Monday, September 5, 2016

HÃY BỎ NHỮNG BÀI HỌC NHỒI NHÉT NHÀM CHÁN (GS Nguyễn Đăng Hưng)




Monday, September 05th, 2016
.
Một bài phỏng vấn khác cũng đã được đăng trên báo Phụ Nữ cách đây 12 năm (25/tháng 9/2004)

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA BÁO PHỤ NỮ VIỆT NAM
VỀ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC
GS Nguyễn Đăng Hưng

Nhà báo
Thưa GS, thời gian qua, ngành giáo dục có nhiều cải tiến giáo dục (từ cải tiến bỏ chấm điểm cho HS tiểu học, cải tiến xây dựng mô hình trường học mới, cải tiến thi vào đại học…). Nhưng, những cải tiến này thay vì làm yên lòng dư luận, lại đang thổi bùng lên những luồng tranh luận lớn hơn về tính hợp lý đúng đắn của các quyết sách. Riêng với GS, ông đánh giá như thế nào về những cải tiến giáo dục thời gian gần đây?
Gs Nguyễn Đăng Hưng
Tôi không lấy làm lạ là mỗi biện pháp đề đạt từ Bộ GD&ĐT đều gây tranh luận có khi khá gay gắt.
Lý do chung là những cải cách đưa ra chưa đồng bộ, chưa thấu tình đạt lý, chưa được tham khảo kỹ lưởng nhất là chưa dứt khoát mà còn vươn vấn nếp cũ, chưa chịu buông hẳn vì những quyền lợi cục bộ đã tồn tại quá lâu, nay ăn sâu vào não trạng như những căn bệnh kinh niên…
Dư luận chung về giáo dục chưa được đồng thuận, quan điểm đổi mới thực thụ và quan điểm bảo thủ trì trệ còn đan xen phức tạp…
Theo tôi thì vì sau 40 năm hòa bình, 70 năm dựng nước, nền giáo dục Việt đã đi lạc đường nay rớt tụt ở tận đáy. Vì sức ép của xã hội ngay cả các từng lớp được chính quyền ưu đãi, nay đã có những bước đi bắt đầu đúng hướng, những cải tổ có ít nhiều thực chất… Tuy vậy, nhìn chung tôi đánh giá là vẫn chưa thấm vào đâu, chưa thay đổi được cục diện, chưa tạo được động tác đột phá cần thiết. Khi căn bệnh đã nhập vào xương, vào tủy mà chỉ chửa trị ngoài da, hay cho uống thuốc cầm chừng thì sẽ không hy vọng có hiệu quả, ít ra trong ngắn hạn.

Nhà báo
Theo ông, vì sao giáo dục Việt Nam vẫn loay hoay tìm đường, sau rất nhiều cải tiến, rồi hủy bỏ, rồi lại cải tiến, rồi lai sửa chữa? Do tư duy giáo dục, hay do thiếu kinh phí, hay do chúng ta kết luận và chê trách Bộ GD-ĐT quá sớm khi mà cải cách giáo dục chỉ mới bắt đầu?
Gs Nguyễn Đăng Hưng
Đừng nghỉ cải tổ giáo dục cần nhiều kinh phí. Nghĩ như thế là sập bẫy các thế lực lợi ích muốn chiếm lĩnh giáo dục để trục lợi cho phe nhóm. Trong cải tổ giáo dục, kinh phì chỉ là điều kiện phụ. Điều kiện chính là có hay không tư duy giáo dục chân chính, tư duy nhân văn khoa học đa chiều?
Những người không có tư duy giáo dục chân chính không thể đứng ra chủ trương cải tổ được! Tại sao từ hơn 40 năm hòa bình có biết bao thời gian cho suy ngẫm, tìm hiểu, tham khảo, thảo luận mà cứ loay hoay tìm đường không có lối ra?
Tại vì bấy lâu nay cái mà nhà chức trách muốn làm là cái sai lạc, còn cái đúng, cái phù hợp lại là cái mà họ cố tình bác bỏ, chối từ…
Thật vậy, chương trình giáo dục đúng đắn, khoa học, nhân văn đã được GS Hoàng Xuân Hãn (bạn rất thân của TT Phạm Văn Đồng), thành viên của chính phủ Trần Trọng Kim đã đề đạt nghiên cứu và thực thi chỉ trong 4 tháng (Chính xác là Từ ngày 20 tháng 4 đến ngày 20 tháng 6 năm 1945). Sau này chính quyền Việt Nam Công Hòa (1955-1975) đã xử dụng hệ thống giáo dục này và đã đạt được những thành quả rất khả quan.
Tôi rất vui nhân ngày Quốc Khánh nhắc đến việc này.
Suốt quá trình trên 70 năm chính quyền mới đã đánh đổ hệ thống này, đánh giá chính phủ Trần Trọng Kim là bù nhìn, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quyền, bác bỏ và miệt thị thẳng thừng chương trình giáo dục này, một chương trình đầy tính nhân văn, khai sáng, đa chiều, được học hỏi nghiêm túc từ các nước phát triển Âu Mỹ…
Rồi tốn bao công sức tìm tòi, gởi bao phái đoàn tham quan, rồi bao lần cải tổ, bao lần thay đổi rút cục đâu lại vào đấy.
Phải bước ra ngoài tư duy giáo điều sáo rỗng, duy ý chí, trọng hình thức, đề cao thành tích, duy trì lợi ích phe nhóm… mới mong có cải tổ thực sự với hiệu quả thực chất lâu dài…
Tôi có thể đề nghị một số biện pháp, một vài quyết định, chẳng tốn kinh phí nào mà sẽ đem lại ngay những sự thay đổi hiệu nghiệm!
Thí dụ trong tư duy giáo dục có sai lầm căn bản lẫn lộn giữa tuyên truyền và giáo dục. Hãy bãi bỏ những bài học nhồi nhét tuyên truyền vô tội vạ nhàm chán không có thực chất trong chương trình trung học và đại học đại chúng. Hãy chỉ giảng dạy chính trị tại các trường chính trị của đảng mà thôi…
Tôi đề dạt chấm dứt ngay các hệ chuyên tu và tại chức. Các hệ này chỉ phục vụ cho các nhóm lợi ích không muốn học mà muốn làm quanl
Các hệ này tự nó phá hoại hệ chính qui, nền giáo dục nghiêm túc, làm nhụt chí con em trên con đường học thực để xây dựng hiệu quả xã hội, kinh tế, công nghệ…

Nhà báo
Theo GS, đâu là điểm yếu nhất của GD Việt Nam?
Gs Nguyễn Đăng Hưng
Chính là cái mà tôi vừa nói. Không có tư duy triết lý giáo dục nghiêm túc khoa học và nhân văn.

Nhà báo
Đã có nhiều năm làm việc tại nước ngoài, ông có thể so sánh một vài điểm giữa cách làm giáo dục ở nước bạn và nước ta? Cũng như ông thấy sự khác nhau nào giữa HS Việt Nam và HS ở nước bạn? Tại sao, những sản phẩm của giáo dục Việt Nam vẫn đang gặp khó khi hội nhập quốc tế?
Gs Nguyễn Đăng Hưng
Đã sống hơn 50 năm tại Châu Âu, đi thỉnh giảng và thường trú nghiên cứu khoa học trên 20 nước tôi thấy rõ lý do của sự tụt hậu của nền giáo dục Việt Nam.
Nền giáo các nước phát triển luôn luôn lấy người đi học, học sinh, sinh viên làm chủ thể. Họ tạo điều kiện để người dân có thể hấp thụ một chương trình giáo dục nhân văn, đa chiều, các tri thức đề cao tính dân chủ tự do, không kỳ thị chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, chính kiến. Họ đề cao học thực, ngăn cấm chạy theo bằng cấp, thành tích ảo…
Nền giáo dục như vậy sẽ giúp người học có tinh thần phản biện, phê phán cái cũ, loại bỏ cái lạc hậu để tìm ra chân lý, lẽ phải. Phải như vậy mới là khoa học, mới là học thuật..
Chính vì vậy mà đầu ra sẽ khác hẳn. Ai đã có bằng tốt nghiệp thì ngưới ấy có trình độ thực chất tham gia đóng góp điều hành và phát triển xã hội một cách có hiệu quả.
Qua hai Trung Tâm cao học Bỉ-Việt mà tôi đã tổ chức và điều hành tại các ĐH Bách Khoa TP HCM và Hà Nội (1995-2007) tôi đã mời vể Việt Nam giảng dạy trên 100 giáo sư, nhà khoa học Âu-Mỹ… Hầu hết các đồng nghiệp này đã bày tỏ cùng tôi sự khác biệt mà họ thấy ở sinh viên Việt Nam: Năng kiếu rất tốt nhưng không có đầu óc phê phán và tinh thần sáng tạo…
Sinh viên Việt Nam được đào tạo lại ở Âu Mỹ sẽ phất lên cao vì năng khiếu bẩm sinh và thoát được cảnh nhồi nhét bị động. Họ được trở lại với tình trạng bình thường của con người tự do: biết phê phán và biết sáng tạo…

Bào báo đăng mới đây ngày 4/9/2016

Nhà báo
Nếu đề xuất một vài giải pháp để “gỡ khó” cho giáo dục Việt Nam, GS sẽ đề xuất những điều gì?
Gs Nguyễn Đăng Hưng
Tôi có cả một chương trình cứu giải có thể đề xuất. Nhưng dài quá, ở đây không nói hết được. Tôi chỉ xin nhấn mạnh ở hai đề xuất quan trọng nhất không cần kinh phí đã nói ở trên:
Hãy bãi bỏ những bài học nhồi nhét tuyên truyền.
Hãy chấm dứt ngay các hệ chuyên tu và tại chức.

Nhà báo
Câu hỏi cuối cùng, nhân dịp đầu năm học mới, GS mong muốn điều gì ở ngành GD trên cương vị một giáo sư? Và mong muốn điều gì trên tư cách một phụ huynh học sinh.
Gs Nguyễn Đăng Hưng
Với tư cách nhà giáo dục, người Việt nam, tôi mong mỏi cải cách giáo nhanh chóng được thực thi có hiệu quả.
Muốn vậy chính phủ nên giao công tác trọng hệ này cho một công trình sư có đủ kinh nghiệm, tư duy, hiểu biết, tầm nhìn và đảm lược, đứng ra ban hành qui chế và điều động tổ chức khâu thực hiện. Công trình sư này phải có toàn quyền chọn lựa nhân sự cộng tác viên. Tôi cho rằng nếu chọn người chính xác, tạo điều kiện đầy đủ thì chỉ trong 3 năm thôi sẽ có đổi thay thực chất.
Với tư cách phụ huynh tôi sẽ phàn nàn là tuy phải đóng thuế cao, nhưng tôi lại không có được một hệ thống giáo dục cần thiết cho con cháu. Là phụ huynh, đã từ lâu tôi đã mất lòng tin ở nền giáo dục nước nhà đến nỗi có chút tiền là tôi phải gửi con ra nước ngoài du học, ngay cả những lĩnh vực không có gì gọi là tiên tiến…
Tôi khó chấp nhận tình trạng này kéo dài thêm nữa…

Gs Nguyễn Đăng Hưng
Sài Gòn ngày 3/9/2016



No comments: