Tuesday, November 15, 2016

SỰ PHẪN NỘ TỪ PHÁT NGÔN CỦA ÔNG BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC VIỆT NAM ( Mặc Lâm - RFA)




Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-11-15

Dư luận lại một lần nữa bùng lên phẫn nộ trước phát biểu của Bộ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ liên quan đến câu chuyện điều động hơn 20 giáo viên nữ đi tiếp khách, rót rượu hát karaoke cho quan khách tại Hà Tĩnh vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 14/11. Courtesy giaothong.vn

Im lặng là đồng tình?

Vào sáng ngày 14 tháng 11 bên hành lang quốc hội Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc UBND thị xã Hồng Lĩnh điều động giáo viên tiếp khách, rót rượu là sai nguyên tắc của cán bộ và ảnh hưởng uy tín của ngành vì những giáo viên này ngoài việc là các nhân viên chuyên môn còn là tấm gương xây dựng hình ảnh nhà giáo trong mắt phụ huynh và nhân dân.

Tuy nhiên, ông Nhạ sau đó lại nói rằng mức độ chưa đến nỗi trầm trọng và quan trọng hơn cả nếu các giáo viên ấy có thái độ im lặng đồng tình, không có kiến nghị, phản ứng gì thì trước tiên phải quy trách nhiệm cho các giáo viên này trước xong mới tính chuyện đến người ép buộc. Ông Bộ trưởng yêu cầu từng cô giáo trước tiên phải nghiêm túc trước đã.

Phát biểu này có hai chi tiết đáng chú ý, thứ nhất ông Bộ trưởng cho rằng có ai đó ép buộc khi ra lệnh điều động và thứ hai là chính các giáo viên bị điều động phải có bổn phận tự bảo vệ mình trước khi tố cáo.

Về chuyện ép buộc, ông Lê Bá Thiềm Trưởng phòng Giáo dục thị xã Hồng Lĩnh đã xác nhận chính ông là người ký lệnh và đây là điều bình thường kể cả người bị điều động là giáo viên nữ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã được báo chí cho biết vụ việc nhưng ông cho rằng lỗi tới đâu xử lý tới đó. Câu nói nửa vời này không thỏa mãn bức xúc của dư luận trong khi ai cũng biết rằng từ nhiều chục năm qua vấn đề điều động nhân viên dưới quyền làm những công việc trái với chuyên môn của họ là chuyện bình thường trong xã hội Việt Nam.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh từ Nghệ An cho biết nhận xét của cô về nguyên nhân sâu xa để UBND cũng như các cơ quan toàn quyền điều động nhân viên, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục:

“Đối với người giáo viên khi họ phải chạy bằng chạy chức họ phải bỏ một khoản tiền rất là lớn và khi bỏ khoản tiền lớn để xin việc vào biên chế thì họ muốn ở lại để làm việc. Chính vì muốn được ở lại để dạy học thì họ phải chấp nhận đánh đổi, chấp nhận điều kiện cấp trên đưa ra kể cả tiếp khách hay thậm chí có thể phải ngủ với quan chức thì họ vẫn phải chấp nhận đánh đổi. Đời sống đạo đức của mình nó băng hoại đến như thế và đấy là vấn nạn nhức nhối. Cái đau khổ của họ là đạo đức, họ không thể nào giữ được đạo đức.
Theo như ông Bộ trưởng trả lời lỗi này là lỗi của giáo viên nhưng thực ra người giáo viên cán bộ nói chung họ chỉ vì cái lợi cá nhân và họ chấp nhận đánh đổi.”

Một giảng viên đại học khác, TS Vũ Thị Phương Anh nhìn vấn đề này khác hơn:

“Đây là quan niệm rất là phong kiến tức là xem dân, xem cấp xem cấp thấp hơn giống như là con dân, biểu gì làm đó, điều này tất nhiên là không chấp hận được, phải thay đổi nhưng không biết phải thay đổi cách nào đó là điều xảy ra trong bối cảnh chung của Việt Nam là như vậy. Tôi cho rằng lần này nó lộ ra vì có người than phiền, đưa lên báo chí mới thành om sòm. Có người cho là kinh khủng nhưng tôi cho rằng đây là dấu hiệu khá hơn vì trước đây chắc là nó xảy ra và có thể còn tệ hơn nhưng không ai dám than phiền hay là không ai cảm thấy cần phải than phiền, bây giờ có than phiền thì đã là có tiến bộ.”

Cáo buộc lòng tự trọng

Vấn đề thứ hai gây phản ứng mạnh mẽ nhất đến từ sự cáo buộc lòng tự trọng của các giáo viên khi ông Bộ trưởng gán ghép thái độ của họ gần như thỏa hiệp với chính quyền để làm công việc rót rượu, hát hò như những cô tiếp viên karaoke trong khi họ là cấp dưới còn người ra lệnh buộc họ phải làm việc ấy là UBND thị xã Hồng Lĩnh.

Ông Đinh Kim Phúc, giảng viên Đại Hoc Mở, cũng là nhà nghiên cứu Biển Đông bức xúc:

“Hà Tĩnh trong mấy ngày qua trong việc điều động các cô giáo phải đi phục vụ tiệc rượu và Karaoke không hề có trong tiền lệ của giáo dục Việt Nam. Thông qua bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ mà VietnamNet phải rút bài rồi đưa lại bài khác, tất cả những gì trên báo chí nhất là báo Dân Trí đã đưa ra thì tôi nói với tư cách là một thầy giáo tất cả câu trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tôi đánh giá là trả lời của một tên đầu gấu bảo vệ cho những tên ma cô trong giáo dục Việt Nam hiện nay.
Từ ngày hôm qua đến nay dư luận Việt Nam rất là phẫn nộ. Phẫn nộ vì cách hành xử mất dạy của quan chức Hà Tĩnh khi điều các giáo viên đi tiếp rượu nhưng người ta lại quá phẫn nộ đối với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam. Tôi nó rằng nếu như vợ của Bộ Trưởng Bộ giáo dục Việt Nam được điều đi để tiếp rượu thì Phùng Xuân Nhạ có lẽ sẽ không có những câu trả lời trước dư luận như thế.”

TS Vũ Thi Phương Anh nhận xét câu phát biểu này như sau:

“Tôi nghĩ ổng nói như vậy không sai về mặt nguyên tắc vì nếu như trong xã hội thối nát xấu xa nhưng từng người phản ứng khác nhau thì mức độ cái xấu nó cũng giảm đi, đó là cách nói khách quan.
Nhưng đúng là khi tôi đọc bài phát biểu của ông ấy thì tôi và mọi người đều mong đợi là ông ta lên án người điều động. Nếu không bênh vực thì thôi không nên phê phán. Tôi thông cảm cho các cô đó vì các cô ở quê mà là giáo viên tiều học, mầm non thì các cô ấy rất là trẻ nữa thì chắc chắn không dám cãi đâu vì nếu cãi thì hậu quả chắc là đuổi việc hoặc bị đì đủ thứ, chưa kể chung quanh ai cũng chấp nhận rất bình thường thì tôi nghĩ cũng hơi oan cho các cô mặc dù đúng là nếu các cô có phản ứng thì chắc là đã khác nhưng tôi chắc rằng các cô không dám phản ứng và chuyện đó là hiểu được.”

Vài giờ sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu, trang VietnamNet rút bài xuống và thay vào một bài mới hơn, tuy nhiên hai ngày sau mạng xã hội vẫn còn sôi động với câu chuyện này cho thấy rằng người dân đã góp phần không nhỏ vào việc nhận xét phê bình phát ngôn của lãnh đạo ngày một rộng rãi và đa dạng hơn so với trước đây.

----------------

XEM THÊM :










No comments: