Trọng Nghĩa, Lê Hải - RFI
Đăng ngày 30-07-2015
Thủ tướng Anh David
Cameron (giữa) thăm thị trường chứng khoán Saigon ngày 30/07/2015. REUTERS/Duc Hien
Thủ
tướng Anh David Cameron đang trong ngày công du thứ hai tại Việt Nam với
một loạt các chương trình hợp tác mới vừa được đưa ra trong bản tuyên
bố chung. Một trong số những điểm được báo chí nước Anh quan tâm hàng
đầu là cam kết của ông muốn diệt trừ các đường dây buôn người từ
Việt Nam sang đưa vào làm việc trong các khu trại trồng cần sa và
tiệm nail.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết thêm
chi tiết.
Nếu quí vị bật các kênh thời sự ở Anh trong
hai ngày qua thì sẽ thấy các bản tin về chuyến công du của ông David
Cameron luôn đi kèm với hình ảnh của các đường dây buôn người Việt
Nam.
Hầu hết các báo lớn ở Anh đều trích dẫn
lời của Thủ tướng Anh mô tả con số 3.000 trẻ em Việt Nam bị đưa sang
đây là điều gây sốc. Tờ the Guardian trích thêm báo cáo về buôn người
của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mô tả hoạt động của các băng đảng tội phạm
có tổ chức đưa người Việt sang châu Âu và bắt họ làm việc để trả
nợ.
Báo cáo này cũng chỉ đích danh các công ty
xuất khẩu lao động của Việt Nam, thậm chí có sự tham gia của doanh
nghiệp nhà nước, đã thu phí rất cao khiến người lao động lâm vào
cảnh nợ nần. Đó là phần nội dung đáng chú ý trong bài báo có tiêu
đề là "David Cameron quyết xử lý nạn buôn trẻ em Việt
Nam".
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp
với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội, Thủ tướng Anh đánh giá
cao việc hợp tác giữa hai nước trong lãnh vực phòng chống buôn bán
người và nô lệ kiểu mới. Sắp tới hai bên sẽ đàm phán để thống nhất
về các biện pháp cụ thể, mà đại diện cho phía Anh sẽ là ông Kevin
Hyland, hiện giữ chức Cao ủy độc lập về chống nô lệ, với 30 kinh
nghiệm làm lãnh đạo đơn vị chuyên trách xử lý tội phạm buôn người.
Việt Nam xếp hàng thứ tư trong danh sách các
nước có người bị đưa vào Anh làm nô lệ, và các báo cáo của chính
phủ ước tính ở đây hiện đang có khoảng 13.000 nạn nhân người Việt.
Vấn đề chống nô lệ thời hiện đại đang được nước Anh quan tâm đặc
biệt. Một đạo luật chuẩn bị được đưa ra Quốc hội vào tháng Mười
này, yêu cầu các công ty có doanh số trên 36 triệu bảng một năm phải
ra báo cáo thường niên về điều kiện sống và làm việc cho người lao
động.
RFI: Chính sách nhập cư của Anh luôn là mối quan tâm hàng đầu của
người Việt ở Anh, vậy thì ngoài những tuyên bố mạnh bạo của Thủ
tướng Anh, còn có điều gì đáng chú ý từ chuyến đi này?
Giới thạo tin quan tâm nhất đến một câu trong
bản tuyên bố chung, rằng “Thủ tướng Anh vui mừng thông báo Anh
sẽ bổ sung tài trợ cho việc xây dựng nơi trú ngụ cho các nạn nhân
của nạn buôn người xuyên quốc gia, trên cơ sở hợp tác tốt đẹp trong
lĩnh vực phòng chống buôn bán người và nô lệ kiểu mới”.
Lê
Hải : Đây là câu chữ xác nhận một tin đồn đang lan
truyền trong cộng đồng người Việt ở Anh khoảng hai năm trở lại đây,
rằng chính phủ Anh sẽ xây một khu trại giam người nhập cư bất hợp
pháp ở gần sân bay Nội Bài ở Hà Nội để đưa từ một đến hai ngàn
người Việt về đó thay vì giữ ở gần sân bay Heathrow ở London như hiện
nay. Một số người còn nêu tên khu trại ở Đông Ngạc của Bộ Công an, nơi
trước đây từng tiếp nhận thuyền nhân bị Hồng Kông trả về trong thập
niên 1990.
Hiện ở Anh, chi phí để giam giữ di dân trái
phép trong trại một ngày là vào khoảng 130 bảng, tức là gần 5 triệu
đồng tiền Việt, và không được phép giới hạn sự tự do đi lại của
trẻ em dưới 18 tuổi. Cho nên đa số người Việt khi bị phát hiện đang cư
trú trái phép trên lãnh thổ Anh quốc thường được thả ra, và tự
nguyện quay lại văn phòng Bộ Nội vụ để trình diện định kỳ.
Nếu có một khu trại với chi phí rẻ hơn với
điều kiện tốt hơn và nằm bên ngoài lãnh thổ nước Anh, chắc chắn sẽ
ít bị các tổ chức nhân quyền phản đối hơn và như vậy sẽ bất lợi
hơn cho di dân trái phép người Việt. Cho nên chừng nào vẫn còn chưa có
kế hoạch chi tiết về việc nước Anh “tài trợ xây dựng nơi trú
ngụ cho các nạn nhân của nạn buôn người xuyên quốc gia”,thì chừng
đó người ta vẫn còn tiếp tục đồn đoán về việc hợp tác giữa biên
phòng và an ninh hai nước.
*
RFI: Đây là chuyến công du đầu tiên của một Thủ tướng Anh đến Việt
Nam, và vấn đề biển đảo cũng được đưa ra trong tuyên bố chung. Vậy
thì nhìn từ nước Anh, đâu là vấn đề đáng quan tâm nhất trong chuyến
đi này?
Lê
Hải : Bản tuyên bố chung đưa ra một loạt các chương
trình nghị sự, kể cả chuyện như là Việt Nam ủng hộ quan điểm của
nước Anh trên trường quốc tế về nguy cơ do kháng thuốc kháng sinh tạo
ra. Một tuyên bố mà ngay cả giới chuyên gia trong ngành cũng chưa chắc
hiểu rõ được động cơ phía sau, nếu so sánh với một nội dung khác
trong tuyên bố chung này về chuyện Đại sứ quán Việt Nam ở London sẽ
có thêm tùy viên quốc phòng, để hợp tác đào tạo sĩ quan và chuyên
gia cho Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, chuyến đi này không đơn thuần chỉ là
một nghi thức ngoại giao, vì bản thân Thủ tướng David Cameron từng du
lịch ba lô đến Việt Nam hồi năm 1994, cho nên chắc chắn là hiều biết
rất rõ về đất nước và con người ở xứ sở này.
Lịch làm việc của ông được chia rõ thành hai
phần gần như tách biệt với nhau. Các cuộc gặp ở Hà Nội thiên về
chính trị và nghi thức ngoại giao, còn các cuộc gặp ở Sài Gòn với
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch thành phố Lê Hoàng Quân
được đi kèm với diễn đàn doanh nghiệp Anh – Việt.
Báo chí nước Anh luôn gọi Hà Nội là thủ đô
chính trị còn Sài Gòn là thủ đô kinh tế của Việt Nam. Bài bình luận
trên tờ The Guardian chạy tựa đề rằng David Cameron rõ ràng thấy Việt
Nam là chế độ mà ông ta có thể làm business được. Phóng viên Matthew
Holehouse từ Hà Nội thì có bài trên tờ Telegraph nói rằng Thủ tướng
Anh yêu cầu Việt Nam phải tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài
làm ăn, và đồng thời cũng đặt câu hỏi với các lãnh đạo Việt Nam về
kế hoạch của họ đối với sự phát triển của mạng xã hội, hay chia
sẻ quan điểm rằng cải tổ kinh tế phải đi kèm với một số thay đổi
chính trị.
Nếu nhìn rộng ra vào chuyến công du của ông
Cameron ở Đông Nam Á, thì trước khi bay sang Việt Nam ông có bài diễn
văn rất mạnh ở Học viện Lý Quang Diệu ở Singapore, nói các nước trong
vùng phải diệt trừ tham nhũng, và nước Anh tuyệt đối không phải là
miền đất hứa để các lãnh đạo tham nhũng mang tiền sang rửa và đầu
tư.
Nhưng nếu nhìn rộng hơn nữa thì thực sự rất
khó mà lý giải được tại sao Thủ tướng Anh lần này phải công du sang
vùng Đông Nam Á, vì đó cũng chính là câu hỏi mà phóng viên chuyên về
chính trị của đài BBC là Ben Wright đã đặt thành hàng tít cho bài
bình luận, nhưng không có câu trả lời rõ ràng.
NGHE
: Thông tín viên Lê Hải - Luân Đôn / 30/07/2015
No comments:
Post a Comment