Saturday, August 8, 2015

Đóng kịch (FB Nguyễn Tuấn)






Thỉnh thoảng tôi tự hỏi chính giới Tàu nghĩ gì về đồng nghiệp họ ở Việt Nam. Dù biết rằng qua báo chí chúng ta có thể hiểu là họ không đánh giá cao, nhưng tôi vẫn muốn biết xem họ nghĩ gì. Tình cờ đọc được một đoạn văn được xem là “tối mật” của Mao Trạch Đông viết về Việt Nam làm tôi suy nghĩ về mối quan hệ Việt – Tàu hết sức thú vị. Tôi nghĩ bất cứ ai đang phấn đấu làm bạn với Tàu cộng có lẽ phải ngượng ngùng khi đọc câu của họ Mao.

Họ Mao nói “Nước ta và nhân dân Việt Nam có mối hận thù dân tộc hàng nghìn năm nay. Chúng ta không được coi họ là đồng chí chân chính của mình, đem tất cả vốn liếng của ta trao cho họ.Ngược lại chúng ta phải tìm mọi cách làm cho nước họ ở trong tình trạng không mạnh, không yếu mới có thể buộc họ ở trong tình trạng hiện nay. Về bề ngoài chúng ta đối xử với họ như đồng chí của mình, nhưng trên tinh thần ta phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta.” Đọan văn đó được trích từ văn kiện Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” của Bộ Ngoại giao Việt Nam, và được công bố 4/10/1979 (1).

Có lẽ những ai từng theo dõi Tàu không ngạc nhiên về câu nói trên, vì trong cái nhìn của giới chính khách Tàu, Việt Nam là một kẻ phản bội, không thể tin tưởng. Trước khi phát động chiến tranh chống VN, Đặng Tiểu Bình tuyên bố với báo chí quốc tế rằng “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”. Thật hiếm thấy một nguyên thủ quốc gia nào mà ăn nói du côn như Đặng, nhưng rất có thể y quá giận nên không kiềm chế được ngôn ngữ trước phóng viên quốc tế. (Trớ trêu một điều là tên này vẫn còn được khá nhiều người VN hâm mộ và thần tượng.)

Ngay cả thường dân Tàu dường như cũng không có thiện cảm với VN. Báo chí Tàu (nhất là tờ Hoàn cầu Thời báo) ra rả chửi Việt Nam, và đòi gây chiến tranh chống Việt Nam. Trước đây, trong một cuộc thăm dò ý kiến người dân Tàu bên China, kết quả cho thấy phần lớn dân Tàu nghĩ người Việt là phản bội, xảo quyệt, không đáng tin cậy. Trong cái nhìn của họ, Tàu là đại ân nhân của VN, vì Tàu từng giúp Bắc VN đánh Tây, đánh Mĩ. Chưa nói giúp vì động cơ gì, nhưng đó là cái nhìn của họ. Họ cũng nghĩ rằng khi thành công thì VN trở mặt. Họ lấy thái độ của ông Lê Duẩn là một ca tiêu biểu. Trước kia, khi cần vũ khí và tiền bạc của Tàu, thì ông Duẩn tỏ ra thân Tàu; đến khi thấy Liên Xô khá hơn, thì lại chạy theo Liên Xô và quay sang chửi Tàu thậm tệ. Có tài liệu còn cho thấy ông chửi thẳng vào mặt Mao (mà nhiều người xem là dũng cảm, nhưng tôi thì nghĩ thái độ đó không khéo chút nào). Tài liệu trên (1) được công bố dưới thời ông Duẩn. Nhìn như thế thì rõ ràng người Tàu có lí do để ghét Việt Nam.

Ngày nay thì lịch sử có vẻ tái lập. Chỉ cách đây vài tháng, trước ngày kỉ niệm cuộc chiến 1979, một lãnh đạo của đảng CSVN đã tuyên bố rằng VN vẫn chung thủy với Tàu trong cái “truyền thống đoàn kết quốc tế thủy chung” (2). Rồi mới đây nhất là một phát ngôn trung thành khác từ một tướng lãnh VN: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng thân thiện và điều đó không bao giờ thay đổi. Nhiều thế hệ đã qua, nhân dân hai nước đã thiết lập và duy trì mối quan hệ, cùng tồn tại, hình thành rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa” (3).

Đặt quan điểm chung thuỷ này với nhận định “Chúng ta không được coi họ là đồng chí chân chính của mình, đem tất cả vốn liếng của ta trao cho họ …
Về bề ngoài chúng ta đối xử với họ như đồng chí của mình, nhưng trên tinh thần ta phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta” trên đây, ai cũng có thể thấy có gì đó không “add up” (nói theo tiếng Anh), hay không ăn khớp. Câu nói của Mao còn sờ sờ ra đó, ngay trên báo chí “chính thống”. Câu nói của Đặng Tiểu Bình cũng còn đó trên giấy trắng mực đen. Những câu nói xách mé và xấc xược của các tướng lãnh Tàu cộng và bỉnh bút của Hoàn cầu Thời báo vẫn còn lưu lại đó. Trước những lời nói xấc xược và khinh bỉ của Tàu như thế mà những người ở vị trí lãnh đạo quốc gia lại thề thốt “thuỷ chung” với họ! Thật không thể nào hiểu nổi.

Chỉ có một cách giải thích là cả hai phía, Tàu và Việt Nam, đều đóng kịch. Chẳng ai tin ai cả, Tàu chẳng bao giờ tin Việt Nam, và Việt Nam lúc nào cũng nghi ngờ Tàu. Những ngôn từ hoa mĩ là chỉ nói cho có, chứ trong thâm tâm thì người nói nghĩ ngược lại. Thật ra, đó cũng chính là tình nghĩa đồng chí của những người cộng sản, ngay cả trong cùng một nước và cùng cộng đồng dân tộc. Bề ngoài thì cười cười, tay bắt, tay ôm, hôn hít (ghê ghê), nhưng trong bụng thì một bồ dao găm, muốn thanh trừng lúc nào cũng được. Đúng như Nguyễn Du từng tả: “Bề ngoài thơn thớt nói cười / Mà trong nham hiểm giết người không dao”.

====


-------------------

Về một cách dịch danh hiệu "Danh nhân văn hóa thế giới"
Nguyễn Tuấn

Báo chí và Nhà nước vẫn cho rằng UNESCO vinh danh 3 người Việt Nam (Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, và Nguyễn Du) là "danh nhân văn hoá thế giới". Nhưng trong thực tế thì UNESCO không có danh hiệu này và cũng chẳng có vinh danh. Vậy thì danh xưng này ở đâu mà ra, và ai là tác giả của nó? Hoá ra, đó chỉ là một "sản phẩm" của dịch thuật sai.

Danh xưng này mới xuất hiện một lần nữa và gần đây nhất trên tờ Tiền Phong số ra ngày 22/2/2015 qua bài "Nên gọi họ là vĩ nhân văn hóa" (1). Bài báo giảng giải rằng "UNESCO dùng từ tiếng Anh personality để chỉ danh nhân văn hóa. Từ điển bách khoa toàn thư của Mỹ định nghĩa từ danh nhân văn hóa của UNESCO như sau: Danh nhân văn hóa - một con người như là hiện thân của những nét đặc thù của trí tuệ và của nhân cách (Personality - a person as the embodiment of distinctive traits of mind and behaviour)."

Tôi có thể nói rằng đây là cách dịch sai. Bất cứ ai học tiếng Anh cũng biết rằng chữ "personality" không có nghĩa là "danh nhân văn hoá". Dứt khoát không có nghĩa đó. Nghĩa đơn giản nhất của personality là cá tính, nhân cách. Một nghĩa khác của personality nữa là người nổi tiếng (ví dụ như she is a television personality - nàng ấy là một ngôi sao truyền hình). Như thấy qua định nghĩa, chữ personality hoàn toàn chẳng có dính dáng gì đến "danh nhân văn hoá" cả.

Điều vui trong câu trên là bài báo viết rằng Từ điển bách khoa toàn thư của Mĩ định nghĩa personality là "a person as the embodiment of distinctive traits of mind and behaviour". Thật ra, đó là định nghĩa rất phổ biến trong mấy từ điển phổ thông và online như Webster hay thefreedictionary.com, chứ làm gì có chuyện Từ điển bách khoa toàn thư của Mĩ đi định nghĩa dùm cho UNESCO! Mà, tôi không rõ có cái gọi là "Từ điển bách khoa toàn thư của Mĩ", tiếng Anh là gì?

Tóm lại, cách dịch của Việt Nam rằng personality = danh nhân văn hoá thế giới là rất sai. Chữ personality chỉ có nghĩa là người nổi tiếng. UNESCO không có cái danh xưng (danh từ riêng) gọi là "danh nhân văn hoá thế giới".
===


Bác Hồ được thị xã Bắc Kạn suy tôn là "doanh nhân" văn hóa thế giới?







No comments: