Tuesday, November 19, 2019

BẢN TIN NGÀY 19/11/2019 (Báo Tiếng Dân)




19/11/2019

BÀI MỚI
19/11/2019
19/11/2019
19/11/2019
19/11/2019
19/11/2019
19/11/2019
19/11/2019
9/11/2019
19/11/2019
19/11/2019
19/11/2019
19/11/2019
18/11/2019

*
*
BẢN TIN NGÀY 19/11/2019

Tin nhân quyền

Báo Người Việt có bài: Bị Mỹ trục xuất, nhà hoạt động Hà Văn Thành đối mặt với cáo buộc ‘buôn người’. Nhà hoạt động Hà Văn Thành ở Nghệ An, đã phải trốn khỏi quê hương sau sự kiện Formosa, qua Thái Lan, Cuba, Mexico, rồi vào Mỹ qua ngả biên giới Mỹ – Mexico, đã bị bắt giam và bị trục xuất về đến phi trường Nội Bài hôm 23/10/2019, hiện đang bị nhà cầm quyền CSVN cáo buộc tội “buôn người”.

Ông Hà Văn Thành bị công an Việt Nam lấy cung. Ảnh chụp qua màn hình ANTV.

Facebook Hội Anh Em Dân Chủ viết: “Sau khi bắt cóc ông Thành từ sân bay, cơ quan công an không dám kết tội ông theo diện chính trị. Nhân sự việc đau lòng 39 nạn nhân đang nóng trong xã hội và dư luận, Cơ Quan An Ninh Nghệ An liền nắm cơ hội khép ông vào tội ‘buôn người’ một cách chóng vánh, sau khi đã đánh đập, tra tấn ông trở nên thân tàn…”

Vụ 39 người chết ở Anh, RFA đặt câu hỏi: Vụ 39 nạn nhân chết ở Anh: Bao giờ thi thể mới được hồi hương? Vẫn chưa biết khi nào vì vấn đề chi phí. Ông Trần Văn Ký, cha của nạn nhân Trần Thị Ngọc, ở TP Vinh, và được nói với RFA: “Bữa ni công an thành phố họ đến họ nói… kiểu là có cái giấy… gia đình giả sử muốn thiêu thì phải chịu bốn mươi mấy triệu đồng, còn đưa nguyên thi hài về thì hết sáu mươi mấy triệu… Nhưng thấy giấy đó chưa hợp lệ gì lắm nên gia đình chưa ký”.


Căng thẳng ở Hồng Kông

Vụ cảnh sát Hong Kong đe dọa dùng đạn thật: TBT Hoàn cầu đề nghị chính quyền nhanh chóng “bật đèn xanh”, báo Trí Thức Trẻ đưa tin. Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Hoàn Cầu thời báo kích động: “Hồng Kông trông chẳng khác gì một chiến trường, […] Nhưng lực lượng cảnh sát vẫn kiềm chế. Họ nên được cho phép sử dụng đạn thật trong trường hợp này để trấn áp đám đông bạo loạn… Xe bọc thép của cảnh sát Hong Kong bị trúng bom xăng của người biểu tình”.

Sáng 18/11, cảnh sát Hồng Kông bắt đầu phong tỏa các con đường xung quanh ĐH Bách Khoa Hồng Kông, nơi có hàng trăm người biểu tình cố thủ. Nghị sĩ Ted Hui Chi-fung của đảng Dân chủ Hồng Kông cho biết, “đám đông cố thủ trong các trường đại học được cho là đã bắt đầu mệt mỏi sau hàng loạt các cuộc đụng độ với cảnh sát trước đó, và nguồn thức ăn, nước uống dự trữ của nhóm người này cũng đã bắt đầu cạn kiệt”.

                                 https://youtu.be/N8Z9WLWd_EA

Tình hình Hồng Kông: Bạo lực leo thang, cảnh sát bắn đạn thật, theo báo Người Lao Động. Không chỉ sử dụng đạn thật, cảnh sát Hồng Kông còn bị phát hiện sử dụng vũ khí âm thanh. Người phát ngôn cảnh sát Hồng Kông xác nhận hành động triển khai thiết bị âm thanh tầm xa (LRAD) nhằm “phát cảnh báo với những kẻ bạo loạn”, nhưng lại khẳng định LRAD không phải là một loại vũ khí mà chỉ là một hệ thống phát thanh.

Cảnh sát Hồng Kông cũng xác nhận họ buộc phải sử dụng đạn thật ở khu vực Tsim Sha Tsui khi bị “một đám đông bạo loạn” tấn công. Một sĩ quan cảnh sát kể đã bắn 3 phát đạn thật nhưng cho rằng “không ai trúng đạn”.

Cảnh sát Hồng Kông bắt những người biểu tình đang rời khuôn viên trường ĐH Bách Khoa. Nguồn: Photo: AFP/ Ye Aung Thu




Chiến dịch “đốt lò”

Ngày 18/11/2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức cuộc họp do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Trang Bảo Vệ Pháp Luật đưa tin: Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng “gọi tên” hàng loạt đại án. Tổng, Chủ Trọng ra lệnh, từ nay đến hết năm 2019 phải khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 5 vụ án nghiêm trọng, phức tạp gồm:

1. Vụ án “Vũ “nhôm” lấy “đất vàng” tại 15 Thi Sách, TP HCM; 2. Vụ án ăn đất và nhà công sản ở Đà Nẵng; 3. Vụ Mobifone mua AVG; 4. Vụ án “Giả mạo trong công tác, sản xuất, buôn bán hàng giả” tại Công ty Lũng Lô và một số công ty, tổ chức liên quan; 5. Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ TT&TT.

Bên cạnh đó, ông Trọng yêu cầu đưa vụ án cao tốc 34.500 tỷ và Nhật Cường vào diện Trung ương theo dõi, theo Zing. Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, gồm: Vụ buôn lậu, rửa tiền tại Công ty Nhật Cường và vụ “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Vậy là trái với suy đoán của một số người, vụ Nhật Cường chưa thật sự “chìm xuồng”.

Nhìn lại chiến dịch “đốt lò”, theo ông Trọng thống kê, đã xử lý dứt điểm 13 vụ án, 24 vụ việc; khởi tố mới 10 vụ án, phục hồi điều tra 7 vụ án; kết thúc điều tra 21 vụ án/127 bị can. Cơ quan tố tụng đã ban hành cáo trạng truy tố 18 vụ án /98 bị can; xét xử sơ thẩm 12 vụ án/41 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/156 bị cáo; đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10.000 tỉ đồng.


Công an “nhân dân”: Dùng bằng giả, hành hung, xem thường dân

Chiều 18/11,Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an xác nhận, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân Thượng tá Thái Đình Hoài dùng bằng cấp 3 giả để tiến thân, VTC đưa tin. Ông Xô cho biết thêm, hình thức kỷ luật Đảng đối với ông Hoài sẽ do Đảng bộ tỉnh Lai Châu xử lý.

Cách đây 2 tuần, Thượng tá Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu bị tố cáo dùng bằng tốt nghiệp THPT giả. Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: “Cán bộ Công an tỉnh Lai Châu đưa chúng tôi một bản photo công chứng Bằng tốt nghiệp bổ túc trung học năm 1994 và sổ học bạ mang tên Thái Đình Hoài (sinh ngày 15/5/1976). Tuy nhiên, qua tra cứu hồ sơ tại Sở GD&ĐT Nghệ An, trong bảng ghi tên, ghi điểm và danh sách tốt nghiệp THPT không có ai tên là Thái Đình Hoài”.

Trang Bảo Vệ Pháp Luật đặt câu hỏi về vụ tước danh hiệu CAND Thượng tá dùng bằng giả: Những người đề bạt, bổ nhiệm có vô can? Ông Thái Đình Hoài dùng bằng giả nhưng được điều động công tác tại Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu, được bổ nhiệm bổ nhiệm thành phó trưởng phòng; sau đó được bổ nhiệm phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát kinh tế, thậm chí còn được quy hoạch chức danh PGĐ Công an tỉnh Lai Châu. Bài báo lưu ý, cơ quan điều tra chưa làm rõ những người đã đề bạt, bổ nhiệm để ông Hoài thăng tiến như vậy.

Báo Người Lao Động đưa tin: Thượng úy công an ném xúc xích, tát nhân viên bán hàng bị giáng cấp xuống Trung uý, cho xuất ngũ. Một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên xác nhận, đơn vị này đã ra quyết định giáng cấp bậc hàm từ Thượng uý xuống Trung úy và cho xuất ngũ đối với ông Nguyễn Xô Việt, cán bộ Đội Tổng hợp, Công an Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.  

Công an TP Hà Nội đã quyết định giáng cấp đại úy Lê Thị Hiền, yêu cầu xuất ngũ, theo trang Lao Động Thủ Đô. Bà Hiền là cán bộ đội CSGT Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội, là người đã “gây náo loạn, mắng chửi và gây thương tích cho nhân viên hàng không ở sân bay Tân Sơn Nhất” vào ngày 11/8/2019. 


Gian lận thi cử ở Sơn La: Chỉ có 2 chú cháu đưa – nhận hối lộ?

Ngày 18/11, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ gian lận điểm thi Sơn La, trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin. Cơ quan điều tra kết luận, hành vi của bị can Lò Văn Huynh, cựu Trưởng phòng Khảo thí và quản lý giáo dục Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đã phạm 2 tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Nhận hối lộ”, hành vi của bị can Lò Thị Trường (cháu vợ của anh trai ông Huynh) đã phạm vào tội “Đưa hối lộ”. 

VOV đặt câu hỏi về vụ gian lận thi Sơn La: Mới làm rõ việc đưa, nhận hối lộ của 2 chú cháu? Dù vụ án này có 8 bị can đã bị truy tố và liên quan đến nhiều phụ huynh, quan chức tỉnh Sơn La, nhưng cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố và làm rõ được hành vi đưa – nhận hối lộ của 2 chú cháu  Lò Thị Trường và Lò Văn Huynh. Còn các khoản “bôi trơn” trị giá từ hàng trăm triệu tới vài tỉ khác được chuyền tay qua các quan chức ngành GD để các thí sinh Sơn La được nâng sửa điểm thì vẫn chưa đủ làm chứng cứ cho hành vi đưa – nhận hối lộ.

Trong phiên tòa sơ thẩm trước đó, bị can Trường là người duy nhất trong số hơn 90 nhân chứng, người liên quan được triệu tập đã thừa nhận có đưa tiền để nhờ giúp đỡ con mình. “Nhiều cán bộ công tác tại các ngành và cán bộ công an Sơn La liên quan đến vụ án đều khai chỉ nhờ xem điểm trước và không hứa hẹn về lợi ích vật chất”.

Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La bị đề nghị truy tố sau khi phản cung, theo báo Gia Đình và Xã Hội. Bị can Trần Xuân Yến, cựu PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đã thay đổi lời khai trong phiên tòa sơ thẩm thứ nhất của vụ này, một mực khẳng định chỉ nhận, chuyển thông tin cá nhân của 13 thí sinh là để nhờ “xem điểm”. Nhưng cơ quan điều tra cho rằng ông Yến đã lợi dụng chức vụ được giao để nhận thông tin cá nhân của các thí sinh để chuyển cho Nguyễn Thị Hồng Nga sửa bài thi nâng điểm. 


Vụ cán bộ Trung tâm Hỗ trợ Xã hội dâm ô nhiều bé gái

Zing đưa tin: Cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội đổi thuốc lá để dâm ô 3 bé gái. Trong buổi họp báo về vụ Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM dâm ô trẻ em diễn ra vào lúc 14h chiều 18/11, các PV đặt câu hỏi về sự chậm trễ trong quá trình xử lý thông tin trình báo: Nạn nhân trình báo ngày 8/11 nhưng phải gần 10 ngày sau khi báo chí lên tiếng thì công an mới vào cuộc điều tra.

Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng công an quận Bình Thạnh cho biết sau khi làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP HCM, công an đã triệu tập ông Dũng lên làm việc. Ông Dũng thành khẩn nhận lỗi và tỏ rõ sự hối hận. Các trường hợp bị hại vừa được phát hiện “đều xảy ra trong ca trực tối do ông Dũng được phân công. Các bé xin thuốc lá, ông Dũng đồng ý cho thuốc với điều kiện được dâm ô”.


Tin giáo dục

Vụ học sinh “biểu tình” ở huyện Mê Linh, Hà Nội: Hàng nghìn học sinh tiếp tục nghỉ học, báo Dân Trí đưa tin. Tổng số học sinh huyện Mê Linh nghỉ học đến nay đã lên tới 2.028 em, do phụ huynh tiếp tục phản đối xây dựng công viên tưởng niệm tại xã Thanh Lâm. Địa phương và ngành giáo dục đang vận động phụ huynh cho học sinh trở lại lớp. 

Phòng GD&ĐT đã có một số biện pháp để vận động học sinh đến trường. Nguồn: DT

Bài thứ 2 trong loạt bài trên báo Giáo Dục VN ghi lại ý kiến của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Cần bỏ cơ chế chủ quản các trường đại học. Ông Hoàng cho rằng, các trường ĐH “không thể tạo ra những con người tự chủ khi bản thân nhà trường không được tự chủ trong công việc. Cơ sở đào tạo ở đây là một trung tâm trí thức bậc cao”.

Hiện nay các trường thuộc cấp tỉnh tuyển được quá ít sinh viên, chỉ đạt khoảng 20-30%, do chất lượng đào tạo yếu, chưa có thương hiệu, thiếu quyền tự chủ của cơ sở đào tạo.
Chuyện ở Thừa Thiên Huế: Cám cảnh học sinh mầm non học dưới… gầm cầu thang, theo báo Dân Trí. Đó là hoàn cảnh đang diễn ra tại trường mầm non Phong Sơn 1 thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Toàn trường có 150 học sinh 6 lớp, nhưng chỉ có 4 phòng học. Do thiếu không gian lớp học, các GV đã phải cho một nhóm 11 em học dưới… gầm cầu thang.


Tin môi trường

Trang Kinh Tế Đô Thị bàn về tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Nhức nhối tác nhân từ con người. Một trong các nguyên nhân khiến chất lượng không khí của Hà Nội tiếp tục chuyển biến xấu: Tại các huyện ngoại thành Hà Nội, người dân vẫn còn đốt rơm rạ hay vải vụn dù đã được cảnh báo về tác hại. 

Chỉ riêng ở khu vực đê Dưỡng Hiền, xã Hòa Bình, mỗi ngày, khoảng 16-18h, người dân “chở rất nhiều bao vải vụn đến, tập kết thành từng đống lớn rồi đốt ngay tại đây, khói đen cùng mùi khét lẹt bốc lên rất khó chịu”. Những người sống quanh khu vực này chỉ biết đóng kín cửa, ra ngoài bắt buộc phải đeo khẩu trang. 

Trang Môi Trường Hợp Nhất có bài: Thực trạng và giải pháp xử lý nước thải tại nông thôn. Ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi ở khu vực nông thôn: “Nước thải chăn nuôi hầu như chưa được xử lý sơ bộ, chứa nhiều chất ô nhiễm, vi khuẩn, sinh vật gây bệnh khi tiếp xúc với con người hình thành nhiều căn bệnh nguy hiểm như dịch tả, tiêu chảy, nhiễm khuẩn E.coli,…” Nhiều hộ gia đình chăn nuôi tự phát xả trực tiếp nước thải ra môi trường khiến sông, hồ, kênh, rạch bị ô nhiễm nặng nề.

Ở Đà Nẵng: Sông Hàn bốc mùi hôi thối vì nước thải chưa qua xử lý, theo báo Lao Động. Theo bài báo, rất nhiều người dân sống gần khu vực cầu Trần Thị Lý, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, bất bình về việc trạm bơm chống ngập (gần khu Đảo Xanh) đổ nước thải ra sông Hàn, khiến cả một khu vực sông khá rộng ô nhiễm nặng.

Một người dân cho biết: “Trước đây tôi thường đưa con đến đây chơi vào mỗi buổi sáng, chiều. Nhưng từ ngày nơi đây bị ô nhiễm vì lo lắng cho sức khỏe của con nên tôi không dám nữa. Nhiều người dân trong vùng cũng hạn chế việc ra nơi đây”.


***

***

***






No comments: