Monday, August 24, 2015

"MỘT GÓC NHÌN KHÁC" TRỞ LẠI (FB Trương Duy Nhất)






Trang "Một góc nhìn khác" của Trương Duy Nhất

Chỉ có thể cưỡng bức được hành vi chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng. Hôm nay 24/8/2015, Một Góc Nhìn Khác trở lại với bạn đọc sau 820 ngày, kể từ biến cố 26/5/2013.

Vĩnh biệt .vn! Một Góc Nhìn Khác từ đây vĩnh biệt tên miền .vn, trở lại với tên miền quốc tế .orghttp://truongduynhat.org/

Vẫn với giao diện quen thuộc trước đây. Hơn 1.000 bài viết cũ vẫn lưu được (kể cả một lượng comment khổng lồ từ bạn đọc).

Tuy nhiên, 12 bài viết bị coi là “chứng cứ phạm tội” trong vụ án của tôi đã được gỡ bỏ:
1. Trong đảng ngoài đảng.
2. Chấm điểm Thủ tướng.
3. Chấm điểm bộ tứ nguyên thủ.
4. Tại sao chỉ là bóng đá?
5. Bóng đá và đảng.
6. Việt Nam 2011.
7. Chất lượng chính phủ: quá tệ!
8. Khi Chủ tịch nước tập làm văn.
9. Từ Đồng Nọc Nạn đến Đoàn Văn Vươn.
10. Tổng Bí thư và Thủ tướng nên ra đi.
11. Bỏ phiếu cùng quốc hội.
12. Những chiếc lồng son.

Bạn đọc cần thiết có thể tra tìm lại qua công cụ Google để xem các bài viết này từ các trang mạng khác.

Trừ 12 bài trên, hơn 1.000 bài khác còn lại từ trước đương nhiên đã được chính bản án… bảo chứng!

Ngoài ra, gần 200 bài chọn lọc từ các trang viết về vụ án Trương Duy Nhất cũng được đăng lại thành một chuyên mục riêng “vụ án Trương Duy Nhất” (bấm đọc trong bảng mục “chính trị- xã hội”).

820 ngày. Một quãng thời không hẳn ngắn.
Hi vọng sẽ lại qui tụ được một lượng bạn đọc hùng hậu như đã từng có.

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm và tin mến từ bạn đọc!
Trương Duy Nhất

--------------------------------

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-08-2

Sau một thời gian dài vắng bóng trang blog Một góc nhìn khác đã được nhà báo Trương Duy Nhất cho phục hồi hoạt động vào hôm nay.

Lên tiếng với Đài Á Châu Tự do, ông Nhất cho biết những lý do đã thôi thúc ông đưa trang blog trở lại hoạt động:
Thứ nhất tôi là một nhà báo, một người cầm bút, trước một thực trạng nhiều vấn đề cần nói, cần viết như thế mà mình ngồi yên thì nó không ổn. Nó không ổn tí nào. Trước đây mình đã nói rồi, không chỉ vì những năm tháng ở trong tù mà bây giờ mình muốn yên thân mình không lên tiếng được. Có những người như chị Thêu, vợ anh Trịnh Bá Khiêm bạn tù của tôi ở trại 6, những người nông dân bị mất đất, ngay ngày hôm trước họ ra khỏi trại tù thì ngày hôm sau họ đã đấu tranh giữ đất.  Những người nông dân còn như thế, huống hồ gì những người trí thức như chúng ta. Chính hình ảnh những người nông dân đó cũng là một phần thôi thúc tôi mở lại trang web.”

Ông Nhất nói thêm là trang Một Góc Nhìn Khác vẫn giữ nguyên tên gọi, nội dung, và hình thức như trước, vì nó đã trở thành một thương hiệu được nhiều độc giả chú ý.
Chỉ có một thay đổi nhỏ là ông Nhất thay đổi tên miền từ VN sang ORG, có tính cách quốc tế, giải thích là ông làm điều đó để duy trì dễ dàng và bền vững trang web hơn.

Cũng cần nhắc lại ông Trương Duy Nhất bị công an bắt giữ hồi 2013, đầu tháng Ba 2014, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng phạt ông 2 năm tù, cáo buộc ông tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước vì đã viết 11 bài đăng trên trang blog của ông, như bài tựa đề  "chấm điểm Thủ tướng", hoặc bài yêu cầu "Tổng bí thư phải ra đi".
Cáo trạng được đưa ra tại phiên xử ông Nhất cho rằng các bài viết này của ông "đã làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và làm mất uy tín cá nhân các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam”.

Tại phiên tòa, ông Trương Duy Nhất nói rõ ông "chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm, những hiện tượng chưa đúng với hy vọng lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ thấy ra, khắc phục, sửa chữa và rút kinh nghiệm", và nói lời cuối cùng của ông trước tòa là "Có những loại tù mà người ta cảm thấy ân hận hay xấu hổ, nhưng trường hợp của tôi thì tôi thấy tự hào”.

Tháng 5 vừa qua, ông được trả tự do.
Hồi 2014, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới có trụ sở tại Pháp vinh danh ông là một trong 100 anh hùng thông tin của thế giới.

-----------------------------

24 tháng 8 2015

Blogger Trương Duy Nhất, người bị kết án hai năm tù vì các bài viết, tuyên bố mở lại blog 'Một Góc Nhìn Khác'.

Ông Nhất viết trên Facebook: "Hôm nay 24/8/2015, Một Góc Nhìn Khác trở lại với bạn đọc sau 820 ngày, kể từ biến cố 26/5/2013.
"Vĩnh biệt .vn! Một Góc Nhìn Khác từ đây vĩnh biệt tên miền .vn, trở lại với tên miền quốc tế .org: http://truongduynhat.org."

Blogger mới ra tù ít lâu cũng nói ông đăng lại hơn 1.000 bài viết cũ trừ 12 bài bị coi là "chứng cứ phạm tội" và liệt kê toàn bộ những bài này trong đó có "Trong đảng ngoài đảng", "Chấm điểm Thủ tướng", "Chấm điểm bộ tứ nguyên thủ" và "Tổng Bí thư và Thủ tướng nên ra đi".
Ông nói các độc giả vẫn có thể tìm đọc những bài viết này qua Google hoặc xem cuộc nói chuyện của BBC Tiếng Việt hôm 24/08 với ông Trương Duy Nhất trên YouTube tại đây.

Kiên định mục tiêu

Nói với BBC ngay sau khi mở lại blog, ông Nhất tuyên bố:
"Tôi vẫn kiên định mục tiêu cũ, không thay đổi. Chỉ có thể cưỡng bức được hành vì chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng."

Khi được hỏi có phải ông muốn tránh rắc rối khi không đăng lại 12 bài bị đưa ra làm chứng cớ buộc tội ông hay không, ông nói:
"Không. Tránh thì không bao giờ. Tôi không đăng lại 12 bài đó bởi dù sao đó là những bài đã "thành án".
"Vả lại, bạn đọc cần vẫn có thể sọt google tìm đọc trên nhiều trang khác đăng lại."

Blogger có tiếng cũng nói thêm: "Sợ thì tôi đã không phục hổi lại website. Với chức phận là một nhà báo, một trí thức cầm bút, tôi không chọn cách tự bịt miệng mình.
"Điều tôi quan tâm là viết gì, viết như thế nào, lên tiếng ra sao cho cái sự lên tiếng của mình nó có hiệu quả, nó tạo nên được những hiệu ứng góp phần thay chuyển xã hội."

Ông cũng đang yêu cầu "giám đốc thẩm" lại vụ xử tù ông và nói với BBC:
"Tôi chưa bao giờ thừa nhận bản án. Chưa bao giờ coi nội dung 12 bài viết đó là "hành vị phạm tội".
"Hiện tôi vừa có đơn yêu cầu Chánh án toà tối cao và Viện trưởng VKS tối cao tién hành kháng nghị để xét xử lại vụ án của tôi theo thủ tục và trình tự giám đốc thẩm.
"Nếu xét xử một cách đường hoàng, minh chính, tuân thủ nguyên tắc bình đẳng tranh tụng thì tôi xử họ chứ sao họ xử tôi được."

Chính quyền Việt Nam nói ông Nhất đã "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, công dân".






No comments: