người Giáy.
Năm 2011 biểu tình nổ ra ở Mường Nhé, nhà nước đổ lỗi
cho các thế lực thù địch xúi bẩy dân chúng. Nhưng qua nói chuyện với những người
trực tiếp tham gia biểu tình năm đó, và giờ đang tỵ nạn ở Thái Lan, tôi mới hiểu,
họ biểu tình vì tôn giáo của họ bị đàn áp, các cán bộ địa phương đối xử với họ
tệ bạc, đơn cử, có gia đình này, con gái không được thi tốt nghiệp cấp ba vì
gia đình theo đạo Tin Lành, uất ức quá nên cả gia đình băng rừng qua Lào. Hàng
ngàn người H'mong bản địa ở Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai đã bị trục xuất khỏi
địa phương vì không chịu từ bỏ niềm tin tôn giáo, người thì chạy sang Lào, người
xuống Đắk Nông, người qua Thái Lan.
Du lịch đại trà, các đoàn người từ xuôi kéo tới những
vùng của người bản địa, dí máy ảnh vào con cái họ, xông vào bản, vào nhà họ và
nhìn họ như thể đang nhìn một giống gì đó. Các trung tâm nơi thường diễn ra chợ
phiên, hoạt động văn hoá và kinh tế đặc trưng của người bản địa, nay cũng bị
người Kinh làm cho thay đổi. Sự bất bình đẳng trong thu nhập giữa người Kinh với
người bản địa. Và sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ công. Đặc biệt
là chính sách Kinh hoá trong giáo dục.
Tất cả tạo nên cảm giác ấm ức và bất lực nơi người địa
phương.
Vai trò của nhà nước trong việc này vô cùng quan trọng,
cần phải chấm dứt việc cho phép đầu tư khai thác du lịch quá mức ở những vùng đất
của người bản địa. Phải địa phương hoá bộ máy hành chính và chương trình giáo dục.
Phải chấm dứt tình trạng đàn áp tôn giáo. Phải khôi phục văn hoá và lối sống của
cư dân địa phương... và nhiều hành động hơn nữa. Thì mới có thể ngăn chặn nguy
cơ của một cuộc xung đột sắc tộc, vâng, xung đột sắc tộc, một trong những loại
hình xung đột mà nếu xảy ra thì sẽ rất khốc liệt.
Tôi không hề nghĩ là mình đang bi quan hoá vấn đề, nếu
quan chức nhà nước ngồi xuống lắng nghe những sự tủi hờn mà người địa phương giấu
ở trong sâu thẳm tâm trí họ, thì có lẽ sẽ cảm thấy sợ. Giống như tôi bây giờ. Vẫn
còn thời gian để sửa sai nên hãy hành động.
Còn nguời Kinh, dù là một người bình thường không có
quyền hành gì, chí ít, hãy tỏ ra tôn trọng khi đi tới những vùng đất của người
bản địa. Đừng thể hiện như thể mình là kẻ thượng đẳng.
No comments:
Post a Comment