Saturday, November 5, 2016

CỰU TÙ CHÍNH TRỊ CÁC TRẠI YÊN BÁI, PHONG QUANG, VĨNH QUANG HỌP MẶT (Thanh Phong - VienDongDaily)




Thanh Phong  -  VienDongDaily
04/11/2016

GARDEN GROVE - Trưa Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016 một số cựu tù Việt Cộng từng đồng cam cộng khổ trong các trại tù khổ sai, từ Thành Ông Năm, Long Giao, Yên Bái, Phong Quang và Vĩnh Quang đã hẹn gặp nhau tại nhà hàng Diamond Seafood ở thành phố Garden Grove, Nam California để hội ngộ, hàn huyên tâm sự, điểm danh xem ai còn, ai mất.

Anh Lưu Anh Dũng, trước 30 tháng 4, 1975 phục vụ tại đơn vị 101 Bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH, Trưởng Ban Tổ Chức buổi hội ngộ, trả lời một số câu hỏi của Viễn Đông. Anh nói, “Theo thông lệ, bắt đầu từ năm 2008, cứ hai năm anh em chúng tôi họp mặt nhau một lần, chúng tôi không thành lập Hội, chỉ tổ chức gặp nhau trong tình bạn đồng tù.

Ban tổ chức từ trái là các ông Giàu, Thược, Tuấn, Dũng, Cường và Hoa. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Hôm nay có nhiều anh em ở các nơi xa về đây, họ thuộc năm trại tù khác nhau nhưng trên tấm bảng treo trên sân khấu chỉ để có ba trại Yên Bái, trại Phong Quang ở Lào Cai, và trại Vĩnh Quang ở tỉnh Vĩnh Phú ngoài miền Bắc. Riêng tôi ở trại Thành Ông Năm ra đến Long Giao rồi đưa lên Yên Bái, xong chuyển đến trại Phong Quang rồi về trại Vĩnh Phú và được thả tại đây năm 1981.”

Anh Lưu Anh Dũng cũng cho biết nỗi đau khổ nhất của các anh là lúc ra Yên Bái. Bọn cai tù bắt lên rừng chặt cây, vác cây từ rừng về để dựng nhà nhốt mình, trong khi bụng đói meo suốt sáu tháng trời, nên khi chúng chuyển các anh ra trại Phong Quang, người nào cũng sụt cân thê thảm, nhìn như những bộ xương biết đi.

Đến trại Phong Quang là một trại vô cùng hắc ám, mùa Đông mưa phùn gió bấc lạnh thấu xương mà vẫn phải lội xuống ruộng để cày cấy trong khi mỗi ngày chỉ được ăn một ít bo bo, sắn lát. Cũng may, trước khi bọn Tàu “dạy cho Việt Cộng một bài học,” tụi cán bộ Việt Cộng sợ Tàu Cộng có thể cướp hay giải thoát tù nên chúng chuyển các anh vào trại Vĩnh Quang gần Hà Nội.

Anh Dũng kể lại lúc đầu bị đưa ra Bắc, anh ở trong chiếc xe lửa cùng với anh em, ra đến Hải Phòng, chúng bắt mọi người xuống phà qua bên kia sông để di chuyển bằng xe hơi lên Yên Bái. Dọc đường cứ khi xe ngừng là các anh bị ném đá, chửi rủa; anh thấy rõ ràng có bọn cán bộ cầm súng điều động người dân bắt phải ném đá, phải nhục mạ những quân, cán, chính miền Nam là bọn ăn thịt, uống máu người. Anh kể, “Nhưng chỉ một thời gian sau, khi đi lao động, đồng bào ngoài đó hiểu ra lại thương anh em, có người dúi vào bụi cây hay thấy tụi cán bộ lơ là thì dúi cho các anh em chúng tôi quả chuối, nắm rau; không có một chút hận thù nào cả.”

Giờ khai mạc bắt đầu, dưới sự điều hợp của ông Nguyễn Tường Thược; mọi người cùng đứng lên, nghiêm chỉnh chào Quốc Kỳ Quốc Gia Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời thinh lặng, cúi đầu nhớ đến những bạn đồng tù đã vĩnh viễn ra đi.

Các cựu tù và phu nhân chụp ảnh kỷ niệm lần họp mặt thứ 5. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Sau đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn tiếp tục điều khiển chương trình với phần giới thiệu ban tổ chức; lời giới thiệu khá chi tiết: Ngoài ông Lưu Anh Dũng làm đầu tàu còn có các ông Nguyễn Tường Thược đang là giám đốc đài phát thanh tiếng Việt tại tiểu bang New Jersey; ông Nguyễn Thanh Giàu, người được coi là hát vọng cổ trong tù hay nhất, giáo sư Giàu là Hội Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo Nam Cali, và là Tổng Thư Ký Hội Đồng Liên Tôn VN tại Hoa Kỳ; nhà văn Nguyễn Tường Cường, viết văn hay nhất trong tù; ông Lê Đông Hải, và ông Nguyễn Ngọc Tuấn.

Các cựu tù trên được mời lên sân khấu, đứng thành hàng ngang, mỗi người nói vài lời để các anh em ngồi phía dưới biết mặt, biết tên. Người cựu tù Nguyễn Thanh Giàu cho biết, ông là cựu sĩ quan Cảnh Sát Đặc Biệt, tốt nghiệp tại Học Viện CSQG Thủ Đức ông bị đưa ra Bắc cùng với ông Đàm Trung Mộc, Viện Trưởng Học Viện CSQG, và Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận sau là vị Hồng Y nổi tiếng của giáo triều Rôma.

Ông Nguyễn Tường Thược kể, “Năm 1982, khi chúng tôi đi làm lao động, thỉnh thoảng có cơ hội tiếp xúc với dân, gia đình họ có người đau ốm, không thuốc thang, nhất là không có thuốc trụ sinh như ở miền Nam, anh em tù được thăm nuôi, có thuốc và cho họ, người thân trong gia đình khỏi bệnh nhanh chóng nên khi chúng tôi chuyển trại, dân nhìn theo mà khóc sướt mướt, có người quăng lên xe cho bánh trái và cả thuốc lào nữa. Như thế chứng tỏ sự tuyên truyền lừa dối của nhà cầm quyền Việt cộng không những không có tác dụng mà còn làm cho người dân miền Bắc phân biệt đâu là chính nghĩa, đâu là tà quyền.”

Các cựu tù khác cũng kể sơ qua về nỗi khổ nhục của các anh em Quân,Cán, Chính VNCH bị đày ra ngoài Bắc, có người ở tù đến 17 năm.

Trưởng ban tổ chức mời tất cả các cựu tù và phu nhân lên chụp tấm ảnh kỷ niệm, vì chỉ một thời gian sau chắc chắn không còn đủ mặt như ngày nay.

Kế đến lại có phần giới thiệu từng nhóm tù riêng từng trại, nhưng hầu như các anh em ngồi trong nhà hàng đều trải qua gian khổ từ tất cả các nhà tù vừa nêu. Sau khi nghe một số cựu tù kể chuyện, ban tổ chức mời ban hợp ca Cục Chính Huấn và các cựu tù có khả năng ca nhạc lên trình bày một số nhạc phẩm để mọi người bớt căng thẳng. Đặc biệt có phần trình diễn của nữ ca sĩ Minh Hạnh (em gái Chuẩn Tướng Lục Quân Hoa Kỳ Lương Xuân Việt) và nữ ca sĩ Thanh Lan.

Các cựu tù cũng không quên ơn những người bạn đời, đầu ấp tay gối mà phải xa chồng bao nhiêu năm nhưng vẫn giữ vẹn thủy chung, nhất là đã lặn lội ra tận miền Bắc thăm nuôi chồng, chính nhờ có thăm nuôi, có thêm thực phẩm, thuốc men mà các ông chồng sống còn đến ngày nay để tiếp tục tay gối đầu ấp như ngày nào, nhưng các cựu tù hôm nay chỉ biểu lộ lòng biết ơn bằng một cánh hoa hồng tươi thắm.

Nhận hoa xong, các chị cử chị Trần Thị Thanh Hương, phu nhân cựu tù Vũ Văn Long (trại Vĩnh Quang) lên tâm tình, kể lại quãng đường thăm nuôi gian nan, khổ ải mà chị phải trải qua. Tay xách nách mang khá nặng, băng rừng lội suối có khi 10 giờ đêm mới tới trại giam nhưng cứ nghĩ đến lúc gặp mặt chồng là nỗi vất vả, khổ cực tan biến ngay. Các cựu tù, nhất là anh Vũ Văn Long nghe mà xót xa, anh nói, càng nghe càng thương vợ nhiều hơn!

Cuộc hội ngộ thân tình rồi cũng qua đi, sau khi ăn với nhau, trút tâm sự buồn vui cho nhau nghe, mọi người bùi ngùi chia tay, hẹn hai năm tới lại đến với nhau.




No comments: