Monday, August 17, 2015

Giải cứu binh nhì Ryan (Đào Hiếu)





17/08/2015

Tất nhiên tôi không có ý định kể lại câu chuyện trong phim Giải Cứu Binh Nhì Ryan của đạo diễnSteven Spielberg, do diễn viên Tom Hanks thủ vai chính.

Và tôi cũng không muốn làm công việc của một người phê bình điện ảnh để phân tích xem phim hay, dở thế nào.

Nhưng từ lâu tôi vẫn ôm ấp ý định viết về bộ phim nổi tiếng này, bởi vì ở Việt Nam, thời chiến tranh chống Mỹ cũng từng có một câu chuyện mang một thứ triết lý nhân bản kiểu như vậy nhưng lại là một thứ nhân bản lộn đầu. Nó bị đẻ ngược, với hai chân ra trước. Nó là một thứ nhân bản màu máu, mang diện mạo của “chiến tranh nhân dân” trong khi thứ nhân bản trong phim Giải Cứu binh Nhì Ryan có màu xanh của biển cả và bầu trời.

Chuyện giải cứu binh nhì Ryan xảy ra vào giữa năm 1944 trong Thế chiến thứ 2 khi quân Mỹ đổ bộ lên vùng Normandy nước Pháp. Một biệt đội gồm 8 người do đại uý Miller chỉ huy được thành lập chỉ để đi giải cứu một anh binh nhì tên là Ryan theo lệnh của Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa kỳ, tướng Marshall.

Ryan là đứa con cuối cùng còn sống sót của một bà mẹ đã có ba đứa con trai chết trận. Vì thế bằng mọi giá phải đem Ryan trở về với người mẹ đau khổ ấy.

Trong cuộc giải thoát này, sáu người trong số tám người của biệt đội do đại uý Miller chỉ huy đã chết, trong đó có Miller. Biệt đội chỉ còn lại 2 người nhưng họ đã đem được người chiến sĩ dũng cảm: binh nhì Ryan về với mẹ.

Câu chuyện ở Việt Nam thì ngược lại. Nó xảy ra trong một hang đá ở xã Quế Tân thuộc tỉnh Quang Nam mùa đông năm 1969.

Trong cái hang đá kinh hoàng ấy cũng có một người mẹ tên Lê Thị Nghê 32 tuổi và một đứa con trai tên Lê Tân, 3 tháng tuổi.

Lính Mỹ càn quét qua làng Quế Tân. Thông thường thì trong những trường hợp như thế người dân thường bồng bế nhau chạy về thành phố lánh nạn. Nhưng hôm đó những người du kích Việt cộng đã buộc dân cùng họ chạy trốn vào hang Hòn Kẽm ẩn núp. Bé Lê Tân (con của bà Lê Thị Nghê) đói sữa khóc liên tục không cách gì dỗ cho nín.

Sợ bị lộ, những người du kích đã gây áp lực để bà Nghê giết chết con mình.

Nếu những người lính Mỹ trong biệt đội của đại uý Miller đã hy sinh để bảo vệ đứa con trai của một bà mẹ đau khổ, thì ở cái hang Hòn Kẽm này, những người du kích đã buộc người mẹ phải giết con mình để cho họ được sống.

Đó là thứ đạo lý gì vậy? Sao nó lại từng được ca ngợi như một “huyền thoại mẹ”, được “cải biên” thành một sự hy sinh thần thánh của người mẹ Việt Nam anh hùng “vì đại nghĩa mà giết chết con mình”?

Báo Tuổi Trẻ Online số ra ngày 09/6/2008 đã viết lại vụ này ở góc độ là: Chính dân làng trốn trong hang đã khuyên bà Nghê hy sinh đứa con để cứu mọi người.

Nhưng đoạn văn sau đây đã để lộ sơ hở:

“Súng vẫn nổ, mọi người ngồi trong hang cứ nghĩ lính biệt kích Mỹ đang đến gần hang rồi. Lúc này mọi người ngậm ngùi đành nghe theo mấy anh du kích, lại động viên cô Năm: “Thôi cô hi sinh đứa con đi…!”.
Bà Năm hôn núm ruột đang khóc: “Mẹ không bao giờ bỏ con, nhưng vì để cứu dân làng, con phải ra đi…”. Sau khi cháu tắt thở, bà cởi chiếc áo trong người đùm con lại. Bà bế thi thể của con, bò lên khỏi miệng hang về hướng tây 100m, mặc cho mưa rơi, mặc cho đạn pháo bắn rền vang, bà dùng hai tay móc đất ướt lạnh để an táng con mình.”

Sơ hở thứ nhất:
- Rõ ràng là bà Nghê không tự nguyện giết con mà là dân làng “đành nghe theo các anh du kích” làm áp lực buộc bà Nghê giết con.

Sơ hở thứ hai:
Bà Nghê hoàn toàn có thể “ra khỏi hang 100 mét để dùng tay móc đất đào huyệt chôn con” điều đó chứng tỏ bà không sợ lính Mỹ giết (vì họ giết bà để làm gì?).

Từ khi bà Nghê bồng xác con ra khỏi hang, đi 100 mét, cho đến khi đào xong một cái huyệt bằng tay không xong, cũng mất ít nhất một tiếng đồng hồ. Điều đó chứng tỏ lính Mỹ còn ở xa. Và rõ ràng rằng lúc ấy, thay vì giết con, bà hoàn toàn có thể bế con đi ẩn náu một chỗ khác để tiếng khóc của cháu bé khỏi gây nguy hiểm cho mấy anh du kích. Hơn nữa, với đứa bé 3 tháng tuổi trên tay, bà hoàn toàn có thể đi về làng, chẳng những không bị ai giết mà có khi mẹ con bà còn được giúp đỡ.

Vậy thì tại sao bà phải giết con?

Đó chỉ có thể là do một quyết định man rợ.

Đó là một quyết định hèn nhát và phi nhân tính.

Và sự kiện ấy đã nói lên một chi tiết rất cay đắng, đó là: những người du kích không dám cho dân làng bỏ đi vì họ cần một đám đông quần chúng để trà trộn vào.

Người mẹ “huyền thoại” ấy đến nay vẫn còn sống: quắt queo, tàn héo và đói rách. Không một ai đoái hoài, không một chút tiền trợ cấp, không một lời xin lỗi.

Bà Lê Thị Nghê, hiện còn sống

Bài báo nêu trên cũng đã viết về gia đình người mẹ ấy hiện nay như sau:

“Bây giờ con trai của bà Năm đã ra đi gần 40 năm và 33 năm đất nước thanh bình. Gần 200 người dân thôn Trà Linh ngày ấy bây giờ nhân lên gấp ba, đời sống tuy nghèo nhưng vẫn còn may mắn hơn bà Năm. Con gái còn lại – chị Lê Thị Liên – có chồng, có một con trai, bây giờ cũng nghèo lắm. Hiện nay vợ chồng chị lên tận Nông trường Phước Đức, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) nhận chăm sóc khoán 4ha cao su. Vì xa quá anh chị cũng ít khi về thăm mẹ.
Bà Năm giờ ở một mình trong căn nhà tạm của con gái. Hiện nay bà đang bị nhiều bệnh và sống dưới mức nghèo khổ. Ngoài sự giúp đỡ của bà con lối xóm cùng chạy trú trong hang thời đó thì bà không được Nhà nước trợ cấp một chút gì. Có mấy lần chị Liên làm đơn xin trợ cấp cho mẹ, nhưng ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp đều trả lời “không biết xếp mẹ con bà vào diện chính sách gì”.
Vì ám ảnh triền miên, nhiều năm qua tâm trí bà tỉnh điên lẫn lộn. Chiếc khăn của đứa con ngày xưa, đến nay bà vẫn còn giữ và coi đó là “báu vật” bất ly thân. Đêm cũng như ngày, khi không tỉnh bà bế chiếc khăn đó hát ru. Rồi có những khi bà đốt nhang, một mình vào rừng, miệng nói lẩm bẩm đi tìm mộ con. Nhưng mộ con của bà đã mất dấu tích sau khi an táng do mưa quá lớn.”

*
Câu chuyện “Giải cứu binh nhì Ryan” và câu chuyện “Đêm kinh hoàng ở Hòn Kẽm” là hai bi kịch chiến tranh rất thảm thương và khốc liệt. Nhưng triết lý nhân bản trong hai câu chuyện đã khác nhau như ánh sáng và bóng tối.

Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trên mặt đất này, trách nhiệm của người lính là bảo vệ dân chứ không phải là buộc dân giết con để bảo vệ mình.

Và tự cổ chí kim, người lớn luôn đùm bọc, bảo vệ trẻ em chứ không phải trẻ em phải chết để bảo vệ người lớn.

Những người “giải phóng” Việt Nam đã không hề thấy xấu hổ về câu chuyện ở Hòn Kẽm mà còn ca ngợi nó như một thứ “lương tâm của thời đại”.

Đó là thứ lương tâm của loài sinh vật nào vậy? 

ĐÀO HIẾU

(Trích trong tập tiểu luận “MẶT ĐẤT VẪN RUNG CHUYỂN”)

Bài báo này trích từ tác phẩm MẶT ĐẤT VẪN CÒN RUNG CHUYỂN (tác giả tự in bằng photocopy, số lượng rất ít đẻ tặng bạn văn). Bạn muốn có một cuốn không? Vui lòng liên hệ với tác giả để được gởi TẶNG. Email: bukhutiensinh@gmail.com






No comments: