Wednesday, February 8, 2017

LÊNH CẤM DI TRÚ CỦA TRUMP ĐI VỀ ĐÂU ? (tin tổng hợp)




Mai Vân – RFI
Đăng ngày 08-02-2017
Tòa phúc thẩm California vào hôm qua, 07/02/2017, bắt đầu xem xét sắc lệnh nhập cư của tổng thống Mỹ sau khi văn bản này bị một tòa án Liên bang của tiểu bang Washington ngăn chặn. Nhà Trắng muốn tái lập việc cấm vào nước Mỹ đối với công dân 7 nước có đa số dân Hồi Giáo. Ba thẩm phán tòa phúc thẩm đã dùng điện thoại nghe lập luận hai bên. Sự vụ được truyền trực tiếp trên các mạng xã hội.

Thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio, tường thuật từ Washington :

Nếu Donald Trump ngồi trước màn hình thì ông cũng chứng kiến, như tất các cư dân mạng, những khó khăn mà luật sư bảo vệ sắc lệnh nhập cư của ông gặp phải. Trọng tâm lập luận của vị luật sư này là giải thích rằng tổng thống Mỹ có cảm nhận là nguy cơ khủng bố có thật.

Ba thẩm phán rất thẳng thắn : « Luật sư Clifton, chúng tôi hiểu rõ khái niệm, nhưng điều đó rất trừu tượng ! Phải chăng có một lý do không nói ra, làm cho ông tin rằng có nguy cơ thật sự ? »

 Tiếp theo là những câu hỏi dồn dập : Dân ở bẩy nước trong sắc lệnh đã tiến hành bao nhiêu vụ khủng bố ? Có bằng chứng cụ thể nào đã giấu chúng tôi hay không ?

Luật sư của Nhà Trắng đã biện hộ trong 30 phút. Luật sư tiểu bang Washington sau đó đã bảo vệ quyết định ngăn chận việc thực thi sắc lệnh. Ông nhấn mạnh trên những thiệt hại mà tất cả công dân Mỹ phải gánh chịu do một văn kiện mang tính kỳ thị.

Và ở đây, những câu hỏi chính xác của ba vị thẩm phán cũng gây lúng túng : « Trong quá khứ chúng ta từng có những sắc lệnh nhắm vào dân chúng của một nước. Ví dụ như nhắm vào Cuba, ở đây phải chăng cũng là thiệt hại do vấn đề quốc tịch ? »

Tình hình khẩn cấp có lẽ đã không cho phép các luật sư nghiên cứu kỹ đề tài tranh tụng. Điều này rất rõ hôm qua : Các thẩm phán đã đánh giá là hồ sơ không được chuẩn bị chu đáo, lập luận thiếu chứng cứ cụ thể. Phán quyết của tòa phúc thẩm San Francisco được chờ đợi trước cuối tuần này.

*
*
08,02,2017
Một tuần sau khi được ban hành và có hiệu lực tức thời, sau đơn kiện của hai bang Washington và Minnesota, sắc lệnh đã bị thẩm phán liên bang, James Robart, ra lệnh tạm đình hôm 3/2. Sắc lệnh này đã khơi mào những cuộc biểu tình trong và ngoài nước, tạo ra tình trạng hỗn loạn tại các phi trường quốc tế của Mỹ, và thổi bùng cuộc chiến pháp lý với hàng loạt các đơn kiện, đưa sắc lệnh của Tổng thống ra tòa. Từ cá nhân những người bị ảnh hưởng, các thành phố, tiểu bang, các cựu quan chức cao cấp đến các tổng chưởng lý của các tiểu bang, cho đến cả trăm tập đoàn doanh nghiệp đều đã lên tiếng phản đối sắc lệnh di dân đưa nước Mỹ vào tầm ngắm của công luận quốc tế.

Tổng thống nói sắc lệnh này nhằm bảo vệ an ninh, an toàn cho nước Mỹ, hạn chế các phần tử Hồi giáo quá khích vào Hoa Kỳ. Ông Trump tuyên bố thẩm phán Robart sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tấn công khủng bố và đồng thời lên án phán quyết của thẩm phán Robart “đẩy đất nước vào tình trạng nguy hiểm.”

Ngược lại, phe phản đối cho rằng sắc lệnh này vi hiến, phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo, và có thể khiến Hoa Kỳ hay dân Mỹ dễ bị tấn công hơn.

Luật sư Ted Laguatan ở San Francisco, một trong số 29 luật sư được Đoàn Luật sư California chính thức xác nhận là Chuyên gia về Luật Di trú liên tiếp trong hơn 25 năm qua, nới với VOA Việt ngữ:
“Từ góc độ một luật sư, tôi tin rằng sắc lệnh của ông Trump là phi pháp, vi phạm một số điều khoản trong Hiến pháp, điều khoản nói về bảo vệ công bằng, được xét xử đúng trình tự, và điều khoản về bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Tôi tin rằng lập luận của các tổng chưởng lý các bang đưa ra chống lại sắc lệnh di trú là chính đáng.”

“Mỹ là nước của di dân, do di dân xây dựng và làm cho vĩ đại. Tất cả những người ở đây đều là con cháu của các thế hệ di dân. Nếu ông Trump thắng kiện, nước Mỹ sẽ tiếp tục chia rẽ sâu sắc. Lệnh cấm này ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều khía cạnh cuộc sống, công ăn việc làm lẫn nền kinh tế. Lệnh cấm của ông Trump rõ ràng đi ngược lại con người,” luật sư Laguatan nhấn mạnh.

Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Hoa Kỳ ở San Francisco chiều ngày 7/2 nghe lập luận từ các luật sư trong Bộ Tư pháp và các luật sư phản đối đại diện cho hai bang Washington-Minnesota để quyết định xem có nên giữ hay hủy lệnh cấm di trú của Tổng thống.

Tòa cho biết phán quyết có thể sẽ không có ngay trong ngày, nhưng sẽ có nội trong tuần này.

Luật sư Laguatan nói nếu Tòa cho giữ nguyên sắc lệnh của Tổng thống Trump, nước Mỹ sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng biểu tình, căng thẳng hơn những gì từng thấy từ cuộc bầu cử Tổng thống hôm 8/11 tới nay.

Vẫn theo Chuyên gia về Luật Di trú Mỹ, dằng co pháp lý sẽ không dừng lại ở Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 tại San Francisco, nơi ông hành nghề, mà sẽ tiếp tục đi thẳng lên Tòa Thượng thẩm, và ông dự kiến là Tòa Tối cao sẽ giữ nguyên phán quyết của Tòa Phúc thẩm.

“Ở Tòa Thượng thẩm sẽ là bước cuối cùng, luật cuối cùng, trừ phi Quốc hội ra luật mới. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Trump hiện nay với cả Thượng lẫn Hạ viện đều do phe Cộng hòa của ông Trump kiểm soát, tôi không cho rằng Quốc hội sẽ ra luật mới ảnh hưởng tới quyết định của Tòa Tối cao, trừ phi ông Trump phải rời chức hay phe Dân chủ, chứ không phải là phe Cộng hòa, kiểm soát Quốc hội,” vị luật sư kỳ cựu về di trú tiếp lời.

Luật sư Laguatan cho biết trong trường hợp chính quyền thua kiện tại Tòa Thượng thẩm, Tổng thống Trump không thể làm gì hơn để đảo ngược phán quyết của Tòa, cũng không thể ban hành một sắc lệnh nào tương tự như thế. Cách duy nhất, có chăng, phải là một đạo luật do Quốc hội ban hành.

Từ đầu tuần, người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, Sean Spicer, đã tuyên bố chính phủ tự tin sẽ chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý gay go hiện nay và nhấn mạnh rằng: “Tổng thống có quyền hạn lớn để bảo vệ sự an toàn của nhân dân và các định chế quốc gia, liên hệ tới những ai được quyền nhập cảnh.”

Ai thắng ai thua, chưa thể đoán trước. Nhưng những gì đang diễn ra là biểu hiện rõ ràng của một hệ thống kiểm soát và cân bằng của thể chế dân chủ Mỹ, nơi Quốc hội nắm quyền lập pháp, Tổng thống nắm quyền hành pháp, Tòa án nắm quyền tư pháp: Tam quyền phân lập, kiểm tra chéo và hạn chế quyền lực của nhau để tránh sự độc tài hay lộng quyền.

VOA  -  08,02,2017

*
*
8 tháng 2 2017
Tòa phúc thẩm đặt vấn đề rằng liệu lệnh cấm đi lại của Tổng thống Donald Trump có mang tính phân biệt đối xử với người Hồi giáo.

Sắc lệnh tạm thời cấm tất cả những người tỵ nạn và du khách đến từ bảy quốc gia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, đến khi nó bị chặn lại trong tuần qua.
Thẩm phán Richard Clifton đặt câu hỏi về việc liệu nó có mang tính phân biệt đối xử nếu nó chỉ ảnh hưởng đến 15% lượng người Hồi giáo trên toàn thế giới.
Ông là một trong ba thẩm phán tại tòa phúc thẩm ở San Francisco, nơi sẽ đưa ra phán quyết vào cuối tuần này.
Hai bên có một giờ để tranh biện hôm 7/2.
Dù Tòa Phúc thẩm Khu vực số 9 của Hoa Kỳ quyết định thế nào, vụ việc có thể sẽ chỉ kết thúc tại Tòa án Tối cao.

Hai bên lập luận gì tại tòa phúc thẩm?
Bộ Tư pháp thúc giục các thẩm phán phục hồi lại lệnh cấm.
Luật sư August Flentje cho biết Quốc hội đã trao quyền cho tổng thống kiểm soát những ai có thể nhập cảnh vào Mỹ.
Khi được yêu cầu đưa ra bằng chứng cho thấy trong bảy quốc gia bị ảnh hưởng - Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - đem lại nguy cơ cho Mỹ, ông cho biết một số người Somalia ở Mỹ có kết nối với nhóm al-Shabab.
Sau đó, một luật sư đại diện cho tiểu bang Washington nói rằng việc ngăn chặn sắc lệnh không làm tổn hại đến chính phủ Mỹ.
Cố vấn pháp luật Noah Purcell cho biết lệnh cấm đã ảnh hưởng đến hàng ngàn cư dân của bang Washington, khiến các sinh viên bị trễ học kỳ và những người khác bị ngăn cản đến thăm gia đình ở nước ngoài.
Những phút cuối của phiên điều trần dành để tranh luận về việc liệu lệnh cấm đi lại rốt cuộc có phải là lệnh ngăn người Hồi giáo và nếu thế thì sẽ là điều vi hiến.
Bản tóm tắt hồ sơ 15 trang của Bộ Tư pháp đêm 6/2 lập luận rằng sắc lệnh "trung lập, tôn trọng tôn giáo".
Nhưng tại tòa án hôm 7/2, ông Purcell trích dẫn thông cáo trong chiến dịch tranh cử của ông Trump nói về một lệnh cấm người Hồi giáo.
Ông cũng dẫn lại những tuyên bố của một trong các cố vấn của tổng thống, Rudy Giuliani, người nói ông được yêu cầu tìm cách để lệnh cấm người Hồi giáo được ban hành hợp pháp.
Ông Clifton nói rằng lệnh cấm chỉ nhắm đến bảy quốc gia, và các nước này được chính quyền Obama và Quốc hội xác định cần hạn chế cấp visa, dựa trên mối đe dọa khủng bố.
Ông hỏi: "Ông có cho rằng quyết định của chính quyền tiền nhiệm và Quốc hội có yếu tố tôn giáo?"
Ông Purcell trả lời: "Không, nhưng Tổng thống Trump yêu cầu một lệnh cấm triệt để và dù sắc lệnh này không phải là lệnh cấm triệt để, nhưng đó là phân biệt đối xử.

*
*
Linh Anh  -  Trí thức trẻ/Reuters
Thứ 4, 08/02/2017, 11:21
Các thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang đã đặt câu hỏi khó cho những người bảo vệ sắc lệnh cấm nhập cư với công dân 7 quốc gia chủ yếu theo đạo Hồi của Chính quyền Donald Trump, yêu cầu đưa bằng chứng để khẳng định người nhập cư là mối đe dọa.

Trong phiên tranh luận ngày 7/2 theo giờ Mỹ, các luật sư của chính quyền Donald Trump được phép nêu lập luận nhằm chống lại phán quyết đình chỉ lệnh cấm nhập cư tạm thời của Thẩm phán Liên bang James Robart. Tuy nhiên, một trong 3 thẩm phán Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực số 9 đặt câu hỏi liệu lệnh cấm nhập cư của ông Trump có bất công bằng dựa trên phân biệt tôn giáo.

Ngoài ra, các thẩm phán cũng yêu cầu phía Chính quyền Trump đưa ra bằng chứng cho thấy những người nhập cư từ 7 nước bị cấm cửa, bao gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, gây nguy hiểm cho nước Mỹ.

Phát biểu sau khi kết thúc phiên tranh luận, Đại diện tòa Phúc thẩm cho biết họ sẽ đưa ra phán quyết sớm nhất có thể. Trước đó, Tòa cho biết phán quyết cuối cùng có thể được tuyên trong tuần này nhưng không nêu ngày cụ thể. Sau đó, sự việc có thể tiếp tục được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ.

Việc ra sắc lệnh cấm cửa người nhập cư tới từ 7 nước với dân số chủ yếu theo đạo Hồi là động thái nhằm hiện thực hóa cam kết khi tranh cử của Tổng thống Trump. Khi sắc lệnh gây tranh cãi này bị chặn, ông Trump liên tiếp chỉ thích Thẩm phán Liên bang James Robart và hệ thống tòa án Mỹ :
“Tôi thực sự không thể tin rằng chúng ta đang phải chiến đấu trong hệ thống tòa án để có thể đảm bảo an toàn cho đất nước này”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 7/2.

Bên ngoài Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực số 9, nhiều người phản đối lệnh cấm nhập cư của ông Trump đã tụ tập để bày tỏ sự phán đối. Họ là những người ủng hộ phán quyết của Thẩm phán Liên bang James Robart.

-------------

*
*
Thu Hương - Trí thức trẻ/Business Insider
Thứ 4, 08/02/2017, 10:05
Lệnh cấm tạm thời của ông Trump đã gây nên các cuộc biểu tình ở nhiều nơi trên thế giới. 60.000 thị thực bị hủy (sau này đã được cấp lại) và một số người bị giam giữ khi nhập cư vào Mỹ bởi họ không thể biết về sắc lệnh được ký khi họ đang đi trên máy bay.

Phát biểu tại một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm qua (7/2), người đứng đầu Bộ An ninh nội địa Mỹ John Kelly đã nói rằng lẽ ra ông nên trì hoãn việc thực thi lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân của 7 nước Hồi giáo của Tổng thống Donald Trump.

Lệnh cấm tạm thời của ông Trump đã gây nên các cuộc biểu tình ở nhiều nơi trên thế giới. 60.000 thị thực bị hủy (sau này đã được cấp lại) và một số người bị giam giữ khi nhập cư vào Mỹ bởi họ không thể biết về sắc lệnh được ký khi họ đang đi trên máy bay.

Ông Kelly biện minh rằng cơ quan của ông mong muốn nhanh chóng thực thi sắc lệnh như vậy là để những người có thể vào Mỹ với mục đích xấu không thể tận dụng khoảng thời gian chờ lệnh có hiệu lực để “nhảy lên máy bay và tới Mỹ”.

Ông cũng tự nhận lỗi đã không báo cáo vắn tắt với Quốc hội về sắc lệnh trước khi nó được thông báo vào chiều muộn hôm 27/1. “Đây là lỗi của tôi. Đáng lẽ tôi nên trì hoãn một chút để có thể nói chuyện thêm với các nghị sĩ”, ông nói.

Tuy nhiên ông này nói rằng sự hỗn loạn tại các sân bay Mỹ có nguyên nhân là do các phán quyết của tòa án thách thức lệnh cấm, đồng thời bổ sung rằng đội ngũ nhân viên của Bộ An ninh nội địa đã nhanh chóng đình chỉ lệnh cấm và tiếp nhận người nhập cư như bình thường.
Bảo vệ sắc lệnh của Tổng thống Trump, ông Kelly nhấn mạnh rằng 7 nước nằm trong danh sách cấm nhập cảnh vừa qua đã không cung cấp đầy đủ cho Mỹ những thông tin về các công dân có thể gây nguy hiểm cho an ninh nước Mỹ.

Sắc lệnh nhập cư của ông Trump được ký mà không có (hoặc rất ít) sự báo cáo với các cơ quan chịu trách nhiệm thi hành nó và do đó càng gây nên tình trạng hỗn loạn.

Trong một diễn biến có liên quan, phiên tòa theo yêu cầu khôi phục lại lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump từ Bộ Tư pháp Mỹ tại Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực số 9 được tổ chức ở San Francisco vừa kết thúc mà không có kết luận rõ ràng nào được đưa ra.

Các thẩm phán đưa ra hàng loạt câu hỏi về phạm vi quyền lực của ông Trump khi ra sắc lệnh này (có vi phạm hiến pháp hay không) và liệu đây có phải là một sắc lệnh thể hiện sự phân biệt chủng tộc đối với người Hồi giáo. Bang Washington có đủ thẩm quyền để kiện hay không cũng là một vấn đề được đưa ra thảo luận.

Tòa có một vài lựa chọn đối với vụ kiện này, trong đó có lựa chọn giữ nguyên hiện trạng cho đến khi thẩm phán hạt xem xét thêm các bằng chứng có liên quan, tức là tuân theo quyết định đình chỉ sắc lệnh của thẩm phán James Robart (thẩm phán liên bang ngồi ghế chủ tọa ở bang Washington).

Tòa tuyên bố sẽ đưa ra kết luận sớm nhất có thể, có thể là trong tuần này. Nhiều khả năng sau cùng thì vụ việc sẽ được đưa lên Tòa án tối cao.



No comments: