Đăng ngày 08-02-2017
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đọc diễn văn trước các nhân viên bộ Ngoại
Giao tại Washington, ngày 02/02/2016.REUTERS/Joshua Roberts
Đối
ngoại vốn được coi là ngành trụ cột của chính quyền Mỹ, nhưng từ khi Donald
Trump chính thức điều hành đất nước, các hoạt động ngoại giao không còn nhộn nhịp
hối hả như thường thấy trước đây. Ngoại trưởng gần như vắng bóng , trong khi tổng
thống tiếp tục độc quyền lên tiếng về các hồ sơ liên quan đến chính sách đối
ngoại, chủ yếu qua … Twitter một cách bộc phát.
Được thành lập từ năm 1789, bộ Ngoại Giao Mỹ là một
cơ quan cực kỳ quan trọng, đầy uy tín, với một cơ cấu tổ chức đồ sộ gắn liền với
rất nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Từ trước tới nay, dư luận quốc tế vẫn quen
nhìn nhận hoạt động của ngoại giao Mỹ như là thước đo vai trò, tầm ảnh hưởng của
Hoa Kỳ trên thế giới.
Chính thức nhậm chức từ ngày 01/02/2017, ngoại trưởng
Mỹ thứ 69 của Hoa Kỳ, ông Rex Tillerson, cựu chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn dầu
mỏ Exxon Mobil vẫn cửa đóng then cài ngồi trong văn phòng làm việc trên tầng 7
của tòa trụ sở bộ hoành tráng ở phía nam thủ đô Washington.
Sự im hơi lặng tiếng của ông tân ngoại trưởng khiến
dư luận phải đặt câu hỏi : Phải chăng vị kỹ sư 64 tuổi người gốc Texas không hề
có kinh nghiệm chính trường đang lần mò học việc trong lĩnh vực hoàn toàn xa lạ
với ông hay chính sách đối ngoại mới của nước Mỹ chẳng có gì để nói lúc này ?
Ngoài bài diễn văn mang tính hình thức hôm thứ Năm,
02/02 trước 2000 nhân viên mới tại cơ quan bộ, tân ngoại trưởng Mỹ chưa có phát
biểu nào trước công chúng. Trong diễn văn nội bộ, ngoài việc nhắc nhở những giá
trị « trách nhiệm » và « trung thực » trong
công việc đối với 70 000 nhân viên ngoại giao đang thực thi nhiệm vụ tại 250 sứ
quán và cơ quan lãnh sự trên khắp thế giới, tân lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ
không hề có một dòng nào nói đến chính sách đối ngoại của cường quốc số một thế
giới trong thời gian tới.
Ông Rex Tillerson cũng mới chỉ có vài cuộc điện đàm
ngắn ngủi mang tính xã giao với các đồng cấp ngoại quốc. Lịch hoạt động trong
tuần của ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ ghi gọn lỏn «các cuộc họp tại bộ Ngoại
Giao » mà không có thêm chi tiết nội dung nào. Những thói quen vốn có
của ngoại giao Mỹ là liên tiếp ra thông cáo về những sự kiện thời sự quốc tế dù
nhỏ hay lớn cũng bị mất hẳn.
Cũng từ sau ngày Donald Trump chính thức bước vào
Nhà Trắng, báo chí không còn được tiếp cận với phát ngôn viên ngoại giao. Đây
là hoạt động thường nhật vẫn được truyền trực tiếp trên truyền hình đã tồn tại
từ nhiều thập niên như một thông lệ. Các buổi tiếp xúc báo chí như vậy chính là
dịp để ngành ngoại giao Mỹ đưa ra quan điểm, lập trường về các cuộc khủng hoảng
hay xung đột trên thế giới.
Mặc dù chức danh phát ngôn viên ngoại giao hiện nay
do Mark Toner, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng nhiều năm phục vụ chính quyền
Obama đảm trách, nhưng bản thân ông cũng không biết bao giờ mới lại có được các
buổi họp báo. Được AFP hỏi, ông Toner chỉ biết trả lời : « Chúng tôi tiếp
tục làm việc với Nhà Trắng để có thể mở lại nhanh nhất các buổi tiếp xúc báo
chí hàng ngày ».
Trên thực tế, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ do Nhà
Trắng cùng Hội Đồng An Ninh Quốc Gia quyết định và chính quyền Trump cũng không
thể là ngoại lệ. Vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ mới nhậm chức được 2 tuần đã
làm dư luận choáng váng với những chủ trương đầu tiên, cho dù những đường hướng
ngoại giao của chính quyền Trump vẫn còn rất mù mờ.
Tổng thống Mỹ đã có các cuộc điện đàm với một số
nguyên thủ quốc gia, trong đó đặc biệt có tổng thống Nga Vladimir Putin, nhân vật
mà Trump đang muốn xích lại gần. Trong khi đó, tổng thống Mỹ cũng không ngần ngại
chọc vào các điểm nóng căng thẳng của quốc tế, đặt ngoại trưởng Rex Tillerson
vào vị thế khó xử.
Ông Trump liên tục đưa ra các tuyên bố sốc, chủ yếu
qua Twitter, nhằm vào những quốc gia đối thủ của Hoa Kỳ như Trung Quốc, Bắc Triều
Tiên hay Iran và cả với các nước được coi là đồng minh của Mỹ như Úc, Mêhicô
hay Đức.
Quyết sách đầu tiên của tổng thống Mỹ làm dấy lên sự
phản kháng chưa từng có của bộ Ngoại Giao, đó là sắc lệnh về nhập cư, cấm kiều
dân bẩy nước Hồi Giáo nhập cảnh vào Mỹ. Nghị định này tuy nhiên đang bị tư pháp
đình chỉ thi hành. Hơn một nghìn nhà ngoại giao Mỹ đã ký một kháng nghị thư nội
bộ lên án gay gắt sắc lệnh cấm nhập cư của tổng thống. Dư luận Mỹ đánh giá đây
như là một hành động « nổi dậy hành chính ». Dù sự phản kháng
đó không thể làm đình trệ hoạt động của bộ Ngoại Giao, nhưng các lãnh đạo trong
bộ này thừa nhận sự vận hành của cơ quan không còn được sôi động như trước.
Một cựu phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Jeffrey
Rathke, nhớ lại vào thời kỳ chuyển tiếp chính quyền giữa Bill Clinton và George
W. Bush năm 2001 cũng như giữa Bush và Obama năm 2009, bộ Ngoại Giao đã nối lại
hoạt động họp báo chỉ vài ngày sau lễ nhậm chức tổng thống mới.
Phát ngôn viên Nhà Trắng vốn độc quyền về chính sách
đối nội, không thể thay thế phát ngôn viên ngoại giao, ông Rathke, nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao này phê phán: « Mỗi ngày, khắp nơi trên thế giới, có rất
rất nhiều chủ đề từ nhỏ đến lớn liên quan đến lợi ích của Hoa Kỳ. Không xử lý
công khai các vấn đề đó tức là tự mình đánh mất ảnh hưởng ».
Trong khi đó người ta vẫn không quên là ông Trump được
bầu làm tổng thống Mỹ với những hứa hẹn « làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở
lại » và tất cả vì quyền lợi của người Mỹ. Với một vị tổng thống đã
không ít lần tuyên bố tiền hậu bất nhất và hành động bất tuân nguyên tắc như
ông Donald Trump thì ngành ngoại giao Mỹ quả thực là cũng khó ăn khó nói. Phải
chăng đó cũng lý giải phần nào cho sự vắng bóng ngoại giao Mỹ trong những tuần
qua ?
( Theo AFP )
No comments:
Post a Comment