Friday, August 28, 2015

“Con xin hứa thứ hai sẽ nộp tiền ủng hộ” (Bạch Cúc - Triết học Đường phố)





28-08-2015
.
.
Tôi không biết diễn tả cảm xúc của mình ra sao khi vừa xem được tấm hình này, Bộ giáo dục, nhà trường và nhất là người Giáo viên này nghĩ sao khi bắt học sinh phải chép phạt “CON XIN HỨA THỨ 2 SẼ NỘP TIỀN ỦNG HỘ.” Tôi thật không thể hiểu sao họ có thể làm được điều này và tôi tự hỏi liệu họ thật sự có tư cách của một nhà giáo hay đạo đức của một  nhà Sư phạm không?

Tôi nhớ mãi những ngày tháng tuổi thơ ấu, khi tôi học cấp 1 và cấp 2, nhà trường và cô giáo bắt tôi phải nộp đủ thứ linh tinh từ giấy báo, tập cũ, vỏ lon bia, nước ngọt… gọi chung là “kế hoạch nhỏ”. Lúc ấy, tôi sợ giáo viên lắm, cô nói nộp ngày nào là phải nộp ngay, không dám chậm trễ vì RẤT SỢ. Rồi tôi về nhà nằn nỉ mẹ, bắt mẹ phải cho tôi giấy vụn, những xấp báo cũ, vỏ lon bia mà mẹ đi mua ve chai có được. Nhiều khi không đủ số lượng tôi bắt mẹ phải đi mua thêm cho đủ. Tôi còn nhỏ quá, tôi nào thấy mắt mẹ ngân ngấn nước, tôi chỉ còn nhớ tiếng thở dài của mẹ và dĩ nhiên mẹ không bao giờ dám từ chối tôi, bởi mẹ là một người mẹ, mẹ thương con và cũng sợ con bị giáo viên phạt…

Tới lượt con tôi, hôm nào bé về và nói Mẹ ơi cô bảo nộp này nộp kia là bé bắt tôi phải làm ngay lập tức, nếu chậm trễ bé sẽ năn nỉ và có cả khóc lóc, nỉ non hờn giận, tôi thật sự thấy bé hoảng hốt và lo sợ, bé không hề có chút nào mừng vui với tinh thần tự nguyện vì được đóng góp…

Tôi không hiểu môi trường giáo dục ở xã hội này đã dạy trẻ thơ những gì? Có không lòng can đảm hay ý thức tự nguyện, chủ động… mà thật sự tôi chỉ thấy đời mình, đời con mình và thực tế đã chứng minh, hầu như tất cả trẻ thơ đều rất sợ hãi và luôn răm rắp tuân lời mọi thứ giáo viên đề nghị. Kể cả cha mẹ của trẻ, ai cũng thế, chẳng ai dám phản đối, chẳng ai dám lên tiếng nói không và nói thẳng bởi tâm lý người làm cha làm mẹ không bao giờ muốn nhìn thấy thảm cảnh con mình bị “hắt hủi” hay bị “chèn ép”…

Nhà trường đưa ra những khẩu hiệu “kêu gọi đóng góp” nhưng thực chất là gì? Có không sự tự nguyện hay 100% là sự ép buộc? Ai có thể kiểm soát được mục đích của sự đóng góp? VIệc đóng góp dùng vào mục đích thiện nguyện hay chỉ nhân danh thiện nguyện để trục lợi?

Đã từ rất lâu ai cũng mặc nhiên thừa nhận sự đóng góp giống như là một loại phí giáo dục. Nó không còn là sự tự nguyện và người ta có thể có quyền từ chối vì không có khả năng. Hệ thống giáo dục này đã để lại một hậu quả vô cùng tệ hại cho từng lớp, từng lớp thế hệ và tôi thật sự đau lòng khi thấy họ không có ý định dừng lại. Họ chưa từng dạy trẻ biết nói “NO” với điều trẻ không muốn và đến ngay tôi bây giờ, đôi khi tôi còn không dám nói “NO”, từ chối khi tôi không thích. Cũng chỉ bởi vì 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, họ đã đào tạo tôi và hàng ngàn lớp trẻ ý thức tuân phục, tuân lệnh theo kiểu nô lệ và tìm cách triệt tiêu mọi ý thức phản kháng. Điều gì, lý do gì đã khiến họ sợ ý thức phản kháng, sáng tạo và chủ động trong tư duy của các thế hệ trẻ như vậy bạn biết không?

Nếu phải nói một cách hơi nặng lời, tôi cho rằng một trong những khiếm khuyết tệ hại nhất của hệ thống giáo dục từ sau 1975 tới nay là “cưỡng bức ý thức hệ” có mục đích chính trị với tất cả các thế hệ. Người ta đã cố tình tạo ra và duy trì một guồng máy giáo dục với mục tiêu là sản xuất ra những bầy cừu, những con cừu luôn ngây ngô thỏa mãn với sự ban phát thức ăn và không hề biết đến ngày mình bị cạo lông và bị đưa lên bàn tiệc…

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ông sẽ trả lời sao với cha mẹ của đứa trẻ này? Ông sẽ trả lời với dân ra sao về sự yếu kém của hệ thống giáo dục hiện nay và sự phi đạo đức của những người đang giữ sứ mệnh giảng dạy như người giáo viên này? Đến bao giờ ông mới chịu từ chức? Tôi là một người mẹ, tôi buộc phải quan tâm đến hệ thống giáo dục, tôi không thể để cho đời con tôi chịu sự giáo dục nô lệ giống như đời tôi! Bạn cũng là cha là mẹ, bạn có quyền lên tiêng để bảo vệ con bạn và đóng góp tiến nói cải tạo hệ thống giáo dục. Bạn đừng ngại và đừng sợ, nếu bạn không thực hiện trách nhiệm này thì ai sẽ thực hiện? Và ai sẽ ngăn ngừa hậu quả cho các thế hệ tương lai?

Tác giả: Bạch Cúc

------------------------------------

0:00 ,Saturday 22 August, 2015 

Hừng hực trên mạng những ý kiến chửi rủa nhắm vào Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo Phạm Vũ Luận. Nhiều ý kiến hùng hổ như căm giận, như chĩa súng vào mang tai đòi ông phải từ chức.

Thấy… khốn nạn cho cái sự nghiệp giáo dục này quá!

Nhưng mấy cũng chăm chăm chĩa súng vào ông Luận kể cũng… tội!

Chỉ còn mấy ngày nữa ông tròn 60 tuổi. Mấy chục năm theo cách mạng, ông cũng không bao giờ chạy chọt xin xỏ đảng với tổ chức cho làm việc này chức nọ. Cái ghế Bộ trưởng là do đảng và nhà nước phân công, giao nhiệm vụ chứ ông có đút lót chạy chọt xin xỏ ai đâu. Ông cũng chưa bao giờ từ chối hay thoái thác bất cứ nhiệm vụ nào đảng và nhà nước giao phó. Vì vậy, hà cớ gì ông phải rút lui, phải từ chức?

Ông thế đã sao. Có những “đồng chí X” dốt nát, ăn tàn phá hoại, dân tình chửi rủa ê mặt thối mồ hơn còn không chịu từ chức nữa là.

Ít gì ông cũng là tiến sĩ kinh tế học chuyên ngành “phân phối xã hội chủ nghĩa”, chứ đâu phải như mấy thằng… y tá miệt vườn học hành lôm côm không đầu không đũa.

Giáo dục ê chề, thối nát (nói theo cậu học trò lớp 8 nọ) thì mai kia nhân cái hội nghị nào đấy, ông phưỡn bụng ưỡn ngực ngửa cổ xin lỗi học trò, dân chúng một tiếng là xong.

Ông cứ nhận “trách nhiệm chính trị” đi, chứ về mặt pháp lý ông cũng chả ký cái gì sai.

Đâu phải cứ nghe học trò, dân chúng than vãn tí, đâu phải cứ… thối nát tí là phê bình kiểm điểm, là đòi phải từ chức, phải ra đi.

Giáo dục đào tạo cũng như việc… nhóm lò vậy. Phải nhen lên tạo hơi ấm, khi đó củi khô củi ướt sẽ… cháy hết!

Củi than còn vậy, huống chi… con người!

Ấy mới là quan điểm – phương pháp giáo dục nhân văn, mới là nền giáo dục định hướng xã hội chủ nghĩa!

Chất lượng giáo dục là chất lượng con người. Chất lượng con người là chất lượng chế độ. Không dám đổi mới, không cải cách, không thử nghiệm thì mãi mãi vẫn chỉ cho ra lò những “sản phẩm X”, những “con người X” bất tài dốt nát.

Không đổi mới, không cải cách, không thử nghiệm thì những con người X đó, những “đồng chí X” đó với mớ kiến thức lôm côm hụt hẫng đến mức viết chưa sạch lỗi chính tả cũng chen chân vào bộ máy lãnh đạo, chễm trệ điều hành cả chính sách kinh tài quốc gia, chỉ huy, giáo dục cả sự nghiệp giáo dục há chẳng mãi khốn khổ cho cái dân tộc này sao?

Ông Luận nói rồi: Giáo dục phen này là trận chiến cuối cùng.

Hi sinh chút ít học trò (thậm chí vứt thí cả một thế hệ) để chặn ngăn nguy cơ một thế hệ X há chẳng phải là điều đáng… thử nghiệm chăng?

Về phía Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương đảng, cũng nên tính toán cân nhắc kỹ lưỡng có tình có lý. Chứ không tính kỹ, cựa tí đã kỷ luật với từ chức thì lại rối, mai kia là ân oán, thù hằn, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ!

Vả lại, bắt ông nghỉ, đường đường một thầy Bộ trưởng lại bỗng dưng… mất dạy sao?

Vài dòng viết vội vậy. Chút ít luận về ông Luận và cái sự nghiệp giáo dục đang vỡ trận đến mức một đứa học trò lớp 8 cũng phải buột miệng mắng đó là sự nghiệp “khốn nạn”!





No comments: