Sunday, August 9, 2015

Cộng sản Việt Nam sợ gì nhất? (Lê Anh Hùng)





09.08.2015

Chủ nghĩa cộng sản (CNCS) là tấn bi kịch của nhân loại. Thật không may khi Việt Nam chúng ta lại là một phần trong tấn bi kịch có lẽ là lớn nhất trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại đó.

Đáng buồn hơn, trong khi hầu hết các quốc gia trong cái gọi là “phe xã hội chủ nghĩa” đều đã đoạn tuyệt với CNCS theo cách này hay cách khác thì Việt Nam vẫn là một trong số những quốc gia cộng sản ít ỏi còn sót lại trên trái đất.

Dù vậy, theo đúng quy luật đào thải của lịch sử, sự tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam cũng chỉ còn được tính từng năm. Như một lẽ tự nhiên, càng gần đến thời khắc sụp đổ, các giới chức cộng sản càng lo sợ, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nhìn đâu cũng thấy “thế lực thù địch”.

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ cùng phân tích xem chế độ cộng sản ở Việt Nam sợ nhất điều gì.

Dân oan

Với một chế độ độc tài, phi nhân, buôn dân bán nước như ở Việt Nam thì trong 90 triệu người dân Việt Nam ai cũng là nạn nhân của nó. Tuy nhiên, “đồng tiền liền khúc ruột”, chỉ đến khi bị tước đoạt đến những thứ “liền khúc ruột” nhất thì một bộ phận trong số họ mới quyết vùng lên để đòi lại.

Ở Việt Nam, những dân oan bị tước đoạt phi pháp nhà cửa, ruộng vườn của mình thông qua đủ kiểu “dự án” gần như hiện diện khắp nơi. Không chỉ chống đối chính quyền sở tại, một số dân oan còn kéo ra tận thủ đô Hà Nội để trường kỳ đấu tranh, không đơn thuần là để đòi lại tài sản chính đáng của mình mà chính là đòi một quyền còn thiêng liêng hơn: quyền được sống.

Vậy dân oan có phải là mối lo sợ lớn nhất của chế độ cộng sản ở Việt Nam hay không? Xin thưa là không. Dân oan chưa phải là vấn đề được đề cập đến nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông của nhà nước. Dù bị trấn áp, sách nhiễu, thậm chí bị kết án tù, nhưng ở Hà Nội vẫn luôn hiện diện một lực lượng dân oan khá đông, mà một trong những lý do chính cho sự tồn tại làm lem luốc bộ mặt chế độ ấy là vì dân oan chưa phải là mối nguy lớn nhất cho chế độ.

Giới đấu tranh dân chủ

Phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền đang ngày càng lớn mạnh ở Việt Nam, đặc biệt là trong những năm gần đây. Dĩ nhiên, nhà cầm quyền Việt Nam cũng nhận ra mối đe doạ ngày càng lớn này, thể hiện qua chính sách đàn áp, khủng bố ngày càng khốc liệt và tinh vi nhằm vào những người đấu tranh.

Tuy nhiên, phong trào đấu tranh dân chủ vẫn chưa phải là mối đe doạ lớn nhất của hệ thống. Dù không ngừng lớn mạnh trong thời gian qua, nhưng lực lượng này vẫn còn yếu, chưa đủ sức thách thức chế độ, chưa phải là chủ đề được bàn tới như là mối đe doạ lớn nhất đối với chế độ trên báo chí “lề đảng”.

Tham nhũng

Lãnh đạo Việt Nam nói rất nhiều về tham nhũng và chống tham nhũng, với những lời lẽ khó có thể mạnh mẽ hơn như “Tham nhũng đe doạ sự tồn vong của chế độ” hay “Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay”, v.v.  Nhưng họ đã làm như thế nào thì ai ai cũng biết.

Tham nhũng có thể đe doạ sự tồn vong của chế độ trong dài hạn, nhưng chính nhờ tham nhũng nên mới có những kẻ sẵn sàng sống chết để bảo vệ chế độ, khi càng ngày họ càng nhận ra cái gọi là “lý tưởng cộng sản” kia chung quy cũng chỉ là quyền lực và lợi lộc mà thôi.
Không khó để nhận ra, tham nhũng chính là “lẽ sống” của cả bộ máy cầm quyền ở Việt Nam hiện nay, nghĩa là còn lâu nó mới là mối đe doạ lớn nhất đối với chế độ.

Hoa Kỳ

Hoa Kỳ từng là đối thủ của chế độ cộng sản ở Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975. Giai đoạn 1975-1994, lệnh cấm vận thương mại của Mỹ nhằm vào Việt Nam là một trong những tác nhân chính khiến Việt Nam lao đao. Hàng chục năm qua, Hoa Kỳ luôn là nguồn cỗ vũ lớn nhất cho phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Vậy Hoa Kỳ có phải là mối đe doạ lớn nhất cho sự tồn vong của chế độ cộng sản ở Việt Nam hay không? Câu trả lời là không. Việc Nhà Trắng mở cửa chào đón TBT Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ vừa qua của người đứng đầu chế độ cộng sản ở Việt Nam là một minh chứng nữa cho triết lý thực dụng của Hoa Kỳ: “Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn.”

Hoa Kỳ không muốn Việt Nam rơi vào khoảng trống quyền lực, một khả năng khó tránh khỏi nếu chế độ CS ở Việt Nam bất ngờ sụp đổ. Một khi điều đó xẩy ra, Trung Quốc sẽ phát động cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm vào Trường Sa hòng kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, thậm chí có thể gây chiến với Việt Nam hầu bảo đảm chí ít chế độ hậu cộng sản ở Việt Nam không đi theo quỹ đạo của Mỹ.

Đương nhiên, Hoa Kỳ không thể khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc “múa gậy vườn hoang” như thế được: họ có quá nhiều lợi ích ở Việt Nam nói riêng và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Song nếu để bị động kéo vào một cuộc chiến tranh với Trung Quốc thì kết cục rất khó lường và tổn thất cho Hoa Kỳ là không nhỏ chút nào.

Vì vậy, bản thân Hoa Kỳ cũng mong muốn Việt Nam sẽ từng bước chuyển tiếp sang một chế độ dân chủ và nhân bản. Hoa Kỳ đã và vẫn là một mối đe doạ với chế độ cộng sản ở Việt Nam, nhưng hoàn toàn không phải là hiểm hoạ lớn nhất. Thậm chí Việt Nam còn cần Hoa Kỳ hơn Hoa Kỳ cần Việt Nam. Không có Việt Nam thì Hoa Kỳ còn rất nhiều lựa chọn khác trong cuộc đối đầu thế kỷ Mỹ-Trung, nhưng nếu không có Hoa Kỳ thì Việt Nam rất dễ bị Trung Quốc thôn tính, từ lãnh thổ cho đến kinh tế - chính trị.

Trung Quốc

Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam. Điều đó thì hầu như người dân Việt Nam nào cũng biết, còn đảng viên Đảng CSVN thì chẳng mấy ai biết, ít nhất là qua lời nói và việc làm của họ. Thậm chí, các nhà lãnh đạo Việt Nam, từ TBT Nguyễn Phú Trọng trở xuống, còn tôn thờ cái gọi là “phương châm 4 tốt 16 chữ vàng” như thể đó chính là ông bà ông vải của họ.

Trung Quốc có muốn chế độ cộng sản ở Việt Nam hiện nay sụp đổ không? Xin thưa là không đời nào. Bởi cứ đà này thì sớm muộn gì Trường Sa cũng rơi vào tay họ, khi mà lãnh đạo Việt Nam chẳng ai hé răng phản đối việc Trung Quốc cấp tập bồi đắp các đảo đá ở Trường Sa trong bối cảnh cộng đồng quốc tế kịch liệt lên án Trung Quốc, còn Quốc hội Việt Nam thì không ra nổi một nghị quyết; khi mà Việt Nam không dám kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế như Philippines bất chấp việc họ ngang ngược đặt giàn khoan HD-981 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trong khi đó, ban lãnh đạo Việt Nam vẫn đang ngày đêm “dâng” nền kinh tế nước nhà cho Trung Quốc;  các vị trí xung yếu về an ninh - quốc phòng của Việt Nam lần lượt bị người láng giềng “4 tốt 16 chữ vàng” khống chế; Campuchia thì đã bị Bắc Kinh “mua” đứt và những diễn biến gần đây ở biên giới Tây Nam cho thấy Campuchia là con bài cực kỳ lợi hại với Trung Nam Hải và là bài toán vô cùng nan giải với Việt Nam; Lào cũng tỏ ra ngày càng lạnh nhạt với Hà Nội và mặn nồng với Bắc Kinh.

Nghiêm trọng hơn cả, việc Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, một người Hán khai man lý lịch và đã bị tố cáo công khai, nắm trong tay gần như cả nền kinh tế Việt Nam suốt từ năm 2007 đến nay và gây ra không biết bao nhiêu thảm hoạ cho Việt Nam cả về kinh tế - xã hội lẫn an ninh - quốc phòng là bằng chứng không thể chối cãi rằng bộ máy chóp bu ở Việt Nam đã bị ông Hoàng Trung Hải và Bắc Kinh khống chế, thao túng.

Như vậy, nếu cứ đà này thì sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ trở thành “một bộ phận không thể tranh cãi” của Trung Hoa Đại Hán. Trung Quốc dại gì mà mong hay làm cho chế độ hiện nay ở Việt Nam sụp đổ, bởi khi đó họ sẽ bị đặt vào thế phải phát động chiến tranh cả trên biển lẫn trên đất liền để rồi khó tránh khỏi phải gánh chịu những rủi ro khôn lường.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”

Không phải dân oan, không phải giới đấu tranh dân chủ, không phải tham nhũng, không phải Hoa Kỳ và càng không phải Trung Quốc, vậy đâu mới là điều cộng sản Việt Nam sợ nhất? Mối đe doạ lớn nhất đối với sự tồn vong của chế độ độc tài cộng sản ở Việt Nam hiện nay là gì?

Xin thưa, đó chính là hiện tượng mà bộ máy tuyên truyền của đảng gọi là “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Giới lãnh đạo cộng sản ở Việt Nam thừa khôn ngoan để hiểu rằng, nhân tố bên trong mới đóng vai trò quyết định trong sự sụp đổ của bất kỳ hệ thống nào. Đó là những gì từng xẩy ra ở Liên Xô và Đông Âu trước kia; Việt Nam bây giờ cũng không phải ngoại lệ. Càng nhiều người “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” thì ngày tàn của chế độ CSVN càng đến gần.

Chính vì vậy, không phải “thế lực thù địch”, “phản động”, “Việt Tân”… mà chính “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” mới là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong các cuộc hội thảo, các bài tham luận, các bài báo, các bài phát biểu… ở Việt Nam khi đề cập đến những mối đe doạ đối với chế độ.
Trong lễ kỷ niệm 85 ngày truyền thống ngành Tuyên giáo mới đây, việc chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” tiếp tục được đặt ra như một nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Bộ máy cầm quyền ở Việt Nam không sợ dân oan, không sợ giới đấu tranh dân chủ, thậm chí không sợ quảng đại quần chúng… chừng nào các công cụ trấn áp trong tay họ như công an, viện kiểm sát, toà án, quân đội… còn nghe theo họ mà sách nhiễu dân oan, kìm kẹp dân chúng, khủng bố những người đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền.

Họ chỉ sợ khi cỗ máy đàn áp này “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, không còn tuân lệnh họ để gây tội ác với những người dân vô tội, với những người dấn thân vì cộng đồng, xã hội và đất nước; họ chỉ sợ những hình ảnh thảm thương của dân oan khiến ngày càng nhiều người trong bộ máy thức tỉnh lương tri, trở về với nhân dân, với chính nghĩa dân tộc.

Để chống hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong bộ máy, nhà cầm quyền ra sức tuyên truyền, nhồi sọ họ. Bên cạnh đó, lực lượng trấn áp, đặc biệt là công an và quân đội, luôn nhận được chế độ đãi ngộ cao nhất trong số những đối tượng hưởng lương từ ngân sách.

Giới lãnh đạo chóp bu Việt Nam không quá sợ những vụ tố cáo nhằm vào họ; pháp luật trong tay họ, họ muốn “điều tra” thế nào thì điều tra, muốn “xử” thế nào thì xử. Họ chỉ thực sự lo sợ khi sự thật về những vụ tố cáo đó được phơi bày trên các phương tiện truyền thông đại chúng, khiến dân chúng và đặc biệt là những người trong bộ máy biết được bộ mặt thật thối tha, nhơ nhuốc của chế độ.

Họ luôn tìm mọi cách che dấu, bưng bít những vụ tố cáo “khủng” đó, bởi chúng không chỉ khiến cho quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” bên trong bộ máy diễn ra nhanh hơn mà thậm chí có khi còn đủ sức làm tê liệt cả hệ thống.(i)
________________

Ghi chú:
(i) Đây là một trong những lý do khiến tác giả bài viết này kiên trì theo đuổivụ tố cáo nhằm vào các ông Nguyễn Tấn Dũng – Hoàng Trung Hải – Nông Đức Mạnh suốt từ năm 2008 đến nay, cũng như việc công bố “Tài liệu tố cáo Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang bán nước” hôm 1.7 vừa qua.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.






No comments: