Wednesday, November 9, 2016

100 NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA TÂN TỔNG THỐNG MỸ : TRỌNG TÂM LÀ ĐỐI NỘI (Trọng Thành - RFI)




Trọng ThànhRFI   
Đăng ngày 09-11-2016

Sau thắng lợi khá bất ngờ của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm qua, 08/11/2016, các nhà quan sát tập trung tìm hiểu khả năng hành động trong những tháng cầm quyền đầu tiên của tân tổng thống Hoa Kỳ, mà trọng tâm là đối nội.

Theo AFP, trong thời gian tranh cử, tỉ phú 70 tuổi đã hứa hẹn sẽ có 100 ngày quyết liệt, với 28 biện pháp, nhằm « trả lại cho nước Mỹ tầm cỡ vĩ đại của mình », chấn hưng kinh tế và bảo vệ nước Mỹ, với bản hợp đồng được gọi là « cách mạng », mà ông Trump cam kết với cử tri.

Ngày 22/10/2016, hơn hai tuần trước cuộc bầu cử, ông Trump công bố kế hoạch 100 ngày tại Gettysburg, tiểu bang Pennsylvania. Địa điểm đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong cuộc Nội Chiến Mỹ với trận chiếm đẫm máu nhất giữa liên quân miền Bắc và liên quân miền Nam. Đây cũng chính là nơi mà tổng thống Abraham Lincoln đọc bài diễn văn hòa giải nổi tiếng Gettysburg năm 1963, tưởng nhớ nạn nhân của cả hai bên tham chiến.

Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ nhậm chức ngày 20/01/2017. Theo các nhà quan sát, chương trình hành động 100 ngày trong diễn văn Gettysburg của Donald Trump tập trung vào các vấn đề nội bộ, các lợi ích kinh tế của nước Mỹ, không có nhiều chi tiết về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong kế hoạch này.

Ông Donald Trump hứa, một khi bước vào Nhà Trắng, sẽ làm rung chuyển hệ thống chính trị nước Mỹ, với việc tấn công ngay lập tức vào điều gọi là « nạn tham nhũng » đang hoành hành tại Washington, đặc biệt với việc giới hạn số nhiệm kỳ của các dân biểu tại Hạ Viện, đình chỉ việc tuyển dụng viên chức của Liên Bang, cấm những người từng phục vụ tại Nhà Trắng và Quốc Hội hoạt động vận động hành lang trong vòng năm năm sau khi rời chính quyền… (các biện pháp số 1, số 2 và số 4).

Tương lai các hứa hẹn gây sốc

Trong tranh cử, lãnh đạo dân túy đã có nhiều hứa hẹn gây sốc, như tống khứ hàng triệu dân nhập cư không giấy tờ, xóa bỏ chương trình bảo hiểm y tế « Obamacare » cho người nghèo… Liệu ông Trump có thực hiện được các lời hứa và có đủ khả năng làm việc này ? Sau khi đảng Cộng Hòa giành được đa số tại lưỡng viện Quốc Hội cũng ngày hôm nay, tổng thống vừa đắc cử Donald Trump được coi là sẽ rảnh tay hành động.

Reuters liệt kê một vài hồ sơ chính. Về nhập cư, Donald Trump hứa sẽ xây « một bức tường khổng lồ » dọc theo biên giới với Mêhicô, để chấm dứt nạn nhập cư lậu, dự kiến tốn từ 10 đến 12 tỉ đô la (biện pháp số 25). Ứng cử viên Trump hứa hẹn sẽ buộc chính quyền nước láng giềng trả kinh phí, nếu Mêhicô không trả tiền, Washington có thể tăng thuế nhập khẩu các sản phẩm của Mêhicô hay giảm tiền trợ giúp quốc tế cho nước này. Ông Trump cũng cam kết sẽ tăng gấp ba lần số nhân viên làm việc trong ngành hải quan, di trú, thành lập các lực lượng đặc biệt để phát hiện người nhập cư không có giấy tờ.

Hiện tại, ở Mỹ có khoảng 11 triệu người nước người không giấy tờ, hoặc quá hạn visa. Theo trang mạng Politico, nếu ông Trump muốn trục xuất hết và xây bức tường ngăn Mỹ với Mêhicô, Hoa Kỳ sẽ phải chi tổng cộng 166 tỉ đô la. Nếu như nhiều nghị sĩ Cộng Hòa sẵn sàng ủng hộ các biện pháp này, rất có thể họ sẽ phải ngần ngại trước số tiền rất lớn nói trên. Tuy nhiên, trong kế hoạch 100 ngày đầu tiên, ông Trump giới hạn trong việc trục xuất hơn 2 triệu người nhập cư bị coi là « tội phạm », hủy bỏ visa đối với kiều dân các nước nào không nhận lại dân nhập cư không giấy tờ nước mình bị trục xuất (biện pháp số 17).

Về chương trình bảo hiểm y tế Obamacare, dành cho hơn 30 triệu người Mỹ có thu nhập thấp, ông Trump hứa hẹn sẽ thay thế bằng một văn bản nhằm tăng cường sự kiểm soát của Nhà nước đối với chương trình bảo hiểm y tế liên bang, đồng thời tạo điều kiện cho các công ti bảo hiểm y tế tư nhân (biện pháp số 23). Để làm được điều này, Donald Trump phải nhận được sự ủng hộ của 60 nghị sĩ tại Thượng Viện. Theo các nhà quan sát, việc trực tiếp xóa bỏ Obamacare có thể sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực trong một bộ phận lớn cử tri, do vậy nhiều nghị sĩ có thể sẽ dè dặt. Chính quyền Trump có thể sẽ chọn cách không xóa bỏ ngay chương trình này, nhưng hủy hoại nó từ bên trong, bằng cách bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo của chương trình những người thân cận.

Donald Trump tuyên bố ngay từ ngày đầu tiên, sau khi nhậm chức, sẽ thông báo « ý định thương lượng lại thỏa thuận trao đổi thương mại tự do Bắc Mỹ/NAFTA » và rút ra khỏi Hiệp Ước Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (các biện pháp số 7 và số 8). Trump hứa thúc đẩy chương trình kinh tế nhằm tạo ra 25 triệu việc làm trong vòng 10 năm, đặc biệt nhờ việc giảm mạnh thuế cho giới trung lưu và các doanh nghiệp, với mục tiêu nâng mức tăng trưởng lên đến 4%/năm (biện pháp số 19), tức gấp đôi so với hiện nay.

Nhiều nhà quan sát lo ngại, cương lĩnh cầm quyền của ông Trump có thể sẽ làm gia tăng làn sóng bảo hộ thương mại, gây khó khăn cho quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có nước Mỹ. Theo các kinh tế gia thuộc cơ quan phân tích tài chính Moody’s Analytics, nếu ông Trump thực thi các cam kết về thương mại và di cư, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ có thể sẽ buộc phải nâng mạnh và đột ngột lãi suất chỉ đạo, với hệ quả là kéo toàn bộ nền kinh tế rơi vào suy thoái. Theo giám đốc cơ sở Philadelphia của Ngân Hàng Trung Ương, ông Patrick Harker, việc giảm thuế ồ ạt có thể sẽ kích thích lạm phát.

Về chương trình kinh tế của ông Donald Trump nói chung, hiện vẫn được đánh giá còn khá mơ hồ, theo Ủy ban Trách Nhiệm Ngân Sách Liên Bang (Committee for a Responsible Federal Budget), một cơ quan tư vấn độc lập của lưỡng đảng Hoa Kỳ có trụ sở tại Washington, nếu chính sách của ông Trump được thực thi, trong 10 năm tới, ước tính nợ liên bang sẽ tăng thêm 5.300 tỉ đô la.

---------------------------------------

Donald Tóc Vàng vào Tòa Bạch Ốc
By MATT FLEGENHEIMER and MICHAEL BARBARO   -    NOV. 9, 2016




No comments: