Saturday, August 22, 2015

Afghanistan: Cuộc chiến bất tận (Rachelle Marshall)





Rachelle Marshall 
Xuân Dung dịch
22 Tháng Tám , 2015

Ngày 30 tháng 7, phán quyết của một thẩm phán liên bang tại Hoa Kỳ về việc tiếp tục cầm giữ một tù nhân chiến tranh ở Guantanamo bị bắt tại Afghanistan vào năm 2002 là một lời nhắc nhở rằng nước Mỹ vẫn đang trong cuộc chiến tại quốc gia đó. Người tù nhân kia tuyên bố rằng kể từ khi Hoa Kỳ chính thức chấm dứt vai trò trong cuộc chiến tại Afghanistan năm 2014, anh  ta có quyền được thả. Nhưng theo thẩm phán Royce C. Lambeth, cuộc chiến ở Afghanistan vẫn chưa kết thúc.

Ông viết trong quyết định của mình, “Chính phủ có thể không phải lúc nào cũng nói điều đó có nghĩa là gì hoặc ý nghĩa của những điều họ nói.” Một trong những luật sư của bị cáo cho biết phán quyết của thẩm phán ủng hộ “ý tưởng của một cuộc chiến tranh vô hạn bất tận để chính phủ có thể tiếp tục đem quân đi đánh.” Nhưng chiến đấu vì điều gì? Cuộc tấn công giết người nhằm vào các tháp Trung tâm Thương mại Thế giới tháng 9 năm 2001 đã được hoạch định, tài trợ, và thực hiện bởi một nhóm người Ảrập Xêút. Tuy nhiên, không cố gắng để tìm hiểu động cơ thúc đẩy đằng sau cuộc tấn công tự sát, hoặc để xác định các chính sách đã kích khích điều đó, ông George W. Bush đã tuyên bố một “cuộc chiến chống khủng bố” và ra lệnh xâm lược Afghanistan.

Ông ta đã làm như vậy với sự ủng hộ triệt để của Quốc hội. Chỉ có một hạ nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ, bà Barbara Lee (vùng California), bỏ phiếu chống lại nghị quyết cho phép hành động quân sự. Trong một bài báo viết cho tờ Biên niên sử San Francisco ngày 23 tháng 9 năm 2001, Lee kêu gọi đưa các thủ phạm ra trước công lý, nhưng nói thêm, “Một cuộc chạy đua nhằm tung ra những pha phản công quân sự nhanh chóng vấp phải  một rủi ro quá lớn sẽ giết chết nhiều hơn đàn ông, phụ nữ, và trẻ em vô tội. Tôi không thể bỏ phiếu cho một nghị quyết có thể dẫn đến một kết cục như vậy. ”

Sự e sợ của bà được chứng minh là đúng. Tính đến năm vừa qua, 91.000 người Afghanistan đã thiệt mạng, trong đó có 26.000 dân thường. Hơn 2.000 người Mỹ đã chết, và nhiều người bị nhiều khuyết tật cả đời. Dù cái chết của họ có vẻ vang gì đi nữa, điều đó chắc chắn không phải là chiến thắng.

Cuộc xâm lược ban đầu của quân đội Mỹ và NATO, kèm theo các cuộc tấn công ném bom quy mô, đã đẩy chính phủ Taliban ra khỏi Afghanistan và tràn vào Pakistan. Nhưng khi người Mỹ bắt đầu chuyển phần lớn cuộc chiến cho quân đội Afghanistan, Taliban đã có thể chiến đấu và giành lại quyền kiểm soát một phần lớn lãnh thổ, với sự ủng hộ của người dân địa phương.

Vào cuối tháng 7, lực lượng Taliban đã thành công trong việc chiếm được ba tỉnh phía Bắc khi hàng trăm binh sĩ Afghanistan hoặc rút lui hoặc đầu hàng. Một quan chức của Hội đồng tỉnh đã cáo buộc đây là một quân đội “chết chìm trong sự bất cẩn của mình.” Mặc dù được người Mỹ đào tạo chuyên sâu, quân đội Afghanistan phần lớn là bất bình thường. Mù chữ và đào ngũ là những vấn đề lớn, nhưng quân đội và cảnh sát bị tê liệt chủ yếu bởi sự tham nhũng tràn ngập mọi cấp độ xã hội Afghanistan. Những người lính phàn nàn rằng các sĩ quan bán đạn cho Taliban, sau đó lấy tiền và để mặc những người lính bị mắc kẹt. Một cựu chiến binh giải thích với phóng viên, “những viên chỉ huy của chúng tôi mua chức vụ vì thế họ phải kiếm tiền để trả nợ. Taliban không làm điều này với những người chỉ huy của chúng.”

Tham nhũng bắt đầu với việc các sĩ quan bán đạn dược của quân đội phát triển theo cấp số nhân ở các cấp cao hơn trong chính phủ, đến mức độ mà tổ chức Minh bạch Quốc tế viện dẫn rằng Afghanistan là một trong ba quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới. Hai năm trước Matthew Rosenberg viết cho tờ New York Times, “Trong hơn một thập niên, mỗi tháng, hàng xấp đô la Mỹ được đóng trong các vali, ba lô và túi mua sắm bằng nhựa, được lần lượt bỏ tại các văn phòng của tổng thống Afghanistan – nhờ vào Cục Tình báo Trung ương (CIA). ” “Chúng tôi gọi đó là ‘tiền ma'”, một quan chức Afghanistan cho biết.

Thay vì cung cấp dịch vụ cho người dân Afghanistan, hoặc thậm chí mua ảnh hưởng, số tiền đã phá hỏng kết cấu xã hội Afghanistan và ngăn chặn đà tăng trưởng kinh tế. Một đất nước mà người nghèo đã từng hầu như tự cung tự cấp lương thực và nhu yếu phẩm khác hiện nay gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài. Với một nền kinh tế trong nhiều năm tập trung vào phục vụ quân đội nước ngoài, đầu tư rất ít vào nông nghiệp hay công nghiệp, dẫn đến kết quả là, nghèo đói là căn bệnh địa phương. Ít nhất một triệu trẻ em Afghanistan bị suy dinh dưỡng cấp tính, và hơn ba phần tư người dân Afghanistan không có nước sạch.

Các nhà phân tích cho biết Taliban chiến thắng không phải vì sức mạnh của chúng mà vì sự yếu kém của chính phủ. Quá nhiều người Afghanistan không tin tưởng cả chính phủ, cả cảnh sát và binh lính ăn lương thấp được gửi tới để bảo vệ họ. Thông thường những người này tống tiền hoặc lạm dụng họ theo những cách khác nhau. Tờ New York Times dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên nói, “người Afghanistan không tìm kiếm nhiều thứ, mà chủ yếu là công lý và an ninh.” Ông nói thêm, “Có công lý dưới thời Taliban.”

Cũng đã có một sự suy giảm nhẹ trong lập trường của Taliban tại một số vấn đề quan trọng. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Taliban cho biết không còn “tìm cách độc chiếm quyền lực,” và hiện giờ đang coi giáo dục và tiếp cận việc làm như các quyền cơ bản của phụ nữ cũng như nam giới. Những viên chỉ huy địa phương tại Kunduz cho phép các trường học tiếp tục mở cửa và phân phối bút và máy tính xách tay ngay cả cho các trường của trẻ em gái. Tháng 6 vừa qua, các quan chức Taliban đã tổ chức một cuộc gặp thân mật với các nhà hoạt động hòa bình nữ người Afghanistan, một trong số đó là thành viên của cơ quan lập pháp Afghanistan.

Lãnh đạo của Taliban hiện nay, Akhtar Mohammed Mansoor, đã bổ nhiệm hai phó tướng là những thành viên  của mạng lưới Haqqani theo đường lối cứng rắn bị Hoa Kỳ dán nhãn khủng bố, nhưng ông ta cũng sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan mà không cần điều kiện tiên quyết.

Thế thì, tại sao Mỹ vẫn còn đang trong cuộc chiến tại quốc gia bị bao vây đó? Theo Tổng thống Obama thì không phải vậy. Nghĩa là, không chính xác. Mặc dù 11.000 lính Mỹ vẫn hoạt động ở Afghanistan, vai trò chiến đấu của Mỹ đã chính thức kết thúc vào ngày 28 tháng 12 năm 2014, khi Tổng thống Obama tuyên bố từ Hawaii “Cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ đang đi đến một kết thúc có trách nhiệm.”

Chiến dịch Tự do Bền vững (Operation Enduring Freedom) đã chính thức kết thúc. Nhưng Chiến dịch Hỗ trợ Quyết đoán (Operation Resolute Support) thế chỗ của nó. “Họ thay đổi tên gọi của nhiệm vụ nhưng nhiệm vụ không thay đổi,” vợ của một trung sĩ phục vụ tại Afghanistan cho biết. Tháng 11 năm 2014, một tháng trước khi tuyên bố chiến tranh kết thúc, Tổng thống Obama đã ký một lệnh bí mật mở rộng sứ mệnh của quân đội ở Afghanistan tới năm 2015, bao gồm đấu tranh chống các lực lượng Taliban đe dọa quân đội Mỹ hay chính phủ Afghanistan, và cho phép các cuộc không kích và nối lại các cuộc lung sục nhà cửa vào ban đêm, điều trong quá khứ đã từng làm người dân Afghanistan giận dữ.

Tháng 6 và tháng 7 vừa qua, sáu tháng sau khi ông Obama tuyên bố chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của Mỹ, máy bay chiến đấu của Mỹ và các máy bay không người lái đã tăng gấp đôi số lần tấn công vào các chiến binh Taliban và các chiến binh khác so với những tháng trước đó. Mặc dù hầu hết các cuộc tấn công nhằm vào các chiến binh Taliban, các mục tiêu đã được mở rộng đến cả các nước Hồi giáo thành viên, hoặc ISIS đang hoạt động ở phần phía đông của đất nước.

Với thực tế là ISIS trở thành mối đe dọa cho cả Taliban và chính phủ Afghanistan, điều hợp lý rằng bây giờ là lúc Afghanistan thúc đẩy hòa bình với Taliban và với Hoa Kỳ để khuyến khích các nỗ lực của họ một cách tích cực. Dù một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban bị ràng buộc không thể nào là hoàn hảo, nhưng một sự bình an không hoàn hảo chắc chắn là tốt hơn so với một cuộc chiến vô tận không mục đích.

Rachelle Marshall là một cựu biên tập viên, nhà văn và là thành viên của tổ chức Các bậc Cao niên Thung lũng Mill vì Hòa bình, một thành viên của Tiếng nói của Người Do Thái vì Hòa bình, và thành viên của Liên đoàn Phụ nữ vì Hòa bình và Tự do Quốc tế.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là những ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.











No comments: