James Palmer - Foreign
Policy
Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Hiệu
đính: Nguyễn Huy Hoàng
Posted on 13/11/2016
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang mong chờ một Tổng
thống Trump, người mang lại ít sự đối đầu và thái độ đạo đức giả nhiều hơn.
Nhưng chiến thắng của Bắc Kinh có thể khiến họ phải trả giá vào phút cuối.
Việc
Donald Trump đắc cử sẽ là một thảm họa đối với bất kỳ ai quan tâm đến nhân quyền,
sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, và tự do truyền thông. Điều đó có nghĩa đây là một
chiến thắng cho Bắc Kinh, nơi mà khi tôi đang ngồi viết bài, các nhà lãnh đạo
Trung Quốc trong khuôn viên Trung Nam Hải nguy nga chắc hẳn đang khui rượu và kể
những câu chuyện đùa không hay (về Trump).
Ở đây có bốn thắng lợi lớn cho các nhà lãnh đạo
Trung Quốc, và một mối lo ngại tiềm tàng.
Thắng
lợi đầu tiên và rõ ràng nhất là thắng lợi về địa chính trị: Trung Quốc không còn phải đối mặt với viễn cảnh bà Hillary Clinton, một
đối thủ cứng rắn và nhiều kinh nghiệm từng đứng lên phản kháng lại những kẻ bắt
nạt. Thay vào đó, Trung Quốc chỉ phải đối mặt với một ngôi sao truyền hình thực
tế chẳng biết gì và chỉ có vẻ nhận thức được rằng Trung Quốc có vũ khí hạt
nhân, đã hứa sẽ moi tiền từ những đồng minh của Mỹ quanh Trung Quốc như Hàn Quốc
và Nhật Bản, và liên tục làm xói mòn uy tín của Mỹ trên tư cách một đối tác quốc
phòng.
Trump cũng chính là mẫu doanh nhân dễ bị lừa nhất tại
Trung Quốc – cả tin, chỉ tập trung vào phô trương của cải, và cực kỳ dễ bị ảnh
hưởng bởi những lời tâng bốc. Chỉ một chuyến thăm, với việc Trung Quốc tìm cách
quyến rũ, cũng có thể khiến ông có cảm tình với các nhà lãnh đạo chuyên quyền của
Trung Quốc, cũng giống như với Putin của Nga.
Các nước như Việt Nam, Myanmar, và Philippines, vốn
mông lung về việc ủng hộ ai trong cuộc tranh giành quyền lực ở Thái Bình Dương,
nay sẽ dao động mạnh về phía Trung Quốc do họ muốn một quốc gia giữ lời hứa hơn
là một quốc gia phụ thuộc vào sự lựa chọn đại cử tri. Các đồng minh mạnh nhất của
Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, và Nhật Bản, không còn tin tưởng vào cái ô hạt nhân của
Mỹ, sẽ bắt đầu nghiêm túc xem xét các lựa chọn thay thế, như tự mình xây dựng
năng lực răn đe hạt nhân, làm dấy lên những căng thẳng mới với Trung Quốc.
Nhìn chung, những diễn biến này sẽ chỉ khích lệ thêm
Trung Quốc. Sau khủng hoảng tài chính 2008, Bắc Kinh tin rằng thế giới sẽ đi
theo cách nó muốn, dẫn đến hàng loạt các động thái quân sự tự tin thái quá ở
Đông Nam Á, từ đó đẩy một vài nước ngả mạnh sang phía Mỹ. Giờ đây sự tự tin của
Trung Quốc sẽ quay trở lại, và rất ít quốc gia trong khu vực tin rằng
Washington có khả năng bảo vệ họ khỏi bá quyền non trẻ của Trung Quốc. Đài
Loan, vốn phải đối mặt với những luận điệu cứng rắn từ lục địa sau khi bầu cho
bà Thái Anh Văn, một người chống Bắc Kinh, nay sẽ cảm thấy hoàn toàn bị cô lập
– và có lẽ dễ bị tổn thương trước một cuộc xâm lược thực sự – mà không có lời hứa
chắc chắn về sự bảo vệ của Mỹ.
Thắng
lợi thứ hai là trong cuộc chiến giữa chế độ chuyên chế và dân chủ. Theo quan điểm của người Trung Quốc, một hệ thống bầu cử dựa trên đại cử
tri đoàn đã sinh ra một người như Trump –hoàn toàn không có kinh nghiệm quản trị
nhưng lại là một kẻ mị dân khéo léo – là một điều ngớ ngẩn, tương tự như việc
chọn CEO cho một công ty lớn thông qua một cuộc đua ngựa. Ở Trung Quốc, lãnh đạo
cần được lựa chọn, chuẩn bị, và đưa lên một cách kỹ lưỡng, kinh qua mọi cấp bậc
trong hệ thống Đảng Cộng sản trước khi được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu. (Đáng
chú ý, quy trình này diễn ra trong hàng loạt các cuộc đấu tranh nội bộ tồi tệ
và đầy tham nhũng ở mỗi cấp).
Trung Quốc mong muốn tiến đến mô hình của Singapore
về việc kiểm soát giới tinh hoa một cách cẩn trọng, một đất nước mà theo lời một
cây viết thì trong đó Trump đại diện cho tất cả những thứ mà họ được
dạy là phải lo ngại về dân chủ. Sự trần trụi trong chiến dịch tranh cử
thắng lợi của Trump càng củng cố những chỉ trích của truyền thông Trung Quốc về
một “trò hề chính trị hỗn loạn.” Sự khác biệt giữa số phiếu phổ thông và số phiếu
Cử tri Đoàn sẽ chỉ tô đậm thêm những gì người ta thường nói rằng nền dân chủ Mỹ
là một trò giả tạo.
Bản thân Trump cũng đã thể hiện mọi dấu hiệu rằng
ông sẽ quản trị như các lãnh đạo chuyên chế mà Trung Quốc vẫn ủng hộ từ Myanmar
đến Zimbabwe. Mọi biện pháp an ninh hoang tưởng mà Trump dọa thực hiện, từ việc
cấm người nhập cư Hồi giáo đến việc xây bức tường ở biên giới với Mexico, sẽ được
Bắc Kinh sử dụng để biện hộ cho vô số cuộc đàn áp của mình.
Điều
này dẫn tới chiến thắng thứ ba của Trung Quốc, chiến thắng về nhân quyền. Mỗi năm, nước Mỹ đưa ra một bản báo cáo về những thảm họa nhân quyền của
Trung Quốc – và mỗi năm Trung Quốc đều đáp lại bằng một bản báo cáo riêng, kết
hợp những lời phản đối đầy phẫn nộ và xoáy vào những điểm yếu của Mỹ, từ việc cảnh
sát đối xử với các nhóm thiểu số đến khoảng cách giới trong thu nhập. Nhưng dưới
thời Tổng thống Trump, những lý lẽ của Bắc Kinh phản bác sự giả dối của Mỹ về
nhân quyền có vẻ sẽ chỉ tăng thêm, nếu xét đến quan hệ thân thiết của Trump với
các nhóm dân tộc chủ nghĩa da trắng, khả năng tước đoạt các quyền dân sự, và những
cuộc tấn công của Trump và những người ủng hộ ông vào khái niệm tự do báo chí.
Bất cứ nỗ lực nào của phương Tây nhằm vạch trần việc
Trung Quốc tái khẳng định chế độ phụ quyền truyền thống, từ việc bắt giữ năm
nhà hoạt động nữ quyền tới việc vắng bóng lãnh đạo nữ trong Đảng Cộng
sản, đều có thể bị phản bác bằng hàng loạt dẫn chứng về nhà lãnh đạo mới có cáo
buộc từng tấn công tình dục phụ nữ của Mỹ. Thái độ kỳ thị người đồng tính một lần
nữa nổi lên trong Đảng Cộng hòa sẽ là một đòn đánh mạnh vào phong trào đòi quyền
đồng tính ở Trung Quốc. Những kêu gọi sự minh bạch trong chi tiêu quốc phòng của
Trung Quốc và ngân sách chính quyền địa phương có thể bị đáp lại bằng việc dẫn
ra chiến thắng của một ứng cử viên thậm chí chưa bao giờ buồn công bố hồ sơ thuế
của mình. Đánh giá qua Brexit và kết hợp giữa bản chất và luận điệu của Trump,
bạo lực do phân biệt chủng tộc có thể sẽ leo thang đáng sợ, càng làm tăng trọng
lượng cho ngụy biện “còn Mỹ thì sao” của Liên Xô trước kia mỗi khi bị chất vấn
về các trại cải tạo lao động gulag: “Nhưng ở Mỹ, các ông còn treo cổ người da
đen.”
Đấy là giả định chính quyền Trump còn gây áp lực lên
Trung Quốc về nhân quyền. Với thái độ ngưỡng mộ mà Trump thường bày tỏ đối với
các nhà độc tài từ Saddam Hussein tới Vladimir Putin, và lời kêu gọi ủng hộ chủ
nghĩa biệt lập trong vấn đề đối ngoại của ông, Trung Quốc có thể trông chờ vào
một Nhà Trắng yên ắng, nhắm mắt làm ngơ những cuộc đàn áp ở Tân Cương – hay thậm
chí Hồng Kông.
Và
cuối cùng, thắng lợi thứ tư là về độ tín nhiệm của truyền thông. Sự chỉ trích Trump gần như thống nhất trên các trang báo trên khắp phổ
chính trị (từ tả sang hữu) – mà gần như không có tác động lên cử tri – sẽ củng
cố lập luận của truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng truyền thông phương Tây
là thiên vị và
chỉ đại diện cho giới tinh hoa.
Mặt khác, khi muốn tấn công Trump, Trung Quốc sẽ viện
vào thất bại của tin tức truyền hình Mỹ trong việc chỉ ra vô vàn những thiếu
sót của ông này.
Rõ ràng đó là những lời chỉ trích trái ngược về truyền
thông phương Tây, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc chưa bao giờ ngần ngại
thể hiện đạo đức giả, do đó có thể cả hai luận điểm này đôi khi sẽ cùng xuất hiện
trong một bài viết. (Chẳng hạn, Trung Quốc đã rất nhiệt tình chỉ trích tầm nhìn
ngắn hạn của các cuộc trưng cầu ý dân và sự mục nát của EU về Brexit.) Thứ hai,
sự thất bại của những người thăm dò ý kiến dân chúng – ngay cả Nate Silver (người
dự báo chính xác kết quả 2 cuộc bầu cử gần đây – NBT) cho rằng Clinton sẽ thắng
với số phiếu gấp đôi Trump, mặc dù không thực sự chắc chắn so với những nhà thống
kê khác – cũng sẽ được Trung Quốc dùng để gây nghi ngại về những tuyên bố của
các chuyên gia trên các báo phương Tây.
Tuy nhiên có một mối lo ngại lớn có thể dập tắt sự
ăn mừng ở Trung Nam Hải. Mặc dù Trung Quốc thường xuyên khinh miệt Hoa Kỳ, tăng
trưởng kinh tế của Trung Quốc, trớ trêu thay, vẫn phụ thuộc vào một nước Mỹ vững
mạnh, ổn định và thịnh vượng, sẵn sàng trao đổi thương mại với thế giới. Toàn cầu
hóa, như các cây viết Trung Quốc liên tục nhắc lại trong vài tháng qua, rất
quan trọng đối với một quốc gia cần thị trường nước ngoài để tiếp tục thúc đẩy
dân chúng lên tầng lớp trung lưu và đạt được giấc mơ trở thành một nước “khá giả”
đến năm 2020.
Nếu Trump thực sự theo đuổi những kế hoạch mang tính
bảo hộ chủ nghĩa của mình, và những quyết định của ông có tác động đến Hoa Kỳ
như đối với nhiều thương vụ kinh doanh thất bại của ông, thì nền kinh tế Trung
Quốc, vốn đã lung lay, sẽ bắt đầu chao đảo. Những kế hoạch tham vọng của Bắc
Kinh nhằm phát triển các mạng lưới thương mại toàn cầu thông qua khuôn khổ “Một
vành đai, một con đường” có thể sẽ bù đắp được điều này – hoặc có thể sẽ chỉ tỏ
ra không ổn định trong một thế giới mất phương hướng. Trung Quốc và Mỹ thường
được ví như đôi cánh của nền kinh tế toàn cầu; nếu một cánh gãy, cả hai sẽ cùng
rơi.
-----------
James Palmer là biên tập viên phụ trách khu vực châu
Á của tạp chí Foreign Policy.
Có thể bạn quan tâm:
- Quan hệ Mỹ – Trung – Thái Lan sau đảo chính
- Động lực mới trong tam giác chiến lược Việt – Mỹ – Trung
- Cuộc gặp Obama-Tập và tác động tới tình hình Biển Đông
- Châu Á của người Trung Quốc?
- Mỹ nên từ bỏ chủ nghĩa biệt lệ?
- Chuyện gì đã xảy ra với chính sách xoay trục của Obama?
- Đằng sau quá trình tìm kiếm an ninh của Trung Quốc
- Bước đi tiếp theo của liên minh Mỹ-Nhật
- ASEAN trong vòng xoáy quyền lực Mỹ-Trung
- Bà Clinton sẽ cứng rắn với Trung Quốc nếu đắc cử?
No comments:
Post a Comment