February 14, 2017
WASHINGTON,
DC (NV) – Cố vấn an ninh quốc gia, cựu Trung Tướng
Michael Flynn, vừa đệ đơn từ chức tối ngày Thứ Hai tiếp theo sau các nguồn tin
cho biết ông nói dối Phó Tổng Thống Mike Pence về các liên lạc với đại sứ Nga tại
Mỹ, tạo chấn động tại Toà Bạch Ốc, chỉ chưa đầy một tháng sau ngày ông Donald
Trump nhậm chức, theo AP.
Trong thư từ chức, ông Flynn cho hay ông thông báo
“không đầy đủ chi tiết” với ông Pence và những người khác về các cuộc điện đàm
với đại sứ Nga tại Mỹ.
Phó Tổng Thống Pence, do tin tưởng vào lời nói của
ông Flynn, lúc đầu khẳng định với giới truyền thông rằng vị cố vấn an ninh quốc
gia này không hề thảo luận các biện pháp trừng phạt do chính phủ Obama đưa ra với
phía Nga, dù rằng sau đó ông Flynn thú nhận rằng vấn đề này có thể đã được nêu
lên.
Nếu đúng như vậy thì đây là điều vi phạm nghi thức
ngoại giao và cũng có thể vi phạm đạo luật Logan, được đưa ra nhằm ngăn không
cho thường dân can dự vào việc thi hành chính sách ngoại giao của Mỹ.
Bộ Tư Pháp hồi cuối tháng qua cũng cảnh báo Toà Bạch
Ốc rằng ông Flynn nay có thể ở trong hoàn cảnh dễ bị tạo áp lực vì những trái
ngược giữa những gì ông nói ra ngoài và những gì giới chức an ninh tình báo biết
được dựa trên việc thường xuyên thâu âm các cuộc điện đàm của các giới chức ngoại
giao quốc tế làm việc ở Mỹ.
Bà Kellyanne Conway, một phụ tá thân cận của ông
Trump, hôm Thứ Hai cho hay ông Flynn tiếp tục có được sự “tin tưởng hoàn toàn”
của Tổng Thống Trump.
Sang đến ngày Thứ Hai, bà Conway cho hay trong các
cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng ông Trump vẫn ủng hộ ông Flynn, nhưng tình
hình lên đến mức quá căng thẳng và không còn có thể để kéo dài.
“Đến khuya ngày Thứ Hai, ông Mike Flynn thấy rằng
cách tốt nhất là từ chức. Ông biết là mình trở thành ‘cột thu lôi’ và ông có
quyết định này,” bà Conway cho hay trong chương trình “Today” của hệ thống truyền
hình NBC.
Khi được hỏi tại sao Toà Bạch Ốc không có hành động
sớm hơn sau khi có được sự cảnh báo của Bộ Tư Pháp rằng ông Flynn có nguy cơ bị
kẻ khác sai khiến, bà Conway không trả lời thẳng vào câu hỏi này.
Theo nhật báo The Washington Post, trước khi bị cách
chức, bà Sally Yates, quyền bộ trưởng Bộ Tư Pháp, có báo cho Tòa Bạch Ốc biết
Tướng Flynn có thể đã không nói thật về cuộc điện đàm với người Nga, và có thể
bị bắt chẹt sau này. Bà Yates bị cách chức không liên quan gì đến vụ này, mà vì
bà không để cho luật sư bào chữa sắc lệnh di dân của Tổng Thống Trump.
Theo CNN, Tổng Thống Donald Trump biết chuyện ông
Flynn không nói thật sự việc hôm 26 Tháng Giêng.
Cũng theo báo Washington Post, Phó Tổng Thống Mike
Pence lần đầu tiên biết ông Flynn nói dối ông là vào ngày 9 Tháng Hai, hai tuần
sau khi Tòa Bạch Ốc được biết vụ này, theo ông Marc Lotter, phát ngôn viên của
ông Pence, cho biết.
Tổng Thống Trump chỉ định cựu Trung Tướng Keith
Kellogg làm quyền cố vấn an ninh quốc gia.
Ông Kellogg đang là chánh văn phòng Hội Đồng An Ninh
Quốc Gia và từng cố vấn cho ông Trump trong thời gian vận động tranh cử.
Ông Kellogg từng tham chiến ở Việt Nam, phục vụ
trong Sư Đoàn 101 Nhảy Dù và sau đó là cố vấn cho quân đội Cambodia.
Ông Trump cũng đang để ý tới cựu Giám Đốc CIA David
Petraeus và Phó Đô Đốc Robert Harward, một lính Hải Kích Seal, để thay thế ông
Flynn.
Một giới chức Mỹ cho hãng thông tấn AP hay rằng ông
Flynn nhiều lần liên lạc với Đại Sứ Nga Sergey Kislyak vào ngày chính phủ Obama
ban hành các biện pháp trừng phạt Nga vì can dự vào bầu cử Mỹ, cũng như trong
suốt thời gian chuyển tiếp.
Dân Biểu Adam Schiff (Dân Chủ-California), nhân vật
cao cấp nhất của đảng Dân Chủ trong Uỷ Ban Tình Báo Hạ Viện, cho hay việc ông
Flynn từ chức “không chấm dứt câu hỏi về những liên hệ của ông với phía Nga.”
Ông Schiff nói rằng Toà Bạch Ốc phải cho biết rõ là
liệu ông Flynn có hành động như trên do yêu cầu của Tổng Thống Trump hay những
ai khác.
Trong cuộc họp báo sáng Thứ Ba, ông Sean Spicer,
phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, nói: “Ông Michael Flynn không làm gì bất hợp pháp.
Ông làm mất niềm tin đối với tổng thống, và tổng thống đã yêu cầu ông từ chức.”
Theo nhật báo The New York Times, Tổng Thống Donald
Trump biết ông Flynn không kể hết sự thật cuộc nói chuyện với đại sứ Nga cách
đây vài tuần.
Cựu giới chức và giới chức hiện tại của Tòa Bạch Ốc
cũng xác nhận FBI có thẩm vấn ông Flynn về vụ nói chuyện điện thoại với đại sứ
Nga, vào ngày 20 Tháng Giêng, ngày đầu tiên ông Trump chính thức nắm chính quyền,
theo NYT.
Nếu không khai thật với FBI, ông Flynn có thể bị tội
hình.
Trong khi đó, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng
Hòa-Kentucky), thủ lãnh khối đa số Thượng Viện, nói rằng “nhiều khả năng” Ủy
Ban Tình Báo Thượng Viện sẽ điều tra vụ ông Flynn. Đồng thời, Thượng Nghị Sĩ
Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), thủ lãnh khối thiểu số Thượng Viện, kêu gọi
thành lập một ủy ban độc lập điều tra sự việc.
Trả lời phỏng vấn của CNN, Thượng Nghị Sĩ Bob Corker
(Cộng Hòa-Tennessee), chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, cũng đồng ý với
cuộc điều tra, nói rằng “người dân Mỹ cần được biết đầy đủ chuyện gì xảy ra
trong cuộc nói chuyện của ông Flynn với nhà ngoại giao Nga.”
Phía Nga cũng có phản ứng về chuyện tại sao ông
Flynn từ chức.
“Hoặc là ông Trump chưa có độc lập đủ và chưa có đủ
sự ủng hộ, hoặc là ‘nỗi sợ nước Nga’ đã nhiễm vào chính quyền mới từ trên xuống
dưới,” Thượng Nghị Sĩ Konstantin Kosachev, chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng
Viện Nga, được cơ quan thông tấn RIA Novosti trích lời nói.
Dân Biểu Leonid Slutsky, chủ tịch Ủy Ban Ngoại
Giao Hạ Viện Nga, nói “rõ ràng là ông Flynn bị ép viết là thư từ chức trong
tình huống có nhiều sức ép xung quanh.”
“Mục tiêu là quan hệ Mỹ-Nga, làm giảm lòng tin đối với
chính quyền Mỹ,” ông Slutsky nói thêm. “Chúng ta sẽ theo dõi xem tình hình đi tới
đâu.”
Trong một diễn tiến khác, hôm Thứ Ba, Văn Phòng Đạo
Đức Chính Phủ đề nghị Tòa Bạch Ốc có hành động kỷ luật đối với bà Kellyanne
Conway, cố vấn cao cấp của Tổng Thống Trump, vì quảng cáo sản phẩm của con gái
ông, cô Ivanka Trump, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Ông Walter Shaub, giám đốc văn phòng này, viết
trong lá thư gởi Tòa Bạch Ốc rằng có “lý do mạnh mẽ để tin rằng” bà Conway vi
phạm tiêu chuẩn đạo đức.
Ông đề nghị Tòa Bạch Ốc nên mở cuộc điều tra.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài Fox, bà Conway kêu
gọi mọi người nên mua hàng hiệu Ivanka, sau khi công ty Nordstrom tuyên bố
không bán hàng của cô nữa vì không bán chạy. (V.Giang, Đ.D.)
------------------------------------
Linh
Nguyễn (theo CNN)
15/02/2017 07:27
Việc
tướng Michael Flynn từ chức Cố vấn an ninh quốc gia tuy giúp Nhà Trắng bớt một
mối lo, nhưng không thể xua tan nghi ngờ về quan hệ mập mờ với Nga của chính
quyền Trump.
(Ảnh: George Frey/Getty Images)
Theo CNN, ông
Flynn từ chức vào tối thứ Hai (13/2) giờ Mỹ, giữa tâm điểm tranh cãi về việc
ông đã không cung cấp đủ thông tin cho Phó Tổng thống Mike Pence về nội dung thảo
luận với Đại sứ Nga, rằng liệu ông có đề cập lệnh trừng phạt của Mỹ hay không.
Mặc dù AP ghi
nhận phía Nga khẳng định tướng Flynn không hề nhắc đến lệnh trừng phạt và còn
lên tiếng bảo vệ ông, hành động của ông trong thời điểm chuyển giao quyền lực
có thể đã vi phạm pháp luật Mỹ.
Lá thư từ chức của cựu
Trung tướng Lục quân khi mới tại nhiệm 24 ngày khiến Trump mất đi cố vấn Nhà Trắng
quan trọng nhất gánh vác trách nhiệm bảo vệ người dân Mỹ khỏi các mối đe dọa nước
ngoài, trong khi bản thân Trump không có kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại
còn đội ngũ an ninh quốc gia thì mới thành lập và quá non trẻ, CNN nhận
định.
Tổng thống Trump vốn luôn
khẳng định sẽ bổ nhiệm nội các gồm những nhân vật "thuộc đẳng cấp cao nhất".
Tuy nhiên, sơ suất của vị cố vấn lâu năm thân cận hàng đầu có thể sẽ khiến Tổng
thống Mỹ cân nhắc lại phán đoán của bản thân.
Dấu hỏi về quan hệ giữa chính quyền Trump với Nga
Hiện vẫn chưa rõ liệu
Trump có nắm thông tin về các cuộc thảo luận giữa Flynn và Đại sứ Nga hay
không. CNN cho biết, câu hỏi này sẽ làm gia tăng lo ngại của
lưỡng viện quốc hội về mối quan hệ không rõ ràng của chính quyền Mỹ với Nga,
cũng như vai trò của Nhà Trắng trong vụ việc của ông Flynn.
Trả lời CNN, Adam
Schiff, đảng viên Dân chủ và là Phó ban Tình báo Hạ viện cho hay, sự ra đi
của Flynn vốn không thể tránh khỏi, nhưng lùm xùm tranh cãi sẽ chưa chấm dứt ở
đây.
"Việc Flynn từ chức không phải dấu chấm hết cho
hàng loạt câu hỏi xoay quanh liên lạc giữa ông và người Nga, được cho là bắt đầu
từ trước ngày 29/12 năm ngoái," ông Schiff tuyên bố. "Ủy ban Tình báo Hạ viện đang điều tra về
các mối liên lạc này, và cả những trao đổi có thể đã diễn ra giữa ban tranh cử
của Trump và điện Kremlin."
Schiff cho biết thêm: "Hơn
nữa, chính quyền Trump vẫn chưa thẳng thắn công khai những ai nắm thông tin về
hội thoại giữa Flynn và Đại sứ Nga, và liệu ông Flynn có phải đã tuân theo chỉ
đạo của Tổng thống hay quan chức nào đó hay không."
Tổn thất cá nhân đối với Trump
Theo CNN, tướng Michael
Flynn được Trump chọn vào vị trí cố
vấn an ninh quốc gia mặc dù ông có quá khứ gây tranh cãi.
Flynn từng bị chính quyền
Obama sa thải khỏi vị trí lãnh đạo Cục Tình báo Quốc phòng do vấp phải cáo buộc
quản lý kém. Tuy nhiên, phe bảo thủ cho rằng lý do thực sự là vì quan điểm về
khủng bố Hồi giáo của ông Flynn xung đột với Obama, CNN ghi nhận.
Tờ Politico (Mỹ)
cho hay, theo các quan chức chính quyền, Trump đã không sa thải Flynn. Một nhân
vật thường tiếp xúc với Tổng thống cho biết, ông do dự không sa thải Flynn vì
"không muốn loại bỏ những người trung thành". Đến tận tối thứ Hai
(13/2), Trump vẫn cân nhắc quyết định này.
Tuy nhiên, sau khi các
thông tin bất lợi chỉ ra rằng ông Flynn đã gây tiếng xấu cho Phó Tổng thống
Mike Pence, vị cố vấn an ninh quốc gia không còn lựa chọn nào khác ngoài từ nhiệm.
Nếu ông vẫn tại nhiệm, mức tín nhiệm của Pence sẽ giảm mạnh.
Ông Flynn rời nhiệm sở
còn gây hoang mang xoay quanh đường lối ngoại giao sắp tới của Mỹ, đặc biệt là
trong quan hệ với Nga, do ông vốn ủng hộ các kế hoạch xúc tiến cải thiện quan hệ
ngoại giao hai nước của Trump - khiến nhiều chuyên gia đối ngoại thuộc đảng Dân
chủ và Cộng hòa bối rối, theo CNN.
Thế nhưng gần đây, Tổng
thống Mỹ đã đảo ngược một số quan điểm ngoại giao quan trọng, bao gồm việc tôn
trọng chính sách Một Trung Quốc, trang trọng tiếp đón Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
và không đả động gì đến yêu cầu bắt Tokyo trả thêm tiền để hưởng sự bảo vệ từ Mỹ.
Chính vì vậy, CNN ghi
nhận nếu cố vấn an ninh quốc gia mới có quan điểm khác ông Flynn, có thể
Trump cũng sẽ đảo ngược chủ trương trong quan hệ với Nga.
Trong khi đó, quyết định
để Flynn từ chức của Trump đang gây đồn đoán rằng ông sẽ giải quyết các mối
xung đột trong nội bộ chính quyền như thế nào. Có lẽ không quá sớm để dự đoán rằng
Flynn không phải là nhân vật cuối cùng rời nhiệm sở.
theo Trí Thức Trẻ
No comments:
Post a Comment