Tuesday, November 22, 2016

THE ECONOMIST : CHỦ NGHĨA DÂN TỘC MỚI CÓ THÊM THÀNH VIÊN DONALD TRUMP (RFI)




Đăng ngày 21-11-2016

Qua lời kêu gọi « America First - Nước Mỹ trước đã », trong thời gian vận động tranh cử, Donald Trump đã trở thành một tân binh vừa được tuyển dụng vào một kiểu chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm. Trên đây là quan điểm vừa được tuần báo Anh The Economist nêu bật trong số ra ngày 19/11/2016 vừa qua.

Đối với The Economist, khi đưa ra khẩu hiệu tranh cử « Make America Great Again – Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại », Donald Trump đã làm giống như Ronald Reagan vào năm 1980, khi cử tri Mỹ mong muốn thay đổi sau những thất bại dưới nhiệm kỳ của tổng thống Carter. Lần này, họ chọn ông Trump vì ông cũng hứa mang lại cho họ một thay đổi « lịch sử chỉ xảy ra một lần trong đời ».

Thế nhưng, giữa hai người có một khác biệt cơ bản. Đối với ông Reagan, nước Mỹ có rất nhiều điều đưa ra để góp phần giữ cho thế giới được an toàn, ông mơ ước về một đất nước « không phải là hướng nội, mà là hướng ngoại, về phía người khác ». Ông Trump thì ngược lại, đã thề là sẽ đặt nước Mỹ lên trên hết, và sẽ « không vì bài hát lạc điệu của toàn cầu hóa mà giao nộp đất nước hoặc người dân Mỹ ». Nước Mỹ của Reagan thì lạc quan trong lúc nước Mỹ của Trump thì giận dữ.

Theo The Economist, với Donald Trump lên lãnh đạo nước Mỹ, lần đầu tiên kể từ chiến tranh thế giới thứ hai, các nước lớn và nước đang vươn lên đã đồng thời bị vướng vào một thứ chủ nghĩa dân tộc kiểu mới, với những loại hình khác nhau của chủ nghĩa Sô vanh. Cũng giống như ông Trump, lãnh đạo của các quốc gia như Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều có một cái nhìn bi quan, theo đó đối ngoại thường là một trò chơi chỉ có một bên có lợi, trong đó lợi ích toàn cầu cạnh tranh với lợi ích quốc gia.

Theo tuần báo Anh, đó là một thay đổi lớn góp phần làm cho thế giới nguy hiểm hơn.

Hai chủ nghĩa dân tộc đối lập nhau : Công dân và chủng tộc

Tuy nhiên, đối với The Economist, không phải chủ nghĩa dân tộc nào cũng xấu. Có một loại « chủ nghĩa dân tộc công dân » - tiếng Anh là civic nationalism – mang tính chất hòa giải và hướng về phía trước, dùng để đoàn kết một dân tộc chung quanh những giá trị chung nhằm thực hiện những điều mà từng cá nhân riêng lẻ không thể xử lý.

Chủ nghĩa dân tộc công dân viện đến các giá trị phổ quát, chẳng hạn như tự do và bình đẳng, trái ngược với loại « chủ nghĩa dân tộc chủng tộc » - tiếng Anh là ethnic nationalism - mang tính chất ích kỷ, hiếu chiến và hoài cổ, dựa trên chủng tộc hay lịch sử để khu biệt nước mình với thế giới. Trong những giờ khắc đen tối nhất vào nửa đầu thế kỷ 20, chính chủ nghĩa dân tộc chủng tộc đã dẫn đến chiến tranh.

Chủ nghĩa dân túy của ông Trump là một đòn giáng mạnh vào "chủ nghĩa dân tộc công dân". Không ai có thể nghi ngờ lòng yêu nước của những người tiền nhiệm của ông Trump từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, nhưng người nào trong số họ cũng đều thiết tha với các giá trị phổ quát của nước Mỹ và quảng bá các giá trị đó ra nước ngoài. 

Ngay cả khi biểu hiện một thứ chủ nghĩa ngoại lệ qua việc từ chối một số định chế như Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC) và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Mỹ vẫn hậu thuẫn cho một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Bằng cách hỗ trợ cho các tổ chức toàn cầu chống lại tình trạng cá lớn nuốt cá bé trên thế giới, Hoa Kỳ đã giúp cho chính mình và thế giới được an toàn và thịnh vượng hơn.

Chủ nghĩa Sô vanh: Mẫu số chung của Trump, Putin, Tập Cận Bình, Erdogan

Ông Trump đe dọa làm suy yếu sự dấn thân vì mọi người của Mỹ, ngay cả khi chủ nghĩa dân tộc được tăng cường ở những nơi khác.

Ở Nga, Vladimir Putin đã rời xa các giá trị tự do quốc tế để phát huy một thứ chủ nghĩa dân tộc kết hợp tính chất Slav truyền thống và Chính Thống Giáo.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan đã quay lưng lại với Liên Hiệp Châu Âu và từ bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với thiểu số người Kurdistan, để chạy theo một kiểu chủ nghĩa dân tộc Hồi Giáo gay gắt, luôn luôn thấy rằng nước ngoài đang lăng mạ và đe dọa họ.

Tại Ấn Độ, thủ tướng Narendra Modi dù vẫn theo chủ trương cởi mở với bên ngoài và hiện đại hóa đất nước, nhưng ông lại có quan hệ với các nhóm người Hindu dân tộc chủ nghĩa cực đoan vẫn rao giảng một thứ chủ nghĩa Sô vanh hẹp hòi, không bao dung.

Còn tại Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc đang càng lúc càng biến thành hung dữ và đầy thù hận, khiến cho đảng Cộng Sản cầm quyền phải cố tìm cách kìm hãm. Đúng là đất nước này phụ thuộc vào các thị trường được rộng mở, đã tham gia một số thể chế toàn cầu và mong muốn được gần gũi với Mỹ. Thế nhưng từ năm 1990, các học sinh nước này ngày nào cũng được giáo dục tinh thần « ái quốc » theo hướng là phải tích cực xóa bỏ một thế kỷ bị đô hộ một cách nhục nhã. Và chỉ người Hán mới được xem là người Trung Quốc chân chính, còn mọi dân tộc khác chỉ là công dân hạng hai.

Đối với The Economist, điểm đáng lo ngại là ngay vào lúc chủ nghĩa dân tộc dựa trên chủng tộc đang khởi sắc, Liên Hiệp Châu Âu, cuộc thí nghiệm vĩ đại nhất của thế giới về một thể chế « hậu dân tộc », đã có dấu hiệu bị thất bại.

Các kiến trúc sư của Liên Hiệp từng tin rằng chủ nghĩa dân tộc, vốn đã cuốn châu Âu vào hai cuộc chiến tranh thế giới tàn phá, sẽ bị khô héo và tàn lụi, Liên Hiệp Châu Âu sẽ vươn lên bên trên những tranh chấp quốc gia, với một loạt các bản sắc dân tộc quyện vào nhau, trong đó một người có thể cùng một lúc là người Công Giáo, người vùng Alsace, người Pháp và người Châu Âu.

Thế nhưng, trong phần lớn Liên Hiệp Châu Âu, điều đó đã không hề xảy ra. Người Anh đã chọn rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, trong lúc tại những nước Cộng Sản trước đây, chẳng hạn như Ba Lan và Hungary, chính quyền đã rơi vào tay các thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan bài ngoại. Thậm chí còn có một nguy cơ - tuy nhỏ nhưng ngày càng lớn lên - là Pháp cũng có thể rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu và như vậy sẽ phá hủy định chế này.

Hậu quả của chủ nghĩa dân tộc mới kiểu Trump đã xuất hiện

Lần cuối cùng mà nước Mỹ co cụm là sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất và hậu quả rất tai hại. Theo The Economist, không cần phải nhìn xa trông rộng mới thấy được hậu quả đáng sợ của chủ nghĩa dân tộc mới của ông Trump ngày hôm nay.

Tại nước Mỹ, chủ nghĩa này có chiều hướng tạo ra thái độ thiếu bao dung và tâm lý nghi ngờ đạo đức và lòng trung thành của các nhóm thiểu số. Không phải ngẫu nhiên mà các cáo buộc bài Do Thái đã tiêm nhiễm vào mạch máu của nền chính trị Mỹ lần đầu tiên trong nhiều thập niên.

Ở ngoài nước Mỹ, do việc nhiều nước khác sẽ bắt chước xu thế hướng nội nhiều hơn của Hoa Kỳ, các vấn đề khu vực và toàn cầu sẽ trở nên khó giải quyết hơn.

Nếu ông Trump thực hiện, dù chỉ một phần nhỏ, những đe dọa mang tính chất con buôn của ông, ông có nguy cơ xóa sổ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Nếu ông cho rằng các đồng minh của Mỹ không chịu chi trả cho nền an ninh mà họ nhận được từ Hoa Kỳ, ông đã đe dọa sẽ rời xa các đồng minh đó.

Hâu quả, đặc biệt đối với những nước nhỏ hiện đang được luật lệ toàn cầu bảo vệ, sẽ là một thế giới khắc nghiệt và bất ổn định hơn.

The Economist kết luận : Ông Trump cần phải nhận thức rằng việc tự tách biệt mình sẽ không giúp Mỹ miễn nhiễm trước các xáo trộn và xung đột mà chủ nghĩa dân tộc mới tạo ra. Do việc chính trị toàn cầu bị nhiễm độc, nước Mỹ sẽ nghèo đi hơn, và thái độ phẫn nộ trong nội bộ nước Mỹ sẽ phát triển, với nguy cơ là ông Trump sẽ bị giam giữ trong cái vòng luẩn quẩn của sự thù hằn và trả đũa.






No comments: