Micah
L. Sifry - The Nation
Dịch giả: Song Phan
Posted by adminbasam on
12/02/2017
Cuốn
phim năm 2009 của ông, Thế hệ Zero (Generation Zero), cho thấy một
tầm nhìn ảm đạm kinh khiếp về quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta, được
thúc đẩy bởi một niềm tin kỳ ảo vào thuyết định mệnh lịch sử.
Steve Bannon năm 2010, năm mà bộ phim ‘Thế hệ Zero’ của ông đã được phát
hành. Ảnh: Don Irvine / Wikimedia Commons.
Stephen Bannon thực sự tin tưởng điều gì? Do ông ta
không phát biểu nhiều trước công chúng kể từ khi trở thành “người có thế lực thứ
nhì trên thế giới” – như tạp chí Time đã nêu – là chiến lược
gia trưởng có nhiều ảnh hưởng của tổng thống và bây giờ là một thành viên của
những người đứng đầu ủy ban trong Hội đồng An ninh Quốc gia – nên trong những
tuần gần đây các nhà phân tích đã tập trung vào hai nguồn chính làm manh mối
cho cách nghĩ của ông. Nguồn thứ nhất là một bài phát biểu ông qua Skype vào
năm 2014 tại một hội nghị bên trong Vatican, ở đó ông kêu gọi “chiến sĩ công
giáo” chiến đấu chống lại “sự man rợ mới” của “chủ nghĩa phát xít Hồi giáo
thánh chiến”, và ca ngợi phong trào Tiệc trà (Tea Party: phong trào trong đảng
CH đòi giảm nợ công, giảm thâm thụt bằng ngân sách giảm chi công, giảm thuế) là
lực lượng tiên phong của một “cuộc nổi loạn trung hữu” chống lại phe tư bản
thân hữu và nhóm “bàn tiệc Davos” (party of Davos: chỗ bàn luận những chương
trình hành động toàn cầu [Diễn đàn Kinh tế thế giới] ở Davos).
Ông tuyên bố trong bài phát biểu mà BuzzFeed đã
công bố: “Có một cuộc chiến tranh lớn đang sôi sục, một cuộc chiến tranh mang
tính toàn cầu. Ngày nào mà chúng ta không chịu nhìn vào điều này đúng như quy
mô của nó, và đúng với sự tệ hại của nó, sẽ có ngày bạn sẽ hối tiếc rằng chúng
ta đã không hành động”.
Nguồn thứ hai về cách nghĩ của Bannon, được các
phóng viên của USA Today và The New York Times khai
thác gần đây nhất, là ý kiến của ông trong một chương trình phát thanh hàng
ngày mà ông điều hành như một phần của đế chế Breitbart News của
mình cho đến khi nắm quyền điều khiển chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump
mùa hè rồi. Trong các chương trình này, ý tưởng của Bannon thường xuất hiện như
là tiền đề cho những câu hỏi mà ông đặt ra cho những người được phỏng vấn. Ví dụ,
tháng 3 năm 2016, ông hỏi tác giả Lee Edwards, “Chúng ta sẽ tiến hành chiến
tranh ở biển Đông trong 5-10 năm tới phải không?” Nói chuyện với Thomas
Williams, đồng nghiệp trong Breitbart, ông đã nói tới “một đạo Hồi
bành trướng”, “một Trung Quốc bành trướng, “và một” phương Tây Công giáo – Do
Thái giáo trên đường rút lui”. Tháng 12 năm 2015, ông nói với nhà hoạt động chống
người nhập cư Rosemary Jenks rằng “hầu hết người ở Trung Đông, ít nhất cũng
50%, đều tin vào việc tuân thủ luật Sharia” và rằng đối với những người này
“Hoa Kỳ không phải là chỗ dành cho họ”.
[Để hiểu tại sao Bannon có cách đánh giá đen tối về
thế giới như thế, hãy xem xét công việc của ông trong cương vị một nhà làm phim
tài liệu].
Những phát biểu đó cho chúng ta biết nhiều về những
gì Bannon tin, nhưng để tạo thành một sự hiểu biết đầy đủ về cách nhìn thế giới
của ông – nếu bạn muốn hiểu vì sao ông đã có cách đánh giá đen tối về thế giới
như vậy và ông muốn đưa Hoa Kỳ tới đâu – hay đưa mắt nhìn vào công việc của ông
như một nhà làm phim tài liệu. Trước khi ông tham gia Breitbart News với tư
cách là thành viên sáng lập trong hội đồng quản trị, Bannon làm nhiều phim tài
liệu cả với vai trò là nhà sản xuất lẫn người viết kịch bản chính, bao gồm các
phim In the Face of Evil: Reagan’s War in Word and Deed (Đối
diện với cái ác: Cuộc chiến tranh của Reagan bằng lời nói và hành động) (2004), Fire
from the Heartland: The Awakening of the Conservative Woman (Lửa
từ trung tâm đất nước: Sự thức tĩnh của người phụ nữ bảo thủ) và Battle
for America (Trận chiến vì nước Mỹ – 2 phim này đều ra đời năm 2010), The
Undefeated (Người không bị đánh bại – về Sarah Palin, từ năm 2011), và Occupy
Unmasked (Chiếm Lấy đã bị lột mặt nạ -năm 2012), một phim tuyên truyền
cố tìm cách gieo tiếng xấu cho phong trào Chiếm Lấy (Occupy) như là một âm mưu
do các nhóm khác nhau như các Mặt trận Giải phóng trái đất và đảng Báo Đen
(Panther Party Black) vạch ra.
Như các tựa phim cho thấy, hầu hết những bộ phim này
là bài ca tụng dành cho các thần tượng của đảng Cộng hòa Reagan, Palin, và nhóm
Tiệc Trà, hoặc là các màn tấn công vào cánh tả. Nhưng có một sản phẩm của
Bannon đáng chú ý hơn vì những gì nó giải thích về thế giới quan nền tảng của
ông: bộ phim Thế hệ Zero năm 2010. Trong 90 phút với các hình ảnh
khủng khiếp từ lịch sử thế giới 100 năm vừa qua, xen kẽ với các cuộc phỏng vấn
với một danh sách, dường như không bao giờ hết, các trí thức bảo thủ, gần như tất
cả họ đều là người da trắng, kịch bản của Bannon cho thấy một tầm nhìn nhất
quán và ảm đạm kinh khiếp về quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta, thúc
đẩy bởi một niềm tin kỳ ảo vào thuyết định mệnh lịch sử.
Các bộ phim này tập trung vào sự sụp đổ ngân hàng
năm 2008, xoay tới lui về thời gian để đưa ra một lời giải thích cho nguyên
nhân của nó và để kịch tính hoá ảnh hưởng của nó. Bannon mở màn với thành viên
thiếu may mắn, thuộc uỷ ban Dịch vụ Tài chính Nhà cửa, ông Paul Kanjorski, bị một
người nộp thuế nóng giận, trách móc trên chương trình TV của C-Span và
Kanjorski thừa nhận ông không có sự nhạy bén về tài chính; trong khi đó các
hình ảnh của bom hạt nhân nổ và máy bay rơi ngắt quảng phần tường thuật. Bannon
đổ lỗi sự sụp đổ tài chính cho ai? “Sự kết hợp độc hại của chính phủ ‘anh cả’
(big government) bắt tay với Wall Street” do văn hóa dễ dãi của thập niên 1960
sinh ra. Bannon thừa nhận, nhưng văn hóa dễ dãi này tự nó được thế hệ trước vốn
đã bị tổn thương bởi những chết chóc trong Thế chiến II tạo ra, và do đó đã cố
che chắn con cái mình tránh khỏi những thực tế khắc nghiệt của thế giới, qua đó
tạo ra tiêu chuẩn đạo đức lỏng lẻo và coi mình là trung tâm.
[Không phải do nạn phân biệt chủng tộc hay chiến
tranh Việt Nam là nguyên nhân của phong trào quần chúng vì thay đổi xã hội hoặc
giải phóng con người.]
Đối với Bannon, và cuộc diễu hành của những người bảo
thủ mà ông sắp xếp để minh chứng lập luận của mình (Newt Gingrich, Heather
MacDonald, Roger Kimball, Michael Novak, và Shelby Steele đều dành rất nhiều thời
gian cho việc gặp gỡ nhau), những cuộc nổi loạn của thập niên 1960 đều bắt nguồn
từ thói tự kỷ thái quá (narcissism) của thế hệ bùng nổ trẻ con. Không phải do nạn
phân biệt chủng tộc hay chiến tranh Việt Nam là nguyên nhân của phong trào quần
chúng vì thay đổi xã hội hoặc giải phóng con người. Thay vào đó, phe tả – đại
diện bởi nhà tổ chức Saul Alinsky và các học giả Frances Fox Piven và
Richard Cloward – bị đổ lỗi cho việc lôi kéo trẻ con trong thập niên 1960 tin rằng
xã hội Mỹ là xấu xa và việc làm gián đoạn hiện trạng đó là đạo đức. Chỉ khi bỏ
qua những nguyên nhân sâu xa của cuộc biểu tình, như phân biệt chủng tộc hay
chiến tranh thì bạn mới có thể thực hiện bước nhảy vọt trí tuệ kiểu này. Nhưng
Bannon chỉ đang nới khởi động.
Một phần tư con đường vào phim Thế hệ Zero,
nhà làm phim tung ra lý thuyết sâu sắc hơn dẫn dắt suy nghĩ của mình: khái niệm
bước ngoặt thế hệ (generational turning) được hai tác giả Neil Howe và William
Strauss phổ biến trong 2 cuốn sách Generations: The History of
America’s Future (Các thế hệ: Lịch sử của Tương lai Mỹ – năm 1991) và The
Fourth Turning: An American Prophecy (Bước ngoặt thứ tư : Lời tiên
tri Mỹ – năm 1997). Theo Strauss và Howe, cứ khoảng 80 năm – một chu kỳ, hoặc
thời gian một đời người – nước Mỹ trải qua một cuộc khủng hoảng thê lương. Đánh
dấu bằng sự tàn ác và nạn diệt chủng, và kéo dài trên dưới một thập kỷ, cuộc khủng
hoảng này kết thúc với việc thiết lập lại trật tự xã hội và những người sống
sót đều nguyện sẽ không bao giờ để cho một thảm họa như vậy xảy ra nữa. Strauss
và Howe cho rằng mỗi một cuộc khủng hoảng này từng là những khoảnh khắc cấu
thành trong lịch sử đất nước chúng ta. Cuộc cách mạng 1776-1783, theo sau khoảng
80 năm sau đó là cuộc nội chiến, rồi sau 80 năm nữa là cuộc Đại khủng hoảng và
Thế chiến II.
Howe và Strauss lập luận rằng trong mỗi chu kỳ 80
năm có bốn bước ngoặt, mỗi bước dài một thế hệ, và mỗi bước này đều không thể
tránh được giống như sự xuất hiện của các mùa. Trong bước ngoặt đầu tiên, đối với
thế hệ sống sót sau thảm họa trước đó, xã hội mới được khôi phục lại đạt đến một
đỉnh cao tập thể về trật tự xã hội và sức mạnh kinh tế. Hãy nghĩ tới nước Mỹ
trong thời bùng phát sau chiến tranh từ 1945 đến 1965. Kế đó là bước thức tỉnh
(awaking), khi thế hệ mới đầu tiên từ những trẻ con sau thảm họa bước vào tuổi
trưởng thành và, không giống như các bậc cha mẹ bị thương tổn, họ thả lỏng với
cảm xúc và chấp nhận những rủi ro mà tổ tiên của họ không bao giờ có thể tưởng
tượng ra. Xin chào thập niên dài 1960. Sau đó là bước tháo gỡ, khi trật tự có
lúc từng mạnh mẽ bắt đầu sụp đổ, người ta đặt câu hỏi về các chân lý vĩnh cửu
và các định chế bị suy yếu. Bước ngoặt thứ tư được khởi động và bị ngắt quảng bởi
cuộc khủng hoảng đang diễn ra mà từ đó một trật tự hoàn toàn mới được sinh ra.
Strauss và Howe cốt yếu chỉ là các nhà sử học đại
chúng (pop historian) – khi đặt đúng trong khuôn khổ của họ thì điều đó có vẻ hấp
dẫn, nhưng chẳng có điều gì bạn có thể chứng minh hay bác bỏ với bất kỳ sự bảo
đảm nào.
Nhưng điều đó không làm cho Bannon ngại ngùng. Sau
khi thiết lập xong cái khuôn câu chuyện quyến rũ này, Bannon dành phần còn lại
của Thế hệ Zero lèo lái không ngừng vào những thập kỷ tháo gỡ,
mà theo cách nghĩ của ông là những năm từ 1987 đến 2007. Như một tuyên truyền
viên, ông có hai mục đích. Mục đích thứ nhất là làm cho người xem mình hiểu rõ
ai là người gây hại và ai là những người bị hại; mục đích thứ hai là sử dụng
cách lồng khung đó để giúp hình thành trật tự xã hội mới sẽ đến, vì ông tin rằng,
sau bước ngoặt thứ tư, tự nó sẽ diễn ra.
Để thuyết phục khán giả rằng những người tự do và
hippy phải bị đổ lỗi cho sự phá phách tài chính trong 20 năm qua, Bannon trưng
các nhà kinh tế bảo thủ như Amity Schlaes và Arthur Brooks vốn từ lâu đã cho rằng
New Deal (Chính sách kinh tế mới thời Tổng thống Roosevelt) đã không cứu được nền
kinh tế Mỹ, nhưng chỉ đơn giản làm chính phủ cố thủ và làm cho nó thành kẻ thù
của các doanh nhân cần mẫn – hay, như Schlaes viết về điều đó, đoán trước vềTrump,
“người trả tiền, người cầu nguyện, người không được nghĩ đến, người bị quên
lãng”. Thế hệ Zero gợi ý rằng khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã
không xảy ra vì có lực đẩy lớn trong cởi bỏ quy định hồi những năm 1980 và
1990, còn nó đã xảy ra là do chính phủ ‘anh cả’; và các doanh nghiệp lớn bắt
tay với nhau, và các tổ chức của cả hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều nghiêng về
“bàn tiệc Davos.”
Bannon có một ý kiến đáng xem xét. Dưới thời Tổng thống
Bill Clinton và George W. Bush, đã có một sự đồng thuận ở Washington ủng hộ
toàn cầu hóa, tự do thương mại, bãi bỏ quy định của Wall Street, và tài chính
hoá nền kinh tế.
Nhưng Bannon, như chúng ta biết, không chỉ là một
tay dân túy về kinh tế. Ông ta còn là một kẻ phân biệt chủng tộc, điều đó dẫn
ông ta, trong phần tiếp theo của tường thuật “tháo gỡ”, đổ lỗi bong bóng nhà đất
và cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn cho phong trào dân quyền và những nỗ lực
để giải quyết là phân biệt đối xử. Bởi vì “người Mỹ da trắng đã ở trong vị thế
phải luôn chứng minh rằng họ không phải là kẻ phân biệt chủng tộc. Chính hiện
tượng về tội lỗi thuộc da trắng là cái tạo áp lực những người trong chính phủ
nói những thứ như “mọi người đều có quyền có một ngôi nhà”, người kể chuyện của
ông nêu. Các ngân hàng được cho là đã nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay vì Đạo luật
Tái đầu tư cộng đồng và ACORN, nhưng “không may là chủ nghĩa tư bản không vận
hành theo cách đó”, và do đó sự sụp đổ năm 2008 là lỗi của phe tự do và người
da đen.
Bannon kết thúc phim Thế hệ Zero với
một cảnh báo cùng với một gợi mở hy vọng: “Khi bạn bước vào thời kỳ khủng hoảng
thì thực tế bất cứ điều gì đều có thể xảy ra. Các hạn chế đều đi xuống. Đây là
thời đại của cách mạng. Đây là thời đại của khủng bố ngự trị”, người kể chuyện
của ông nói. Nhưng “câu hỏi về trật tự mới sẽ là cái gì thì tuỳ vào chúng ta.”
Trong một bài viết trên tạp chí Time công
bố ngay sau cuộc bầu cử tháng 11, David Kaiser giải thích vì sao việc này lại
quá nản lòng như vậy. Bannon đã tìm cách phỏng vấn ông cho phim ‘Thế hệ
Zero’ vì ông là một trong số ít các nhà sử học chuyên nghiệp từng xem
xét công trình Howe và Strauss một cách nghiêm túc. Như ông viết, “cách diễn giải
của riêng tôi về [công trình của họ] là cái chết của một trật tự chính trị,
kinh tế và xã hội cũ tạo cơ hội cho bất kỳ phong trào xác định hoặc lãnh đạo
nào đưa ra một tầm nhìn mới thế vào”. Ông nói Đảng Cộng hòa có một tầm nhìn như
vậy, trong khi những đảng viên Dân chủ quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ những
thành tựu của New Deal.
Kaiser nói, nhưng Bannon đã có nhiều thứ trong đầu
hơn chỉ có việc cuộn bỏ những di sản của các tổng thống đảng Dân chủ từ Barack
Obama tới Lyndon Johnson và Franklin Roosevelt. Ông viết:
“Bannon rõ ràng đã nghĩ một thời gian dài cả về những
tác động tiềm năng trong nước lẫn tác động về đối ngoại của Strauss và Howe. Hơn một lần trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông chỉ ra rằng
mỗi một trong ba cuộc khủng hoảng trên đều đã dính dáng với một cuộc chiến
tranh lớn, và những cuộc xung đột này đã tăng lên về phạm vi từ cuộc Cách mạng
Mỹ qua cuộc Nội chiến đến Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông dự kiến
một cuộc chiến tranh mới thậm chí lớn hơn như là một phần của cuộc khủng hoảng
hiện nay, và ông ta có vẻ không lo ngại chút nào với viễn cảnh đó. Tôi
không đồng ý, và đã nói thế. Nhưng, do biết lịch sử xung đột quốc tế
là chuyên sâu của tôi, ông liên tục ép tôi nói rằng chúng ta có thể dự kiến một
cuộc xung đột ít nhất cũng lớn như Chiến tranh thế giới thứ hai trong tương lai
gần hoặc trung hạn. Tôi từ chối”.
Bannon không chỉ tin rằng chúng ta đang ở trong một
cuộc xung đột hiện có với Hồi giáo hay với Trung Quốc. Có vẻ như ông ấy muốn
làm trầm trọng thêm những xung đột đó thành một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Là một người tin vào học thuyết về lịch sử của Strauss và Howe, Bannon mơ màng
rằng ông có thể sử dụng cuộc biến động lớn đó để hình thành nên một trật tự
hoàn toàn mới. Ông hiện đang ở vị thế để thực hiện điều đó.
No comments:
Post a Comment