Wednesday, November 2, 2016

DANH CA KIM TƯỚC "HÁT VUI CHO ĐỜI" (Lâm Hoài Thạch/Người Việt)




Lâm Hoài Thạch/Người Việt
October 30, 2016
.
Danh ca Kim Tước hát trong tiếng đàn đệm của Phương Thảo. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
.

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Chủ Nhật, 23 Tháng Mười, ngưỡng mộ tiếng hát của nữ danh ca Kim Tước, đông đảo khán giả đến tham dự chương trình ca nhạc với chủ đề “Kim Tước Hát Vui Cho Đời” được tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.
Mặc dù hôm đó tại Little Saigon trời có vài cơn mưa Thu rải rác, nhưng buổi ca nhạc vẫn thành công.

Danh ca Kim Tước chia sẻ với nhật báo Người Việt, “Lâu rồi tôi không đi hát, vì sức khỏe và tôi cũng nghĩ rằng, tôi không hát được nữa nên thấy cũng hơi có buồn tình một chút. Nhưng nhờ các cô em khuyến khích tôi nên hoạt động văn nghệ lại cho đời còn một chút vui. Vì thế, tôi mới chọn chủ đề ‘Hát Cho Vui Đời.’”

MC Hồng Tước điều hợp chương trình. Cô cho biết, chỉ cần một thời gian ngắn tập luyện, thì giọng hát của Kim Tước đã trở lại phong độ như xưa. Sau thời gian dài trải qua những sự kiện trong cuộc đời, có thể nói, giọng hát của nữ danh ca còn tình cảm hơn trước nữa.

“Như quý vị biết, chị Kim Tước từ lâu không còn ca hát nữa, chị coi như là ở ẩn vì cảm thấy mình đã lớn tuổi. Đã nhiều lần các em trong nhà có khuyến khích chị nên ra ngoài ca hát, vui chơi, nhưng chị tự cho mình đã có tuổi, giọng hát đã lỗi thời, vì thế chị không muốn cất tiếng ca nữa,” MC Hồng Tước, em gái nữ danh ca, chia sẻ.

Cô nói tiếp, “Tuy nhiên, trong cộng đồng chúng ta hiện nay, một trong những phong trào giải trí lành mạnh là ca hát, nhất là cho những người lớn tuổi đã về hưu. Hát là để khuây khỏa, để đỡ buồn tuổi già, để trí nhớ không có bị mai một, để ôn lại những kỷ niệm đẹp xưa cũ, và cũng có cái cớ để chúng ta gặp gỡ lại bạn bè. Chỉ khi chúng ta về hưu thì mới có được thì giờ để làm những điều mình thích mà mình có thể làm được mỗi ngày và rất dễ dàng, đó là ca hát,” cô chia sẻ thêm.

Mở đầu chương trình là bài hợp ca “Khúc Ca Mùa Hè” của nhạc sĩ Canh Thân, với những tiếng hát Kim Tước, Thanh Tước, Hồng Tước, Hà Tước và Ngân Hà đồng ca. Họ hát rất đầy đặn và rất có hồn, đã khơi dậy những kỷ niệm trong nền âm nhạc Việt Nam hơn 45 năm về trước. Thời đó, “Khúc Ca Mùa Hè” được truyền tải từ những đài phát thanh, những buổi trình diễn đại nhạc hội, và những tụ điểm ca nhạc tại Sài Gòn với ban tam ca một thời vang bóng, Mộc Kim Châu, gồm Mộc Lan, Kim Tước và Châu Hà.

Gia đình “The Tước Sisters” trong bản “Khúc Ca Mùa Hè.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bài “Thoi Tơ” của nhạc sĩ Đức Quỳnh với tiếng hát rất trẻ, Nam Trân. Bài nhạc có tiết tấu vui của điệu “valse,” lời lẽ mộc mạc, dễ hát, nhưng rất khó để một ca sĩ trẻ hát được đầy đặn theo ý nghĩa của bài này.

“Em lo gì trời gió, em lo gì trời mưa, em tiếc gì mùa Hè, em tiếc gì mùa Thu. Ta cứ yêu đời đi, như lúc ta còn thơ, rồi để anh làm thơ, và để em dệt tơ…”

Và Nam Trân đã hát rất khoan thai, điêu luyện, làm khán giả cảm thấy nhẹ nhàng theo.

“Mùa Thu Chết” là tên một bài hát của Phạm Duy sáng tác năm 1965, ca sĩ Vũ Anh hát tiếp nối chương trình. Bài này, phần lời được dịch từ bài thơ tiếng Pháp, L’Adieu của Guillaume Apollinaire, rất nổi tiếng trong thập niên 1970 tại Sài Gòn.

Lời bài hát được dịch từ những câu thơ “J’ai cueilli ce brin de bruyère/L’automne est mort souviens-t’en…” Thi sĩ Bùi Giáng dịch: “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo/Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi…”

“Tôi với chị Kim Tước thân biết nhau khoảng hơn 40 năm. Thâm tình với nhau từ ngày chúng tôi hát chung bài ‘Bầy Chim Bỏ Xứ’ của nhạc sĩ Phạm Duy. Lúc ấy nhạc sĩ Phạm Duy đã giao cho tôi và chị Kim Tước cùng hát thay nhau những đoạn solo. Rồi cũng kể từ đó, chúng tôi có dịp tập dượt với nhau nhiều nên rất ‘hợp gu’ với nhau qua những bài hợp ca trong thời nền âm nhạc tại Sài gòn còn hưng thịnh,” ca sĩ Vũ Anh chia sẻ.

Bài “Kỷ Niệm” của nhạc sĩ Phạm Duy, do Phạm Hà hát, cũng là một tiếng hát còn rất trẻ, nhưng anh hát rất điêu luyện và giọng hát này cũng thích hợp với những dòng nhạc vàng trong thời xa xưa. Được biết, Kim Tước là chị dâu họ của Phạm Hà và anh cũng từng đi hát chung với ban Tiếng Tơ Đồng, gồm Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao tại Hoa Kỳ.

Tiếng hát của Hà Tước với bài “Không Còn Mùa Thu” của nhạc sĩ Anh Việt. Qua điệu boston trầm buồn, như thương tiếc một thời của mùa Thu tuổi thơ. “Không còn mùa Thu, trăng rơi bên thềm/Không còn lời ru, mơ trên môi mềm/Em thơ như mùa Xuân đầu nối dài đêm thâu…”

Ca sĩ Hoàng Nam hát bài “Riêng Một Góc Trời” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, một bài nhạc rất nổi tiếng và cũng rất khó hát để được trọn vẹn. Và Hoàng Nam chẳng những hát hay mà lối ca diễn cũng rất đạt.

Nam Trân trong ca khúc “Thoi Tơ” cùng với tiếng đàn của Phương Thảo. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo diễn giả Nguyễn Đinh Cường, năm 1952, đài phát thanh Hà Nội có tổ chức một cuộc thi hát, và bên giọng nữ thì Kim Tước đã đoạt giải thủ khoa.

“Tôi còn nhớ trong một chương trình ca nhạc trực tiếp ở trên đài phát thanh Hà Nội năm 1952, hôm đó nhạc sĩ Hoàng Giác giới thiệu một giọng ca mới vừa đạt thủ khoa của đài, đó là tiếng hát Kim Tước. Chị hát lại bài nhạc đã trúng thưởng, đó là bài ‘Ngọc Lan.’ Và tôi hân hạnh là một thính giả đã được nghe chị Kim Tước hát lần đầu tiên trên đài phát thanh Hà Nội. Rồi đến thời gian di cư vào Nam, tôi lại được nghe tiếng hát của chị tiếp tục hát bài này tại Sài Gòn. Và số lượng khán giả ái mộ càng ngày càng gia tăng, bởi vì danh ca Kim Tước có tiếng hát tuyệt vời của nền âm nhạc Việt Nam,” ông Cường chia sẻ.

Sau đó, ông Cường giới thiệu danh ca Kim Tước.

Trước mọi người, Kim Tước chia sẻ, “Hôm nay, tôi được trình bày những bản nhạc xưa cũ và sẽ đưa quý vị về những âm thanh cổ điển. Với tuổi đời, tôi sợ không làm tròn bổn phận của một người ca sĩ mà cần có giọng hát thanh cao nữa, nhưng tôi sẽ cố gắng. Nhạc phẩm đầu tiên là ‘Gió Thoảng Hương Duyên’ của nhạc sĩ Vũ Thanh.”

Tiếng đàn guitar cổ điển của Phương Thảo đã đưa tiếng hát của Kim Tước đi vào những dòng nhạc vàng xưa cũ. Tuy tuổi đời đã cao, nhưng giọng hát vẫn còn hưng phấn như ngày nào. Sau đó, bà hát bài “Dạ Khúc” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, và bà đã chia sẻ với khán giả là, cách đây cả năm sáu mươi năm trước, hoặc là hơn nữa, tác giả của bài này là một nhạc sĩ đã kỳ cựu, tính theo bây giờ cũng đã là cả trăm tuổi rồi. Tuy họ đã khuất xa ở một phương trời nào đó, nhưng những ca từ và dòng nhạc vẫn còn mãi mãi theo thời gian không bao giờ mờ xóa được.

Lời bài “Dạ Khúc” và tiếng hát của Kim Tước đưa mọi người về một thoáng hương vị của ban Tiếng Tơ Đồng ngày xưa. “Đêm về trong bước phong sương, lùa gió phũ phàng/Ai cười kiếp sống mong manh, lệ thắm cung đàn/Ai cất chén mong say sưa quên hận sầu/Mơ bóng dáng xưa trong tiếng tơ ngập ngừng, ai oán…”

Cũng thế, qua những bài “Serenata” và “Ave Maria,” Kim Tước thật sự đã đáp lại sự ngưỡng mộ của khán giả cho đến giờ phút cuối của chủ đề “Hát Vui Cho Đời,” với sự phối hợp của Tô Minh Hùng (keyboard), Phương Thảo (guitar) và Quang Tuyến (âm thanh).





No comments: