Friday, August 7, 2015

CHỐNG NGỤY BIỆN VÀ NHẦM LẪN VỀ CHỦ NGHĨA MÁC LÊNIN (Nguyễn Đình Cống)





Nguyễn Đình Cống
08/08/2015

1-Mở đầu

Trong thời gian dài tôi và nhiều người, trong đó có cả những trí thức lớn, đã bị nhầm lẫn, cho rằng chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) là hoàn toàn đúng, là trí tuệ tuyệt vời của nhân loại. Dần dần một số trong những người ấy tỉnh ngộ ra, thấy được cái sai và tác hại của nó, nhưng cũng còn rất nhiều người chưa thấy được. Nguyên nhân của hiện tượng nhầm lẫn là do người tuyên truyền CNML đã dùng lối ngụy biện ở trình độ cao, còn người tiếp nhận, đã bị tình cảm chi phối hoặc do vô minh mà tin một cách ngây thơ hoặc mù quáng. Viết bài này tôi hy vọng phân tích được sự ngụy biện và nhầm lẫn đó để tự giáo dục mình và thức tỉnh các bạn bè còn mê lầm, đặc biệt là để các bạn trẻ đừng vì vô minh đi vào con đường mà một số ông cha đã chọn nhầm, một con đường đầy lầm lạc mà cứ tưởng là tươi sáng. Ngụy biện và nhầm lẫn không chỉ xảy ra với nhận thức CNML mà còn trong mọi lĩnh vực của đời sống, vì vậy biết cách phát hiện ra ngụy biện và chống lại nó cũng là điều có ích cho mọi người.

2-Đại cương về ngụy biện

Với những người đã biết LÔGIC HÌNH THỨC thì những điều được trình bày dưới đây là quá thô thiển, tuy vậy tôi chọn cách đó là để giúp các bạn chưa học Lôgic có thể hiểu được (xin các bạn đã biết về lôgic hình thức bỏ qua mục này).

Ngụy biện là cách diễn đạt từ suy luận sai lầm, thường xảy ra trong thảo luận, tranh luận, tuyên truyền, thuyết trình và cả trong khoa học. Một cách dân dã ngụy biện là kiểu lập luận dối trá để biến sai thành đúng, không thành có, xấu thành tốt, cái này thành cái kia, v.v. hoặc ngược lại. Ngụy biện là dối trá, là lừa bịp ở cấp cao vì nó được thông qua suy luận và chứng minh, có hình thức bên ngoài khá chặt chẽ. Trong lịch sử nhân loại đã có những ngụy biện lôi cuốn được, đánh lừa được hàng chục triệu, hàng trăm triệu người. Trong sách “Phương pháp biện luận” tác giả Triệu Truyền Đống (nhà xuất bản Giáo dục, 1999) vạch ra những thủ đoạn khác nhau của người ngụy biện. GS Nguyễn Văn Tuấn, có bài viết “Thói ngụy biện ở người Việt” (xem ở đây) kể ra 45 kiểu ngụy biện, qui về trong 7 nhóm (đánh tráo chủ đề; lợi dụng cảm tính; làm lạc hướng; qui nạp sai; nhập nhằng đánh lận; phi lôgic; các nhầm lẫn khác). GS Tuấn cho rằng ở Việt Nam thói ngụy biện thường xảy ra trong giới có học.

Ngụy biện có thể do cố ý hoặc vô tình. Kẻ cố ý tự biết mình ngụy biện, với mục đích đánh lừa người khác để mưu cầu một mục đích nào đó. Người vô tình phạm phải ngụy biện có thể do vô minh (trình độ kém) hoặc cũng có thể do lòng tốt mù quáng, Phạm Đình Nghiệm (Nhập môn lôgic học, Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2005) gọi trường hợp vô tình này là “ngộ biện”.

Ngụy biện sinh ra từ suy luận sai. Suy luận phải dựa vào phán đoán. Phán đoán do người ta đưa ra bởi nhận thức từ thực tế, thí dụ: trời nhiều mây, gió lạnh thổi, bông hoa màu đỏ, đời sống nông dân được cải thiện, v.v. Phán đoán có thể đúng hoặc sai. Suy luận là từ một hoặc một số phán đoán suy ra một kết luận nào đó. Thí dụ: học sinh A (lớp 12) thông minh và chăm chỉ nên chắc sẽ thi đỗ tốt nghiêp THPT. Quá trình suy luận cũng được xem là quá trình chứng minh để tìm kết luận. Thí dụ: Mọi học sinh lớp 12 thông minh và chăm chỉ đều thi đỗ tốt nghiệp. A là một học sinh như vậy. Thế thì A sẽ thi đỗ tốt nghiệp. Một kết luận do suy luận đem lại (gọi là luận đề) chỉ được công nhận khi thỏa mãn đồng thời cả hai điều kiện: a- Về luận cứ: mọi phán đoán được dựa vào để suy luận là đúng và đầy đủ. b- Về luận chứng: sự suy luận phải phù hợp với các qui tắc của lôgic (không phạm sai lầm về lôgic).

Rất hay gặp ngụy biện do dùng phán đoán không đúng hoặc thiếu. Xin nhớ câu ngạn ngữ nổi tiếng: “Một phần cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một phần của sự thật có khi là dối trá”. Kẻ cố tình ngụy biện chủ động dùng các phán đoán tuy là sự thật nhưng chỉ mới là một phần, mà là phần phụ, còn phần chính được cố tình che giấu, và như vậy kết luận là giả dối. Thí dụ SV B vì ngủ quên nên đi học muộn 30 phút, dọc đường có ghé vào hiệu chữa xe để bơm lốp mất 5 phút, trả lời về nguyên nhân đi học muộn B đã ngụy biện là trên đường xe hỏng phải khắc phục (việc ngủ quên bị che giấu). Người ngộ biện tưởng nhầm các phán đoán được dùng để chứng minh đã đúng và đủ, họ vì vô minh mà tin rằng kết luận là chính xác (thực ra kết luận, còn gọi là luận đề, là giả dối, không được công nhận).

Ngụy biện do sai lầm trong luận chứng diễn ra dưới nhiều dạng, người trình độ yếu mới nghe qua thì thấy đúng nhưng suy nghĩ kỹ mới thấy không hợp lý, không chặt chẽ (không lôgic).

Thí dụ: Dựa vào phán đoán chủ nghĩa xã hội (CNXH) là vô cùng tốt đẹp, suy luận thành: yêu nước thì phải yêu CNXH, hoặc không yêu CNXH không phải là người yêu nước. Suy luận trên là ngụy biện, phạm sai lầm cả trong luận cứ và luận chứng. Luận cứ ở đây là phán đoán CNXH vô cùng tốt đẹp là không chắc chắn, chưa có đủ độ tin cậy. Luận chứng là gắn yêu nước và yêu CNXH với nhau không dựa trên một qui luật, một nguyên lý nào cả, chỉ do áp đặt hoặc cảm tính. Kết luận yêu nước phải yêu CNXH là một kết luận không thể chấp nhận (hàng tỷ người trên thế giới không yêu CNXH, không thể bảo họ không yêu nước). Thế mà hàng chục triệu dân Việt Nam chấp nhận sự ngụy biện trên như một chân lý. Họ vui vẻ chấp nhận vì điều đó được cán bộ của Đảng nói ra, họ đã có sẵn niềm tin vào Đảng, hơn nữa trình độ của họ còn thấp, chưa đủ kiến thức và phương pháp khoa học để phát hiện ra sự ngụy biện. Những người thấy là sai mà không dám nói công khai, không dám phản biện vì sợ mang tội phản động, tội chống Đảng.

Để phát hiện ra ngụy biện không dễ, đặc biệt là khi người ngụy biện có trình độ, có uy tín hoặc chức vụ cao, lại có tài hùng biện hoặc to mồm, khi kết luận của ngụy biện phù hợp với tình cảm và lòng mong muốn của người tiếp nhận. Gặp phải ngụy biện mà không phát hiện ra, nghe theo, tin theo, thế là đã nhầm lẫn, đã bị lừa. Người ta bị lừa thường là do có lòng ham muốn (lòng tham), do thiếu hiểu biết hoặc cũng có thể do lòng tốt mù quáng.

Để không bị mắc lừa do ngụy biện cần có trình độ tương đối cao về suy luận, về kiến thức và có thái độ khoa học (biết suy nghĩ, biết nghi ngờ, dám lật ngược vấn đề…), còn để vạch ra sự ngụy biện, đặc biệt là ngụy biện của người có thế lực, thì còn cần thêm lòng dũng cảm. Khi trình độ của ta quá thấp so với người ngụy biện thì rất khó để phát hiện ra những thủ đoạn của họ, nghe họ nói cái gì cũng thấy đúng. Cũng giống như khi xem ảo thuật, nếu ở vị trí thấp hơn hoặc ngang với người biểu diễn thì không thể nào phát hiện ra kỹ xảo của họ, muốn biết mắt ta đã bị đánh lừa như thế nào thì phải ở vị trí từ trên cao nhìn xuống. Tôi đã vài lần thử trình bày một vài vấn đề trước học viên cao học, kể cả giảng viên đại học và yêu cầu tìm xem trong luận cứ, luận chứng hoặc luận đề có chỗ nào sai không. Thực ra đó là những ngụy biện nhưng tôi không nói trước. Rất ít người tìm được chỗ sai. Một vài người tìm được một phần nói thêm rằng, nếu tôi không yêu cầu phát hiện chỗ sai thì chưa chắc họ tìm ra được. Họ không phát hiện được chỗ tôi đã ngụy biện vì trình độ của tôi cao hơn họ và họ vốn tin tôi là thầy, mà đã là thầy thì thường giảng điều đúng.

3-Vài ngụy biện cơ bản trong chủ nghĩa Mác Lênin

CNML đã tồn tại hàng trăm năm nay, chứa nhiều độc hại, mang đến cho nhân loại lợi ít hại nhiều. Thế nhưng nó đã làm mê say hàng trăm triệu người. Đó là nhờ vào sự ngụy biện của một số người có trình độ cao về triết học, có uy tín cao về học thuật, và khi Đảng Cộng sản đã nắm chính quyền thì họ là người có quyền lực (miệng nhà quan có gang có thép).

Trong bài “Một số nhầm lẫn của Mác” (xem ở đây) tôi cho rằng ông đã có những phán đoán hoặc kết luận chỉ mới là một phần của sự thật, mà dựa vào nó để suy luận thì dễ mắc vào ngụy biện. Mác cho là: Lịch sử của xã hội loài người chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Đó là một phán đoán thiếu chính xác. Dựa vào đó Mác suy luận, chứng minh rất hùng hồn về sự tất yếu của cách mạng vô sản, tiếp theo Lênin nâng cao lên thành chuyên chính vô sản, Stalin và Mao Trạch Đông lại biến chuyên chính đó thành độc tài, toàn trị, thành một chế độ tàn bạo. Mác cho rằng mọi sự bất công là do chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất (đó mới chỉ là một nửa sự thật) nên “những người cộng sản chủ trương một luận điểm duy nhất là xóa bỏ chế độ tư hữu” và khi đã xóa bỏ được tư hữu thì xã hội sẽ phát triển tốt đẹp. Mác đã dựa vào một số quan sát hạn chế để chứng minh vai trò tiên tiến, ưu tú của giai cấp vô sản, đưa họ lên thành những người lãnh đạo xây dựng chế độ XHCN khoa học và chủ nghĩa cộng sản. Tất cả đều là đều là không tưởng, đều là ngụy biện.

Cuộc đời của Mác có thể chia thành ba giai đoạn. Thời trẻ (trước 35 tuổi) Mác vì quá hăng hái mà có những ý kiến quá tả trong đấu tranh tiêu diệt giai cấp tư sản; thời trưởng thành (trước 60 tuổi) Mác đã có những nhận định chín chắn hơn và có một số sửa đổi trong quan điểm; cuối đời (Mác mất năm 1883, lúc 66 tuổi) Mác phát hiện ra một số nhầm lẫn trong thời trẻ và có một vài ý kiến tự phê phán. Trong phần lớn cuộc đời, Mác là một nhà ngộ biện đại tài, có sức hấp dẫn và lôi cuốn rất mạnh. Có được điều ấy là nhờ Mác đã nắm vững, vận dụng lôgic biện chứng kết hợp với lòng tốt, lòng thương yêu giai cấp vô sản. Mác là người có đạo đức và trung thực. Mác hấp dẫn được nhiều người chính nhờ lòng tốt, đạo đức và sự trung thực đó. Mác vấp vào ngụy biện hầu như không phải cố ý mà là vô tình vì lòng tốt và sự vội vàng.

Sự ngụy biện trong CNML càng ngày càng mở rộng. Trong số những người theo CNML có nhiều người cũng do vô tình mà phạm vào ngộ biện, tuy vậy đã xuất hiện nhiều kẻ cố ý, bọn chúng là những kẻ cơ hội, biết CNML có nhiều độc hại và không tưởng nhưng đã ngụy biện để lừa dối người khác.

Trong khi hàng trăm triệu người vì vô minh mà theo CNML thì đồng thời có hàng tỷ người đã sớm phát hiện ra những sự dối trá và độc hại chứa đựng trong ấy. Điều này chính Mác và Engel công nhận trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848): “Một bóng ma đang ám ảnh Châu Âu […] Nhiều thế lực đã liên hiệp lại để trừ khử bóng ma đó”. Thế kỷ 19 người ta đã chưa trừ khử được bóng ma cộng sản mà nó còn phát triển mạnh trong một thời gian. Mãi đến cuối thế kỷ 20 nó mới bị xóa bỏ tại quê hương của Mác (nước Đức), tại thành trì của cách mạng vô sản thế giới (Liên Xô), tại các nước Đông Âu. Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuy ngoài mồm vẫn nói theo CNML nhưng thực chất đang xây dựng chế độ phong kiến vô sản chuyên chính. Chỉ còn lại rất ít Đảng Cộng sản, không biết vì lý do gì vẫn tuyên bố kiên trì CNML.

4-Một số ngụy biện của tuyên giáo cộng sản Việt nam

Chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam không phải qua con đường đấu tranh giai cấp mà qua tinh thần chống thực dân của các chiến sĩ yêu nước. Nhưng khi Đảng Cộng sản đã mắc vào vòng cương tỏa của Quốc tế cộng sản, đã lấy CNML làm kim chỉ nam thì dần dần vướng vào sự ngụy biện đã thành hệ thống. Trong bài viết “Tản mạn về lòng yêu nước thời cộng sản” (xem ở đây) tôi trình bày là ở Việt Nam trong thời gian qua CNML tồn tại được là nhờ bám vào lòng yêu nước của nhân dân. Thế nhưng người ta đã đánh tráo khái niệm, ngụy biện ngược lại và cho rằng “Lòng yêu nước của dân Việt Nam phát huy được nhờ vào CNML”. Khi Đảng Cộng sản còn trong giai đoạn vận động làm cách mạng, để lôi kéo được đông đảo quần chúng đi theo thì có nhu cầu tuyên truyền về sự chính nghĩa, về lực lượng hùng hậu, về tài năng và đạo đức của lãnh tụ, về tương lai tươi sáng của xã hội. Những thứ đó phần lớn là chưa có thật, phải dùng lối ngụy biện để bịa ra, bịa một thời gian dài rồi người nói và người nghe đều tưởng như thế thật. Khi thành lập, Mặt trận Việt Minh có mục đích là đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, nhưng thực tế Việt Minh đã không làm cả ba việc đó. Việt Minh đã lãnh đạo toàn dân làm Cách mạng tháng 8 thành công, cướp được chính quyền. Người ta tuyên truyền rằng Cách mạng tháng 8 đã đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, cướp chính quyền về tay nhân dân. Cho đến nay thì đã có nhiều chứng cứ rõ ràng là Cách mạng tháng 8 không đánh Pháp, không đuổi Nhật, còn nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập từ tháng 4 năm 1945. Cách mạng tháng 8 chỉ làm việc cướp chính quyền, nhưng không phải về tay nhân dân mà về tay Đảng Cộng sản. Như thế cả bốn nội dung đều là giả dối, đó là một ngụy biện nổi tiếng của tuyên truyền cộng sản mà cho đến bây giờ hàng chục triệu người vẫn còn bị nhầm.

Sau khi nắm được chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam, vì ý thức hệ mà phải theo sự chỉ đạo của Stalin, Mao Trạch Đông để làm cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, hợp tác hóa… Càng làm theo CNML càng dẫn dân tộc vào con đường bế tắc, bần cùng. Trong lúc cần duy trì chế độ và sự thống trị của mình Đảng lại phải ngụy biện, phải gian dối trong tuyên truyền. Sau 1954 đất nước bị chia cắt. Thống nhất là nguyện vọng của toàn dân. Cả hai Hiệp định Genève và Paris đều ghi là sẽ thống nhất bằng đường lối hòa bình, thông qua tổng tuyển cử. Thế nhưng cả hai hiệp định đều bị phá hoại, dẫn tới cuộc chiến tàn khốc 20 năm và Đảng Cộng sản đã thắng trong cuộc chiến đó. Ai đã phá hoại hiệp định. Chúng ta dựa vào một phần sự thật để tuyên truyền là chính Mỹ - Ngụy (Diệm, Thiệu) phá hoại hiệp định và gây chiến tranh, nhưng phía bên kia và phần lớn thế giới lại nêu đầy đủ chứng cứ là chính Bắc Việt mới là bên phá hoại hiệp định trước tiên và chủ động gây chiến. Một việc làm của chính quyền Ngô Đình Diệm là chống cộng sản. Tại sao Diệm lại đào tạo được một đội ngũ chống cộng mạnh mẽ, tích cực và hoạt động khá hiệu quả? Một trong những nguyên nhân chủ yếu là vì một số không ít người miền Bắc, sau khi thoát khỏi sự đàn áp của cộng sản trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo tư sản, trong sự đấu tranh cho tự do tư tưởng và ngôn luận đã trốn được vào Nam, họ trở thành nhân chứng sống lên án sự độc ác và bất tín của cộng sản, họ thù oán cộng sản đến tận xương tủy. Thực chất là chế độ Diệm đàn áp cộng sản nhưng người ta lại dùng cách đánh tráo khái niệm để ngụy biện thành “Đàn áp những người yêu nước, đàn áp nhân dân”. Đánh tráo như vậy nhằm kích động hận thù dân tộc.

Một điều ngụy biện mà một số đông người Việt Nam đang mắc phải, vẫn bị nhầm mà cứ tưởng là đang làm chủ chân lý. Người ta dựa vào một số sự thật sau đây:

· Hơn 70 năm qua Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh thành lập đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, làm chiến tranh và xây dựng đất nước theo CNXH.
· Trong chiến tranh dân bị chết chóc, đói khổ, đất nước bị tàn phá.
· Chiến tranh đã kết thúc, lãnh thổ được thống nhất.
· Bây giờ nhân dân được sống hòa bình, có đời sống khá hơn, đất nước được kiến thiết.

Từ những sự thật trên người ta rút ra kết luận: “Nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ và của Đảng mà nhân dân ta có được cuộc sống no ấm, hạnh phúc như ngày nay” (*). Thực ra đó là một kết luận ngụy biện vì chỉ dựa trên một phần của sự thật (mà một phần sự thật nhiều khi là dối trá). Một phần rất lớn nữa của sự thật, mà lại là phần quan trọng đã bị che giấu, bị bỏ qua. Đó là chỉ vì theo chủ thuyết cộng sản mà những người lãnh đạo đã biến đất nước thành tiền đồn phe XHCN, xô đẩy nhân dân vào chiến tranh, bỏ qua nhiều cơ hội hòa bình thống nhất đất nước. Đó là vì dựa vào chuyên chính vô sản, dựa vào sự độc quyền của một đảng mà nhiều người lãnh đạo đã đặt quyền lợi nhóm, quyền lợi cá nhân, quyền lợi của Đảng trên quyền lợi dân tộc, kiên trì CNML, dẫn dân tộc vào con đường không lối thoát. Đó là sự lệ thuộc của nhiều lãnh đạo Đảng vào Trung Cộng, không giữ được độc lập, tự chủ. Đó là sự hy sinh xương máu của hàng triệu chiến sĩ để có được thành quả cách mạng là giành chính quyền cho Đảng thì chính quyền đó đang rơi vào tay một nhóm người, bị dùng để tạo ra và bảo vệ lợi ích cho bọn có quyền. Đó là những tệ nạn như tham nhũng, mua quan bán tước, dối trá tràn lan và nhiều tệ nạn khác là do sự kết hợp của CNML với những yếu kém trong nền văn hóa dân tộc. Đó là sự tụt hậu của nước ta so với những nước láng giềng cùng hoàn cảnh, v.v.

Sự ngụy biện ở câu (*) còn ở chỗ đánh tráo ngôn từ. Đáng lẽ, theo sự thật và cách trình bày khoa học cần viết: “Dưới sự lãnh đạo của…” thì đã thay chữ dưới bằng chữ nhờ và thêm vào từ sáng suốt. Đổi và thêm như vậy nhằm đánh lừa tình cảm người tiếp nhận. Lại nữa, đúng ra chỉ trình bày: “nhân dân ta có cuộc sống như ngày nay” thì được thêm các từ được, no ấm, hạnh phúc cũng nhằm đánh lừa như trên. Có cuộc sống như ngày nay và “Có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày nay” là khác nhau rất lớn mà cách trình bày là nhằm ngụy biện. Cuộc sống như ngày nay là cuộc sống thực tế của 90 triệu người, trong đó chỉ có một số ít sống giàu sang, phè phỡn, một số đáng kể còn đói khổ với sự mất dân chủ, bị hạn chế tự do tư tưởng và ngôn luận, một số không ít bỏ xác trong các trại cải tạo và trên đường vượt biển tìm tự do, rất đông phải sống chung với biết bao nhiêu tệ nạn, nhiều người dân bị oan sai, nhiều người bất đồng chính kiến bị đàn áp.

Cũng từ kết luận ngụy biện trên người ta suy diễn tiếp “Nếu không có Bác và Đảng thì nhân dân ta sẽ như thế nào, sẽ vẫn sống cuộc đời nô lệ, bị áp bức, đói khổ”. Đây là kiểu ngụy biện cả trong luận cứ, luận chứng và luận đề. Ngụy biện nhằm đánh tráo một giả thuyết cần kiểm chứng bằng một kết luận khẳng định, một kiểu ngụy biện với trình độ dối trá ở mức tầm thường, tuy vậy rất nhiều người bị nhầm vì không chịu suy nghĩ. Chỉ cần chịu khó đặt câu hỏi “Có thật thế không?” và suy nghĩ tìm câu trả lời thì chẳng khó gì phát hiện ra sự ngụy biện.

5-Một vài nhận xét

Một việc làm tương đối đơn giản, thiết thực và có hiệu quả để phát hiện ra ngụy biện là dùng thực tế cuộc sống, thực tế của xã hội để đối chiếu, để kiểm nghiệm. Nhưng thực tế lại sinh động, có nhiều mặt trái ngược, do đó sự đối chiếu, sự kiểm nghiệm cũng không phải dễ dàng, vì bản chất sự vật thường bị ẩn giấu, mà người ngụy biện khôn ranh biết dùng những phần sự thật có lợi cho lập luận của họ, nhấn mạnh vào, làm nổi bật lên, và tìm cách che giấu đi những sự thật khác.

Trên đây chỉ mới kể ra vài ngụy biện của những nhà tuyên truyền CNML và của Đảng Cộng sản. Còn có thể kể ra nàng ngàn, hàng vạn ngụy biện khác. Ngụy biện là dối trá ở mức cao, thường do những người có trình độ, có quyền lực thực hiện. Dối trá bình thường có thể đánh lừa một số ít những người tham lam, cả tin còn ngụy biện có thể đánh lừa nhiều người hơn. Đặc biệt là ngụy biện của những người có quyền cao chức trọng, có uy tín về học vấn và vị trí trong xã hội, loại ngụy biện này không những làm cho người ta dễ tin mà còn mang áp lực bắt buộc người ta phải chấp nhận, một số người biết là ngụy biện cũng không dám nói ra vì sợ đủ thứ.

Nhân dân nói chung có một tính cách là dễ nghe theo người lãnh đạo, dễ bị chi phối, bị khuất phục bởi thế lực thống trị. Điều này được tuyên giáo cộng sản tổng kết thành ưu điểm của dân Việt Nam là có lòng tin và trung thành với Đảng Cộng sản. Nhưng không phải toàn bộ nhân dân đều như vậy. Trong số họ có những phần tử ưu tú, biết phân biệt phải trái, biết phát hiện ra ngụy biện của chính quyền, có dũng cảm vạch ra sự ngụy biện đó. Dân gian có câu “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng bị lòi ra”. Sự ngụy biện có thể che giấu đối với đại đa số trong một thời gian nào đó nhưng cuối cùng cũng sẽ bị phát hiện, cũng tự lòi ra.

Xã hội Việt Nam hiện nay có nhiều tệ nạn nghiêm trọng mà theo một số học giả thì nghiêm trọng nhất là sự dối trá tràn lan, dối trá đã trở thành phương châm xử thế. Chính quyền dựa một phần vào dối trá để thống trị, dân chúng dựa một phần vào dối trá để tồn tại. Bệnh thành tích dổm chỉ là một trong những hệ quả của dối trá. Gian lận, dối trá đã trở thành một phần của thói quen, một phần của nền văn hóa, của hệ thống chính trị. Ngụy biện là sự dối trá ở cấp cao. Hiện nay thì cái kim trong bọc không những đã thò mũi ra ngoài mà gần như toàn bộ đã lộ ra hết. Vải thưa không còn che nổi mắt thánh.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng có lúc dũng cảm nhận sai lầm để sửa chữa, đó là nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất năm 1956, nhận sai lầm trong đường lối phát triển kinh tế ở Đại hội VI, năm 1986, để công nhận kinh tế thị trường, ngược lại với CNML, tuy vậy vì ý thức hệ mà cố đèo thêm một điều vô nghĩa là “theo định hướng XHCN”. Liệu năm 2016, với Đại hội XII, Đảng Cộng sản Việt Nam có dám hay không dám nhận sai lầm là đã ngụy biện quá nhiều, dối trá quá nhiều, nhầm lẫn quá nhiều khi lấy CNML làm kim chỉ nam để vô tình dẫn dân tộc vào ngõ cụt, không lối thoát.

Một con người sống bằng dối trá và lừa đảo sẽ đến lúc bị mọi người thấy rõ và xa lánh. Một học thuyết dựa chủ yếu vào ngụy biện sớm muộn cũng bị phát hiện và tẩy chay. Một chính quyền phải dùng đến ngụy biện trong hành xử sẽ mất lòng tin của dân, mất lòng tin của các nước. Dù cho người ta có đón tiếp đại diện của bạn một cách trọng thị, có ký kết với bạn hiệp ước về quan hệ đối tác toàn diện hay đối tác chiến lược thì ngoài những cái bắt tay chào hỏi xã giao, trong lòng họ vẫn canh cánh một tinh thần cảnh giác là đang quan hệ với một người dối trá đáng khinh bỉ.

N. Đ. C.
Tác giả gửi BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:25

------------------------------------

Vấn đề 1.
.
Vấn đề 2
.
VẤN ĐỀ 3
.
VẤN ĐỀ 4




No comments: