Năm 1984, Hà Nội cho công chiếu rộng rãi bộ phim của
Mỹ “Việt Nam thiên lịch sử bằng truyền
hình”, tiếp theo mạch của seri truyền hình CHDC Đức hơn 1 thập niên trước
đó có tên “Phi công mặc áo ngủ”
về những phi công Mỹ bị bắn rơi và giam tại Hỏa Lò-Hà Nội.
Thời gian này tôi đang lang thang ở vùng Phan Rí
Thành- Chợ Lầu (Huyện Bắc Bình, tỉnh lúc đó gọi là Thuận Hải, bao gồm cả Phan
Rang, Phan Thiết). Ban ngày vác máy đi vẽ bản đồ giải thửa hoặc ở nhà làm nội
nghiệp, chủ nhật rủ thằng bạn người địa phương đạp xe lên Sông Mao, nơi từng là
hậu cứ của sư đoàn Thủy quân lục chiến “Tia chớp nhiệt đới” của Mỹ, tò mò tìm
hiểu những tàn dư của đế quốc, buổi tối tập trung xem bộ phim nói trên. Thú thực,
chả còn nhớ nội dung thế nào vì không được như tham vọng qua đề tựa, cả cuốn
trường thiên đồ sộ bằng hình ảnh (khoảng 30 tập) là cái nhìn vào lịch sử từ hướng
Hà Nội, điều mà tôi đã quá quen thuộc. Nhưng có một chi tiết làm tôi sững sờ,
khi trả lời phỏng vấn, ông Ngô Đình Nhu nói :
“Chúng tôi không coi những người cộng sản là
kẻ thù, mà là những người anh em bị lầm đường lạc lối”. (Sau này khi ông Nguyễn Văn Thiệu chứng kiến cảnh nhà độc tài Nam Hàn
đàn áp thẳng tay những cuộc biểu tình của đám sinh viên đỏ tại Hán Thành, thậm
chí cảnh sát xả thẳng súng vào đám đông, đã cảm thán: “Chúng ta không thể
làm nổi những việc như thế này”).
Tôi ngộ ra một điều, cuộc chiến VN phải có kết thúc
như vậy, miền Nam thua trận, VNCH bị mất nước là điều dĩ nhiên, chỉ là vấn đề
thời gian. Những người
lãnh đạo miền Nam đã không hiểu “người anh em” của mình. Người cộng
sản được cấu tạo bởi những vật chất khác, họ coi thường tình cảm cá nhân, thậm
chí còn coi đó là tàn tích của giai cấp tiểu tư sản cần phải gột bỏ triệt để. Họ
sẵn sàng hy sinh tất cả chỉ để giành thắng lợi, mọi phương tiện đều được chấp
nhận.
Không riêng miền Nam, cả người Mỹ cũng đánh giá sai
lầm về đối thủ. Hãy đọc cuốn sách có tựa đề cay đắng “Việt Cộng và người Mỹ đã thắng (nước Mỹ) trong cuộc chiến như thế nào
?”. Thì ra, phong trào phản chiến ở Mỹ có quan hệ mật thiết với Hà Nội,
thậm chí họ còn có định kỳ những cuộc gặp gỡ bí mật tại... Paris. Những đồng tiền
viện trợ từ Liên Xô và Trung Cộng cũng được chi hào phóng cho việc này theo chiến
lược “ đánh địch trên cả 3 mặt trận, chính trị, quân sự, ngoại giao và chiến
thuật cò cưa “vừa đàm vừa đánh” trên bàn hội nghị. Chàng trung úy trẻ tuổi John
Kerry (đương kim ngoại trưởng) từng là nguồn cảm hứng cho phong trào này, khi
có một cuộc điều trần trước Quốc Hội, yêu cầu rút quân đội Mỹ ra khỏi VN, ông
cam đoan rằng, để cho miền Bắc chiếm miền Nam sẽ có hòa bình và không xảy ra tắm
máu. Thời gian này ở châu Âu, lo ngại về viễn cảnh của chiến tranh Lạnh, một khẩu
hiệu mới được ra đời ở Tây Đức "Thà bị nhuộm Đỏ còn hơn là chết"
bùng phát bằng những cuộc biểu tình chống Mỹ
Chiến tranh luôn là bài học đắt giá không bao giờ
cũ, nhiều người đặt câu hỏi: Nếu VNCH cũng làm như Nam Hàn, Indonesia, hay
Thailand thì sao? Lịch sử không có chữ nếu, bởi vì mỗi giai đoạn lịch sử sẽ
sinh ra những con người lịch sử, họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử với những
quyết định lịch sử của mình. Dù lịch sử có lặp lại nhiều lần, thì sự lựa chọn
cũng chỉ có một. Lịch sử sẽ xảy ra đúng như nó phải xảy ra.
Một cựu sỹ quan VNCH kể câu chuyện về một bà già
nông thôn miền Bắc ở gần trại cải tạo, dúi cho mấy thằng con “Ngụy quân” vài củ
sắn và bảo:
- Ăn đi các con, chúng mày đánh trận thế nào mà để
thua quân giặc.
Ông kết luận:
- Suy cho cùng cái tội lớn nhất của miền Bắc là thắng
trận, cái công lớn nhất của miền Nam là thua trận.
Cái giá cho hòa bình của miền Nam thật đắt, thua trận
thì cay đắng, nhục nhã thật, nhưng vẫn là rẻ so với máu xương, nhất là máu
xương của người dân vô tội.
Lịch sử vẫn đi theo những con đường riêng, bất chấp mọi quy luật, cuộc sống thời hậu chiến đã đẩy hàng triệu con dân Việt phải rời bỏ quê hương. Đến vùng đất mới xa lạ, không tài sản, bất đồng ngôn ngữ, có người tóc đã hoa râm và làm lại từ đầu. Tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi nghe những câu chuyện của lớp người Việt đầu tiên định cư ở Mỹ, họ rời bỏ cuộc sống yên ổn ở tiểu bang Washington tìm xuống Cali, làm lại cuộc sống một lần nữa. Tiểu bang này trở thành nền kinh tế thứ 11 thế giới có công sức không ít của người Việt. Hơn nữa họ đã cung cấp cho cộng động hàng vạn con người ưu tú, hàng ngàn những bộ óc “thông minh một cách kỳ lạ”. Đó không phải là một điều phi thường sao?
Hồi còn sinh thời có lần bố tôi nói:
- Con ạ, trong họa có phúc. Chỉ cần một quốc gia có
một trăm cái đầu như thế là nó có thể phục hưng, chỉ cần nắm cơ hội.
Vâng, cơ hội là Trời cho (Thiên thời), nhưng nắm bắt
cơ hội cần có những người tuấn kiệt, đó là Nhân Hòa vậy.
No comments:
Post a Comment