Gần 3 giờ sáng ngày 9 tháng Mười Một 2016 Donald
Trump đắc cử để trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ giữa sự sửng sốt của hầu
như cả thế giới.
Hai người em tôi, một nam một nữ cùng đến theo dõi kết
quả lắc đầu trong cả nỗi kinh ngạc lẫn kinh hoàng. Cô cháu gái chưa hết tuổi
teen hỏi: “Mom I don’t understand, how could this horrible man win?” (Nghĩa
là: Mẹ, con không hiểu, làm sao người đàn ông khủng khiếp này có thể
giành chiến thắng?) trước sự trầm ngâm của người mẹ.
Thao, cậu con trai 23 tuổi của tôi, vừa chiều nay hí
hửng khoe mẹ “con đã đi bầu”, lần đầu tiên trong đời, cũng khoe trước đó đã
nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng hai ứng cử viên và cả những propositions để mình
không chọn sai, hỏi tôi: “Mẹ, what is going on? I don’t understand, this is
crazy!” (Nghĩa là: Mẹ, chuyện gì đang xảy ra vậy? Con không hiểu. Đúng
là điên thật!).
Câu hỏi của con làm tôi chìm vào một nỗi buồn sâu sắc.
Tôi hiểu cái confusion của Thao lúc ấy. Thao sinh ra ở Mỹ, được thấm nhuần giáo
dục Mỹ, lớn lên với những giá trị của Mỹ, ít ra là những giá trị mà trước kỳ bầu
cử này tôi nghĩ rằng được tuyệt đại đa số dân Mỹ chia sẻ, như “all men are
created equal” như “and justice for all”… (Nghĩa là: “Mọi người sinh ra đều
bình đẳng” như “công bằng cho tất cả mọi người“)
Còn nhớ một lần đón Thao đi học về, lái xe đi ngang
qua dãy nhà hàng trong khu phố người Ấn Độ ở vùng Cerritos, tôi bảo con “mẹ
không thích thức ăn của người Ấn Độ, gia vị của họ hắc quá, chắc cũng không
thích người Ấn Độ mấy vì trông họ có vẻ gì khó hiểu và kỳ bí… ” chưa để tôi nói
hết câu, Thao quay qua nhìn tôi, lên tiếng: “Mẹ, mẹ, I think what you just said
is discrimination, I have some friends who are Indians, they are very nice and
their parents are very nice too, just like you and dad…” (Nghĩa là: “Mẹ, mẹ, con nghĩ những gìmẹ vừa
nói là sự phân biệt đối xử. Con có một số bạn bè là người Ấn Độ, họ rất tốt
và cha mẹ của họ cũng rất tốt, giống như mẹ và ba vậy …“
Bài học tình cờ về sự kỳ thị, có lẽ tiềm ẩn trong mỗi
chúng ta, từ đứa con lúc ấy mới chín, mười tuổi, khiến tôi mắc cỡ và thầm cảm
ơn những giá trị người ta dạy con mình tại học đường của một đất nước tự hào là
một “nation of immigrants” một đất nước nơi tôi, một người di dân, cảm thấy
mình được an toàn và không mặc cảm khi chen vai thích cánh với những người dân
bản xứ. Từ đó tôi luôn nhắc mình phải sống sao cho xứng đáng với những giá trị
đầy nhân bản của Mỹ, một quê hương ngoài Việt Nam tôi đã chấp nhận, gắn bó, yêu
thương và hãnh diện.
Nhưng trong vòng hơn một năm qua, cuộc tranh cử tổng
thống khốc liệt và xấu xí này đã cho thấy ngày càng rõ không phải người dân Mỹ
nào cũng chia sẻ những giá trị đầy tình người của Mỹ. Những lời tuyên bố đầy kỳ
thị chủng tộc, tôn giáo, giới tính của một ứng cử viên trước sự la hét man rợ của
giới ủng hộ làm tôi kinh sợ, và gợi lại một sự kiện không hay mà tôi đã muốn
quên đi…
Tháng Mười năm 2014, tôi đến trại ti nạn Indiantown
Gap, nơi tôi đã nương náu những ngày vừa rời Việt Nam năm 1975 để làm phóng sự
về những ngày đầu của người ti nạn VN tại Mỹ. Biết tôi từng ở đây với hàng chục
ngàn người tị nạn VN khác, ông cụ thiện nguyện viên trong bảo tàng viện của trại
thân thiện đón tiếp và đưa tôi đi giới thiệu với những người cách đó 40 năm từng
chứng kiến việc trại tiếp người Việt để tôi xin phỏng vấn.
Đa số những người tôi hỏi chuyện hôm ấy rất ân cần,
niềm nở líu lo kể chuyện. Duy chỉ có một người đàn ông da trắng nhìn tôi với
đôi mắt đầy ác cảm. Khi tôi chào và bắt tay, người đàn ông này nhìn tôi bằng
ánh mắt ghét bỏ, rồi nói thẳng vào mặt: “I don’t have anything to say to you, I
was one of the people here who didn’t want your people to come to our country
then, and I still don’t like your people now…”. (Nghĩa là: “Tôi không có gì để nói với cô, tôi là một
trong những người ở đây không muốn những người của cô đến đất nước của
chúng tôi lúc đó, và bây giờ tôi vẫn không thích những người của cô…“
Sững sờ, tôi đứng im vài giây rồi cố nở nụ cười lịch
sự nhất: “Well, now that I am here I want to take this opportunity to let you
know that my people are very grateful for the kindness of the American people
and that we have all became US citizens, we have worked, paid tax and
contributed to this great country, some even joined the US Army…” (Nghĩa
là: Vâng, bây giờ tôi tới đây, tôi
muốn nhân cơ hội này để cho ông biết rằng dân tôi rất biết ơn lòng tốt của người
Mỹ và chúng ta đều trở thành công dân Mỹ, chúng tôi đã làm việc, nộp thuế và
đóng góp cho đất nước vĩ đại này, một số người [Việt Nam] thậm chí
còn gia nhập quân đội Mỹ … “)
Câu nói của tôi khiến người đàn ông này hơi khựng lại
nhưng ánh mắt vẫn không mất đi sự hằn học, ghét bỏ: “Like I said, I did not
like your people then, and I still don’t like your people now. I wish your guys
just up and leave our country…” (Nghĩa là: Như tôi đã nói, tôi không thích những người của
quý vị lúc đó, và bây giờ tôi vẫn không thích họ. Tôi muốn quý vị rời
khỏi đất nước của chúng tôi ...”)
Không nói ra hay chia sẻ nhiều với ai, nhưng thái độ
của người đàn ông đó làm tôi buồn và hết sức bất an. Phải mất nhiều ngày sau
khi tự thuyết phục mình là những người kỳ thị như ông ta ở Mỹ rất rất hiếm, tôi
mới từ từ tìm lại được cảm giác an bình và hãnh diện về nước Mỹ và niềm hãnh diện
mình là một công dân Mỹ.
Cuộc tranh cử vừa rồi cho tôi thấy rõ hơn bao giờ hết,
thật ra có rất nhiều người
Mỹ trong lòng chứa đầy sự kỳ thị, thù hằn và ghét bỏ người di dân, ít nhất đấy
là hàng chục triệu người đã reo hò man rợ trong những buổi vận động tranh cử của
Donald Trump. Chưa kể đến những lời nói lật lọng, những việc làm thiếu
tư cách thiếu đạo đức thiếu liêm sỉ của Donald Trump, sự kiện một người đàn ông
đầy kỳ thị hô hào bế môn tỏa cảng, giờ đây đắc cử tổng thống cho thấy dân Mỹ,
ít nhất những người bỏ phiếu cho Trump, đã chọn là một nước Mỹ mà những giá trị
nhân bản đã biến mất. Một nước Mỹ với tôi đang sắp trở thành xa lạ.
Sau kết quả bầu cử người chú của tôi ở Copenhagen hỏi
cháu nghĩ gì.
Trả lời chú không khó lắm. Chú hãy hình dung tâm trạng
của người tự nhiên thấy mình mất quê hương thì biết cảm nghĩ của cô cháu gái.
Điều khó hơn nhiều là em tôi và hàng chục triệu cha
mẹ khác phải giải thích thế nào cho con gái, và tôi phải giải thích thế nào cho
Thao hiểu điều gì đang xảy ra cho nước Mỹ.
Thật không còn cái buồn nào sâu sắc hơn.
No comments:
Post a Comment