Wednesday, August 19, 2015

Chuyện Vũ Thạch Tường Minh và giáo dục VN : Trả lời vài bình luận (FB Di Nguyễn)






Gần đây ở buổi hội thảo Cánh Buồm, Vũ Thạch Tường Minh, 1 học sinh lớp 8, 14 tuổi, có phát biểu như sau:

"Một điều mà con muốn nói với chính phủ Việt Nam, hay cụ thể hơn là Bộ Giáo dục, theo con, các vị bộ trưởng, thứ trưởng giáo dục không phải là nên áp dụng cả bộ sách này, mà là áp dụng cái lối giáo dục của bộ sách này vào giáo dục Việt Nam, bởi vì bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi. Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả. Nên bây giờ con muốn các vị bộ trưởng, thứ trưởng hãy thay đổi đường lối giáo dục của Việt Nam, có thể theo đường lối của Cánh Buồm cũng được, các vị có thể thay cả bộ sách giáo khoa cũng được. Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy là thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn. Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm."

Suốt mấy hôm nay trên mạng có rất nhiều ý kiến bình luận, và trong bài viết này tôi muốn tập trung vào 3 vấn đề như sau: (1) tuổi,  (2) bằng chứng và trải nghiệm, (3)  giải pháp.

Thứ nhất, chuyện tuổi.

Chẳng hạn như bài viết của 1 vị tên Đức Hiển:

Trong đó có các cụm "cậu học trò nhỏ hơn con nhà mình", "trẻ con", "trẻ em", "ông oắt"..., nhấn đi nhấn lại tuổi tác nhiều hơn nội dung câu nói của Tường Minh. Đấy là ageism. Ông Đức Hiển viết "còn quá nhiều điều cậu chưa đủ hiểu để mà nói với nội dung ấy, thái độ ấy" và "không hiểu hết", xin hỏi những điều chưa đủ hiểu là gì? Còn cụm "Nếu đó là suy nghĩ thật của cậu bé", không lẽ 14 tuổi chưa phải là tuổi có thể tự suy nghĩ, tự có kết luận của riêng mình?

Ở 1 trang khác, tôi thấy có vị tên Pham Tuan viết "Mặc dù cháu bé nói đúng, nhưng không thích vậy và cũng không ủng hộ khi một đứa bé ăn nói như thế. Chắc chắn là phải có người lớn mớm lời đàng sau." 1 vị tên Han Phan viết "Mình cũng thấy thằng nhóc đó nói như bị nhồi sọ, nhưng từ 1 chiều khác." Nếu 14 tuổi chưa phải là tuổi để suy nghĩ độc lập, để có ý kiến riêng, bao giờ là có thể? Nếu các vị không có critical thinking ở tuổi 14, đó là vấn đề của các vị.

Cái tôi thấy ở đây không phải là độ tuổi của Tường Minh. Nếu người phát biểu học lớp 12, sẽ có người nói chưa lên đại học, chưa "vào đời", biết chi mà nói. Nếu người phát biểu lớn tuổi, sẽ có người bảo không còn đi học, làm sao biết giáo dục cải cách ra sao. Nếu người phát biểu thuộc ngành giáo dục, sẽ có người bảo sao không đóng góp bằng cách của mình. Nếu người phát biểu ngoài ngành giáo dục, sẽ có người nói có hơn được ai không mà chỉ trích. Và sẽ luôn có luận điệu người nói được mớm lời, hoặc nhận tiền nước ngoài, hoặc thuộc đảng Việt Tân, hoặc thất bại trong cuộc sống và đổ lỗi cho nhà nước, v.v...

Ông Đức Hiển viết:
"Hãy để cho nó hồn nhiên!Người lớn văn minh nên để trẻ con nó được làm trẻ con!"

Không, người lớn văn minh nên khuyến khích trẻ em có suy nghĩ riêng và dám nói cái mình nghĩ. Người lớn văn minh nên khuyến khích trẻ em có tinh thần phê phán và quan tâm đến những chuyện ảnh hưởng trực tiếp đến mình như nền giáo dục. Người lớn văn minh nên để trẻ em có tinh thần trách nhiệm và nghĩ đến cái chung. Quan trọng hơn hết, người lớn văn minh nên lắng nghe, tôn trọng và để trẻ em nói, đừng chặn đầu kiểu "con nít thì biết gì". 14 tuổi không phải là con nít. 14 tuổi không phải là tuổi ăn rồi chơi rồi tới lớp bị động giáo viên nói gì nghe nấy. 14 tuổi không phải là tuổi để tất cả mọi chuyện cho người lớn lo, đặc biệt khi người lớn có suy nghĩ và hành xử như ông Đức Hiển. Những người như ông bảo giáo dục VN không thối nát, nhưng đã đưa chính bản thân mình ra làm minh chứng cho sự thối nát của giáo dục VN mà không biết.

Lớn tuổi hơn không có nghĩa là hiểu biết hơn hay khôn ngoan hơn. Đừng lấy tuổi tác ra để tấn công người khác và cho mình authority. Đừng vì trước kia mình không nghĩ được đến thế, liền kết luận mọi người khác đều như các vị.
Đó là chuyện tuổi tác.

Thứ 2, bằng chứng và trải nghiệm.

Một vị tên Nguyen Nhu Huy có viết ở đây:

Theo Nguyen Nhu Huy, phát ngôn của Tường Minh "thiếu nội dung cụ thể", không xuất phát từ kinh nghiệm và viễn kiến của người nói. Tôi công nhận câu của Tường Minh không có ví dụ cụ thể.

Thế nhưng vị Nguyen Nhu Huy lại viết:
"Ở góc độ này, phát biểu của cậu bé lớp 8 trong hội thảo của nhóm Cánh Buồm với tôi cũng khá là khó tin y như khi, giả dụ, tôi được nghe một cậu bé lớp 3 lên đứng trước toàn trường phân tích về tác hại của việc đi bar, uống rượu và tình dục không an toàn, đặc biệt là tình dục tay ba, hay tay tư trở lên."

Đây là so sánh vừa khập khiễng vừa vô duyên. 1 cậu bé lớp 3 theo lẽ thường đương nhiên không biết về bar, nhưng 1 học sinh lớp 8, đã qua 7 năm của nhà trường VN, không thể nói gì về giáo dục VN? Ai không thấy giáo dục VN có quá nhiều kiến thức chết, đặc biệt trong mấy môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh? Ai không thấy trường học tập trung quá ít vào kỹ năng sống? Ai không thấy học sinh VN học môn địa bao nhiêu năm vẫn lờ mờ địa lý thế giới? Ai không thấy môn triết học không dạy gì ngoài Marx-Lenin? Ai không thấy suốt bao nhiêu năm, qua cấp 1, gần hết cấp 2, giờ Anh văn vẫn cứ hello how are you I'm fine thank you and you? Ai không thấy môn sử chỉ vòng đi vòng lại sử cổ đại và sử cách mạng với 1 chút về sử VN thời phong kiến để cuối cùng học sinh không biết lịch sử thế giới như chiến tranh thế giới thứ nhất thứ 2 hay chiến tranh lạnh, cũng lờ mờ lịch sử VN? Ai không thấy môn văn ở VN suốt bao nhiêu năm không cho đọc 1 tiểu thuyết hoàn chỉnh, chỉ thơ, truyện ngắn, và trích đoạn, và giáo viên giảng tác phẩm có nghĩa gì, hiểu ra sao, hay ở đâu, cho học sinh máy móc chép lại và không được viết khác? Ai không thấy ở VN học sinh được dạy nghĩ theo 1 luồng, nói theo 1 lối? Ai không thấy giáo dục VN không khuyến khích critical thinking, không ủng hộ chống lại authority? Ai không thấy chương trình học quá nặng chỉ làm học sinh học vẹt, học tủ, học cho xong kỳ thi để cuối năm trả lại hết cho giáo viên? Ai không thấy tất cả từ trường lớp đến học trò và các bậc phụ huynh đều chạy đua theo thành tích?

Bảo giáo dục VN khiếm khuyết là quá nhẹ, nói thối nát vẫn là nhẹ, nhưng tôi không nghĩ ra từ nào khác nặng hơn. Cải cách với các vị trong Bộ Giáo dục chỉ là bốc kiến thức năm này cắm vào năm khác, hoặc có những thay đổi ngớ ngẩn kiểu đổi chữ e lên đầu bảng chữ cái, đấy không phải là cải cách. Nhưng không chỉ cải cách, giáo dục VN phải thay đổi từ gốc, phải lật đổ tất cả và xây dựng lại từ đầu.

Tường Minh có thể không đưa ra dẫn chứng và kinh nghiệm cụ thể (tôi không nghĩ Tường Minh có thể, trong hoàn cảnh ấy), nhưng Tường Minh có công mở ra 1 cuộc tranh luận.

Điều thứ 3, giải pháp.

Trên báo Thanh niên có 1 bài của 1 vị tên Khánh Hưng:

Trong đó có câu:
"Rất cần những thế hệ trẻ tâm huyết với nền giáo dục nhưng sự tâm huyết hãy bày tỏ bằng nhiều cách khác nhau, chứ không phải theo cách mà nhiều người lớn hiện nay đang làm là “chửi nền giáo dục nước nhà”."

Xin hỏi nhiều cách khác nhau là cách gì?

Nhà văn Trang Hạ cũng nhảy vào góp ý kiến:
"Và điều em gây chú ý nằm ở số tuổi của em chứ không nằm ở nội dung em nói ra. Vì phát biểu của em hết sức chung chung và giáo điều, không đưa ra căn cứ, không giải pháp, không trải nghiệm, nói toàn thứ đã quá thừa người nói trong suốt thời gian qua, và quá thiếu hiệu ích trong xã hội này.Thứ giáo dục Việt Nam đang cần là những chính sách cụ thể với những chuẩn cụ thể. Vì vậy, tôi đồ rằng, nếu trở thành bộ trưởng thực sự trong tương lai, em sẽ là một bộ trưởng thậm chí rất... tệ."

Nghĩ ra chính sách cụ thể không phải là trách nhiệm của 1 học sinh lớp 8, cô Trang Hạ ạ.
Cả 2 bài, và 1 số người khác, đều nói thay vì ngồi chửi, phải nghĩ ra giải pháp. Lập luận này có 2 vấn đề. 1, giả sử tôi nói "Các vị ngu xuẩn thế", đấy là chửi. Câu của Tường Minh không phải là chửi. 2, trước khi nói chuyện giải pháp, bước đầu tiên người ta phải thấy có vấn đề. Nếu không ai thấy có vấn đề, làm sao có bước tìm giải pháp? Tường Minh đã làm bước đầu tiên, là nhìn thấy và thừa nhận vấn đề của nền giáo dục VN, việc rất nhiều người, như các vị tôi đề cập, chưa làm được.

Trang Hạ bảo:
"Bạn làm ơn đừng lớn tiếng phê phán ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những thất bại của cuộc đời bạn hay cuộc đời con bạn. Bởi ta là người duy nhất phải chịu trách nhiệm về những vấn đề của cá nhân mình."

Thế xin hỏi người ta mở trường học ra để làm gì? Người ta đẻ ra Bộ Giáo dục để làm gì? Người ta đóng thuế và đóng lệ phí để làm gì, nếu nhà trường không thể cung cấp cái học sinh cần và cha mẹ phải lo mọi thứ? Hoặc như cô Trang Hạ nói, "cha mẹ không gì tốt bằng việc tạo điều kiện để các con tự học, tự giáo dục"? Nếu các vị đã nói thế, các vị nên đóng luôn các trường học cho rồi.

"Tôi không nhìn thấy sự tích cực nào ở trong đấy cả." Vậy thế nào là tích cực? Chỉ nói tốt? Chỉ lo chuyện mình? Giải quyết kiểu các bậc phụ huynh VN lâu nay đang làm là cho con học trường quốc tế hoặc sang thẳng nước ngoài học? Hay cố gắng leo lên chức Bộ trưởng và tìm cách loay hoay trong 1 guồng máy thối nát? Như đã nói, muốn thay đổi trước tiên phải nghĩ cần thay đổi, phải nghĩ có vấn đề, phải phê phán. Nếu tất cả mọi người đều suy nghĩ như cô Trang Hạ, sẽ không bao giờ có cách mạng và sẽ không bao giờ có xã hội nào phát triển. Rất may, không phải ai cũng thế.

Cuối cùng, cô Trang Hạ nói, "ta là người duy nhất phải chịu trách nhiệm về những vấn đề của cá nhân mình", thế sự thờ ơ, theo chủ nghĩa cá nhân ("Trước tiên chúng ta phải tự tìm giải pháp cho cuộc đời của mình và cho con cái của mình"), cách nhìn hạn hẹp chỉ ở mức độ mỗi con người làm gì (không thấy toàn bộ hệ thống cần phải thay đổi) và thiếu critical thinking của cô là do nền giáo dục hay do cô tự học?

Đó là sơ sơ vài bình luận trong chuyện Vũ Thạch Tường Minh.

Riêng với Tường Minh: em nói đúng, chị ủng hộ em. Những người đả kích em, đặc biệt những người đã lớn mà không lớn, em không cần quan tâm. Thế nhé.

Di Nguyen

-----------------------------

BÀI VIẾT LIÊN QUAN :
.
.
.
.
.
.











No comments: