Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 18-11-2016
Chính
sách bảo hộ của Donald Trump trong nhiệm kỳ bốn năm tổng thống Mỹ sắp tới, nguy
cơ hiệp định TPP bị khai tử, hoài nghi ngày càng lớn vào tự do mậu dịch và
chính sách toàn cầu hóa, tham vọng của Trung Quốc áp đặt luật chơi trên bàn cờ
thương mại là những mối đe dọa bao phủ lên hội nghị Diễn Đàn APEC lần thứ 24 mở
ra tại Peru trong hai ngày 19 và 20/11/2016.
Kể từ ngày 18/11/2016, các lãnh đạo 21 thành viên Diễn
Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương tập hợp về Lima, thủ đô Peru dự thượng
đỉnh lần thứ 24 và chia tay với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Dù vậy, mọi chú ý đang dồn về phía nhà tỷ phú Donald
Trump, tổng thống thứ 45 trong tương lai của nước Mỹ, cho dù ông Trump đang
đóng đô trong tháp ngà ở New York để chuẩn bị thành lập ê-kíp lãnh đạo.
Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC
được thành lập tháng 11/1989 với mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tự do
hóa các luồng trao đổi mậu dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu
tư. Từ 12 thành viên ban đầu, nay tổ chức này quy tụ 21 quốc gia, bao gồm 40%
dân số toàn cầu và bảo đảm 60% tổng trao đổi mậu dịch của thế giới.
Nhưng tương lai của APEC đi về đâu sau khi ông
Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ ?
Dư
âm từ thắng lợi của Donald Trump
Trong suốt thời kỳ vận động tranh cử, nhà tỷ phú New
York, đại diện cho đảng Cộng Hòa không ngừng tuyên bố lập trường bảo hộ. Ông đã
liên tục tấn công hiệp định tự do mậu dịch mà Washington đã đạt được với các đối
tác trong vùng Thái Bình Dương qua Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình
Dương. Cũng ông Trump đòi xét lại hiệp định tự do thương mại giữa Mỹ với Canada
và Mêhicô đã hiện hành từ năm 1994.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Rajiv Biswas,
đặc trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương của cơ quan tư vấn tài chính Mỹ IHS, “thắng
lợi của ông Donald Trump có khuynh hướng định hình lại mối quan hệ kinh tế giữa
Hoa Kỳ với các đối tác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương”. Một nhà quan sát
khác thuộc cơ quan nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Luân Đôn, Capital
Economics, bi quan hơn khi cho rằng “một trong những tác động trực tiếp
sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ là ít có khả năng hiệp định TPP có
hiệu lực”.
Giáo sư Robert Lawrence, giảng dậy tại đại học
Harvard chờ đợi, với Donald Trump ở Nhà Trắng, cả chính sách tự do mậu dịch của
thế giới sẽ phải đối mặt với những “chuyển biến” lớn : chẳng
những Mỹ sẽ không còn đóng vai trò đầu tàu trong tiến trình hội nhập kinh tế mà
Hoa Kỳ dưới thời đại Donald Trump mà còn làm “thay đổi trật tự trên bàn
cờ thương mại quốc tế”. Bởi vì trong một thế giới toàn cầu hóa và mở rộng,
nếu như nền kinh tế số 1 của thế giới là Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ thì
thương mại và đầu tư ở khắp mọi nơi đều sẽ bị chựng lại.
Ý thức được những mối đe dọa đối với các hoạt động của
ngành xuất nhập khẩu trên toàn cầu, tổng thư ký APEC Eduard Pedrosa báo trước,
mọi người chờ đợi, Diễn đàn APEC thứ 24 sẽ đưa ra một tuyên bố “mạnh mẽ” để
bảo vệ tự do mậu dịch, nhất là cho tới nay, “chưa có bằng chứng cụ thể
và rõ rệt nào chứng minh được là các luồng giao thương là nguyên nhân cướp đi
công ăn việc làm tại một số quốc gia”.
Trung
Quốc chờ đợi thời cơ
Phải đợi đến ngày 20/01/2016 Donald Trump mới nhậm
chức. Từ nay tới đó có thể là một khoảng thời gian được Trung Quốc tận dụng để
chuẩn bị sẵn một số nước cờ. Như ghi nhận của kinh tế gia Biswas, cơ quan tư vấn
IHS, chính quyền Trump còn đang trong giai đoạn hình thành, toàn cảnh kinh tế của
khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lại thay đổi rất nhanh, Trung Quốc có thể tận dụng
cơ hội này để đóng vai trò đầu tàu, lấp vào chỗ trống của Mỹ.
Bắc Kinh bị gạt ra ngoài hiệp định tự do mậu dịch
TPP, một sáng kiến của Washington để làm đối trọng với Trung Quốc. Giờ đây là
thời điểm thuận lợi để Bắc Kinh lôi kéo các đồng minh của Mỹ về phía mình, đẩy
mạnh dự án Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực RCEP mà trong đó không
có Hoa Kỳ.
Nói cách khách quan, nếu TPP của tổng thống Barack
Obama bị khai tử, thì không có gì ngăn cản ông Tập Cận Bình thay thế thỏa thuận
đó bằng hiệp định RCEP. Chưa gì mà nước Úc, qua phát biểu của bộ trưởng Thương
Mại Steven Ciobo đã tuyên bố “đề nghị của Bắc Kinh là một ý kiến thú vị”.
Như ghi nhận của một người trong cuộc đang có mặt tại
Lima dự Diễn đàn APEC lần thứ 24, nếu TPP thất bại thì đây sẽ là một “thắng lợi lớn” đối
với Bắc Kinh cả về phương diện chính trị lẫn kinh tế.
No comments:
Post a Comment