Tuesday, August 11, 2015

Biển Đông: TC Đánh Mỹ? (Vi Anh - Việt Báo)





10-08-2015

Tin VOA, tiếng nói chánh thức của chánh quyền Mỹ ngày 02.08.2015 đi tin, Trung Quốc cảnh báo chiến tranh trên biển Đông. Báo của Quân đội TC ngày 1/8 là ngày thành lập quân đội bình luận, “Nhìn chung, tình hình quanh nước ta ổn định, nhưng các nguy cơ và thách thức là rất lớn, và khả năng xảy ra bất ổn và chiến tranh trước cửa ngõ của chúng ta đã gia tăng.”

Tiếp theo đó thông tấn xã Kyodo của Nhựt loan tin, Học viện Chỉ huy không quân Trung Quốc liệt kê Mỹ, Nhật, Đài Loan, Ấn Độ và Việt Nam là “mối đe dọa” trong không gian quân sự của Trung Quốc từ đây cho tới năm 2030.

Ngày 5/ 8 RFI cho biết Trung Quốc đã xây xong một hải cảng có thể tiếp nhận hai hàng không mẫu hạm nằm ở Tam Á, trên đảo Hải Nam, nhìn thẳng xuống Biển Đông. Còn Mỹ thì Ngoại Trưởng Kerry có gặp Ngoại trưởng TC Vương Nghị bên lề hội nghị của ASEAN họp ở Mã Lai, yêu cầu TQ đình chỉ mọi hoạt động «có vấn đề», trong đó có việc quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông. Và ASEAN thì bất chấp khuyến cáo của Trung Quốc, khai mạc hội nghị bộ trưởng chánh thức nêu lên vấn đề Biển Đông. Còn TC thì theo tin Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân Lưu nói rằng “Đây không phải là diễn đàn thích hợp. Nếu Hoa Kỳ nêu lên vấn đề này, thì lẽ đương nhiên là chúng tôi sẽ phản đối.”

Những thời sự trên cho thấy tinh hình Biển Đông ngày càng căng thẳng giữa Trung Cộng và một số nước Á châu Thái Bình Dương đồng minh và đối tác với Mỹ mà Mỹ là đầu tàu đang chuyển trục quân sự về đây. TC nắn gân Mỹ, tuyên bố tập trận với cả trăm chiến hạm, bắn đạn thiệt trong một vùng mà không cho toạ độ, cấm thuyền bè ngoại quốc vào, rồi lại tố ngược Mỹ quân sự hoá Biển Đông bằng thám sát trên không và tuần tra trên vùng biển, đảo ở Biển Đông mà TC tuyên bố thuộc chủ quyên bất khả tranh cãi của TC. Còn Mỹ cũng không vừa, tuyên bố không trung lập nếu những tranh chấp biển đảo dính líu tới luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không mà Mỹ xem là quyền lợi quốc gia, cốt lõi của Mỹ, ai xâm phạm Mỹ có thể đáp trả bằng biện pháp quân sự.

Vấn đề đặt ra là liệu TC và Mỹ có đánh nhau ở Biển Đông không.

Tình hình không phải chỉ căng thẳng ngoài hiện trường Biển Đông, và trên trường ngoại giao quốc tế nữa. Tổng Thống và Phó Tổng Thống Mỹ quả quyết TC đã, đang bành trướng trong vùng biển đảo này, đã dùng sức mạnh của nước lớn ăn hiếp nươc nhỏ. Các giới chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng lập đi lập lại lời phản đối. Tư lịnh lực lượng Mỹ ở Thái binh dương đã yêu cầu TC ngưng xây cất quân sự. Đô đốc tư lịnh Đệ Thất Hạm Đội của Mỹ dành 7 tiếng đồng hồ thám sát vùng trách nhiệm có thể xảy ra chiến tranh. Nói tóm lại Mỹ không che dấu hành động phòng chống TC ở Biển Đông và bày tỏ quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải quốc tế mà Mỹ xem thiết yếu như quyền lợi quốc gia của Mỹ. Mỹ hầu như đã hoàn thành công tác phối họp với các đồng minh như Nhựt, Phi, Úc. So sánh thời Chiến Tranh Lạnh, chưa có vùng nào Mỹ bày binh, bố trận để phòng chống CS như phòng chống TC bành trướng ở Á châu Thái bình dương như bây giờ.

Nhưng chiến lược của Mỹ nặng về bảo vệ tự do hàng không, hàng hải quốc tế, trong đó Mỹ và đồng minh có nhiều quyền lợi, chớ không có tham vọng đất đai, biển đảo như TC. Mỹ không thể để TC không chế con đường hàng hải quốc tế huyết mạch ngang qua Eo Biển Mã Lai như cái cổ chai qua lại Nam Bác Thái Binh Dương và Ấn độ dương mà Biển Đông là hành lang nơi đó TC đang biến thành yếu khu quân sự để kiểm soát. Mỗi năm 70% hàng hoá sản xuất trên thế giới, 5.000 tỷ Mỹ kim hàng hoá Mỹ, qua lại hải lộ này. Kinh tế Nhựt đệ tam siêu cường kinh tế thế giới, đồng minh thân thiết của Mỹ coi như bị phong toả nếu TC không chế được Biển Đông.

Nhưng TC làm hùm làm hổ ngoài biển của các nước như vậy, chớ đánh Mỹ thì TC chưa hay không làm đâu. Phân tích cho thấy kể cả Mỹ và TC hai bên đều không thách thức trực tiếp nhau, chỉ kêu gọi đối thoại, đề nghị, thương lượng chớ không đe doạ trực tiếp với nhau.

Về Biển Đông, hiện tình cho thấy, TC chèn ép, xâm lấn các nước nhỏ mà tránh đụng chạm Mỹ. Giáo sư Carl Thayer, Học Viện Quốc Phòng Úc nhận định 'Trung Quốc sẽ không đối đầu với Mỹ ở Biển Đông', nhưng sẽ tìm các cách loại trừ sự can dự của Washington và cáo buộc ngược các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ. Họ không có những tàu chiến lớn để tung ra thường xuyên ở khu vực như các hạm đội Mỹ. Hải quân Mỹ mạnh hơn rất nhiều. Không quân TC lại còn yếu hơn nữa.

Mỹ cũng thế trong suốt 7 ngày tuần tra khu quân sự mới lập của TC ở Biển Đông, Mỹ tự chế không đi sâu vào bên trong hải phận 12 hải lý của các đảo và bãi đá mà TC đang chiếm. TC cũng vậy, tàu Yancheng Type 054A của TC đi sau theo dõi chặt chẽ tàu Mỹ nhưng không có hành động cản trở nào.

Binh Thư Trung Hoa có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. TC biết thân mình, biết ngân sách quốc phòng tỷ lệ tăng cao hơn Mỹ, nhưng tổng số thấp hơn của Mỹ nhiều. Quân lực của TC khó vượt qua Mỹ nỗi. Nếu tính lúc này thì sức mạnh tác chiến của Hải quân TC chỉ bằng 1 phần 4 của Mỹ, con kinh nghiệm hải chiến của Mỹ TC phải chờ vài thập niên hoạ may mới so nổi với Mỹ. Hải quân Mỹ có 11 hàng không mẫu hạm, còn TC chỉ có 1 chiếc kiểu cũ mua của Ukraine và tân trang lại, còn đang huấn luyện sữ dụng. TC đang làm chiếc thứ hai nhưng khó hoàn thành trước năm 2020.

Lục quân, TC cũng thua Mỹ. Hai phân tich mới nhứt của RAND Corporation khẳng định so sánh lục quân TC vượt Mỹ là một đánh giá vô căn cứ. Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân của TC có nhiều khuyết điểm có tính cơ cấu và nhiều mặt dễ bị tổn thương. Vũ khí của quân đội của TC không đồng nhứt, nhiều thời đại, nhiều nước sản xuất, ít dùng những khoa học, kỹ thuật tiên tiến, máy bay không người lái, vũ khi tia lazer, hồng ngoại tuyến như Mỹ.

Kinh tế của TC không nuôi nổi một cuộc chiến tranh có tính vùng hay thế giới. TC không có nguồn dự trữ nhiên liệu dồi dào, bền vững như Mỹ. Chỉ cần bị thiếu xăng dầu vài tháng, bị ngăn chận con đường xuất nhập cảng vài tháng, là kinh tế TC sụp đổ, TC không còn thế chánh đáng cầm quyền, dân chúng nổi loạn liền.

Đó là chưa nói xã hội TQ đang bất ổn vì hố sâu ngăn cách nghèo giàu qua sâu rộng, tham những tràn lan, ô nhiễm hết chỗ nói, thiếu nước canh tác trầm trọng.

Về khoa học kỹ thuật, sự thua sút của TC đối với Mỹ vô phương hàn gắn. TC không có một người nào được Nobel khoa học. Một nền kinh tế không bền vững, một xã hội chia rẻ không ổn đinh như vậy làm sao chịu nổi một cuộc chiến tranh với Mỹ.

Nên TC tránh né không đụng chạm Mỹ, xung đột võ trang chỉ thua thiệt mà thôi. TC chỉ cần đè ép các nước nhỏ là có lợi cho TC rồi. Nên TC vẫn cứ khư khư tuyên bố giải quyết tranh chấp Biển Đông trên nguyên tắc song phương mà thôi./.(Vi Anh)





No comments: