Nina Khrushcheva – Project
Syndicate
Biên
dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng
Hiệp
Posted on 08/02/2017 by The Observer
Trump & Putin
Sự chuyển tiếp của Donald Trump từ vị trí Tổng thống
đắc cử sang tiếp quản quyền lực thực tế gợi nhớ nhiều nhất về một thể loại phim
Hollywood bị lãng quên: tâm lý hoang tưởng. Có lẽ bộ phim hay nhất của thể loại
này là bộ phim The Manchurian Candidate (Ứng viên Mãn Châu), đề
cập đến một mưu đồ cộng sản trong việc sử dụng người con trai bị tẩy não của một
gia đình cánh hữu hàng đầu nhằm lật đổ hệ thống chính trị Mỹ. Với sự mến mộ mà
dường như Trump và các quan chức được ông chỉ định dành cho Tổng thống Nga
Vladimir Putin, thực tế cuộc sống có thể sẽ bắt chước theo, nếu không muốn nói
là vượt xa, cả nghệ thuật.
Chắc chắn rằng, sự mến mộ Putin mà Trump, Ngoại trưởng
được bổ nhiệm Rex Tillerson, và Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn cùng chia
sẻ không phải là kết quả của việc bị tẩy não, trừ khi bạn xem tình yêu tiền bạc
(và dành cho những người có thể mang lại tiền cho bạn) là một dạng tẩy não. Tuy
nhiên, hội chứng cuồng Kremlin (Kremlinophilia) như vậy – cải lại từ một từ gợi
nhớ về chứng hoang tưởng thời Chiến tranh Lạnh – rõ ràng là rất xa lạ với nước
Mỹ.
Hãy xem xét sự chế nhạo mà Trump và phe của mình
dành cho các báo cáo của CIA về việc hacker do Điện Kremlin chỉ đạo đã
can thiệp vào cuộc bầu cử tháng trước theo hướng có lợi cho Trump. Theo cung
cách điển hình, Trump đã buông ra những dòng tweet miệt thị CIA theo kiểu họ
làm theo chỉ đạo của đối thủ bại trận của ông, Hillary Clinton. Người được ông
chỉ định vào vị trí Thứ trưởng Ngoại giao, John Bolton, thậm chí còn đi xa hơn
khi cho rằng hành động của Hội đồng Dân chủ Quốc gia và chủ tịch chiến dịch của
Hillary Clinton, John Podesta, là một chiến dịch kiểu ”vu cáo” (false flag) nhằm
bôi đen một Kremlin vô tội.
Ý tưởng rằng vị Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ sẽ
nghiêng về điện Kremlin hơn là các quan chức CIA và thậm chí là cả những thành
viên kỳ cựu nhất ngay trong Đảng của ông vốn dĩ đã là một ý tưởng kỳ quặc và
nguy hiểm. Nhưng sự chỉ định đồng thời ông Tillerson – CEO lâu năm của Exxon
Mobil, công ty năng lượng quyền lực nhất nước Mỹ, nơi đầu tư hàng chục tỷ đô la
vào nước Nga – trở thành Ngoại trưởng đã đưa chuyện tình với kẻ thù chính (của
nước Mỹ) lên một cấp độ chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ.
Đối
với Tillerson, đứng về phe Nga để chống lại Hoa Kỳ không phải là
điều gì mới mẻ. Hãy xem các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ và châu Âu áp đặt lên nước
Nga nhằm đáp trả lại việc sáp nhập Crimea của quốc gia này vào năm 2014 – một
hành động phi pháp hiển nhiên. Thay vì ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ, Tillerson
lại xem thường nó. Thay vì tôn trọng tuyệt đối lời kêu gọi của Tổng thống
Barack Obama dành cho ExxonMobil về việc không cử đại diện tham dự Diễn đàn
Kinh tế thường niên Saint Petersburg sau vụ sáp nhập, Tillerson ngang nhiên cử
người đứng đầu một trong những công ty quốc tế của ExxonMobil tham dự. Và thay
vì trả lại Huân chương Hữu Nghị mà ông nhận được từ Putin vài tháng trước vụ
xâm chiếm Crimea, Tillerson lại tiếp tục tán dương địa vị của mình như là một
“người bạn của Vladimir”.
Flynn,
cũng giống như Tillerson, đã hưởng lợi từ sự khó khăn của
điện Kremlin. Sau khi bị ông Obama sa thải vì sự quản lý kém cỏi của mình tại Cục
Tình báo Quốc phòng, Flynn lập tức bắt đầu nuôi dưỡng các mối làm ăn với nước
Nga. Và Putin dường như rất vui mừng khi nhìn thấy các cánh cửa kinh doanh được
mở ra đối với Flynn. Có cả một bức ảnh hiện tai tiếng của Flynn ngồi cạnh Putin
tại một bữa tiệc của kênh Russia Today, một kênh truyền hình cáp được
Kremlin hậu thuẫn – vốn là một nguồn chủ yếu của các tin tức thiên kiến và thậm
chí giả mạo tràn ngập nước Mỹ trong suốt chiến dịch tranh cử gần đây.
Đối
với Trump, các phát biểu của các con trai ông cho thấy rằng, nếu
dư luận Mỹ có thể xem được các khoản hoàn thuế và các khoản vay làm ăn của
Trump, họ sẽ nhận ra rằng ông cũng từ lâu đã tư lợi dựa vào tiền của Kremlin.
Ông rõ ràng đã kiếm tiền từ vô số các ông trùm của nước Nga. Năm 2008, ông chuyển
nhượng một trong những biệt thự của mình ở Palm Beach cho Dmitry Rybolovlev, một
ông trùm ngành phân bón, với giá 95 triệu đô la. Sergei Millian, người đứng đầu
Phòng Thương mại Nga – Mỹ, được cho là đã tạo điều kiện cho vô số khoản đầu tư
từ Nga vào các dự án của Trump. Đối với Trump, không có khoản tiền nào là quá bẩn
thỉu để không thể đút túi.
Sự ngưỡng mộ của Trump dành cho nước Nga – hoặc,
chính xác hơn, là dành cho người giàu Nga – là rõ ràng từ rất lâu trước khi người
Mỹ đi bầu cử, tương tự là thói quen sử dụng các cố vấn cùng quan điểm. Trong
nhiều tháng, chiến dịch tranh cử của Trump được điều hành bởi Paul Manafort, một
nhà hoạt động chính trị đã giúp giành chiến thắng cho vị Tổng thống bị thất sủng
Viktor Yanukovych trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010 của Ukraine. Trump chỉ
cắt đứt mối quan hệ công khai với Manafort sau khi chính phủ dân chủ hiện tại của
Ukraine tiết lộ các tài liệu cho thấy hàng triệu đô la tiền mặt mà Yanukovych
đã trả cho Manafort.
Khi lễ nhậm chức của Trump tới gần, người Mỹ phải đối
mặt với ba câu hỏi lớn. Câu hỏi thứ nhất, dưới góc độ nào đó, sẽ tương tự như
câu hỏi mà Trump đặt ra về bà Clinton trong chiến dịch tranh cử: điều gì sẽ xảy
ra nếu FBI tìm thấy chứng cứ phạm tội của Tổng thống? Hoặc, có lẽ nhiều khả
năng hơn trong trường hợp của Trump, điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống cố gắng bịt
miệng các điều tra của FBI về hoạt động thương mại liên quan đến Nga của ông,
hoặc về các hành động của những tay chân như Manafort?
Câu hỏi thứ hai, câu hỏi mà Thượng viện Hoa Kỳ phải
đặt ra trước khi phê chuẩn Tillerson cho vị trí Ngoại trưởng, liên quan đến mức
độ lợi ích tài chính của ông và ExxonMobil ở Nga. Thượng viện cũng cần phải điều
tra Tillerson đã hợp tác chặt chẽ như thế nào với Igor Sechin, chủ tịch Rosneft
và là cựu đặc vụ khét tiếng của KGB, đặc biệt trong việc tái quốc hữu hóa phần
lớn ngành công nghiệp dầu mỏ Nga và đặt nó dưới sự kiểm soát cá nhân của
Sechin. (Các câu hỏi tương tự phải được đặt ra về Flynn, mặc dù do vị trí Cố vấn
An ninh Quốc gia không cần phải được phê chuẩn bởi Thượng viện nên hầu như
không thể làm được gì để ngăn cản việc bổ nhiệm ông này).
Câu
hỏi lớn nhất liên quan tới người dân nước Mỹ. Liệu họ có
sẵn sàng chấp nhận một Tổng thống lên án những người đàn ông và phụ nữ mạo hiểm
tính mạng của mình để bảo vệ Hoa Kỳ, nhưng đồng thời nhanh nhảu khen ngợi và bảo
vệ Putin và các tay chân thân tín của mình khi các hành vi liều lĩnh, thậm chí
phạm tội, của họ bị tiết lộ?
Vào cuối phim Ứng viên Mãn Châu, một
nhân vật bị tẩy não khác – nhân vật Marco do Frank Sinatra thủ vai –thoát
ra khỏi kế hoạch được định sẵn cho ông để chặn đứng mưu đồ của những người cộng
sản. Nhưng đó là Hollywood thời Chiến tranh Lạnh: dĩ nhiên là người tốt giành
chiến thắng. Còn bộ phim của Trump có vẻ sẽ không kết thúc tốt đẹp như vậy.
*
Nina L. Khrushcheva là giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế
tại Đại học The New School, New York, và nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính
sách Thế giới.
Copyright: Project Syndicate 2016 – The
Manchurian Cabinet
Nguồn: Nina Khrushcheva, “The
Manchurian Cabinet”, Project Syndicate, 14/12/2016.
No comments:
Post a Comment