Nguyên
Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2016-11-16
2016-11-16
Sau khi cử tri Hoa Kỳ bỏ phiếu cho ông Donald Trump
làm Tổng thống thứ 45, các thị trường tài chính trên thế giới bắt đầu nghiền ngẫm
kết quả bất ngờ. Họ suy đoán tương lai nền kinh tế số một thế giới, có tổng sản
lượng gần bằng một phần tư của toàn cầu, với nhiều lo ngại về tình trạng chiến
tranh mậu dịch giữa các nước.
Đề
cao nhu cầu bảo hộ mậu dịch
Nguyên
Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam
xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau nửa ngày hốt
hoảng bán tháo khi thấy tỷ phú Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ, các
thị trường tài chính thế giới đã hoàn hồn và vọt lên giá. Giới nghiên cứu kinh
tế quốc tế bèn duyệt lại dự báo và đa số suy đoán là chính sách kinh tế của vị
Tổng thống Tân cử Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy tăng trưởng, nâng lãi suất và đẩy lui nguy
cơ giảm phát nhưng cũng gây nguy cơ chiến tranh mậu dịch giữa các nước. Nguyên
Lam xin đề nghị là ông phân tích cho những dự đoán này.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Nói về dự đoán của thị trường là phản ứng tâm
lý của cả triệu tác nhân kinh tế ở mọi nơi, tôi xin được nêu ý kiến như sau: từ
gần 90 năm qua, các thị trường tài chính đều theo dõi diễn tiến bầu cử Tổng thống
Hoa Kỳ và có thể thấy chỉ dấu tiên báo qua việc tăng giá hay sụt giá trong ba
tháng trước bầu cử. Người ta nghiệm thấy là cổ phiếu thường lên giá khi ứng cử
viên của đảng cầm quyền thắng cử và ngược lại, sụt giá khi ứng cử viên của đảng
đối lập đắc cử. Qua 23 cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ từ năm 1928 cho tới nay,
có hai chục lần mà thị trường đoán đúng. Năm nay, thị trường chứng khoán Mỹ sụt
giá trong suốt ba tháng trước ngày bầu cử nên giới quan sát đã có thể đoán là ứng
cử viên của đảng Cộng Hòa hy vọng đắc cử sau tám năm cầm quyền của một Tổng thống
thuộc đảng Dân Chủ.
Tuy nhiên, dù thị trường dự đoán như vậy đa số vẫn
hoài nghi vì cá tánh của ứng cử viên Cộng Hòa là tỷ phú Donald Trump và vì
không khí tranh cử lạ kỳ trước ưu thế của ứng cử viên đảng Dân Chủ là bà cựu
Ngoại trưởng Hillary Clinton. Cuối cùng thì ông Trump lại thắng cử, ngược với dự
đoán của các trung tâm nghiên cứu chính trị hay các cuộc thăm dò ý kiến cử tri.
Kết luận đầu tiên ở đây có lẽ là thị trường tiếp nhận và tiêu hóa nhiều thông
tin chính xác hơn chính trường. Riêng tôi thì không quên được các biến động thị
trường từ năm 2008 và chú ý đến những thay đổi lớn lao của trật tự cũ, từ lục địa
Âu-Á tới Bắc Mỹ, nên cho là sẽ có những chuyển động lớn mà việc ông Trump đắc cử
chỉ là một trong nhiều triệu chứng.
Nguyên
Lam: Nếu cho rằng giới kinh tế có thể thẩm định
chính xác hơn thì ông nghĩ sao về dự báo của nhiều kinh tế gia liên quan đến
chính sách kinh tế của vị Tổng thống tân cử?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi lại xin nói ngược! Khi tranh cử tổng thống,
mọi ứng cử viên đều muốn thuyết phục cử tri để đắc cử nên đề nghị các chương
trình hành động có vẻ hấp dẫn nhất, vào lúc đó. Nhưng sau khi đắc cử thì vị Tổng
thống của đệ nhất siêu cường mới khám phá ra vài sự thật. Thứ nhất, lãnh đạo một
chế độ dân chủ không có toàn quyền như lãnh tụ một xứ độc tài, và trong số này,
Tổng thống Hoa Kỳ là người có quyền lực hạn chế nhất so với lãnh đạo của các nước
dân chủ vì phải dung hòa quan điểm với Quốc hội và các cơ chế độc lập như Tối
cao Pháp viện hay Ngân hàng Trung ương, chưa nói tới biến cố bất ngờ hay phản ứng
của các quốc gia khác. Đấy là một nghịch lý ít ai chú ý. Vì vậy, và đây là yếu
tố quan trọng thứ hai, ít khi chương trình hành động của ứng cử viên tổng thống
được thực hiện trong thực tế vì ảnh hưởng của các thế lực kia. Bây giờ ta mới
nói đến chính sách kinh tế của ông Donald Trump.
Nguyên
Lam: Về chính sách kinh tế hay chương trình hành
động của ông Trump khi tranh cử thì người ta nói đến đề nghị tăng chi ngân sách
và giảm thuế để kích thích sản xuất và giải tỏa kiểm soát để thúc đẩy đầu tư.
Nhưng mọi người đều chú ý tới chủ trương bảo hộ mậu dịch và tới việc ông Trump
hăm dọa nâng hàng rào quan thuế đánh trên hàng nhập nội nên mới e sợ những trận
chiến mậu dịch sẽ bùng nổ sau này. Ông nghĩ sao về dự đoán bi quan ấy?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là mọi yếu tố kinh tế hay chính
trị đều đan kết với nhau cho nên khi dự đoán ngoại giao chính trị thì ta không
quên thực tế kinh tế. Sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 và nạn Tổng suy trầm
2008-2009, kinh tế thế giới chưa hoàn toàn phục hồi và hầu như quốc gia nào
cũng tìm cách gia tăng xuất khẩu và tiết giảm nhập khẩu để thoát vòng trì trệ.
Trong khi ấy, các biện pháp ngân sách như tăng chi đều đi hết sự vận hành mà
không kích thích nổi sản xuất mà còn gây ra bội chi và nhu cầu đi vay. Thế rồi,
vì hoàn cảnh khó khăn chung, ai ai cũng tìm cách tiết kiệm nhiều hơn và chi
tiêu ít hơn nên tài hóa càng ít lưu thông, sinh hoạt kinh tế vẫn đình đọng, thất
nghiệp tăng trong thực tế.
Kết quả sau cùng là định chế duy nhất còn có khả
năng can thiệp và kích thích sản xuất là các ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất
và bơm tiền vào thị trường. Nhưng vì không kết quả các nước đều cắt lãi suất tới
sàn, là gần số không, thậm chí Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Âu Châu và nhiều
quốc gia khác còn dìm lãi suất dưới số không, tức là áp dụng lãi suất âm. Điều ấy
có nghĩa là gì? Là làm đồng bạc của mình sụt giá nhờ vậy mà hàng hóa của mình
trở thành rẻ hơn, dễ xuất khẩu hơn, và làm cho nhập khẩu đắt hơn. Tức là biện
pháp tiền tệ lại có hậu quả ngoại hối là phá giá đồng bạc, để tìm ưu thế mậu dịch
là tăng xuất và giảm nhập. Nói cho phũ phàng mà dễ hiểu thì các nước đều lặng lẽ
tiến vào trận chiến mậu dịch mà không tuyên chiến. Chính là vì vậy mà cả hai ứng
cử viên tranh cử tại Hoa Kỳ đều bày tỏ sự hoài nghi về chế độ tự do mậu dịch và
đề cao nhu cầu bảo hộ mậu dịch.
Bảo
vệ quyền lợi an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ
Nguyên
Lam: Ông vừa nêu nhận xét đáng chú ý là “các nước
đều lặng lẽ tiến vào trận chiến mậu dịch mà không tuyên chiến”. Có lẽ vì vậy mà
cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều đòi xét lại lợi ích của các hiệp ước tự do
mậu dịch Hoa Kỳ đã ký kết, rồi với việc ông Trump vừa đắc cử người ta mới lo sợ
nguy cơ chiến tranh mậu dịch. Ông nghĩ sao về rủi ro ấy?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Trong hai chục ứng cử viên của cả hai đảng ra
tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay, người duy nhất chưa hề tham gia sinh hoạt chính
trị là ông Trump. Tôi nghĩ rằng ông có biệt tài diễn xuất khi cảm nhận được sự
lầm than bất mãn của một thành phần đông đảo nên huy động được quần chúng và dưới
dáng vẻ thô lỗ thật ra là nhân vật biết tính toán nên đã bất ngờ thắng cử. Lối
phát biểu thô lỗ và cả chủ trương kinh tế có vẻ triệt để bảo vệ quyền lợi của
Hoa Kỳ làm nhiều người lo ngại. Nhưng sự thật là trong hai chục ứng cử viên,
ông Trump là doanh gia duy nhất và là doanh gia thì biết mọi sự đều có cái giá
phải trả, chứ không thể duy ý chí nghĩ rằng ta cứ áp dụng chính sách này hoặc
chương trình khác là được. Nói cách khác, ông là một nhân vật thực tiễn, như
chính Tổng thống Barack Obama đã xác nhận sau 90 phút hội kiến vào tuần trước để
đón nhận vị Tổng thống Tân cử của nước Mỹ.
Nguyên
Lam: Phân tích như vậy thì ông kết luận là ông
Trump sẽ không khai mở trận chiến mậu dịch bề nào cũng đã xảy ra rồi hay sao?
Nhưng thưa ông, vị Tổng thống thứ 45 sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ,
ít ra là về mặt kinh tế?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Ta không quên rằng sau mấy chục năm giao lưu
buôn bán giữa các nước để tiến tới trạng thái toàn cầu hóa thì các nền kinh tế
này đều đan kết với nhau trong một chuỗi cung ứng quốc tế. Cụ thể thì trong các
mặt hàng ghi là “Chế tạo tại Trung Quốc” hay “Chế tạo tại Mexico” lại có nhiều
phẩm vật của Mỹ, Nhật, Nam Hàn, Canada, v.v… Khi đòi nâng thuế biểu lên 35% hay
45% để chặn nhập khẩu thì Hoa Kỳ cũng gây thiệt hại cho giới tiêu thụ và doanh
nghiệp lẫn công nhân Mỹ. Có thể là ông Trump đang khám phá ra điều ấy và còn thấy
Quốc hội cũng có thẩm quyền và tiếng nói trong nhiều quyết định của Hành pháp.
Cụ thể thì biện pháp bảo hộ nhằm đem lại lợi ích cho
thành phần này thì lại gây thiệt hại cho thành phần khác, mà trong nền dân chủ,
các thành phần đó đều có quyền lên tiếng để tác động vào giới dân cử của họ tại
địa phương. Vì vậy, trong môi trường đầy mâu thuẫn về quyền lợi với nhiều hậu
quả về chính trị, người ta không thể có giải pháp tuyệt đối mà phải dung hòa. Tổng
thống Tân cử Donald Trump là người dày dạn kinh nghiệm thương thảo và ngã giá
nên cũng sớm biết dung hòa quan điểm với Quốc hội, gồm có hai viện và các đại
biểu của cả hai đảng. Tuần qua, chúng ta đã thấy ông xuất hiện với phong cách
chững chạc và nêu ra nhiều ý kiến ôn hòa khác hẳn những gì ông đã gay gắt phát
biểu khi tranh cử.
Nguyên
Lam: Nhưng thưa ông, chúng ta không quên bối cảnh
tranh chấp mậu dịch sẵn có giữa các nước. Như vậy, làm sao Hoa Kỳ có thể bảo vệ
quyền lợi riêng trong sự tranh đoạt ấy? Một cách cụ thể thì với viễn ảnh tăng
trưởng cao hơn, lãi suất tại Mỹ sẽ tăng và đồng đô la lên giá so với các ngoại
tệ khác làm cho hàng của Mỹ sẽ đắt giá hơn và khó cạnh tranh hơn. Như vậy,
Chính quyền Donald Trump và Quốc hội khóa 115 của nước Mỹ sẽ làm gì?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Giới lãnh đạo Hoa Kỳ không thể không biết là
đông đảo quần chúng ở dưới thất vọng và bất mãn vì nhiều vấn đề, trong đó có
kinh tế. Cũng vì vậy mà Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Chính quyền
Obama cố hoàn thành lại bị gạt qua một bên và Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ
gọi là NAFTA được ban hành từ năm 1994 lại bị xét lại. Trong khung cảnh đó,
Chính quyền tân nhậm đầu năm 2017 không thể bỏ qua ý dân, mà cũng chẳng dễ gì
xóa bỏ hệ thống hợp tác cũ, hoặc dựng chiến hào mậu dịch với các nước. Sau khi
Tổng thống lập Nội các và Quốc hội khóa 115 bầu lại chức vụ đại biểu vào các ủy
ban hữu trách, Hoa Kỳ sẽ tranh luận nội bộ về đối sách kinh tế với thế giới bên
ngoài rồi từng bước thương thuyết lại khuôn khổ buôn bán với hai đối tác của Hiệp
ước NAFTA và có khi đề nghị từng giải pháp song phương với 11 đối tác của Hiệp
ước TPP. Tiến trình phức tạp ấy có thể mất nhiều năm chứ không kết thúc mau lẹ.
Kinh nghiệm trước mắt là việc Anh quốc ra khỏi Liên
Âu sau quyết định bất ngờ của người dân hồi Tháng Sáu. Khi ấy mọi người hốt hoảng
rồi hoàn hồn theo dõi tiến trình thương thuyết giữa Anh quốc và cơ chế Liên Âu
là điều nhiêu khê chậm rãi. Hoa Kỳ cũng sẽ đàm phán lại với các đối tác chứ
không dại gì mà đốt sạch tất cả trong một trận chiến mậu dịch toàn cầu.
Đấy cũng là lúc người ta thấy ra đặc tính của ông
Trump là thực tiễn nhưng quyết liệt bảo vệ quyền lợi an ninh và kinh tế của Hoa
Kỳ. Các đồng minh dân chủ sẽ không thể trông cậy vào sự nhượng bộ của nước Mỹ
như trước, nhưng các chế độ độc tài hung bạo nên coi chừng và chẳng quên là
kinh tế Hoa Kỳ không lệ thuộc quá nhiều vào xuất cảng và trong quan hệ ngoại
thương, Hoa Kỳ vẫn giữ thế mạnh và hơn hẳn Trung Quốc vốn đang e sợ một nước Mỹ
nổi giận.
Nguyên
Lam: Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam
xin cảm tạ ông về bài phân tích này.
No comments:
Post a Comment