Monday, November 14, 2016

QUAN HỆ VIỆT - MỸ THỜI DONALD TRUMP SẼ RA SAO ? (Trọng Nghĩa & GS Nguyễn Mạnh Hùng - RFI)




Phát Thứ hai, ngày 14 tháng mười một năm 2016

Gần một tuần lễ sau ngày ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ hôm 08/11/2016, những suy đoán về chính sách ngoại giao của tân chính quyền Hoa Kỳ vẫn tiếp tục được đưa ra. Đối với những ai quan tâm đến Việt Nam và Biển Đông, câu hỏi thường được nêu lên là liệu tân chủ nhân Nhà Trắng có sẽ tiếp tục đường lối thắt chặt thêm quan hệ với Hà Nội trong khuôn khổ chính sách tái cân bằng lực lượng qua vùng châu Á-Thái Bình Dương hay không, vào lúc Bắc Kinh không che giấu ý định thách thức Mỹ tại châu Á, một động thái đã bị chính quyền Obama đáp trả bằng chiến lược xoay trục.

Trong suốt thời gian vận động tranh cử, ứng cử viên Donald đề cập rất ít đến chính sách đối ngoại của ông nói chung, và về châu Á, Biển Đông hay Việt Nam nói riêng. Cho dù vậy, căn cứ vào quan điểm chính trị chung chung từng được tuyên bố của ông Trump, nặng về kinh tế hơn là chiến lược, nặng về tập trung cho nước Mỹ, hơn là chăm lo cho thế giới, nhiều nhà phân tích đã tỏ ý quan ngại trước khả năng tổng thống Hoa Kỳ tương lai có thể bỏ bê châu Á, với hệ quả là để cho Trung Quốc mặc sức tung hoành.

Gs Nguyễn Mạnh Hùng : Không nên vội khai tử chính sách xoay trục

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng, trường Đại Học George Mason (Virginia - Hoa Kỳ), một quan sát viên kỳ cựu về quan hệ Mỹ-Châu Á, cho rằng không nên vội vã khai tử chính sách xoay trục qua châu Á của Mỹ, vì nếu căn cứ vào các tuyên bố hiếm hoi của ông Trump, và của những tướng lãnh và chính khách ủng hộ ông, thì chính sách đối ngoại mới của nước Mỹ hoàn toàn có thể cứng rắn hơn, kể cả tại châu Á. Trong thời gian qua, chính quyền Obama đã từng bị chỉ trích là đã " nhu nhược "trước Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, vấn đề đặt ra trong trường hợp ông Trump, là ông mang nặng tâm lý " con buôn ", và nếu phía Trung Quốc có những " đề nghị hấp dẫn ", thì ông hoàn toàn có thể thỏa hiệp với Bắc Kinh.

Nguyễn Mạnh Hùng : Hiện quá sớm để biết chính sách Á Châu của ông Trump như thế nào, và liệu ông có dám bỏ Á Châu hay không. Người ta chưa biết chính sách ông ra sao vì các cố vấn của ông ấy, khi tranh cử, không đưa ra cái gì rõ rệt mà chỉ nói tổng quát thôi.
Nhưng nếu căn cứ vào những tuyên bố của ông ấy, Trump có vẻ để ý nhiều đến vấn đề kinh tế hơn chiến lược, ví dụ như phải chế tài Trung Quốc, phải gọi Trung Quốc là nước thao túng chỉ tệ. Người ta không biết ông nghĩ gì về chính sách xoay trục. Ông ấy chống Obamacare, nhưng không nói rõ là ông ấy chống xoay trục (hay không) và cũng không nói gì về tình trạng bất ổn tại Biển Đông trong lúc tranh cử.
Thành ra, kinh tế sẽ là một vấn đề khó khăn trong bang giao Mỹ-Trung – ông Trump nói là sẽ phạt Trung Quốc chẳng hạn. Nhưng mà trong thông điệp mừng tổng thống Mỹ tân cử, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắn nhủ rằng hai nước chia sẻ nhiều quyền lợi chung và có thể cộng tác trên căn bản hai bên đều có lợi (win-win).
Nếu ông Tập Cận Bình đưa ra đề nghị hợp tác kinh tế hấp dẫn, bản chất con buôn trong ông Trump rất có thể thúc đẩy ông “ cut a deal ” (thỏa thuận) với Trung Quốc và coi nhẹ các vấn đề khác. Nhưng mà trên phương diện đó, các nhóm lợi ích chiến lược của Mỹ sẽ là những cản trở cho chính sách này.
Hơn nữa, ông Trump mới đây lại tuyên bố với ông Duterte là ông coi trọng vị trí chiến lược của Philippines, và xác định trong cuộc nói chuyện điện thoại với nguyên thủ Nhật Bản và Hàn Quốc rằng liên minh quân sự của Mỹ với hai nước ấy rất quan trọng. Căn cứ vào các điều này, thì ta thấy là ông Trump không hề có ý định hủy bỏ hoàn toàn chính sách xoay trục.

Biển Đông : Chính quyền Donald Trump sẽ mạnh tay hơn ?

Châu Á nói chung là như vậy, còn riêng về Biển Đông thì sao ? Trên vấn đề này, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng công nhận rằng dù ông Trump hầu như không nói gì về Biển Đông, nhưng ông lại có khuynh hướng cứng rắn, và trong số những người ủng hộ ông có nhiều tướng lãnh trong quân đội đã rất bất mãn với chính quyền Obama, bị cho là đã kềm hãm không cho Hoa Kỳ tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong thời gian qua.
Với sự kiện ông Trump lên làm tổng thống, giáo sư Hùng cho rằng giới quân đội, đặc biệt giới tướng lãnh Hải Quân sẽ không còn bị kềm hãm, và sẽ thúc đẩy ông Trump quan tâm đến vùng Biển Đông. Vấn đề đáng ngại đối với các nước trong vùng, trong đó có Việt Nam, tuy nhiên vẫn là khả năng Trung Quốc mang mồi ra nhử ông Trump vào được ông chấp nhận :

Nguyễn Mạnh Hùng : Trước hết là ông Trump không hề tuyên bố gì về vấn đề Biển Đông. Ông ấy có nhiều kinh nghiệm về buôn bán, thành ra ông ấy nói nhiều về kinh tế. Nhưng mà ông ấy lại có khuynh hướng cứng rắn, và những người ủng hộ ông ấy là một số tướng lĩnh, họ bất mãn với chính quyền Obama vì quân đội họ cứng rắn với Trung Quốc hơn là những người trong giới chính trị.
Bây giờ khi ông Trump lên, thì tôi nghĩ là những người bên quân sự, nhất là bên Hải Quân, họ rất quan tâm đến vùng biển Đông và họ sẽ buộc ông Trump phải nghĩ đến vấn đề Biển Đông.
Điểm thứ hai nữa, là hiện có nhiều người lo ngại là ông Trump có thể make deal – tức là bắt tay với Trung Quốc. Ông Trump đã bảo là ông có thể make deal, thành ra nếu deal với Trung Quốc có lợi cho Mỹ thì ông ấy có thể bỏ Việt Nam. Đó là một mối lo ngại khác.
Tóm lại có hai điểm : Vì ảnh hưởng của giới quân sự thì ông Trump sẽ phải quan tâm đến Biển Đông. Nhưng ngược lại, vì tính toán hơn thiệt do khuynh hướng thiên về kinh tế, có thể ông Trump làm một cái deal gì đó với Trung Quốc, và những nước nhỏ Á Châu rất sợ những cái kiểu thỏa thuận giữa các nước lớn.

Việt Nam không được Donald Trump chú ý đặc biệt

Riêng về quan hệ Mỹ-Việt, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ Việt Nam không được Mỹ quan tâm bởi vì bản thân ông Trump cho đến giờ hầu như rất thờ ơ với Việt Nam, trái với ba đời tổng thống tiền nhiệm từ Clinton cho đến Obama :

Nguyễn Mạnh Hùng : Trong 4 vị tổng thống Mỹ gần đây, Obama là người duy nhất không dính dáng gì đến cuộc chiến tranh Việt Nam vì lúc ấy ông còn nhỏ. Ba vị kia (Clinton, Bush, Trump) đều tìm cách tránh bị điều động sang Việt Nam tham chiến. Trong khi Clinton tích cực chống chiến tranh, thì Trump không có ý kiến gì.
Điều này có nghĩa, theo kinh nghiệm cá nhân, chẳng có gì để ông Trump tha thiết đến Việt Nam nếu ông không nghĩ đến vai trò chiến lược của Việt Nam trong thế cân bằng lực lượng ở Á Châu và trong thế cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc Mỹ-Trung.

Quan hệ Việt-Mỹ sắp tới : Thương mại khó khăn, nhân quyền dễ thở ?

Một cách cụ thể hơn, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng do việc ông Trump trọng kinh tế hơn các vấn đề khác, Việt Nam có thể gặp khó khăn trong địa hạt thương mại với Mỹ, nhưng có thể sẽ được dễ thở hơn trong lãnh vực nhân quyền :

Nguyễn Mạnh Hùng : Chính sách của Trump đối với Việt Nam sẽ tùy thuộc nhiều vào các cộng sự viên mà ông bổ nhiệm ở những chức vụ liên hệ quan trọng, như Bộ trưởng Ngoại Giao, Bộ trưởng Quốc Phòng, và Cố vấn An Ninh Quốc Gia, và ảnh hưởng của họ. Hiện nay, người ta chưa có tin tức gì để tiên đoán chắc chắn.
Có một điều rõ nét qua phong cách hành động và khả năng thiên bẩm của Trump, ông nghĩ nhiều đến quyền lợi kinh tế hơn là quan tâm đến vấn đề nhân quyền. Điều thứ nhất khiến Việt Nam có thể lo là bị Trump đánh giá thấp, nếu ông bị choáng ngợp bởi những quyền lợi thương mại mà Trung Quốc đem ra nhử. Điều thứ hai là nếu ông ấy thờ ơ trong vấn đề nhân quyền, thì điều ấy sẽ khiến Việt Nam dễ thở hơn trong quan hệ với Mỹ.
Một cách cụ thể hơn, các chuyên gia kinh tế đã tỏ ý quan ngại trước khả năng nguy cơ Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp kinh tế của Donald Trump, nếu ông làm đúng với những cam kết đưa ra lúc tranh cử.
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và khả năng Hiệp Định này bị khai tử là thiệt hại đầu tiên vì cho đến nay, do việc được đánh giá là được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp Định này, Việt Nam đã thu hút được đầu tư ngoại quốc. Nếu TTP bị khai tử, không những Việt Nam không được hưởng lợi trực tiếp, mà các mối lợi gián tiếp như sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài cũng giảm bớt.
Một đe dọa thứ hai đến từ lời hứa của Donald Trump là sẽ triển khai các biện pháp chống lại các nước bị cho là đã có được thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ một cách bất chính. Đối tượng chủ yếu mà ông Trump nhắm tới là Trung Quốc, nhưng Việt Nam cũng có thể bị vạ lây vì hiện có 31 tỷ đô la thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ, theo số liệu năm 2015.

------------------------

BÀI TRƯỚC :






No comments: