Saturday, August 1, 2015

5 lý do bạn không nên tin tưởng các sản phẩm “hữu cơ” từ Trung Quốc (Irene Luo - Epoch Times)





Tác giả: Irene Luo, Epoch Times 
Dịch giả: Xuân Dung
1 Tháng Tám , 2015

Sau một loạt vụ bê bối thực phẩm ở Trung Quốc, người Trung Quốc đã vỡ mộng về khả năng của chế độ cộng sản trong việc điều tiết ngành công nghiệp thực phẩm một cách đúng đắn. Và thực phẩm bị ô nhiễm không chỉ có ở Trung Quốc. Hiệp hội Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) thường xuyên từ chối những lô hàng từ Trung Quốc vì “nhiễm bẩn”, có các chất phụ gia không an toàn, dư lượng thuốc thú y, và dán nhãn sai. Năm 2007, thuốc chữa bệnh cho vật nuôi nhiễm melamine từ Trung Quốc được cho là đã giết chết hàng ngàn chó và mèo ở Mỹ.

Một giải pháp mới đối với nhiều nạn nhân người Trung Quốc hiện nay là các sản phẩm thực phẩm hữu cơ. Đây là một sự cam kết rằng các sản phẩm này được sản xuất theo cách có trách nhiệm với môi trường và không có thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, thuốc kháng sinh, hormon tăng trưởng, hoặc các hóa chất nguy hiểm khác.

Theo khảo sát của một công ty nghiên cứu ở Bắc Kinh, 80% người Trung Quốc không hài lòng với tình hình về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc. Báo cáo về nông phẩm nước ngoài năm 2010 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn mười lần cho thịt bò hữu cơ và nhiều hơn từ 5 đến 9 lần cho rau hữu cơ. Các sản phẩm hữu cơ, mặc dù chỉ chiếm một thị phần nhỏ trong thị trường thực phẩm của Trung Quốc, đang gia tăng. Việc tiêu thụ thực phẩm hữu cơ trên tổng số thực phẩm tiêu thụ tăng gấp ba lần từ năm 2007 đến năm 2012, theo Biofach, hội chợ thương mại sản phẩm hữu cơ lớn nhất thế giới.

Nhưng  sản phẩm “hữu cơ” của Trung Quốc có thực sự an toàn? Và ai là người đảm bảo cho điều đó?

Khi xem xét hệ thống quản lý mờ đục của Trung Quốc, không có gì là quá rõ ràng. Tất nhiên, không phải tất cả các thực phẩm hữu cơ từ Trung Quốc là có vấn đề, và Trung Quốc không phải là nước duy nhất vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, nhưng vì Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn thứ ba các sản phẩm nông nghiệp sang Mỹ, nên tình hình đáng phải quan tâm.

Dưới đây là một số trong những vấn đề lớn với các sản phẩm “hữu cơ” của Trung Quốc.

  1. Ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc rất nghiêm trọng

Ảnh: Các công nhân đang tháo nước bị ô nhiễm gần mỏ đồng Zijin tại Thượng Hải ngày 13 tháng 7 năm 2010, sau khi tình trạng ô nhiễm từ mỏ đã làm ô nhiễm sông Đinh, đường vận tải thủy chính của tỉnh Phúc Kiến ở phía đông nam của Trung Quốc. (STR / AFP / Getty Images)

Do hậu quả của sự phát triển quá nhanh của Trung Quốc, sự tăng trưởng trong các ngành công nghiệp phần lớn không được kiểm soát rộng rãi trong vài thập kỷ qua, khiến Trung Quốc bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.  Đất trồng trọt và nguồn nước của Trung Quốc chứa một lượng lớn các kim loại nặng, như chì và cadmium từ nước thải công nghiệp.

Nhưng nhãn hàng “hữu cơ” sẽ thất bại nếu không tính đếm đến việc ô nhiễm môi trường, khi hệ thống chỉ xác nhận một quá trình không có thuốc trừ sâu độc hại, phân bón, v..v có thể đã bổ sung khi chăm sóc sản phẩm hữu cơ. Thế còn các kim loại nặng, như cadmium, chì, và thạch tín, đã làm ô nhiễm nguồn nước và đất ở Trung Quốc thì sao? Theo Mike Adams, một người ủng hộ sức khỏe tự nhiên và biên tập viên tờ Tin tức Tự nhiên, USDA không đặt ra giới hạn cho việc ô nhiễm kim loại nặng.

Số liệu của chính phủ Trung Quốc năm 2011 cho thấy hơn một nửa số hồ lớn và hồ chứa của Trung Quốc đã quá ô nhiễm cho con người sử dụng. Và một báo cáo về ô nhiễm nước ngầm do Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc công bố tháng 4 năm 2015 đã cho thấy 16 phần trăm mẫu nước là “rất nghèo nàn” về chất lượng.

Hơn nữa, theo bộ Bảo vệ Môi trường và Bộ Tài nguyên Đất đai của Trung quốc, gần một phần năm đất nông nghiệp của Trung Quốc bị ô nhiễm các kim loại nặng ngấm trong đất do việc nước tưới tiêu bị ô nhiễm.

  1. Nhãn hàng gian lận thường xuyên xuất hiện

Ảnh: Sản phẩm hữu cơ đang được bán tại một khu chợ ở Hồng Kông. (Alex Ogle / AFP / Getty Images)

Do các sản phẩm hữu cơ được bán với giá cao hơn, các nhà sản xuất thực phẩm, và không chỉ những người ở Trung Quốc, có thể găm các nhãn “hữu cơ” gian lận trên sản phẩm của họ để kiếm được lợi nhuận cao hơn. Khi các vấn đề phát sinh ở tất cả các cấp trong chuỗi cung ứng, chính quyền Trung Quốc và USDA rất khó khăn để phát hiện tất cả các hành vi vi phạm. Một báo cáo năm 2010 của USDA cho biết một số nhà sản xuất cố tình tránh đổi mới giấy chứng nhận hàng năm và tiếp tục sử dụng nhãn hữu cơ đã hết hạn để giảm chi phí, trong khi các nhà bán buôn khác chỉ đơn giản là dán nhầm nhãn các sản phẩm thông thường thành hữu cơ.

Theo USDA, trong tổng số 23 trường hợp gian lận giấy chứng nhận hữu cơ từ khoảng tháng 2 năm 2011 đến tháng 6 năm 2013, chín công ty liên quan là của Trung Quốc. Vào tháng 9 năm 2011, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã ban hành một cảnh báo tới các nhà phân phối và những người làm hàng gia công các sản phẩm hữu cơ về việc lừa đảo giấy chứng nhận hữu cơ đối với cây dâm bụt, hoa nhài, và bột chiết xuất từ ​​rễ củ cải của một công ty ở Tây An.

Một trường hợp khác, hệ thống siêu thị Whole Foods đã phải ngừng bán gừng của Trung Quốc nhãn hiệu “365” sau khi phát hiện thấy có dư lượng aldicarb sulfoxide, một loại thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp không được chấp nhận sử dụng trên thực phẩm hữu cơ.

  1. Các sản phẩm hữu cơ thường được cấp chứng nhận bởi bên thứ ba

Ảnh: Do thiếu người làm chứng nhận được uỷ nhiệm của USDA, các bên thứ ba là những người kiểm tra rất nhiều các chất hữu cơ nhập khẩu từ Trung Quốc. (OceanFishing / iStock)

Trung tâm chứng nhận sản phẩm hữu cơ của Trung Quốc (COFCC), cơ quan được cho là chịu trách nhiệm xác nhận tất cả các sản phẩm hữu cơ, chỉ kiểm tra được 30 phần trăm sản phẩm hữu cơ, trong khi những phần còn lại được chứng nhận bởi các công ty tư nhân, các tổ chức NGO, và thanh tra viên tư nhân, tất cả đều phải được uỷ nhiệm của cơ quan quản lý về uỷ quyền và chứng nhận  (CNCA). Nhưng cũng trong báo cáo trong năm 2010 của USDA cho biết không có sự tương đương về các tiêu chuẩn và chứng nhận sản phẩm hữu cơ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vì Trung Quốc không công nhận tiêu chuẩn hữu cơ của nước ngoài. Vì vậy, những khác biệt nghiêm trọng có thể xảy ra giữa các loại hóa chất và thực tế nông nghiệp được chấp nhận trong các sản phẩm hữu cơ từ Trung Quốc so với các sản phẩm hữu cơ của Hoa Kỳ.

Các sản phẩm hữu cơ nhập khẩu vào Mỹ đều phải được cấp giấy chứng nhận của những người làm công tác chứng nhận được USDA uỷ quyền, nhưng vì không có đủ người, USDA thuê các bên thứ ba của Trung Quốc. Nhưng có trường hợp, USDA cấp các uỷ quyền có điều kiện đối với những người làm chứng nhận chỉ dựa trên giấy tờ và lờ đi việc khẳng định họ tuân thủ tất cả các quy định theo luật tự nhiên.

  1. Không có các quy định mạnh đúng chỗ

Ảnh: Giống như người bảo vệ Trung Quốc này, các cơ quan chức năng thường xuyên quay lưng lại với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm ở Trung Quốc cho phép các vấn đề để sinh sôi nảy nở. (Wang Zhao / AFP / Getty Images)

Trong năm 2010, Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo rằng chính quyền Trung Quốc đã thất bại trong việc thực thi nghiêm túc các tiêu chuẩn về sản phẩm hữu cơ, và không trao quyền hạn rõ ràng cho bất kỳ một cơ quan chính phủ nào, do đó làm xảy ra việc lạm dụng và nhiều hoạt động bất hợp pháp. Bộ cũng trích dẫn một báo cáo hàng ngày của Quảng Châu về một người tiêu dùng đã tố giác về các loại rau hữu cơ giả và được chỉ dẫn đến bốn cơ quan chính phủ khác nhau trước khi được bảo rằng không ai trong số họ có đủ thẩm quyền để đối phó với vấn đề này.

  1. Tham nhũng tràn lan

Ảnh: (Frederic J. Brown / AFP / Getty Images)

Trong xã hội Trung Quốc do đảng cộng sản cai trị, các cơ quan chức năng kiểm soát các phương tiện truyền thông và kiểm duyệt những tin đồn trên mạng internet để che đậy những vụ bê bối thực phẩm, đánh lạc hướng sự chú ý cần thiết về cải cách. Thay vì tập trung vào các vấn đề xóa bỏ nạn ô nhiễm thực phẩm, chế độ cộng sản Trung Quốc dành nhiều thời gian che giấu các bê bối trong những việc làm sai trái của họ và chỉ trưng ra mặt ổn định và thịnh vượng. Hơn nữa, đây là một hệ thống phức tạp của các mối liên hệ tham nhũng cấu kết cùng hệ thống tòa án, các lĩnh vực kinh doanh và sản xuất, và các quan chức chính phủ. Hối lộ cấp giấy phép là phổ biến, với những việc làm phi đạo đức thường xuyên bị che phủ bởi tiền mặt.









No comments: