Wednesday, August 19, 2015

HÓA RA LÀ TỈNH QUẢNG BÌNH NÓ HỌC ĐÒI TRUNG QUỐC XÂY 10 SÂN GOLF (Nguyễn Xuân Diện-Blog)





Thứ Tư, ngày 19 tháng 8 năm 2015
Quảng Bình xây 10 sân golf: 
Học Trung Quốc nhưng...

Báo Đất Việt
 
Quảng Bình cần tỉnh táo, lựa chọn thông minh. Không nên nóng vội bị cuốn theo nguồn đầu tư trước mắt.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nếu quan điểm về chủ trương xây dựng 10 sân golf của Quảng Bình.

Kỳ quặc, khó hiểu

Cứ cho một dự án không có trong quy hoạch thì có thể bổ sung vào quy hoạch. Tất nhiên, cần phải có ý kiến của Thủ tướng, các cơ quan ban ngành phê duyệt, mới được khởi công, xây dựng.

Xây dựng sân golf chắc chắn phải chấp nhận những yêu cầu cũng như tác động tất yếu mang tính đặc thù riêng như: diện tích đất rất rộng; tác động tới môi trường rất lớn; quản lý phức tạp, khó khăn.
Việc Quảng Bình một lúc triển khai xây dựng tổ hợp 10 sân golf, có lẽ là hiện rất đặc biệt. Trên thế giới hiện nay duy nhất có Trung Quốc đã xây dựng tổ hợp gồm 10 sân golf ở Thâm Quyến và Quảng Đông. Hai trung tâm thương mại lớn, sôi động nhất nhì khu vực lại nằm cạnh Hồng Kong và Thâm Quyến. Vì vậy, tổ hợp sân golf này không những thu hút được khách chơi trong nước mà còn tận dụng được nguồn khách quốc tế giàu có, nhiều tiền, nhiều thời gian đến ăn chơi, nghỉ dưỡng.

Nhưng Quảng Bình có gì? Là tỉnh nghèo, dải cát trắng đơn điệu, dân cư thưa thớt, dịch vụ chưa phát triển… nếu có làm 10 sân golf cũng chỉ nên là ý tưởng, không vội đặt kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thực tế.

Là một golf thủ nhiều năm, vị KTS cho hay, chơi golf không đơn giản có sân là đến. Chính sự khác biệt giữa các sân, độ khó và cảnh quan, không gian là lợi thế thu hút khách chơi muốn khám phá, trải nghiệm. Xây 10 sân golf liền nhau, Quảng Bình có thể tạo ra sự đột phá, khác biệt không? E rằng, một địa hình toàn cát như Quảng Bình khó “lấy được lòng” của một golf thủ.

Hơn nữa, Quảng Bình đang lấy lý lẽ tận dụng lợi thế di sản Phong Nha- Kẻ Bảng để phát triển du lịch, hút khách tham quan để chơi golf là hết sức sai lầm. Khách chơi golf đòi hỏi phải có tiền, có thời gian. Du khách đến Phong Nha – Kẻ Bàng đơn thuần để khám phá cảnh quan hoang sơ, thiên tạo. Không đến để chơi golf.

Vì vậy, kỳ vọng sân golf sẽ là nhân tố tạo sự đột phát trong phát triển du lịch nơi đây có vẻ hơi mơ hồ, xa thực tế.

Thế giới cảnh báo

Không phủ nhận, có sân golf sẽ tạo thêm công ăn việc làm, thu hút một lượng lao động phục vụ trong sân, trồng cỏ, nhặt bóng. Số lượng này không nhiều, nhưng cũng đảm bảo cho khoảng 200-300 lao động liên tục trong sân golf có nguồn thu nhập ổn định, có công ăn việc làm.

Thứ hai, cũng hứa hẹn ngân sách địa phương có thêm nguồn thu từ tiền thuế của doanh nghiệp. Nhưng nếu đánh thuế quá cao, hoặc không có ưu đãi thì doanh nghiệp chưa chắc đã vào.

Thứ ba, dự án đi qua ít nhiều sẽ tác động tới thị trường BĐS. Ở những khu vực đông dân cư, khu đô thị sôi động chắc chắn giá BĐS sẽ bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, nay tại Tam Đảo, sau hơn chục năm có sân golf tới này cũng mới chỉ xây dựng được khoảng chục biệt thự. Vì vậy, không dễ mà ngay trong một thời gian ngắn Quảng Bình có thể biến cả vùng cát trắng thành mô hình resort, ăn chơi, nghỉ dưỡng.

Quảng Bình có cảnh quan đặc biệt, hoang sơ, di tích thiên nhiên là của để dành phục vụ cho phát triển khai thác du lịch biển trong tương lai. Đối với Việt Nam, du lịch biển mới được xem là lợi thế hiện tại và cả trong tương lai. Nếu quyết định làm 10 sân golf chắc chắn sẽ có tác động rất lớn tới cảnh quan, môi trường sinh thái du lịch biển.

Vì chủ đầu tư phải thiết kế những hồ nước để tưới tiêu, tạo cảnh quan. Như vậy, mọi nguồn nước, thuốc trừ sâu, hóa học sẽ theo nước chảy xuống biển hủy hoại dần tài nguyên biển. Quảng Bình cần phải xem xét kỹ lưỡng, thế giới cũng đã đưa ra nhiều lời cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường, phá hủy cảnh quan từ việc xây dựng sân golf. Quảng Bình không thể không lắng nghe.

Do đó, cần yêu cầu chủ đầu tư công khai, minh bạch dự án. Báo cáo, đánh giá tác động của dự án. Nhất là đánh giá tác động tới môi trường, sinh thái. Quảng Bình cũng như các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm với thiên nhiên, cảnh quan, có trách nhiệm với chính mảnh đất Quảng Bình. 

Vì sao không phát triển du lịch biển?

Về phía chủ đầu tư, KTS Trần Ngọc Chính cũng bày tỏ băn khoăn, khó hiểu trước quyết định quá mạo hiểm của một nhà đầu tư đã biết trước sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Với một không gian 1000 ha, không quá rộng để tạo ra một tổ hợp sân golf “đặt biệt”. Hơn nữa, đầu tư xây dựng sân golf chủ đầu tư chắc phải tính toán xây dựng theo kiểu cuốn chiếu, làm từng giai đoạn bao gồm cả cơ sở hạ tầng, khu dịch vụ, ăn nghỉ. Vì rất khó có chủ đầu tư nào đủ nguồn lực đến mức có thể làm ngay một lúc 10 sân golf bao gồm cả khu dịch vụ, resort. Như vậy, sẽ rất khó trả lời trong việc tổ chức, quản lý khách thế nào? Ai đầu tư hạ tầng, dịch vụ? Họ hướng đến nguồn khách nào…?

Hiện, rất ít sân golf có thể kinh doanh có lãi nếu chỉ dựa vào phát triển sân golf mà chủ yếu duy trì theo kiểu mùa vụ, lấy ngắn nuôi dài. Việt Nam có sân golf Lương Sơn – Hòa Bình 38 lỗ, được cho là sân golf lớn nhất của chủ đầu tư Hàn Quốc, được đánh giá rất có lực nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Vậy với dự án 10 sân golf chủ đầu tư tính toán thế nào trong điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay. Vấn đề ở đây, không phải chỉ đơn giản là có tiền thì đầu tư, hay chuyện có tiền đầu tư hay không mà phải nhìn vào hiệu quả đầu tư để so sánh giữa cái được và cái mất. Địa phương phải tính toán rất kỹ càng và phải là người quyết định.

Khi hiệu quả chưa thể đo đếm, nhưng rủi ro tiềm ẩn lại quá lớn, tại sao Quảng Bình không tận dụng nguồn tài nguyên thiên có sẵn để phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái?. Không thể lấy lý do vì muốn đột phá, muốn phát triển du lịch, tạo thu nhập cho người dân, mong muốn cho kinh tế xã hội phát triển mà thấy một chủ đầu tư vào là đồng ý chưa cần biết họ sẽ làm thế nào, hiệu quả ra sao.

Quảng Bình cần tỉnh táo, lựa chọn thông minh. Không nên nóng vội bị cuốn theo nguồn đầu tư trước mắt. Đồng ý có thể có một sân golf nhưng Quảng Bình cần có những thẩm định, đánh giá độc lập, không thể thụ động nghe chủ đầu tư báo cáo, vẽ dự án như vậy sẽ rất nguy hiểm. 
Vũ Lan


No comments: