Monday, August 24, 2015

Đằng sau cái gọi là sự ‘nhục nhã’ (Lê Diễn Đức)





Lê Diễn Đức
Monday, August 24, 2015 1:34:53 PM

Đồng hành cùng với cơn sốt trong kỳ thi tuyển vào đại học năm nay tại Việt Nam là hình ảnh một cử nhân cầm biển xin việc đứng giữa đường.

Cái tít của bài “Cầm biển đứng giữa đường xin việc: Nhục nhã thay cho một cử nhân” trên báo nhà nước đã bị dư luận xã hội chỉ trích mạnh mẽ.

Tấm biển mà người thanh niên cầm có nội dung: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi...”

Người thanh niên đó là Phùng Đức Ninh (sinh năm 1990, quê Lương Tài, Bắc Ninh), vừa tốt nghiệp cử nhân trường đại học Điện Lực.

Việc cầm biển xin việc đứng đường chẳng có gì là nhục nhã cả, cùng lắm chỉ thể hiện sự bất lực, bế tắc của anh ta trong bối cảnh xin việc khó khăn hiện nay ở Việt Nam.

Một đại diện doanh nghiệp tại Hà Nội động lòng có ý muốn tuyển dụng Ninh, viết cho tờ Đời Sống & Pháp Luật:
“Chúng tôi biết đến trường hợp của bạn Phùng Đức Ninh sau khi đọc bài viết trên báo Đời Sống & Pháp Luật. Bản thân tôi rất khâm phục ý chí và nghị lực của Ninh. Dám nghĩ, dám làm, bỏ qua sĩ diện bản thân để tìm việc làm nuôi sống bản thân và gia đình. Đó là điều doanh nghiệp chúng tôi cần ở một nhân viên.”

 “Tại sao nhiều người lại chỉ trích cậu ấy, Ninh hành động vì cuộc sống tương lai của mình, vì cô con gái mới sinh đang cần có sữa. Nhiều kẻ vì tiền mà bất chấp tất cả, nhưng Ninh đâu có làm điều gì vi phạm, bạn ấy không đáng bị lên án. Bạn ấy phải là người được ca ngợi”- người đại diện doanh nghiệp nói thêm.

Bộ Lao Động, Thương Binh & Xã Hội vừa công bố mới đây rằng, riêng ba tháng đầu năm 2015, cả nước có 1,159,800 người thất nghiệp, tăng 114,200 người so với cùng kỳ 2014, trong đó, có đến gần 300,000 người có trình độ đại học, trên đại học và cao đẳng chuyên nghiệp. [1]

Phùng Đức Ninh chỉ là một trong hàng trăm ngàn trường hợp khác ấy!

“Chạy” học

Chỉ trừ một số rất ít con nhà giàu được học ở các trường quốc tế, bắt đầu từ tiểu học, cha mẹ đã méo mặt “chạy” trường học cho con, thậm chí nếu không tận dụng được sự quen biết thì phải hối lộ.

Cho đến hết trung học, tốn bao nhiêu công sức và chi phí đóng cho trường và thầy cô, cầm cái bằng tốt nghiệp trung học để thi được vào đại học quả là một chặng đường đầy gian an khổ cực.

Nhiều “phụ huynh căng thẳng, bơ phờ, dầm mưa, thức đêm, xếp hàng chờ đợi, quay cuồng lo lắng để học sinh có thể bước chân vào một trường đại học.”

Mùa thi tuyển năm nay như “một trận đánh lớn” (lời Bộ Trưởng Giáo Dục Phạm Vũ Luận) mà người đại bại là học sinh và gia đình, mệt mỏi đến phờ phạc, nhếch nhác, chen chúc nhau nơi thu nhận hồ sơ của các trường, thậm chí có phụ huynh đã thuê xe cấp cứu chạy hơn 350 km từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để rút hồ sơ xin học cho con.

Giáo Sư Võ Tòng Xuân đã nhận xét: “Chưa bao giờ có cuộc tuyển sinh lạ lùng nhất không thể tìm thấy nơi nào trên quả địa cầu này ngoài Việt Nam. Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 sẽ đi vào lịch sử giáo dục Việt Nam như là một cơn hãi hùng không những đối với thí sinh và phụ huynh ăn ngủ không yên, tốn bạc triệu đi tới đi lui xem kết quả tạm thời và chờ đợi rút hồ sơ... mà còn đối với hội đồng tuyển sinh của các trường cao đẳng và đại học phải làm việc không nghỉ.” [2]

Chất lượng học

Trong thập niên đầu của thiên niên kỷ, thời ông Nguyễn Thiện Nhân được Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, các trường đại học Việt Nam mọc lên như nấm. Nhận được giấy phép mở trường đại học giống như nhận được giấy phép xây một ngôi nhà. Tất cả đều phải có chi phí bôi trơn. Từ đây đẻ ra không ít trường đại học ra đời mà cơ sở vật chất không có gì, lực lượng giáo viên thiếu trầm trọng.

Các trường đại học quốc doanh vốn chất lượng đã tệ hại, không một trường nào có vị trí trong Top 500 của thế giới, bằng cấp không được quốc tế thừa nhận. Nói chi đến các trường tư! Thế nhưng, như cái cối xay thịt, từ các trường đại học hàng nằm vẫn cho ra hàng trăm ngàn sản phẩm có bằng cấp như ai, thậm chí cả thạc sĩ, tiến sĩ.

Hoàng Xuân Hiển, kỹ sư cơ khí Đại Học Bách Khoa Hà Nội, tốt nghiệp năm 2009, đề nghị vận động chiến dịch “đốt bằng,” viết trên trang Facebook của mình:
“Đa số chung ta đang sai lầm cơ bản về việc học, đặc biệt là học đại học! Học mà không biết học để làm gì, học chỉ để thi đỗ, thi đỗ chỉ để lấy bằng.
Tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều sinh viên, đa phần khi tôi hỏi em thích ra trường làm gì hoặc đam mê của em là gì họ đều không có câu trả lời, hoặc trả lời rất mung lung.
Thực tế cho thấy, đa phần sinh viên hiện nay ra trường không biết làm gì! Một số chọn đi học... thạc sĩ, tiến sĩ... Thế nên số thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam mới khủng khiếp nhất trên thế giới!”

Đấy là nói chuyện chất lượng đào tạo. Chất lượng học tập và tiếp thu kiến thức của sinh viên đại học ra sao. Tờ Tuổi Trẻ cho hay:
“Chỉ mất một ít tiền là có người đi học giùm, mất thêm một ít tiền nữa có ngay người đi thi giùm. Chuyện học thuê, thi hộ (học giả, thi giả) đã hợp pháp hóa cho những người không cần học hoặc học không đến nơi đến chốn vẫn có được tấm bằng thật 100%.
Chỉ cần khoảng hai triệu đồng, một sinh viên không cần học và thi nhưng vẫn đảm bảo có điểm đậu môn học nhờ dịch vụ học thuê, thi hộ nhan nhản hiện nay.” [3]

“Chạy” việc

Dùi mài kinh sử để có bằng đại học trong tay mà kiếm được việc làm là cả một hoạn lộ. Một số ít người học khá thực sự thì nhảy vào các doanh nghiệp tư nhân. Số còn lại tìm cách chui vào cơ quan nhà nước.

Một người làm quan cả họ được nhờ là hiện tượng phổ cập ở Việt Nam. Nếu không là con cháu các quan chức hoặc thân hữu, thì con đường xin việc coi như mù tịt.

Bài “Bổ nhiệm kiểu con ông cháu cha” trên tờ Người Lao Động ngày 15 thang 8, 2015 đã phản ánh phần góc tối của tình trạng này:
“Bằng nhiều cách, người ta sẽ tận dụng cài cắm người thân vào nơi làm việc để làm lợi riêng cho mình:
Hơn 10 năm qua, kể từ khi lên nắm quyền tổng giám đốc Công Ty Môi Trường Đô Thị Đà Nẵng, ông Phạm Minh Thắng đã đưa con, rể, anh em ruột và cả phía sui gia nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các phòng ban và xí nghiệp trực thuộc, biến công ty nhà nước thành công ty gia đình.” [4]

Một cách hiệu quả hơn trong việc chạy việc là chi tiền.

Trong một xã hội mà con người nhắm mắt lao vào đồng tiền, bất chấp tất cả, cái gì cũng có thể mua được, “nếu không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền,” chạy việc làm cũng không thoát khỏi quy luật ấy.

Tờ VietNamNet.vn viết rằng:
“40% nhân viên không lưu thiếu chuẩn và những vụ lừa chạy việc sân bay. Người ta nghe quá nhiều về những vụ xin việc bằng ‘cửa hậu’ để vào làm việc tại sân bay. Chưa có bằng chứng nào cho thấy đây là hiện tượng có thật, nhưng những vụ lừa đảo xin việc vào sân bay càng nhiều càng khiến người ta bất an vì tin đồn đó có bao nhiêu % là sự thật.” [5]

“Dư luận đồn đoán, muốn có việc làm ở ngân hàng, khổ chủ phải “chạy việc.” Những “suất” việc làm được rao giá công khai trên các diễn đàn online với mức từ 50 triệu đồng trở lên tùy theo công việc.
Có người “hốt hoảng” khi biết chi phí môi giới lên tới 500 triệu đồng để có được một “ghế nóng” ở một ngân hàng có tiếng tăm.” [6]

Bạn Diệu Hương tâm sự trên BBC Việt ngữ:
“Để trở thành nhân viên hải quan cảng Hải Phòng hưởng mức lương tối thiểu 1,115,000 VNĐ một tháng, Đạt, sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý đã chấp nhận bỏ ra 900 triệu, người được hỏi cũng xác nhận rằng con số này có thể dao động từ 900 triệu đến 1 tỷ 200 triệu VNĐ, trước khi theo học nghiệp vụ, ‘tùy vào mối quan hệ với các lãnh đạo trong ngành.’
Anh cho hay, ‘nhân viên hải quan có cơ hội tiếp xúc nhiều với hàng hóa’ sẽ có thêm ‘các nguồn thu khác’ nên người muốn làm ngành này cũng phải ‘đầu tư cao hơn’ khi khả năng ‘thu hồi vốn’ là ‘trong tầm tay.’
Hay như trường hợp của Thư, dù đã qua vòng phỏng vấn, cũng vẫn phải nộp 200 triệu để được vào làm kĩ thuật viên Tập Đoàn Dầu Khí hưởng lương 30 triệu một tháng hay Bình bỏ ra 400 triệu để làm việc ở phòng kế toán.” [7]

Kết

Từng ấy thứ “chạy” gian truân đứng đằng sau cái gọi là sự “nhục nhã” mà tờ báo nọ gán cho anh thanh niên cầm biển xin việc đứng đường.

Sự nhục nhã ấy nên dành cho hệ thống giáo dục đào tạo của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa mới là đúng!








No comments: