Friday, October 6, 2017

TƯỞNG NIỆM VỀ PHAN KHÔI (Trần Duy - Bauxite VN)




Trần Duy
06/10/2017

Bài viết này, hoạ sĩ Trần Duy gửi cho ban tổ chức buổi toạ đàm tưởng niệm nhà văn nhà báo Phan Khôi (1887-1959) nhân 120 năm sinh, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay và gia đình đồng tổ chức (Hà Nội, 5/10/2007). Ông không có mặt trong buổi toạ đàm nói trên (hôm ấy buổi sáng trời mưa rất to, ngập đường) nên bài không được đọc tại đó. Ông Phan An Sa (con trai học giả Phan Khôi) cung cấp cho tôi bài viết này làm tư liệu. Tôi nghĩ có thể giới thiệu rộng cho những ai quan tâm.
Lại Nguyên Ân

Hoạ sĩ Trần Duy, thư kí toà soạn của 5 số báo Nhân văn (từ tháng 9 đến tháng 11.1956), là tác giả của nhiều bức biếm hoạ trên báo này và của một số bài viết và truyện ngắn như: “Phấn đấu cho trăm hoa đua nở” (Nhân văn số 2), “Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ” (Nhân văn số 4), “Góp ý kiến về phần tự do dân chủ trong Nghị quyết T. Ư lần thứ muời” (Nhân văn số 5), “Tiếng sáo tiền kiếp” (Giai phẩm mùa Thu tập I), “Những người khổng lồ - Gửi những người cộng sản chân chính” (Giai phẩm mùa Thu tập II)… Ông là một trong những người cao tuổi nhất trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm hiện còn sống [Họa sĩ Trần Duy (20/6/1920 – 14-3-2014) – BVN chú thêm].
talawas

*
*
Tên ông Phan Khôi tôi được nghe lúc tôi còn học trường Trung học Khải Định tại Huế.

Năm 1947-1948, tên nhà văn Phan Khôi lại đến với tôi trong một hội nghị văn hóa tại Hạ Hòa, Phú Thọ, sau đó là lớp chỉnh huấn tại Việt Bắc.

Năm 1949 tôi lại được ăn ở cùng lán với nhà văn Phan Khôi tại cây số 7 đường Tuyên Quang, là cơ quan của Hội Văn nghệ.

Năm 1956-1957, một số anh em văn nghệ đề nghị nhà văn Phan Khôi giúp họ ra tờ báo Nhân văn mà ông làm Chủ nhiệm, còn tôi làm Thư ký tòa soạn.

Đầu năm 1959 anh Phan Thao là con cả của ông báo tin cho tôi: Bác Phan mất! Tôi đến hôm liệm bác, anh Phan Thao nhấc tờ giấy đắp mặt và tôi được nhìn bác lần cuối cùng lúc 10 giờ sáng ngày 17 tháng 01 năm 1959.

Năm thời điểm ấy của đời tôi cũng là năm dịp may tôi được tiếp xúc với một con người mà nhiều người đều biết, đều e ngại, đều cảm phục, và cũng là một tên tuổi mà trong chúng ta không ít người coi như một ẩn số cần nghiên cứu và tìm hiểu.

Tôi không nhằm nghiên cứu về sự nghiệp văn học của Phan Khôi, vì vậy hôm nay, nếu tôi được trình bày một vài ý nghĩ về ông Phan Khôi thì cũng chỉ là một vài hoài niệm riêng tư bên lề đời sống của con người ấy mà thôi.

*
*
Vì tôi làm nghề vẽ nên nhìn người thiên về cái đẹp của sắc diện, do đó tôi ngắm nét mặt Phan Khôi đẹp như một tác phẩm điêu khắc tạc vào đá, như đồng bộ nói lên cái khí tiết, cái cương nghị, cái quắc thước của con người Phan Khôi. Nhưng nếu sống gần ông thì vẫn thường nghe từ ông tiếng chép miệng, tiếng thở dài của một tâm hồn nhạy cảm.

Trong giao tiếp ông là người rất ít nói, nếu cần phải nói thì cũng nói rất ngắn gọn mà có người không hiểu cho là bẳn gắt. Ông ít nói về người thứ ba, nếu phải nói thì ông thường dùng "ông ấy", "anh ấy", không mấy khi ông dùng "hắn" hay "nó".

Những ngày gặp nhau trong lớp chỉnh huấn mọi người trở nên ít nói, không vui đùa. Không khí trở nên nặng nề và dè chừng. Khi yêu cầu viết tự thuật tiểu sử sơ lược, anh Văn Cao đến tìm tôi và nói:
“Cậu nên nói qua về quan hệ gia đình, nếu không người ta cho là giấu thành phần, không thành khẩn thì việc học tập thiếu kết quả”.

Trong số những người nghe câu ấy có ông Phan Khôi; ông hỏi tôi:
“Hiện anh có còn quan hệ với những người anh vừa kể tên không?”

Tôi trả lời:
“Không!”

Ông Phan Khôi cười :
“Chẳng ai biết ai, thì kể ra cũng chẳng ích gì cho ai”.

Tôi hỏi:
“Nhưng nói ra như vậy có sao không?”

Ông trả lời:
“Ngày nào thì lo ngày ấy, biết thế nào để mà lo trước”.

Tiếp năm ấy có hội nghị văn hoá tổ chức tại Hạ Hoà, Phú Thọ. Trong hội nghị có thuyết trình về Truyện Kiều, do đó cần chân dung Nguyễn Du. Ông Tố Hữu gọi tôi và bảo tôi vẽ chân dung Nguyễn Du, tôi nói không có tài liệu nào tả về Nguyễn Du để vẽ. Ông Tố Hữu cười và bảo:
“Cứ vẽ một nhà nho, trí thức, đẹp”.

Anh Tú Mỡ đứng cạnh đó, nói thêm:
“Nhớ là nhà nho râu ba chòm”.

Trên những hiểu biết ấy tôi lấy giấy bút vẽ chân dung Nguyễn Du. Tôi nghĩ chắc chẳng có ai để ý đến bức tranh đó, nhưng tôi đã nhầm. Có một người đã để ý đến bức tranh, người ấy là ông Phan Khôi. Cuối buổi họp ông Phan Khôi gặp và hỏi tôi:
“Anh dựa vào đâu để vẽ Nguyễn Du?”

Tôi lúng túng đáp:
“Mọi người bảo cháu vẽ, và chẳng có tài liệu nào cả”.

Ông bảo tôi ngồi xuống cạnh ông, rồi ông nói:
“Lời nói gió bay. Nhưng viết thành văn, vẽ thành tranh thì không dối trá được. Đối với một nhân vật lịch sử như vậy mà anh dối trá đến thế, thì rất có thể có rất nhiều dối trá kiểu như thế tồn tại trong lịch sử”.

Lần đầu tiên có người răn đe tôi về việc làm hàng nghệ thuật giả.

Sau một thời gian qua nhiều nơi công tác, anh Nguyễn Huy Tưởng gọi tôi về Hội Văn nghệ, trụ sở đóng ở cây số 7 đường Tuyên Quang, và tôi đã thành hàng xóm, cùng lán với ông Phan Khôi.

Một dãy lán dài, chia thành từng ô cho mỗi người, bắt đầu từ ông Phan Khôi, Trần Duy, đến Xuân Diệu, Trần Văn Cẩn, Kim Lân… và cuối cùng là Phùng Cung.

Mỗi người trong tập thể ấy đều phải nghĩ kế để cải thiện bữa ăn của mình. Người trồng thuốc lá, người trồng cải, trồng cà chua, có người đánh cá về ăn, có khi đổi, bán cho anh em. Riêng ông Phan Khôi nuôi hai con gà, mỗi sáng đều đặn có hai quả trứng tươi, hôm nào gà kém ăn thì chỉ một con đẻ. Nhưng có một hôm ông ra lấy trứng về dùng, phát hiện trong hai quả trứng thì có một quả đập ra chỉ toàn là nước. Anh Phùng Cung nói: có thể trứng bị rắn ăn. Ông Phan Khôi thắc mắc: rắn ăn bằng cách gì mà không thấy vỏ trứng có vết nứt? Nhưng sau hỏi qua Kim Lân mới biết đó là một trò đùa: Phùng Cung lấy kim tiêm rút hết lòng trứng, bơm nước trở lại, rồi lấy vôi bít kín lỗ kim. Tôi bảo Phùng Cung đến xin lỗi, bác Phan vui vẻ nói:
“Việc đầu tiên tôi vui vì đã biết được cái cách rắn ăn trứng của anh Phùng Cung. Tôi không tiếc quả trứng, nhưng tôi tiếc thì giờ để thắc mắc về cái cách rắn ăn trứng, về cái thật và cái dối”.

Ông nhìn Phùng Cung, cười và tiếp:
“Anh thông minh và hóm hỉnh đấy, nhưng dễ để cho mọi người hiểu lầm là dối trá thì nguy hiểm!”

Dạo ấy rét, tôi nằm cạnh giường ông Phan Khôi, suốt đêm nghe ông trằn trọc, có thể là thiếu chăn, lại giường nứa ọp ẹp. Tôi ngồi dậy cùng thức với ông vì cũng khó mà ngủ được bên cạnh một người không ngủ được. Sáng hôm sau tôi nghĩ ra cách lấy lá chuối khô xé nhỏ lót xuống dưới chiếu làm đệm. Quả nhiên là từ đêm đó về sau ông ngủ ngon.

Có lần tôi sốt, nằm bẹp cả mấy ngày. Có thể là sốt rét. Ông Phan Khôi tỏ vẻ lo lắng vì mấy ngày liền tôi không ăn uống gì. Ông chép miệng:
"Nếu có một ít đường pha với chanh uống thì tốt".

Nhưng hồi ấy lấy đâu ra đường với chanh! Suốt ngày hôm ấy tôi năm liệt cho tới sẫm tối mới tỉnh, thấy ông Phan Khôi đi từ bếp lên, tay bưng một cái bát. Ông bảo tôi:
"Phở Đất đó, cố gắng ăn đi".

Ông chủ cửa hàng phở ở vùng đó có tên là Đất, nổi tiếng vì bán một thứ canh bánh đa khô, thêm một ít thịt gà hoặc thịt lợn. Ông Phan Khôi cười:
"Phải lấy một cái ống nứa để đựng nước phở! Vì tên gọi là phở thì cứ phải ăn như phở!"

Tôi vẫn biết ông không có tiền, nhưng nếu có ông cũng không bao giờ cho ai vay mượn. Ông không làm phiền ai và cũng không bao giờ muốn ai làm phiền mình nếu đó không phải là việc bắt buộc phải phiền. Thế là từ ngày ấy, tôi đã nợ ông một món nợ khó trả!

Năm 1954. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, vào đầu tháng 6, tôi được điều về Tuyên Quang làm việc tại Phòng địch vận của Trại tù binh đóng ở núi Cố. Ông Phan Khôi đến trại thăm tôi và cho biết cơ quan Hội Văn nghệ đóng ở cây số 7 sắp chuyển về xuôi. Ông sợ lúc đi không kịp gặp nên ghé lại thăm tôi trước. Từ ngày đó tôi không gặp lại ông, cho tới 14/10/1954 tôi về Hà Nội cùng Hội Mỹ thuật.

Về Hà Nội lần này, tôi gặp ông, được biết ông đang dịch Lỗ Tấn và thuộc biên chế Hội Văn nghệ, ở ngay 51 Trần Hưng Đạo. Ông được Hồ Chủ tịch tặng quà. Ông có chế độ người giúp việc, chính là bà Nguyễn Thị Huệ, vợ hai của ông từ Quảng Nam cùng gia đình tập kết ra Bắc đầu năm 1955. Tôi mừng lắm!

Nhưng cũng chính vì ở ngay trong Hội mà ông được mục sở thị những gì không minh bạch trong việc chấm giải thưởng văn học và những giải thưởng khác. Con người ông có một bản tính là đặc biệt dị ứng với sự dối trá, gian dối và lừa đảo. Bản tính đó, tự nó, hình thành trong ông những bất đồng với một số người phụ trách Hội. Mối bất đồng ấy lan dần đến các người lãnh đạo khác.

Một hôm có vị phụ trách cao cấp đến Hội nói chuyện với số đông anh em văn nghệ sĩ về vấn đề sáng tác, về dân chủ, về chế độ đãi ngộ, về ý thức phục vụ cách mạng và phê phán thái độ làm công ăn lương. Sau cùng vị này có dẫn ví dụ về chuyện có người nhận định sai lầm về dân chủ, thái độ sai của người này về đấu tranh đòi dân chủ. Nghe xong buổi nói chuyện, mấy hôm sau gặp tôi, ông Phan Khôi nói:
"Một người cao cấp của một cơ quan đấu tranh cho dân chủ mà định nghĩa dân chủ như vậy, thì rất nguy hiểm cho những ai muốn đấu tranh cho dân chủ".

Ông chép miệng, nói tiếp:
"Người được nói đừng nói lấy được!"

Tiếp sau đó là sự việc chấn động của bài thơ "Nhất định thắng" của Trần Dần. Người ta tổ chức một cuộc họp ở ngay trụ sở Hội, 51 Trần Hưng Đạo. Qua bình đọc, trao đổi với nhiều nhận xét, lãnh đạo cuộc họp kết luận: "Bài thơ có xu hướng phản động…, có gián điệp nhúng tay vào!...".

Người nói lời sau cùng là một nhà văn lớn:
"Đây không còn là một bài thơ của văn chương, mà là một tài liệu gián điệp".

Rời cuộc họp, trên đường đi về, ông Phan Khôi nói với tôi:
"Ông ấy nhận định về sự nghiệp văn học của một con người mà như khen chê một bát phở!"

Rồi ông hỏi tôi:
"Anh có biết anh Trần Dần không? Và anh có đọc bài thơ đó không? Theo tôi thì bài thơ không đáng để làm to chuyện".

Thật ra tôi không mấy lưu tâm đến phần thơ ca của Hội vì tôi đang chú tâm vẽ bức tranh "Công xưởng xe lửa Gia Lâm" (Cho đến nay tôi vẫn còn lưu giữ tài liệu và các ký hoạ của bức tranh dở dang này). Có lần tôi mời hoạ sĩ Mai Văn Nam là bạn học cũ từ trường Quốc học Huế, đến xem và cho ý kiến. Anh Nam xem tranh và nói:
"Cậu không hiểu biết về công nhân mà lại vẽ về công nhân nên cậu sẽ bơi trong một đề tài không thuộc về cậu".

Nhận xét ấy nhắc tôi nhớ lời răn của ông Phan Khôi khi tôi vẽ chân dung Nguyễn Du, nên tôi nhờ ông Phan Khôi tới xem. Tôi nhắc lại ý kiến của Mai Văn Nam cho ông nghe. Ông xem các ký hoạ, các tranh nghiên cứu về công nhân, và nói:
"Thật ra anh đã yêu đề tài này chưa? Nếu vì một lý do nào đó buộc mình phải cưỡng, đến nỗi tranh không có hồn thì hỏng, tranh chết và người vẽ cũng chết theo".

Tôi bỏ không vẽ bức tranh đó nữa, và cũng từ đó tôi rơi vào khủng hoảng: Vẽ cái gì là đẹp? Và đề tài nào thuộc về tôi? Phù hợp với tôi?

Tôi bước theo cuộc kháng chiến có lẽ vì tuổi trẻ cần phải làm cái gì đó cho tuổi trẻ. Tôi bước theo cuộc kháng chiến như một người mộng du, theo cách mạng mà không hiểu cách mạng đi về hướng nào, nên gặp việc gì thì làm việc ấy. Gặp anh Hoàng Minh Chính bàn việc đánh trường bay Gia Lâm, thì tôi tham gia đội quyết tử quân đánh trường bay Gia Lâm cho đến khi anh Hoàng Minh Chính bị trọng thương. Ông Đặng Việt Châu bảo tôi về khu Mười dưới quyền chỉ huy của ông Song Hào, thì tôi về khu Mười. Khi về đó rồi, ông Hoàng Thế Thiện bảo tôi phụ trách Ban địch vận, tôi hăng hái vẽ tranh áp-phích, viết truyền đơn kêu gọi binh lính địch. Sau đó, Ban chỉ huy cử tôi lên đường 4 tăng cường cho công tác địch vận dưới sự chỉ huy của anh Đặng Văn Việt, là bạn thời trung học cùng tôi ở Huế, và thế là tôi lại hăm hở có mặt trên con đường 4 hiểm trở.

Tôi đã đi như vậy trong suốt 10 năm kháng chiến chống Pháp, không ở trong một tổ chức nhất định nào, không có một người phụ trách nào nhất định, nay làm việc này, mai làm việc nọ… Riêng về nghề vẽ thì cũng còn may cho tôi, là trong thời kỳ học ở Trường Mỹ thuật chuyển lên Sơn Tây, tôi được tiếp xúc với đình, chùa, tiếp xúc với người dân quê, với đồng lúa. Và cái đẹp ấy còn lưu lại mãi trong tâm hồn tôi.

Tôi cứ lênh đênh trên con đường may rủi ấy, và tôi đã gặp nhóm Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Hoàng Cầm, Văn Cao là những người tôi không hề thân thiết và chưa lần nào trao đổi, chuyện trò.

Như Gide đã nói: "Toutes rencontres sont plus ou moins fatidiques" [Tất cả những cuộc gặp gỡ đều ít nhiều là định mệnh – BVN]. Cuộc gặp gỡ ít nhiều mang tính định mệnh đã đưa không chỉ riêng tôi mà cả ông Phan Khôi vào một bước ngoặt.

Ông Phan Khôi không hề quen biết nhóm người trên. Một hôm ông Phan Khôi rủ tôi đi ăn phở ở cạnh phố Phan Chu Trinh, ăn xong chúng tôi rẽ phố Phan Chu Trinh để về thì gặp nhóm Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang. Họ hình như đang bàn một công việc gặp bế tắc. Thấy chúng tôi, họ reo lên:
"Trần Duy đây rồi!"

Ông Phan Khôi nói thầm vào tai tôi:
"Bàn cái gì mà như bọn buôn lậu vậy?"

Họ mời chúng tôi vào một quán cà-phê gần nhà anh Minh Đức. Anh Đang và Văn Cao cùng cho biết họ đang định ra một tờ báo chuyên về văn thơ. Mỗi người một ý, nhưng cái khó là không ai biết việc xin giấy phép ra một tờ báo là thế nào, rồi người chịu trách nhiệm đứng tên báo, rồi tiền mua giấy, rồi nhà in nào nhận in… Mấy người bàn ra bàn vào, ai cũng muốn được phần mình, nhưng không mấy ai chịu cái vạ đá rơi xuống đầu mình. Chứng kiến cái cuộc lộn xộn ấy, ông Phan Khôi giục tôi về. Sáng hôm sau Văn Cao tới tìm tôi:
"Cậu đưa tôi tới gặp ông Phan Khôi, hôm qua ồn ào, cụ khó tính, sợ thất lễ".

Tôi đưa Văn Cao đến gặp ông Phan Khôi. Văn Cao nói về những bế tắc trong sáng tác, sự độc quyền trong sáng tác văn, thơ… Ông Phan Khôi im lặng, không nói thêm gì, Văn Cao ra về, ông mới bảo tôi:
"Có vẻ ông Văn Cao muốn làm lãnh tụ thơ sao?"

Tôi trả lời:
"Anh em vẫn gọi ông ấy là ông tiên chỉ!"

Ông Phan Khôi cười. Cuộc trao đổi giữa Văn Cao, tôi và ông Phan Khôi tiếp tục trong mấy ngày sau. Cuối cùng ông Phan Khôi hỏi anh Văn Cao:
"Vậy các anh muốn tôi giúp gì?"

Sau khi Văn Cao có ý mời ông đứng ra làm Chủ nhiệm, ông hỏi tôi:
"Theo anh có nên làm không? Việc tài chính tôi không biết gì, việc giấy tờ ra báo anh lo lấy".

Ông Phan và tôi cùng đồng ý.

Như vậy việc anh Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn của cô Thuỵ Khuê đài RFI, rằng anh Hoàng Cầm mời ông Phan Khôi tham gia báo Nhân văn là không đúng sự thật. Tờ báo có ghi tên Chủ nhiệm, Thư ký toà soạn, nhưng thực tế có thể nói không ai có trách nhiệm gì cả. Có chuyện gì thì bàn cãi như kiểu trao đổi ở chợ trời, ai nhiều lời thì được, ai to tiếng thì thắng, nhưng hệ luỵ của mọi việc do tờ báo gây ra thì không đơn giản như ở chợ trời!

Có hôm ông Phan Khôi ngồi nghe, rồi hỏi tôi:
"Vậy tờ báo ai là người chịu trách nhiệm?"

Mọi người mượn tên Phan Khôi, nhưng thực ra thì Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang là những người chủ trương bài vở và nội dung của tờ báo. Anh em xem ông Phan Khôi là một cái étiquette [nhãn] cần thiết và đẹp. Nhân chuyện báo Nhân văn có bài viết trả lời ông Nguyễn Chương trên báo Nhân dân, mà chỗ tác giả ký tên đến bốn người, là Trần Dần, Trần Duy, Lê Đạt, Hoàng Cầm; ông Phan tìm hỏi tôi:
"Anh có biết ông Nguyễn Chương không?"

Tôi trả lời:
"Không".

Ông hỏi tiếp:
"Anh có đọc bài của ông Nguyễn Chương trên báo Nhân dân không?"

Tôi trả lời:
"Không".

Ông Phan Khôi nói:
"Anh không biết người ta, anh không đọc bài người ta viết, mà anh dám ký tên vào bài người khác viết để đả kích người ta".

Tôi không trả lời, ông nói tiếp:
"Anh làm ăn kiểu gì lạ vậy? Mục đích khi ra báo là văn thơ, nay lại quay mũi nhọn sang chính trị. Chống báo của Đảng nghĩa là tuyên chiến với Đảng đấy!"

Sau cùng, ông hỏi:
"Thật ra bài ấy của ai?"

Tôi trả lời:
"Của Nguyễn Hữu Đang".

Ông khó chịu:
"Ông Đang có đủ chữ để viết một bài như vậy mà lại không đủ can đảm để nhận là tác giả của bài viết ấy, lại còn gắp lửa bỏ tay người. Làm việc cách này dễ dắt nhau vào tù lắm!"

Mấy hôm sau có giấy của Phủ Thủ tướng mời Thư ký toà soạn hoặc Chủ nhiệm báo Nhân văn lên Văn phòng Thủ tướng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp tôi, có anh Phan Mỹ ngồi cạnh, Thủ tướng nói:
"Công việc rất bận, giờ này tôi còn phải tiếp khách quốc tế bên Phủ Chủ tịch, nên tôi chỉ nói với anh vài lời, còn mọi việc sẽ do anh Phan Mỹ giải quyết sau. Anh về nói lại với anh em, nếu cần trình bày, yêu cầu điều gì thì nên trình bày yêu cầu cụ thể, đừng làm như báo chí tư bản đấu tranh! Mà đấu tranh với ai?"

Trước khi ra đi, Thủ tướng quay sang nói với anh Phan Mỹ:
“Nếu anh em cần điều gì thì anh phải giải quyết cho anh em”.

Tôi về gặp mọi người tại một hiệu ăn ở phố Hàng Quạt, góc Hàng Nón. Tôi chưa trình bày hết ý thì mọi người đã cho rằng tôi bỏ cuộc, đầu hàng và bán rẻ anh em. Có ý kiến để Trần Công thay tôi, ông Phan phản đối, ông nói:
"Vì anh em mà làm việc, có giấy tờ tuyển dụng tuyển bổ đâu mà xử sự vậy được".

Nguyễn Hữu Đang bỏ đi, Văn Cao nói:
"Chắc Đang đến nhà in".

Lê Đạt nói:
"Nó đến nhà in là rắc rối đấy. Làm việc theo ông này mệt mỏi quá!"

Hữu Đang tự ý thay đổi báo Nhân văn số 5, thay vào các bài về biểu tình ở Tiệp Khắc, ở Hung-ga-ri…

Trước tình hình ấy, ông Phan Khôi lo lắng hỏi tôi:
"Anh gặp ông Đồng, thái độ ông ra sao?"

Tôi thuật lại mọi chuyện, nghe xong ông Phan nói:
"Ông Đồng là người hiểu anh em trí thức, văn nghệ và báo chí. Theo anh nên thế nào? Tôi thấy tờ báo có vẻ thành tờ báo mà nội dung là ‘đối phó’".

Một hôm tôi, Văn Cao và ông Phan ngồi ở một hàng nước trà ở phố Hàng Quạt, thì Nguyễn Sáng đến. Sáng gọi thẳng tên tôi và nói:
"Bọn mày là bọn lừa đảo. Tại sao Trần Dần chỉ kéo da cổ để cắt ăn vạ bọn báo Quân đội mà chúng mày lại bảo là cắt cổ tự tử? Rồi đẩy tao minh hoạ bài báo ‘Con người Trần Dần’?"

Văn Cao là người khôn và tròn trịa, không muốn xảy ra to chuyện, nên nói với Sáng:
"Bài viết ấy của Hoàng Cầm; Trần Duy không hay biết gì việc này. Cậu nghe tin này ở đâu?"

"Tụi Văn nghệ Quân đội" − Sáng vừa trả lời vừa bỏ đi.

Chiều hôm ấy, gặp tôi, ông Phan Khôi vừa cười vừa nói:
"Vậy là thiên anh hùng ca không có anh hùng!"

Trước khi ra về ông nói với tôi:
"Xem ra khi đến với nhau thì bằng chữ ‘nghĩa’, nay nghĩa không còn thì cũng nên lo liệu trước".

Và ông hỏi tôi:
"Tiền nong như thế nào? Ai nắm? Các phiếu bưu điện bạn đọc gửi tiền cho toà báo, ai giữ?"

Tôi đáp:
"Cháu".

Ông bảo:
"Theo tôi, anh nên ra bưu điện hoàn trả lại người gửi, vì mình không rõ lai lịch của người gửi, không biết họ là ai, gửi tiền nhằm mục đích gì? Anh nên gửi trả lại để tránh những điều không hay".

Cũng nhờ vậy, sau này có tin đồn báo Nhân văn đã nhận tiền của nước ngoài, thì biên lai của Bưu điện Hà Nội đã chứng minh được sự lành mạnh về tiền nong, tài chính của toà báo.

Cũng từ dạo ấy, tôi thấy sức khoẻ của ông Phan Khôi sa sút. Có lúc thấy ông đi không vững. Có lúc thấy ông khó thở. Ông nói với tôi ông bị sốt thường xuyên, xin được đi khám bệnh nhưng không ai ký giấy giới thiệu.

Một buổi chiều tôi đến 51 Trần Hưng Đạo thì gặp cảnh: Một quan chức có quyền lực quát đuổi vợ chồng ông ra khỏi số nhà 51 Trần Hưng Đạo.

Người này quát lớn:
"Tống cổ thằng già khốn nạn này ra khỏi đây!"
Vợ ông, − bà Huệ ôm chăn màn, sách vở; ông Phan Khôi lảo đảo theo sau. Ra cổng gặp tôi, ông chào và nói:
"Thôi, anh về đi… Buồn không cần thiết!"

Đến buồn mà cũng không cần thiết, kể cả khi hắt bát nước đi vẫn biết là không hớt lại được.

Hôm sau tôi gặp lại vị quan chức hôm qua, nguyên là bạn học cùng tôi thời tiểu học ở Quy Nhơn, Bình Định, tôi hỏi:
"Ăn ở đối xử với nhau như vậy có quá lắm không? Nhất là tầm tuổi ông Phan cũng ngang hàng cha chú chúng mình?"

Ông bạn tôi cười nói:
"Cậu có biết chuyện lên đồng không? Người lên đồng nói những điều không do họ chịu trách nhiệm, họ nói những điều đến từ thế giới khác".

Và cũng nhân câu nói ấy, tôi nhớ có một nhà viết kịch nói với tôi giai thoại về ông này. Nhà ông này có một cái tủ lạnh, lúc vắng ông có người mở tủ lạnh ra thi thấy trong tủ toàn là lưỡi. Có thể vì thế mà ông ta nói được bằng nhiều thứ lưỡi!

Có một hôm đã rất khuya, ít ra cũng sau 12 giờ đêm, anh Phan Thao đến nhà tôi ở 62B Khâm Thiên, hỏi:
"Anh có thể nói thật với tôi về chuyện tiền nong của cha tôi như thế nào không?"

Tôi hiểu, ý anh Phan Thao muốn xác minh tin đồn rằng chúng tôi đã nhận tiền ngoại quốc, của Sứ quán Pháp, của ông Durand nào đó. Tôi trả lời:
"Thật ra tôi không biết mặt ông Durand, cũng không biết đồng đô-la ra làm sao. Nói thật với anh là tôi và ông Phan vừa đi bán cái đồng hồ đeo tay của tôi trên hàng ông Sinh Thành ở Tràng Tiền để mua thuốc kháng sinh cho ông Phan theo đơn của bác sĩ Nguyễn Xuân Ty ở bệnh viện Việt - Đức, bạn của tôi".

Lần cuối cùng tôi gặp ông là hôm ông đi về nhà ông ở 73 phố Thuốc Bắc qua lối phố Hàng Điếu. Tôi thấy ông mệt lắm. Cuộc đời đã bỏ rơi ông, quên lãng ông trong cô độc!

Ông Phan Khôi là người có nghị lực. Những nỗi lo buồn ít khi ông bày tỏ cùng ai. Riêng một điều ông vẫn thường nói với tôi: Đó là chuyện một nhân vật lão thành cách mạng viết một số bài báo quy cho ông Phan cái tội làm tay sai cho mật thám Pháp: Bọn Pháp nhét ông dưới gầm bàn của một tiệm ăn ở Sài Gòn-Chợ Lớn để ông Phan theo dõi một cuộc họp giả trang của tổ chức Đảng.

Kể cho tôi nghe chuyện ấy, ông Phan Khôi bình luận:
"Tôi kể chuyện ấy không nhằm minh oan, nhưng là để chứng minh sự ngu dốt của người đã bịa ra câu chuyện ấy".

Ông tiếp:
"Bọn mật thám Pháp mà nhét một tên tay sai vào dưới gầm bàn của tiệm ăn để tên này theo dõi một cuộc họp, thì bọn chúng ngây thơ quá, ngu quá. Thế lỡ người ngồi họp duỗi chân ra, đụng phải, thì sao? Lại nữa, tiệm ăn nào mà chẳng có dăm con chó, con mèo, lỡ lũ này thấy có người dưới gầm bàn, mà "gâu" lên, "meo" lên thì sao? Rõ là, người bịa chuyện chẳng hiểu mật thám Pháp là thế nào!

Nhưng tôi nghĩ chắc chắn mật thám Pháp lại biết rất rõ Phan Khôi là ai: Ông là cháu ngoại của người anh hùng dân tộc Hoàng Diệu.

Ông trầm ngâm, nói tiếp:
"Cái ngu dốt của riêng kẻ bịa chuyện thì kẻ ấy phải chịu. Nhưng câu chuyện được mọi người tin, mới là điều đáng bàn".

*
* *
Nhà sư Ngô Tịnh Không năm 1170 có câu thơ: "Trí nhân vô ngộ đạo, ngộ đạo tức ngu nhân". [Bậc trí nhân không ngộ đạo / Ngộ đạo tức là người ngu – BVN]

Vậy ở đây: Ai là trí nhân? Ai là ngu nhân? Ai là ngộ đạo?

Ông Phan Khôi không còn nữa, nỗi oan khuất của đời ông vẫn chưa có người giải!

"Nỗi oan của nàng Đậu Nga" trong Kinh kịch nổi tiếng của Trung Quốc đã được minh oan. Nỗi oan trái của gia đình Nguyễn Trãi - Thị Lộ đã được minh giải. Nguyễn Du chưa đến ba trăm năm sau đã được đồng bào của mình thấu hiểu. Riêng nỗi oan của Phan Khôi, cái mà ông quý nhất, gìn giữ nhất là phẩm giá, thì đã bị bôi nhọ, bị chà đạp. Ai là người minh giải?

Tiếng thở dài và tiếng chép miệng của ông trong những ngày cuối cùng như còn vọng lại. Sinh thời, mỗi lần ông nói đến một nỗi oan khuất nào đó của người đời, ông vẫn thường nhắc đến tiếng cóc kêu với trời! Gió mưa là do chuyển hoá Đông - Tây của thời tiết, nhưng vẫn có người tốt bụng tin rằng: Trời mưa nhờ có cóc kêu.

Hà Nội, những ngày kỷ niệm 120 năm sinh Phan Khôi (6/10/1887-6/10/2007)
T.D.

© 2008 talawas


Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 09:31




No comments: