Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017
ăn phòng chính của Twitter ở San Francisco. (Hình minh họa: AP Photo/Jeff
Chiu, File)
Mọi người đều biết lối sử dụng Twitter của Tổng Thống
Donald Trump, với những tweet ngắn ngủi vài chục chữ, góp phần quan trọng cho sự
thắng cử.
Vào thời đại thông tin điện tử, người ta không đủ thời
gian để đọc, nghe tranh luận dài, hay phân tích nhận định về các sự kiện phức tạp.
Do đó, để xác nhận hay bác bỏ điều gì, ông chỉ cần gởi đi một tweet để mau
chóng nói trực tiếp với hàng chục triệu cử tri ủng hộ mình, và như thế là đủ hiệu
quả, khỏi tranh luận giải thích dài dòng vô ích.
Nhưng trước ngày tuyên thệ nhậm chức ông còn là một
công dân bình thường, còn bây giờ, ở cương vị tổng thống Mỹ, sử dụng mạng xã hội
theo cách đó tạo nên nhiều vấn đề phức tạp.
Mọi
thứ gì thuộc về tổng thống đều được lưu trữ
Trong vòng một ngày sau khi nhậm chức, Tổng Thống
Trump gởi một tweet cám ơn dân Mỹ về vinh dự đã dành cho ông. Ít phút sau,
tweet này bị xóa bỏ để thay bằng một tweet khác, sửa một từ đánh sai, “honered”
được sửa lại thành “honored.” Không rõ chính ông Trump nhận ra chỗ sai và sửa
hay các phụ tá của ông sửa giùm. Sai lầm ấy là chuyện bình thường, nhưng cái
quan trọng ở đây là việc xóa một tweet để thay bằng một tweet khác.
Về mặt pháp
lý, một vị tổng thống có quyền sửa sai, nhưng xóa cái cũ đi là phạm luật.
Công dân bình thường tha hồ xóa bỏ, sửa chữa, thay thế một tweet cũng như bất cứ
cái gì của mình. Nhưng với tổng thống Mỹ thì không được, theo lời bà Shontavia
Johnson, giáo sư luật khoa trường đại học Drake University, Iowa.
Người dân Mỹ khi dọn nhà muốn phá bỏ hay đem đi bất
cứ thứ gì cũng được, còn một tổng thống rời khỏi Tòa Bạch Ốc không được phép sửa
đổi, xóa bỏ tài liệu, giấy tờ và mọi dấu tích đã trở thành hồ sơ, lưu trữ cho lịch
sử. Xưa kia, các tổng thống trước khi mãn nhiệm vẫn thường cho thủ tiêu tài liệu,
giấy tờ riêng của mình nhằm bảo vệ sự riêng tư và tránh có thể bị phiền phức
sau này.
Nhưng sau vụ Tổng Thống Richard Nixon tìm cách cho
xóa những băng ghi âm ở Tòa Bạch Ốc trong vụ Watergate, năm 1978, Quốc Hội đưa
ra đạo luật PRA (Presidential Records Act) quy định lưu trữ mọi loại hồ sơ liên
quan đến tổng thống trong suốt nhiệm kỳ, và chuyển đến lưu trữ ở Văn Khố Quốc
Gia.
Phát ngôn viên của Sở Văn Khố giải thích rằng khi một
tweet từ tổng thống, hay từ ban tham mưu của tổng thống, được đưa lên mạng, lập
tức trở thành hồ sơ lưu trữ, không ai được phép xóa bỏ. Như thế, trên mặt pháp
lý, tweet thay thế không thể phủ nhận sự hiện hữu của tweet đã có được.
Trước kia ông Trump tuyên bố sẽ tiếp tục dùng trương
mục @realDonaldTrump để nói chuyện thẳng với dân chúng về những vấn đề quốc nội
và quốc tế quan trọng. Việc làm này không có gì trái phép, nhưng bây giờ ông
dùng trương mục @realDonaldTrump hay trương mục của Tòa Bạch Ốc @POTUS
(President of The United States) thì vẫn chính thức là của tổng thống và phải
chịu sự ràng buộc của Đạo Luật PRA.
Giá
trị và hậu quả
Nhiều quan sát viên tin rằng, khác với khi tranh cử,
tổng thống thường xuyên sử dụng tweet có thể đưa đến những hậu quả ngoài ý muốn.
Theo Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của chính quyền
Trung Quốc, Bắc Kinh đã khuyến cáo ông Trump ngay sau khi ông đắc cử là hãy bỏ
việc dùng mạng xã hội Twitter trong những vấn đề bang giao quốc tế. Ông Trump từng
tweet ra những lời phát biểu bất ngờ ngoài dự đoán và khác hẳn chính sách của Mỹ
cho đến nay, trong số đó có nhiều điều gây tranh luận như tố cáo Trung Quốc làm
giá đồng tiền hoặc không dùng áp lực để Bắc Hàn từ bỏ vũ khí nguyên tử. Bắc
Kinh cho rằng: “Ngoại giao không phải trò chơi của con nít, và mạng xã hội cũng
không dùng được trong thương lượng kinh doanh.”
Ý kiến ấy có phần đúng vì tweet không thể coi như
phát biểu chính thức bởi lẽ quá vắn tắt, không đủ giá trị chính thức để làm cơ
sở thảo luận, nhưng mặt khác lại có thể có tác dụng ảnh hưởng đáng kể. Hơn nữa,
chính tác giả, ông Trump, thường nhiều lần nói ra rồi sửa lại khiến người ta bị
bối rối không hiểu thực tế ra sao.
Không phải chỉ Văn Khố Quốc Gia, một số cơ quan truyền
thông như nhật báo The New York Times, đã lưu trữ làm tài liệu tất cả các tweet
ông Trump gửi đi, kể cả những tweet sau đó rút lại, hay xóa bỏ hẳn.
Tweet của ông
nói Mexico sẽ bồi hoàn cho Mỹ chi phí xây dựng “Bức Trường Thành” giữa hai quốc
gia được rút bỏ sau 51 giây. Trung Quốc lấy trộm một tàu do thám tự động của Hải
Quân Mỹ bị xóa sau 1 giờ. Tweet nói tranh cử trong hệ thống cử tri đoàn khó hơn
phổ thông đầu phiếu trực tiếp, chỉ 13 giây sau rút lại. Lý do sửa đổi có thể vì
ông Trump nhận ra phát biểu thiếu khôn ngoan, hoặc được cho là có thể gây những
khó khăn về mặt ngoại giao.
Về ảnh hưởng kinh tế, nên chú ý đến trường hợp hai
công ty kỹ nghệ hàng không Boeing và Lockheed Martin. Ngày 22 Tháng Mười Hai
năm ngoái, Tổng Thống Tân Cử Donald Trump đánh đi một tweet nói rằng do phí tổn
quá lớn chế tạo máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin, ông đã yêu cầu
Boeing hiến giá về loại máy bay tương tự F-18 Super Hornet. Hậu quả liền sau đó
là cổ phiếu của Lockheed Martin rớt 2% trong khi Boeing lên .5%; trị giá vốn
hóa thị trường của Lockheed Martin mất khoảng $1.2 tỷ.
Sự kiện này chứng tỏ rằng dù hoàn toàn chưa phải là
quyết định gì chính thức, những tweet như kiểu ấy có thể làm thiệt thòi lớn cho
giới đầu tư, trong khi những nhà giao dịch chứng khoán có thể lợi dụng khai
thác để thu lợi, làm đảo lộn ổn định của thị trường.
An
ninh trên mạng
Trong chương trình “60 Minutes” của đài truyền hình
CBS hồi Tháng Mười Một, 2016, ông Trump nói là sau khi tuyên thệ nhậm chức “sẽ
hết sức hạn chế dùng Twitter.” Tân Hoa Xã của Trung Quốc tỏ ra hoài nghi lời
nói ấy vì “Tweet là thói quen đã trở thành nếp, giống như cơn ghiền của ông
Trump.”
Điều ấy có thể phần nào đúng vì người ta nhận thấy
ông Trump thích được nổi bật và thường nóng nẩy phản ứng ngay sau khi được khen
hay bị chê. Bằng một cách nhìn khác, có thể so sánh với trường hợp trong một cuộc
hội họp, nhiều người thích nói không chịu rời microphone dù đã được nhắc nhở là
hết giờ.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Times ở London, ông
Trump cho biết sẽ tiếp tục dùng trương mục @realDonaldTrump khi ở Tòa Bạch Ốc.
Nhưng các chuyên viên an ninh đã yêu cầu ông đổi chiếc máy điện thoại Android để
sử dụng một chiếc máy an toàn hơn, mã hóa những liên lạc được Sở Đặc Vụ chấp
thuận và hạn chế số người có thể truy cập.
Người ta biết rằng những hệ thống điện toán dù được
bảo vệ an toàn tinh vi thế nào vẫn có thể một lúc nào đó bị tin tặc tìm được
cách xâm nhập. Twitter có hệ thống an ninh hết sức chặt chẽ nhưng trương mục
@realDonald Trump hay @POTUS không thể nào là an toàn tuyệt đối. Vậy nếu tin tặc
lọt vào được các trương mục ấy và phóng ra những thông tin giả thì sẽ là tình
huống vô cùng rắc rối. Chỉ cần ít giây đồng hồ, hàng triệu máy điện tử cá nhân
sẽ đọc được tweet phát đi. Sau đó mọi sự phủ nhận, cải chính, đều là chậm, chưa
kể người ta sẽ bị bối rối không có cách gì phân biệt đâu là thật đâu là giả.
Số người theo dõi Twitter rất lớn, 12 triệu nhận được
@realDonaldTrump. Theo Fox News, vào giờ cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng Thống
Barack Obama, có 13.7 triệu người nhận tweet qua @POTUS, tới 12 giờ 5 phút trưa
chỉ còn 9,635. Sau đó những gì của chính quyền Obama được chuyển hết vào Văn Khố
Quốc Gia và @POTUS thuộc về chính quyền Trump. Số người vào trương mục này lên
3.62 triệu trong 12 phút sau và lên tới 5.33 triệu lúc 3 giờ chiều.
Với nhiều vấn đề phức tạp như thế, có lẽ Tổng Thống
Donald Trump và ban tham mưu của ông cần phải thận trọng cân nhắc trong việc
dùng mục xã hội Twitter.
No comments:
Post a Comment