Posted on 08.08.2014 by Sara
.
* Bia Võ Cạnh ở Nha Trang – tk II.
.
Lần đầu tiên, bài báo “Tìm nền hải sử Việt Nam ở
đâu?” đăng báo Tiền phong chủ nhật, ngày 23-3-2014; rồi báo Bình
Thuận cuối tuần đăng lại ngày 28-3-2014. Sau đó bài được post
lên Inrasara.com và nhận được bao nhiêu là phản hồi.
Việt Nam không có văn hóa biển, vậy đâu là nền hải sử
Việt Nam? Hay Việt Nam không có nền hải sử, như một nhà nghiên cứu đã khẳng
đinh? Trong lúc mấy năm qua, khi thời sự Biển Đông đang nóng dần lên, chủ quyền
quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đang được đặt thành vấn đề chủ quyền mang tính
khu vực, thì Việt Nam cần truy tìm nền hải sử hơn bao giờ hết. Tìm ở đâu? –
Không ở đâu cả.
Xưa, người Việt mở cõi xuống đất liền ở phương Nam,
và chỉ biết có đất liền; còn đóng tàu viễn dương, thì hầu như chưa. Suốt dòng lịch
sử dựng nước và giữ nước, người Việt chỉ biết ra khơi về lộng, chứ chưa hề đi
xa hơn. Mà “lộng”, theo Từ Chi, chỉ đâu khoảng ba cây số cách bờ, còn “khơi” xa
lắm cũng đến bảy cây số là cùng. Nền hải sử Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng. Bởi
không hướng biển, cho nên việc nhận biết thế giới của người Việt xưa cũng rất hạn
chế. Vĩnh Sính đã “Thử tìm hiểu thêm về chuyến đi công vụ ở Hạ Châu của Cao Bá
Quát”, và thấy:
“Vào nửa đầu thế kỷ XIX, kiến thức địa lý thế giới
ở Trung Quốc và Việt Nam hãy còn hết sức hạn chế và tạp nhạp, ngay tờ quan báo
do tỉnh Quảng Đông phát hành từ năm 1819 đến năm 1822 còn giải thích Bồ Đào Nha
ở cạnh Malacca, mà Pháp và Bồ Đào Nha chỉ là một, hay nói một cách khác Pháp nằm
kế cận eo biển Malacca!” (ERCT.com, 2003).
Trung Quốc đã thế, người Việt trước đó cứ nghĩ chỉ cần
bước qua nước láng giềng học là đủ, chứ chưa chịu nhìn xa hơn, đi xa hơn, để học
các nền văn minh khác. Mãi đến thế kỉ XIX, ta mới bắt đầu rục rịch “sang Tây
dương”. Mà Tây dương ấy, như đã thượng dẫn, cũng chỉ đâu quanh khu vực Malacca
hôm nay! Rồi “sang Tây dương”, ta mới vỡ lẽ:
Tân Gia từ vượt con tàu
Mới hay vũ trụ một bầu bao la…
Cao Bá Quát tiếng cao ngạo, mới đi đến Malacca mà đã
phải kêu lên như thế, cũng đủ biết. Không đi biển, không có truyền thống “viễn
dương” thì không có nền hải sử, là chuyện không lạ. Champa ngược lại, người
Chăm viễn dương từ rất sớm. Sớm và xa. Viễn dương đầy chủ động. Do đó – khi
Champa đã làm một với Tổ quốc Việt Nam thống nhất, thì việc nhận diện văn hóa
biển của vương quốc Champa cổ sẽ bổ khuyết cho sự nhìn nhận thực thể Việt Nam.
Lịch sử Nam tiến
Ngay ở thế kỉ thứ IV, sử sách ghi nhận, vua Champa
là Gangaraja sau vài năm trị vì, đã nhường ngôi lại cho cháu, để sang Ấn Độ.
Đây là vị vua duy nhất của Đông Nam Á thuộc Ấn Độ giáo đã vượt đại dương sang bờ
sông Hằng. Suốt 17 thế kỉ tồn tại, người Chăm đã làm chủ Biển Đông, vùng biển
mà người Bồ Đào Nha ở thế kỉ XVI gọi là Biển Champa Sea of Champa,
sau đó người Trung Quốc mới gọi là biển Nam Hải, còn ta thì kêu Biển Đông.
Thế kỉ thứ X, bộ phận lớn người Chăm thiên di qua Đảo
Hải Nam – Trung Quốc sinh sống, hiện họ vẫn còn nhớ mình từ đâu tới. Trước đó nữa,
thời vương quốc còn mang tên Lâm Ấp, nghĩa là trước năm 749 khi Lâm Ấp đổi
thành Hoàn Vương, người Chăm đã có những giao lưu quan trọng với Nhật Bản. Vũ
Ngọc Liễn khám phá thấy, vở kịch:
“Long vương” của Champa lúc ấy có tên Lâm Ấp lưu
lạc đến Nhật Bản, được người Nhật trích dịch chọn một phần dựng thành điệu múa
“Long vương vũ”. Các học giả Nhật Bản thẩm định rằng: Điệu La Lăng vương không
phải từ Trung Hoa truyền đến mà là nhạc của nước Lâm Ấp” (2009, Tagalau
9, “Điệu múa Chăm lưu lạc trên đất Nhật”, tr. 116-118).
Riêng kiến trúc và điêu khắc, sau những chuyến lang
bạt kì hồ, người Chăm đã biết thâu thái từ nền kiến trúc của các nước láng giềng:
Thái Lan, Khmer, Java… để sáng tạo nên nền kiến trúc kì vĩ của mình với rất nhiều
phong cách khác nhau. Không có những cuộc đi cùng những chuyến viễn dương, thì
sẽ không thể làm được bao công trình bất hủ kia.
Thế nên, việc người Chăm [của Việt Nam] đã làm chủ
Hoàng Sa – Trường Sa là chuyện nhỏ.
Câu chuyện vua Chế Mân lấy công chúa Malaysia là
Tapasi cuối thế kỉ XIII, hay chuyện Po Rome (1627-1651) qua Kelantan để lại mấy
thế hệ hậu duệ bên ấy, hoặc trường ca cổ Chăm kể về Po Tang Akauk sinh ra, sống
và chết đi với biển, là một mảnh huyền sử về văn hóa biển đáng giá.
Urang hu sang si đih
Ppo ngap anih dalam tathik
Urang hu sang si dauk
Ppo ngap danauk dalam tathik
Người có nhà để ngủ
Người cất chỗ trú giữa đại dương
Người có nhà để ở
Người lập nơi ngụ giữa đại dương.
(Inrasara, 1996, Văn học Chăm II – Trường ca,
NXB Văn hóa Dân tộc)
Đặc biệt trong lịch sử Champa, thương cảng Cù Lao
Chàm có vai trò cực kì quan trọng trong việc giao thương đường biển của cả Đông
Nam Á. Đó là một cảng lớn tầm khu vực được người Chăm sử dụng làm trạm trung
chuyển hàng hóa từ Ả Rập, Ấn Độ sang Trung Quốc.
“Cù Lao Chàm với vị thế thuận lợi của mình đã
vươn lên thành thương cảng số một của vương quốc Champa… Trên quãng đường dài từ
Kra Isthmus (nam Thái Lan, bắc Mã Lai ngày nay) đến Canton (Quảng Châu – Trung
Quốc) chỉ có một trạm dừng chân duy nhất là Chiêm cảng – Cù lao Chàm, nơi có thể
nghỉ ngơi, tích trữ lương thảo, nước ngọt và buôn bán, trao đổi hàng hoá… trước
khi dong buồm thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải ghé vào một số cảng ở miền
Bắc Việt Nam. Thư tịch cổ của người Ả Rập thế kỷ IX (851-852) cho biết những
thuyền buôn từ Tây Á sang Trung Quốc và ngược lại, thường ghé qua Cù Lao Chàm của
Champa để lấy nước ngọt và trầm hương” (Lâm Thị Mỹ Dung, 2012, “Cù Lao
Chàm, chiều dày lịch sử và văn hóa”, vntimes.com.vn).
* Cù Lao Chàm
Bao nhiêu chứng cứ về hải sử Việt Nam ở quanh đó. Vậy
mà, mấy năm qua nhiều dấu vết lịch sử nơi hòn đảo này đang bị bôi xóa. Nhiều giếng
vuông Cham biến thành giếng tròn, dân chúng ở đảo này kể, – gạch Cham xưa mênh
mông nay cũng không tìm đâu ra nữa. Như thể một “phi tang lịch sử”. Đó là thái
độ vô cùng nguy hiểm và tai hại. Tại sao? Bởi khi văn hóa biển của Cù Lao Chàm
bị xóa sổ, chúng ta mất đi một phần cứ liệu lịch sử giá trị để chứng thực cho
chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam hiện đại.
Người ta hành động, mà như không biết hay quên đi khẳng
định đinh đóng cột của nhà văn hóa Phạm Huy Thông:
“Văn hóa Champa, dù tiếp nối hay vượt lên văn hóa
Sa Huỳnh nảy nở ở đây trước đó, là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa
Việt Nam xưa và nay (…) và người Chăm là một gạch nối nối liền nước ta với Đông
Nam Á Hải đảo, mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết”
(1988, “Lời giới thiệu”, Điêu khắc Chăm, NXB Khoa học Xã hội).
Thuở nhỏ, tôi rất đỗi ngạc nhiên về lối kêu than giữa
mẹ tôi với Bà Hai Mót, một bà người Kinh quê Hải Chữ qua Caklaing bán quán. Bên
kia hàng rào bà kêu: “trời đất ơi”, còn bên này mẹ than: “trời biển ơi” lingik
tathik lơy! Lớn lên tôi mới vỡ ra về sự khác nhau giữa hai dân tộc Việt
Chăm. Khác nhau từ môi trường sống dẫn đến khác nhau về lối nghĩ thể hiện qua
ngôn từ – thứ ngôn từ bình dân nhất mới là điều đáng tin nhất. Người Chăm nhìn
lên thấy trời, cúi xuống thấy biển, chứ không phải đất. Nghĩa là đời sống Chăm
đa phần gắn chặt với biển.
“Cư dân Chăm cổ thường xuyên có mặt ngoài khơi,
ngoài đảo xa. Vì thế họ đã có sự giao lưu kinh tế văn hoá với thế giới hải đảo
Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương” (Nguyễn Đức Hiệp, 2006, “Lâm Ấp, Champa và
di sản”, Vanchuongviet.org).
Trả lời báo Thể thao & Văn hóa cuối
tuần, ngày 23-5-2014 do Văn Bảy thực hiện với tiêu đề “Lổ hổng’ văn hóa biển
Việt Nam”, tôi cho rằng “người Việt không có truyền thống về biển, nếu không muốn
nói là “phân biệt đối xử” với những gì liên quan đến biển, phân biệt xa đến tận…
huyền sử Việt. Không có văn hóa biển, nên Việt Nam chưa có được nền hải sử, nói
chi một nền hải sử sâu rễ bền gốc.”
Có bạn nghiên cứu trẻ từ Hà Nội viết cho tôi điện
thư, đồng ý với luận điểm và mọi chi tiết tôi nêu lên trong bài trả lời, riêng
về khẳng định trên, anh cho là “cei Sara chưa công bằng cho lắm”.
Anh có vẻ lấn cấn như thế thì không gì sai, bởi khi nói “tận huyền sử”, tôi
liên tưởng đến câu chuyện Lạc Long Quân, Chử Đồng Tử, và phần nào đó – Mai An
Tiêm.
Văn Bảy hỏi: Xin anh thử cắt nghĩa vì sao
người Việt lại có tâm lý sợ, hay lơ là biển đến như vậy? Tôi nói: Lơ là thì
không khó nhận ra. Chúng ta quen nhìn bề mặt và không hướng bề sâu, bề sau. Bề
mặt núi ta thấy núi có củi, có gỗ, có trái cây, có muông thú, vân vân; còn bề mặt
biển thì chỉ có mênh mông… sóng. Bề sâu núi, ở tầng cạn hay thậm chí lộ thiên,
trước mắt ta bao nhiêu là mỏ, cứ cúi xuống nhặt hay cần vài nhát cuốc đào là
dùng ngay được; ngược lại dưới đáy biển thì mù mịt!
Còn sợ, có mấy yếu tố khiến người Việt sợ biển. Văn
minh lúa nước gia cố tâm thế làng xã, quanh đi quẩn lại bà con láng diềng tối lửa
tắt đèn có nhau; cho nên tinh thần phiêu lưu ở người Việt rất yếu. Cùng lắm, có
“đi khơi về lộng” ta vẫn mang tâm lí hợp quần. Còn tinh thần phiêu lưu cần đến
cá nhân có cá tính mạnh, ham làm giàu hay thậm chí chỉ cần đi để thỏa mãn sự hiểu
biết. Nghĩa là ở đó, cá nhân thường trực đối mặt với cô đơn và cái chết.
Cạnh đó, viễn dương thì không thể không tính đến yếu
tố khoa học kĩ thuật, như kĩ thuật đóng tàu lớn có sức chịu đựng đường dài và
dài hạn. Rồi trong các hành trình xuyên đại dương kia, hàng loạt vấn đề cấp thiết
đặt ra cần giải quyết, đó là: thiên văn học, y học, ngôn ngữ… Theo tôi, trong quá
khứ, cụ thể hơn – đầu thế kỉ XIX trở về trước, người Việt không tỏ ra có ưu thế
về khoa học kĩ thuật; còn học hỏi, cha ông ta chỉ biết đi bộ qua Trung Quốc tiếp
nhận văn hóa họ, nên chỉ giỏi có mỗi… chữ Hán!
Năm 1834, khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi,
vua “Minh Mạng xuống lệnh cấm người Chăm làm nghề biển và phải sống bằng nghề
nông thuần túy… người Chăm bị đánh mất truyền thống oai hùng của nghề đi biển”
(Nguyễn Tiến Văn, báo Thế thao & Văn hóa cuối tuần, sđd). Người
Chăm đánh mất nhưng không quên đi truyền thống biển. Bởi biển ở trong máu họ, tồn
tại trong ngôn ngữ và tâm thức họ. Một dân tộc “ý thức về đại dương/ biển lớn”
sớm và mạnh, đã để lại dấu ấn đậm nét trên một vùng biển Đông Nam Á rộng lớn (Tạ
Chí Đại Trường, 2009, Bài sử khác cho Việt Nam, NXB Văn Mới, Hoa
Kì, tr. 23), thì không dễ dàng để mất truyền thống sâu rễ bền gốc ấy. Nó làm
thành văn hóa biển của Champa, làm đầy tính toàn vẹn của lịch sử Việt Nam, là vậy.
Tìm nền hải sử Việt Nam là ở đó!
----------------------------
Bài
viết liên quan:
- Inrasara: Từ Văn hóa biển Cham đến Hải sử Việt Nam
- Inrasara: Toàn cầu hóa, văn học và ngôn ngữ Việt Nam đi về đâu?
- Nhà nghiên cứu Inrasara: “Người Cham ở đâu trong văn hóa Việt Nam”?
- Chế Vỹ Tân: Thử tìm hiểu cuộc hôn nhân giữa hai nam nữ thuộc mẫu hệ và phụ hệ
- Nguyễn Hoàng Sơn: Inrasara lần thứ hai đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam
No comments:
Post a Comment