Thursday, November 7, 2019

CHÚT TÂM SỰ THUYỀN NHÂN VƯỢT BIỂN (Trần Kiêm Đoàn)






06/11/2019

Chào mừng Hội Ngộ Thuyền Nhân của Hội Đồng Hương Thừa Thiên - Huế 2019

Sao rơi cuối bãi vội vàng,
Tóc mây khăn lệ tiễn chàng ra khơi
Hạt Cát


Mới đó mà đã 37 năm, tính từ khi chúng tôi vượt biển, vượt biên giới hải phận Việt Nam sang Hồng Kông, rồi tới Phi Luật Tân và đến Hoa Kỳ năm 1982. Từ 1975 đến 1995 có khoảng 800.000 người Việt vượt biên ra khỏi nước bằng nhiều phương tiện nhưng 95% là bằng ghe thuyền nên thế giới gọi họ là Thuyền Nhân (Boat People). Con số biết được là những thuyền nhân còn sống sót lên bờ. Nhưng số thuyền nhân đã vĩnh viễn nằm xuống giữa đường vì nạn bị giết, bị hải tặc, trộm cướp, giông bão, lạc đường, đói khát… khó biết được chính xác là bao nhiêu nhưng hẳn nhiên là không nhỏ.

Tưởng đâu trang sử nhân sinh buồn đã xếp lại, không ngờ 42 năm sau, ngày 23 -10 - 2019, lại một hình thức “vượt biên” khác xẩy ra trước đôi mắt kinh hoàng mở lớn của cả thế giới khi 39 người Việt Nam nhập cảng lậu vào nước Anh bằng cách trốn trong thùng xe tải đông lạnh. Tất cả đều đã chết trong tình trạng nghẹt thở và bi đông cứng. Tôi đã làm một bài thơ nhan đề: Việt Nam Ơi… Khóc Những Niềm Đau:      

Trích:
Cho đến một ngày tôi là Thuyền Nhân:
Vượt đại dương trên chiếc ghe nan đan bằng tre thiếu dầu sơn quết,
Trốn quê Mẹ giữa hai đầu sống chết.
Boat people! Nhân loại thốn tâm...
Bao nhiêu cánh hải âu đã gãy.
Bao thân tàn ma dại vượt biên.
Bao thân xác tiêu diêu trong bụng cá,
Dưới đáy biển sâu,
Sóng ngùi chưa lặn,
Người về đâu,
Xương trắng vẫn còn.
Rồi nửa thế kỷ sau,
Cứ tưởng vạn niềm đau đã khép,
Từ quê người nghe tiếng vọng... lao xao:
“Có bao giờ quê hương ta đẹp như thế này đâu!”
Ai đã nói hãy cúi đầu tự hỏi:
“Nước bốn nghìn năm có thời nào đến nỗi,
Quê Mẹ rốn lìa sinh tử ra đi!”
Có bao giờ quê hương ta nghe lời nhắn Trà My,
(Hăm ba, tháng mười, hai không một chín):
“Con xin lỗi bố mẹ nhiều,
Con đường đi nước ngoài không thành.
Con đang chết vì không thở được.”
Ba mươi chín mạng người chết trong thùng xe vì không thở được:
Nhân loại rụng rời tiếng nói Việt Nam!
Chết đau thương như số phận mấy cùi hàng,
Không gian rộng thân phận người khép lại,

Việt Nam ơi... hãy khóc những niềm đau:
Quê hương ta có khi nào tức tưởi thế này đâu!
Thuyền Nhân trước nay thành “Thùng Nhân” Việt...
Boat People hoá thành “Load People”.
Xin cầu nguyện cho những linh hồn vừa khuất bóng.
Giải oan khiên nầy thức tỉnh tận lương tri,
Chết là hết, hết hận thù sướng khổ,
Nguyện sớm về yên nghỉ cõi an vi.

Và khi dịch sang tiếng Anh, tôi không biết gọi lớp người vượt biên bằng thùng xe tải nầy là gì. Theo thông tin và báo cáo thì hoạt động chở người nhấp cư lậu như thế nầy đã trở thành một thị trường kinh doanh buôn người từ Việt Nam, Trung Quốc… đã chuyển lậu hàng trăm nghìn người từ mấy chục năm qua. Để cho có vần với “Boat People” trong khái niệm Thuyền Nhân, tôi tạm dịch là “Load People” (là một khối lượng hàng hoa chở trong xe tải). Khi chuyển qua tiếng Việt tôi phải dùng từ “Thùng Nhân” vì vừa diễn tả được là người chở trong thùng xe, vừa họp vần với “Thuyền Nhân”. Nhà thơ Nguyễn Minh ở Modesto đã vui miệng đòi ghi từ “Thùng Nhân” như một từ mới vào từ điển do tôi đặt ra…! 

Có thể nói “Thuyền Nhân” là một hiện tượng có một không hai trong lịch sử Việt Nam mà Huế là một tụ điểm ở tầm mức quốc gia. Bờ biển Việt Nam dài 2.200 km nhưng bờ biển từ Cửa Việt đến Lăng Cô là nơi có hoạt động vượt biên cao điểm nhất. Người dân ở các làng kế cận và ven biển có tỷ số người vượt biên tới 93% dân số nói chung và 98% trong độ tuổi thanh niên. Bởi vậy, hội Đồng Hương Thừa Thiên Huế Sacramento chọn chủ đề HỘI NGỘ THUYỀN NHÂN cho buổi họp mặt mùa Thu năm nay, 2019, là một việc làm rất có ý nghĩa về cả ba mặt văn hoá, xã hội và lịch sử.

Để “hâm nóng” một mảnh quá khứ của thực trạng tâm lý và hoàn cảnh vượt biên, tôi đã viết trong hồi ký như sau:

Trong đêm vắng lúc nửa khuya về sáng ở miền quê chuyên nghề đánh cá vùng duyên hải thường thức dậy theo tiếng xành xạch của máy dầu cặn đưa tàu ra khơi.  Vùng biển Hải Nhuận chỉ có bãi ngang nên tất cả thuyền đánh cá phải kéo lên bãi cát ban đêm. Vì vậy, chỉ có thuyền nhẹ, đan bằng tre là thông dụng nhất.

Tiếng máy nổ từ xa vọng lại làm cho những người suốt đêm chờ đợi giờ xuất phát vội vã kéo nhau, đẩy nhau trong im lặng để chạy nhào ra phía biển trong đêm tối.  Chỉ cần một tiếng khóc trẻ thơ vang lên trong giờ phút nầy là hỏng chuyện. Thế giới dày đặc bóng tối xung quanh vừa che chở, vừa đe dọa, nhưng chắc chắn là không khoan thứ cho bất cứ loại âm thanh nào gây tiếng động trong khoảnh khắc quyết định nầy.  Thế mà vẫn nghe tiếng chân chạy lạo xạo trên bãi cát qua đồi thông, tiếng thở hổn hển và tiếng thì thào hỏi nhau có đủ thằng Cu, con Bé... hay không. Chạy qua hết đồi thông, bãi cát trống trước mặt và ánh lân tinh của biển để lộ bóng đen của đoàn người vừa đi, vừa bò, vừa chạy... trong dáng vẻ khẩn cấp.   Chiếc ghe được kéo chuồi xuống nước bằng tất cả năng lực bình sinh của những người nhập cuộc. Sóng biển nhồi chiếc ghe lúc nâng lên quá tầm tay với, lúc hạ xuống chạm mặt cát. Mọi sức lực thể chất và tinh thần cuồn cuộn xoáy vào níu kéo đoàn người nhào lên ghe bất cứ bằng tư thế nào: Nhảy lên, ném vào, trườn tới, dúi xuống, đẩy lên từ phía đầu, phía chân, phía bụng... miễn sao tất cả đều phải lên ghe nhanh như chớp mắt.  Máy rộ lên từng hồi và chiếc ghe mỏng manh cũng rung lên chuyển mình hướng mũi ra khơi. Cảm giác “vượt biên” táo bạo, liều lĩnh, mới mẻ và đầy sợ hãi đến mức làm cho mọi người lạc cả giọng nói, nén cả hơi thở, tán lọan cảm nhận trong những phút bản năng sinh tồn ngự lên làm chủ. Khi ghe đã vượt ra ngoài tầm súng và nhìn lại phía sau không có dấu hiệu nào có người đuổi theo, Thụ và Minh mới cho ghe chậm lại, ghé tạt đến mấy ghe người làng đang bủa cá ngoài khơi để xin thêm thức ăn và dầu.  Vài thanh niên trong làng đang đánh cá dợm nhảy qua ghe chúng tôi xin đi theo, nhưng chiếc ghe mành đã quá tải không còn chỗ.

Chiếc ghe nhỏ vẫn trườn mình đi tới.  Năm lần bảy lượt Thọ, Thụ và Châu là những anh em có kinh nghiệm đi biển, quay ngang quay dọc mũi ghe để chạy kiểu “chém sóng” chứ không chạy song song theo lườn sóng, dễ làm cho ghe bị sóng vồ.

Từ bãi biển Hải Nhuận của quê hương Thừa Thiên, trên chiếc ghe nan đánh cá đan bằng tre, trét dầu rái, chạy bằng chiếc máy F.10 cũ, đen sì, nhỏ xíu ra khơi trong gió cấp 5.  Hai người quyết định lên ghe một mình vào phút cuối là Chót và Châu. Trong số hai chục người chen chúc trên ghe thì đã có 13 người là đàn bà và con nít. Nơi thấp nhất của thành ghe cách mặt nước biển chỉ suýt soát một gang tay.  Một con sóng nhỏ cũng đủ tung bọt nước ướt phủ lên đầu. Khi bình minh đầu tiên ngự lên mặt biển cũng là khi sự thử thách giữa biển và người tràn tới. Ghe mới ra khơi, dãy Trường Sơn nổi rõ trên khung trời phía Tây rạng đông chưa khuất tầm mắt mà cả đoàn người đã say sóng nôn mửa “tập thể” cho đến khi xuôi tay nằm im bất động.  Tôi là người bị nôn mửa đầu tiên nhưng chỉ mấy phút sau thì đứng vững lại được và “hoà thuận” với biển khơi trong suốt cuộc hải hành.

Ghe càng đi xa. màu xanh của biển càng đậm dần cho đến khi trở thành tím thẩm mà theo kinh nghiệm của những người anh em đi biển là đã vào độ sâu chừng 50 sãi nước.  Chiếc ghe nan và đoàn người ly hương trên biển cả chìm khuất trong khói sóng. Gió Nam cấp 5 vẫn không ngừng thổi. Theo triền sóng uốn lượn, chiếc ghe có lúc như được đưa lên đỉnh trời; lúc lại bị kéo xuống tận hố sâu giữa hai ngọn sóng.  Ban ngày biển vật vã với nắng và ban đêm biển tỉ tê với bóng đêm. Đêm đại đương thật là huyền diệu. Biển nước là cả một khối lân tinh khổng lồ tranh sống với đêm đen. Tôi vẫn giữ nguyên vị trí ở mũi thuyền với chiếc hải bàn chỉ 45 độ rưỡi hướng Đông Bắc.  Sóng liên tục đập vào mũi và mạn ghe rần rật. Giữa vùng trời nước không bến bờ, số phận chiếc ghe và đòan người mỏng manh như một con kiến nhỏ bò giữa khu rừng khuya dày đặc mênh mông. Mới một ngày và một đêm, sự réo gọi của cái đói và cái khát chưa thắng được sự kêu đòi khẩn thiết của sự sống.  Nhịp nổ đều đều của cái máy dầu cặn đen sì trở thành nhịp đập của 20 trái tim chưa định hướng giữa hai đầu sống chết.
          
Đã có một hoàng hôn thì phải có một bình minh, nên dẫu sao đi nữa thì những đôi mắt đã vàng vì khát đói vẫn hé ra cho bình minh trôi vào.  Bình minh xanh của biển khơi là liều thuốc an thần quý báu nhất cho những người vượt biển. Và liều thuốc an thần bỗng trở thành thuốc tiên của sự sống khi một chấm núi xanh hiện ra ở chân trời.  Từ chấm núi cho đến khi hiện ra thành trái núi phải mất cả nửa ngày xả máy ghe chạy hết tốc lực. Rừng thông xanh ngút mắt hiện rõ dần… (Hết trích)

Cái khung cảnh kẻ ở người đi của Thuyền Nhân vượt biển thật đòi đoạn. Đi tìm cái sống trong cái chết đã là sự liều lĩnh một mất một còn đối với người ra đi đã đành nhưng người ở lại cũng đứt ruột trông theo, đợi chờ giữa hy vọng và tuyệt vọng. 

Trong nỗi cảm xúc “đoạn trường” đó, tôi cảm nhận sâu xa nỗi lòng ly biệt của thế giới nhỏ Thuyền Nhân khi đọc những vần thơ lục bát “Đoạn Trường Biệt Ly” của Hạt Cát:

Em về gió lộng hoàng hôn,
Lao xao cát bụi gọi hồn bể dâu,
Áo xưa lụa trắng bên cầu,
Bèo trôi sóng vỗ ai sầu ai đưa?

Em về lũng thấp chiều mưa,
Phất phơ ngọn cỏ gió lùa trăm năm,
Nông sâu huyệt mộ ai nằm,
Nhớ chăng một thuở con tằm se tơ?

Em về sóng sánh sông khuya,
Thuyền trăng một lá sầu chia dặm ngàn,
Sao rơi cuối bãi vội vàng,
Tóc mây khăn lệ tiễn chàng ra khơi.

Em về thăm thẳm trùng khơi,
Nửa đêm nghe tiếng sóng nhồi tử sinh,
Đâu đây văng vẳng hồi kinh,
Ta còn hay đã hoá sinh cõi nào?

Em về cồn nhỏ mưa bay,
Khói sương một mảng tỉnh say bềnh bồng,
Bầy chim bỏ tổ xa rừng,
Mênh mông trời đất biết dừng chân đâu?

Em về cỏ áy ngọn bồng,
Sân trường xưa cánh phượng hồng chao vao,
Bốn mươi năm giấc chiêm bao,
Cố nhân biết đã phương nao viễn hành?


Hơn một nửa đời người đi qua trên dấu ấn vượt biên và gần một đời người đi tìm An Lạc, có khi tôi bỗng đăm chiêu tự hỏi rằng, mình đã vượt biên, đã đi qua đoạn đường có hai đầu sống chết mà đã tới bến bờ miên viễn hay chưa?  Khi tôi hỏi lẩn thẩn như thế thì rõ ràng câu hỏi tự nó trả lời là “chưa” vì tới rồi thì đã hết hỏi như sự im lặng sấm sét của vũ trụ. Thuở ấy, hôm nay và mai kia… Thuyền Nhân, Thùng Nhân và còn ai nữa!

Philadelphia 3-11-2019
     Trần Kiêm Đoàn





No comments: