20.07.2015
Theo dõi báo chí trong nước từ sau chuyến đi Mỹ của
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng 7 vừa rồi, chúng ta dễ dàng ghi nhận
hai sự kiện chính:
Một, khác hẳn với trước
đây, bây giờ người ta công khai công kích âm mưu xâm lấn của Trung Quốc trên Biển
Đông, tố cáo những hành động cướp cá hay đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam trên
vùng biển gần Hoàng Sa, bày tỏ sự đồng tình với việc Philippines kiện Trung Quốc
lên toà án Liên Hiệp Quốc, tổ chức các buổi tưởng niệm tử sĩ và nạn nhân trong
cuộc chiến tranh biên giới năm 1989. Hai, thể hiện sự vui mừng trước sự phát
triển tốt đẹp của quan hệ Việt-Mỹ và tin tưởng vào chiến lược tái cân bằng ở
châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Hai, sự kiện ấy cho thấy
một sự biến chuyển quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trước, họ,
một mặt, né tránh nêu đích danh Trung Quốc như một kẻ bành trướng ngang ngược,
hoặc nếu có, cũng chỉ đề cập một cách hết sức nhẹ nhàng, không kèm theo một sự
phê phán nào cả; mặt khác, ít khi nhắc đến Mỹ, hoặc nếu nhắc, chỉ nhắc một cách
bâng quơ, đặc biệt về chiếc lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Bây giờ, mọi sự khác hẳn.
Dấu mốc của sự thay đổi ấy chắc chắn đến từ chuyến
đi Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng thật ra, chuyến thăm viếng ấy
không đánh dấu một sự đột biến nào. Trừ bản thoả thuận về tầm nhìn chung giữa
hai nước, không có hiệp ước quan trọng nào được ký kết. Nội dung của bản thoả
thuận về tầm nhìn chung cũng không có gì mới mẻ: Tất cả đã được nêu lên trong một
số cuộc gặp gỡ trước đó. Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn dừng lại ở tầm “đối
tác toàn diện” vốn đã được chính thức hoá từ chuyến viếng thăm Mỹ của Chủ tịch
nước Trương Tấn Sang vào năm 2013. Quan hệ ấy chưa được nâng lên tầm “đối tác
chiến lược”, điều có lẽ Việt Nam rất mong muốn, ít nhất trong thời điểm hiện
nay, khi Việt Nam cần một chỗ dựa vững chắc trong thế trận đối đầu với Trung Quốc
trên Biển Đông.
Rõ ràng là quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ tiến triển
khá chậm và có lúc, khá khúc khuỷu. Người đầu tiên thúc đẩy quá trình hợp tác
giữa hai nước là Mỹ chứ không phải là Việt Nam. Trong chuyến viếng thăm Việt
Nam vào giữa năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đã đề nghị thiết lập
quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước nhưng Việt Nam làm ngơ.
Trước đó, trong bản tường trình mỗi bốn năm
Quadrennial Defense Review của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã nêu lên sáng kiến xây dựng
quan hệ chiến lược với Việt Nam. Tháng Bảy năm 2012, Mỹ mời Nguyễn Phú Trọng
sang thăm Mỹ nhưng Nguyễn Phú Trọng lưỡng lự, không đáp ứng ngay. Trong khi đó,
Việt Nam lại tìm kiếm quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia khác, trong
đó, có Úc nhưng bị Úc từ chối hai lần: lần đầu, vào năm 2009 khi Kevin Rudd làm
Thủ tướng và lần sau, năm 2015, khi Tony Abbott làm Thủ tướng. Lý do từ chối ở
cả hai lần là vì, dưới mắt của Úc, quan hệ đối tác chiến lược ấy chỉ có tính chất tượng
trưng chứ chưa thể có thực chất vì thiếu những sự tin cậy cần thiết giữa hai
bên.
Thái độ của Việt Nam đối với Mỹ chỉ thay đổi một
cách rõ rệt nhất là sau vụ Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 đến thăm dò dầu
khí trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và đặc biệt, từ
khi Trung Quốc ra sức bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo ở Trường Sa. Sau
hai sự kiện ấy, các chuyến thăm giữa hai nước được tổ chức dồn dập, hết phái
đoàn này đến phái đoàn khác đến thăm, gặp gỡ và bàn luận với nhau. Chuyến đi Mỹ
của Nguyễn Phú Trọng là đỉnh điểm của các cuộc hội đàm ấy. Tuy nhiên, sau
chuyến thăm của Nguyễn Phú Trọng, có hai điều vẫn chưa xảy ra: Một, quan hệ giữa
hai nước vẫn chưa được nâng cấp lên thành đối tác chiến lược; và hai, Mỹ vẫn
chưa giở bỏ hẳn lệnh cấm vận các loại vũ khí sát thương cho Việt Nam. Hai sự kiện
ấy cho thấy vẫn còn sự e dè từ phía Mỹ.
Tại sao có sự e dè ấy?
Theo tôi, có hai lý do chính:
Thứ nhất là tình trạng nhân
quyền của Việt Nam. Mỹ không đòi hỏi thay đổi chế độ tại Việt Nam nhưng họ vẫn
thường xuyên lên án các hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam và
vẫn yêu sách Việt Nam phải thả các tù nhân lương tâm vẫn còn bị giam giữ khá
nhiều tại Việt Nam.
Thứ hai có lẽ Mỹ cũng chưa
tin tưởng hẳn vào quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực chống lại âm mưu bành trướng
của Trung Quốc trên Biển Đông. Ai cũng biết giới lãnh đạo Việt Nam chia làm hai
phe: phe thân Tàu và phe thân Tây phương. Người ta đoán là sau vụ giàn khoan
HD-981, phe thân Tây phương càng lúc càng thắng thế. Tuy nhiên, tất cả vẫn là
suy đoán. Không ai biết chắc chắn mức độ của sự thắng thế ấy và cũng khó biết
những toan tính thực sự trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đặc biệt, người
ta lại càng không biết những ai sẽ trở thành những nhà lãnh đạo cao nhất tại Việt
Nam sau kỳ đại hội đảng vào đầu năm tới.
Tôi nghĩ quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ rõ ràng hơn
sau kỳ đại hội sắp tới của đảng Cộng sản Việt Nam. Trong lúc này, từ giới chính
khách đến giới truyền thông, mọi người chỉ biết “chờ và xem”.
* Blog của Tiến sĩ
Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng
ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment