Friday, November 4, 2016

"TỰ DO BÁO CHÍ LÀ NỀN MÓNG CỦA NHÂN QUYỀN" (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
5 tháng 11, 2016
.
RSF xếp Việt Nam 175/180 nước trong Chỉ số Tự do Báo chí năm 2016. REPORTERS WITHOUT BORDERS

Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF) nói về lý do đưa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào danh sách "kẻ thù của tự do truyền thông".

RSF vào hôm 2/11 lập danh sách mà họ mô tả là "kẻ thù của tự do truyền thông" trên thế giới.

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, có tên trong danh sách 35 người bao gồm lãnh đạo một số nước, chính khách, lãnh tụ tôn giáo...

BBC đã phỏng vấn ông Benjamin Ismail, Trưởng Ban Châu Á Thái Bình Dương của RSF.

Benjamin Ismail: Chúng tôi lập danh sách 35 kẻ thù của tự do truyền thông và ông Nguyễn Phú Trọng nằm trong danh sách này. Giai đoạn ông Trọng làm tổng bí thư thì có nhiều bloggers bị ngồi tù.
Việc đưa cá nhân vào danh sách này là chiến thuật của các tổ chức dân sự và các tổ chức như của chúng tôi. Chúng tôi muốn điểm mặt chỉ tên và tạo áp lực với những cá nhân dính dáng vào việc trấn áp tự do báo chí.
Chúng tôi cũng từng nhắm tới cả ông Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng trong nhiều năm chúng tôi tập trung vào người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đó là vì nhà nước thì bị chi phối bởi Đảng Cộng sản và Đảng thực hiện việc trấn áp báo chí để duy trì quyền lực. Mục đích của bước đi này là để qui trách nhiệm đối với các cá nhân bị nêu tên và chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế cũng như đặc biệt là LHQ tham gia.

BBC: Tự do báo chí nằm ở đâu trong các cuộc đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và các bên như Hoa Kỳ, EU…?

Benjamin Ismail: Trong những năm qua chúng tôi đã thông qua các nước phương Tây, EU có quan hệ gần gũi với Việt Nam tạo áp lực trực tiếp với nhà chức trách Việt Nam và yêu cầu trả tự do cho các bloggers, nhà báo mà họ bắt giữ.
Tự do báo chí là một phần trong các cuộc đối thoại song phương về nhân quyền giữa Việt Nam và một số nước và trớ trêu là dường như càng đối thoại nhiều thì lại có thêm nhà báo và bloggers bị bắt, bị đem ra xét xử và bị nhận án tù.
Tự do báo chí là một phần trong khá nhiều chủ đề trong đối thoại nhân quyền. Nhưng tự do báo chí là nền móng của nhân quyền. Vấn đề là để có được các cuộc đối thoại nhân quyền, tự do tôn giáo hay các chủ đề mà người ta cho là nhạy cảm thì nhà báo và các cơ quan truyền thông phải đưa những thông tin này ra để các bên muốn đối thoại với nhau có thể nắm được.
Do đó, tự do báo chí là việc tạo điều kiện để làm thước đo cho những hình thái tự do khác và quan trọng nhất trong trật tự có tính logic. Chúng ta nên nhớ là không chỉ các nhà báo, bloggers bị trấn áp mà người thân hay bè bạn của họ cũng bị sách nhiễu và thậm chí có sự tham gia của một số côn đồ được thuê để hành hung các nhà báo, bloggers và người nhà của họ.
Chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam cần ngưng hành động này và nên hiểu rằng các bloggers và nhà báo không tạo ra sự đe dọa nào. Họ chỉ tăng cường nhu cầu bàn luận và trao đổi trong công chúng và hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước và dùng các quyền cơ bản và chính đáng của họ.

BBC: Nếu ông có điều kiện gặp ông Nguyễn Phú Trọng thì ông sẽ nói gì với ông ấy?

Benjamin Ismail: Tôi sẽ đưa cho ông ấy danh sách những người mẹ, người cha, người con, mà đang bị coi là phạm vào những tội mà họ không hề vi phạm như các điều 88 hay 79 của Bộ luật Hình sự về tuyên truyền chống nhà nước hay lật đổ chính quyền cũng như lạm dụng quyền tự do dân chủ. Họ chỉ cung cấp thông tin cho các công dân khác về các chủ đề hết sức quan trọng và họ không nên bị ngồi tù vì việc làm đó.




No comments: