Minghao
Zhao - Project
Syndicate
Biên dịch: Phạm
Thị Thoa | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Posted
on 17/11/2016
Chiến
thắng gây sốc của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi
đã làm đảo lộn tất cả những nguyên tắc chắc chắn vốn định hình nền chính trị Mỹ
và cả cách thế giới nghĩ về nước Mỹ. Trump giờ phải đối mặt với bản chất thực sự
của công việc quản lý các mối quan hệ đối ngoại của Washington, và có thể nói
không mối quan hệ nào quan trọng với thế giới hơn quan hệ Mỹ – Trung. Nhưng đây
cũng là mối quan hệ bị đặt nhiếu hoài nghi nhiều nhất nếu xét theo phương hướng
chiến dịch tranh cử của Trump.
Tổng
thống mới đắc cử của Mỹ có thể làm phức tạp hóa quan hệ song phương, đặc biệt
khi năm đầu tiên cầm quyền của ông lại trùng hợp với Đại hội 19 của Đảng Cộng sản
Trung Quốc vào mùa thu năm tới. Trong một thế giới lý tưởng, cả Trump và Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ mong muốn giữ cho quan hệ Mỹ – Trung ổn định. Nhưng
điều này sẽ khó xảy ra, không chỉ vì những luận điệu bài Trung Quốc của Trump
mà còn vì những bất đồng hiện nay xoay quanh các yêu sách lãnh thổ trên Biển
Đông của Trung Quốc và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Hơn thế, quan hệ Mỹ –
Trung cũng sẽ trở thành nạn nhân của các tranh cãi trong nội bộ Mỹ về thương mại
toàn cầu, giá trị của đồng đô la và chủ nghĩa bảo hộ.
Nhiều
nhà quan sát người Trung Quốc thừa nhận rằng Trump sẽ phải vật lộn với những
chia rẽ chưa từng có trong nội bộ nước Mỹ. Trump không chỉ gặp phải những thách
thức từ các thành viên Đảng Dân chủ đang choáng váng vì thất bại mà còn từ cả
những người Cộng hòa phản đối tư cách ứng viên của ông một cách công khai hay
ngấm ngầm. Trong bối cảnh đó, Trump sẽ buộc phải ưu tiên giải quyết các vấn đề
nội bộ của người Mỹ. Tuy nhiên, nếu Trump kết hợp nỗ lực này với việc thực hiện
khẩu hiệu “nước Mỹ trước tiên” (trong chính sách đối ngoại), nhiều khả năng
tình hình sẽ càng căng thẳng hơn.
Bên
ngoài khuôn khổ chính trị quốc gia, trật tự thế giới đã trải qua nhiều cú sốc
trong những năm gần đây, dẫn đến thay đổi sâu sắc bối cảnh toàn cầu của quan hệ
Mỹ – Trung. Các cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và Syria là chỉ dấu của một cuộc
Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Nga, và sự bất ổn tại các quốc gia này cũng như
ở các nơi khác trên thế giới đang gây xáo trộn cho các nền kinh tế và an ninh
quốc gia.
Là
hai cường quốc hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc cần phải tìm ra cách để hợp
tác cùng nhau trong những điều kiện bất ổn nói trên. Hiện nay, mối quan hệ
không ổn định giữa hai cường quốc này có đặc trưng là hợp tác song hành cạnh
tranh dữ dội. Không có gì đáng ngạc nhiên khi khía cạnh cạnh tranh giữa hai nước
lại giành được nhiều chú ý hơn của thế giới.
Tổng
thống Barack Obama đã tăng cường sự hiện diện của quân sự của Mỹ tại hoặc xung
quanh các nước láng giềng của Trung Quốc, củng cố các liên minh an ninh tại
châu Á và can thiệp rất công khai vào các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Giới lãnh đạo Bắc Kinh coi các hành động này, cũng như việc đề xuất hiệp định Đối
tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước là một nỗ lực để “ngăn chặn” Trung
Quốc.
Trong
lúc Wahington tái cân bằng chiến lược địa chính trị về phía châu Á, Bắc Kinh
cũng khẳng định sự hiện diện toàn cầu của mình với các sáng kiến an ninh và
phát triển quốc tế mới, trong đó có “Một vành đai, một con đường”, dự án nối liền
Trung Quốc với phần lớn lục địa Á – Âu. Tương tự, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu
Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, vốn bị Mỹ xem như một công cụ để Trung Quốc
thách thức trật tự thế giới hiện hữu, tiếp tục thu hút được nhiều thành viên ở
xa như Canada, khi nước này xin gia nhập AIIB hồi tháng 8 năm nay.
Cuộc
cạnh tranh kẻ thắng – người thua giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến cho xung đột dễ
xảy ra hơn giữa hai nước này. Một điểm nóng tiềm tàng chính là chương trình vũ
khí hạt nhân của Triều Tiên. Mỹ đã tiến hành các biện pháp để ngăn ngừa Bình
Nhưỡng tấn công Mỹ hay Hàn Quốc với các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo được
tăng cường. Chính quyền mới của Trump có thể bổ trợ cho các nỗ lực này thông
qua các hành động quân sự nhằm gia tăng áp lực lên Bắc Kinh. Nhưng bất kỳ nỗ lực
nào nhằm đưa công nghệ vũ khí hạt nhân tới Nhật Bản hay bán đảo Triều Tiên như
Trump nói là có thể chấp nhận được trong chiến dịch tranh cử, sẽ tạo ra một cuộc
khủng hoảng ở Đông Á ở một mức độ mà thế giới chưa từng chứng kiến kể từ Chiến
tranh Triều Tiên.
Mỹ
cũng có thể sẽ đụng độ với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Mối quan hệ giữa Đài
Loan và Trung Quốc đại lục khá yên ả kể từ cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan
1995-1996, khi Tổng thống đương nhiệm lúc đó là Bill Clinton gửi một nhóm tàu
sân bay tới eo biển này. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn là một vấn đề rất nhạy cảm và
dễ gây bùng nổ với Bắc Kinh. Nếu mối quan hệ Trung – Đài đi xuống, rất có thể
điều tương tự sẽ xảy đến với quan hệ Mỹ – Trung.
Thế
giới được hưởng lợi nếu mối quan hệ Mỹ- Trung tiến triển ổn định, bởi vậy cả
hai nước đều nên minh bạch hơn về lợi ích quốc gia của mình. Với các lập trường
được xác định rõ ràng, mỗi nước sẽ theo đuổi một chính sách tự kiềm chế chiến
lược, tránh lối phô trương sức mạnh từng cám dỗ họ trong quá khứ.
Nếu
xung đột Mỹ – Trung bùng nổ, tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc sẽ bị trật
bánh, và nhân dân nước này sẽ đánh mất cơ hội chạm tới “Giấc mộng Trung Hoa” mà
ông Tập từng tuyên bố là mục tiêu của Trung Quốc. Về phía Mỹ, một sự đổ vỡ ngoại
giao sẽ khiến nước này “đánh mất” Trung Quốc, như trước đây khi Mao Trạch Đông
đánh bại chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch được Mỹ ủng hộ năm
1949. Rộng hơn nữa, sự đối đầu Mỹ – Trung sẽ gây ảnh hưởng tới toàn thế giới,
và có thể làm gián đoạn các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với các thách thức toàn
cầu như biến đổi khí hậu.
Để
tránh viễn cảnh như vậy trong ngắn hạn, Mỹ và Trung Quốc cần cân nhắc thành lập
một đội ngũ chung gồm các quan chức cấp cao giàu kinh nghiệm và các chuyên gia
tiêu biểu của cả hai nước. Đội ngũ này có thể vạch ra lộ trình cho mối quan hệ
Mỹ-Trung trong năm 2017, xác định các xung đột tiềm tàng và khuyến nghị các giải
pháp trước khi các căng thẳng chạm tới điểm bùng nổ. Với một khuôn khổ ngoại
giao mới cho mối quan hệ song phương, Washington và Bắc Kinh có thể ngăn ngừa sự
đối đầu chiến lược.
Về
dài hạn, Mỹ và Trung Quốc cần đối thoại sâu hơn và cùng chia sẻ tầm nhìn về trật
tự quốc tế để mỗi nước không bị cuốn vào việc thành lập các khối đối đầu lẫn
nhau. Mỹ và Trung Quốc cũng có thể phối hợp hướng tới “Toàn cầu hóa 2.0” bằng
cách sửa đổi các luật lệ và thể chế quốc tế để đáp ứng được lợi ích của cả cường
quốc cũ lẫn cường quốc mới nổi.
Trong
khi có nhiều yếu tố tiềm tàng có thể gây xung đột Mỹ- Trung trong những năm tới,
vẫn còn không gian để cải thiện hợp tác giữa hai nước này. Thực vậy, trong tình
hình bất định sau chiến thắng của Trump, một mối quan hệ mới chưa bao giờ mang
nhiều ý nghĩa chiến lược như hiện nay, khi mà tình hình thế giới, địa chính trị
khu vực và các thách thức trong nước của Mỹ và Trung Quốc đều đang thay đổi.
Trump
hiện phải chọn giữa hợp tác và đối đầu làm khuôn khổ cho chính sách của Mỹ đối
với Trung Quốc. Lựa chọn của Trump có lẽ là hiển nhiên: Một nỗ lực hợp tác để cải
cách trật tự quốc tế mang lại lợi ích cho cả hai cường quốc.
*
Minghao
Zhao là nghiên cứu viên chính thuộc Viện nghiên cứu Charhar tại Bắc Kinh,
giáo sư thỉnh giảng tại Viện nghiên cưu tài chính Chongyang thuộc Đại học Nhân
dân Trung Quốc. Ông cũng là thành viên của Ủy ban quốc gia Trung Quốc tại Hội đồng
Hợp tác An ninh châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP).
Copyright: Project Syndicate 2016 – “Which
Way for US-China Relations Under Trump?”
---------------------------
Xem
thêm:
Tác giả: Donald Trump
“Trung
tâm trọng trường của thế giới đang ngày càng dịch chuyển sang châu Á” – Barack
Obama.
Nói
thẳng: Trung Quốc không phải bạn ta. Họ xem ta như kẻ thù. Tốt hơn là
Washington nên tỉnh ra thật nhanh, vì Trung Quốc đang cướp công ăn việc làm của
ta, phá hủy ngành công nghiệp chế tạo của ta, ăn trộm công nghệ và năng lực
quân sự của ta với tốc độ âm thanh. Nếu nước Mỹ không sớm khôn lên, tổn thất sẽ
là không thể vãn hồi.
Có
nhiều điều về sức […]
No comments:
Post a Comment