Tuesday, July 14, 2015

Việt Nam sau năm 2016: Ai sẽ lên lãnh đạo? (Phan Công Chánh - The Diplomat)





Phan Công Chánh  -   The Diplomat
Người dịch: Trần Văn Minh
Posted by adminbasam on 14/07/2015

Ai có triển vọng lên nắm chức tổng bí thư trong đại hội đảng sắp tới?

Cứ mỗi 5 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội đảng toàn quốc. Trong số các vấn đề chính sách quan trọng khác, đại hội đảng chọn ra đội ngũ lãnh đạo trung ương để điều hành cả đảng lẫn đất nước. Nếu đại hội đảng lần thứ 11 (năm 2011) là dấu chỉ, Ban Chấp hành Trung ương mới, sẽ được tất cả các đại biểu tham dự đại hội đảng lần thứ 12 sắp tới bầu lên (sẽ được tổ chức vào năm 2016), sẽ chọn ra tổng bí thư mới, bộ chính trị mới, ban bí thư mới và ủy ban kiểm tra trung ương mới.

Đáng chú ý là: Ai sẽ lên nắm chức tổng bí thư mới trong Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Bối cảnh chính trị

Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải xác định các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trong cơ chế đảng và, thứ hai, xem xét ai trong số họ có khả năng chạy đua vào chức tổng bí thư. Quan sát kỹ những lãnh đạo ngồi ở bàn tại trung tâm mỗi cuộc họp đảng gần đây cho thấy 5 tên tuổi quen thuộc: Lê Hồng Anh (Chủ tịch Ủy Ban thường vụ của Bộ Chính trị), Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng), Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch Quốc hội), Trương Tấn Sang (Chủ tịch), và Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư).

Được các đảng viên lão thành hỗ trợ mạnh mẽ, ông Anh và ông Trọng được xem như dẫn đầu cánh bảo thủ thân Trung Quốc, đối lập trực tiếp với ông Dũng (người đứng đầu phe cải cách thân Tây phương). Giữa họ là cánh trung dung thiên cải cách do ông Sang và ông Hùng dẫn đầu. Tất cả vận hành bên trong một nhóm thượng tầng được hình thành mới đây (được bảo vệ bởi quân đội, an ninh, và giới tinh hoa chính trị, là những người có quan tâm lợi ích đặc biệt của riêng họ).

Mặc dù họ không công khai tuyên bố ứng cử, mỗi người trong số các nhân vật cao cấp có lẽ đều mong ngồi ở chiếc ghế nóng quyền lực tối cao. Về chính sách và các hoạt động chính trị của họ có thể tiết lộ cả những động cơ mà họ che giấu cũng như các khó khăn mà họ phải đối mặt. Trong 5 người, ông Anh và ông Hùng có thể được bỏ qua, còn lại ông Dũng, Sang, và ông Trọng tranh nhau chức tổng bí thư. Theo đa số các nhà quan sát, ông Hùng có ít ảnh hưởng chính trị nhất trong 5 người và có thể được thay thế bởi Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người mà số “phiếu tín nhiệm” về hiệu năng lãnh đạo quốc hội luôn luôn cao. Tướng Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang có thể là một ứng cử viên khác.

Ông Anh, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ, là một trong những nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của phe bảo thủ thân Trung Quốc do ông Trọng dẫn đầu. Tuy nhiên, ông dường như thích vận hành quyền lực chính trị đằng sau hậu trường hơn, thay vì cạnh tranh cho chức tổng bí thư. Ngay cả nếu như ông quan tâm đến, vị thế ứng cử viên của ông sẽ là con đường dài, vì ông sẽ cần phải vượt qua hình ảnh của một cựu Bộ trưởng Công an cứng rắn cũng như “các mối liên hệ với Trung Quốc” (giống những người như ông Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh).

Trong khi đó, ông Sang và cánh ôn hòa của ông dường như đã bị gạt ra ngoài lề chính trị. Thật vậy, vị thế ứng cử viên của ông Sang cho chức tổng bí thư có lẽ chìm dần sau cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu năm ngoái, khi ông bị coi như đã thất bại trong chức vị “chủ tịch nước”. Cuối cùng, ông Sang có thể ném hỗ trợ chính trị của ông cho ông Trọng hoặc ông Dũng, sau vài mặc cả chính trị. Những người ủng hộ ông có thể thích ông chuộc lại lỗi lầm với sự rút lui trong danh dự hơn.

Những gì đang hình thành là giai đoạn cuối cùng của một cuộc tranh đấu quyền lực cho chức vụ lãnh đạo đảng và nhà nước giữa ông Dũng và ông Trọng, theo thứ tự, đại diện cho cánh cải cách thân Tây phương và cánh bảo thủ thân Trung Quốc.

Sự nổi lên của ông Dũng

Trong bài viết này, tôi cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là tổng bí thư kế tiếp, ngoại trừ có một sự xáo trộn lớn. Tôi có sáu lý do cho sự suy đoán này.

Đầu tiên, ông Dũng sẽ có nhiều khả năng giành chiến thắng đơn giản chỉ vì đối thủ chính yếu của ông là ông Trọng đã thất bại trong việc cung cấp cho Đảng Cộng sản Việt Nam một nhà lãnh đạo có khả năng về chính trị, người có thể chứng tỏ là một ứng cử viên vượt bực cho chức vụ. Ông Trọng sẽ tới kỳ nghỉ hưu sau Đại hội Đảng lần thứ 12, nhưng đã thất bại trong việc tìm người kế nhiệm đáng tin cậy về chính trị bởi vì ông đã dại dột quây quần quanh ông những quan chức đảng thân Trung Quốc và các nhà tư tưởng thủ cựu, chứ không phải những nhà kỹ trị mà ông Dũng đã khéo léo lựa chọn để tối đa hóa và đa dạng hóa ảnh hưởng đảng và nhà nước của ông. Ngày của ông Trọng đã được đếm và sự lựa chọn người kế nhiệm chức tổng bí thư và các ghế quyền lực khác trong phe cánh của ông đã tàn lụi. Với ứng cử viên Phạm Quang Nghị, Bí thư thứ nhất của Hà Nội, đã vấp ngã sau chuyến đi Mỹ không đúng thời điểm vào cuối tháng 7, có vẻ như ông Trọng và phe cánh của ông đang nuôi dưỡng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh để kế nhiệm ông Trọng hoặc thay thế ông Sang làm chủ tịch nước.

Chọn lựa đầu tiên là không thực tế, do những đặc điểm của ông Thanh: bộ dáng không thu hút, vị trí “thân Trung Quốc”, và những cáo buộc tham nhũng lớn không thương tiếc nhắm vào ông bởi một trang blog đã gây tranh cãi rất lớn đó là “Chân Dung Quyền Lực”. Trong khi đó, chọn lựa thứ hai, một vị trí lãnh đạo nhà nước thích hợp về phương diện ngoại giao, mà ông Carl Thayer cho thấy có thể duy trì một liên kết nóng bỏng quan trọng với Bắc Kinh, có vẻ thực tế hơn về chính trị, nhưng dù sao cũng sẽ là một trận chiến khó khăn. Dù sao, điều này có thể giải thích hình ảnh nổi bật của ông Thanh, ở trong nước và ở nước ngoài. Ví dụ, ông Thanh đồng hành ông Trọng trong chuyến đi Bắc Kinh được phổ biến rộng rãi vào tháng 4, tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong một chuyến quan sát hữu nghị dọc biên giới Việt-Trung vào tháng 5, tiếp đón Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter trong cùng tháng, và viếng thăm nước Pháp vào tháng 6. Trong khi ở Pháp, tuy nhiên, ông Thanh đã bất ngờ phải “nhập viện”, làm cho công việc ứng cử của ông có vẻ khá ảm đạm.

Yếu tố thứ hai có lợi cho ông Dũng là ông đang ở thế thượng phong trong cuộc tranh giành quyền lực với cánh bảo thủ do ông Trọng dẫn đầu và được Bắc Kinh hỗ trợ, và do đó vô hiệu hóa chướng ngại vật nguy hiểm nhất trên con đường quyền lực chính trị hợp pháp và ôn hòa. Cuộc thư hùng quyền lực đầu tiên xảy ra vào tháng 10 năm 2012 khi ông Trọng cố gắng loại trừ ông Dũng bằng cách vận động Bộ Chính trị “bỏ phiếu bất tín nhiệm” chống lại ông Dũng do quản lý kinh tế yếu kém. Nhưng thay vào đó, Ủy ban Trung ương Đảng đã cứu ông Dũng bằng cách bỏ phiếu hỗ trợ thủ tướng lâm nạn trong vai trò lãnh đạo kinh tế tổng thể của ông. Đây là một thắng lợi chính trị lớn, cho dù không phải hoàn toàn, không chỉ cho ông Dũng và phe cải cách của ông, nhưng cho một tình thế mới trong sự bình đẳng với nhóm đảng viên lão thành (nhóm này vẫn kiểm soát vững chắc những người bảo thủ [trong đảng]).

Với đại hội đảng lần thứ 12 đang đến gần, ông Trọng đã cố gắng một lần nữa để vô hiệu hóa ông Dũng vào tháng 1 năm 2015 qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chưa từng có trong số 20 nhà lãnh đạo đảng hàng đầu của Ủy ban Trung ương. Ông Trọng hy vọng ông Dũng sẽ có điểm kém về hiệu năng làm việc do kinh tế suy thoái và tham nhũng tăng cao, và ông Trọng c ùng các cộng sự của ông sẽ có điểm tốt. Trên thực tế, báo cáo không chính thức cho biết thủ tướng “vượt xa các đồng nghiệp của ông và đạt được đa số phiếu tín nhiệm”.

Điều đó mang lại cho chúng ta yếu tố thứ ba: ông Dũng đã giành được sự ủng hộ chính trị của Ủy ban Trung ương hiện nay và các đảng viên lão thành có ảnh hưởng và vì thế có thể bảo đảm các phiếu quan trọng của Ủy ban Trung ương kế tiếp. Tất cả bốn “lý do chính” mà ông Lê Hồng Hiệp đề ra trongbài tham luận của ông về “ảnh hưởng ngày càng tăng trong Ủy ban Trung ương” của ông Dũng là hợp lý, theo quan điểm của tôi. Nếu ông Dũng có thể tận dụng tối đa “vốn chính trị hiện tại để giúp những người thân cận và các đồng minh của ông được bầu vào Ủy ban Trung ương mới, thì rất có khả năng ông sẽ được bầu làm Tổng Bí thư kế tiếp của ĐCSVN”. Tuy nhiên, có một số lý do chiến lược quan trọng khác mà Ủy ban Trung ương hiện tại đã liên tục ủng hộ ông Dũng để đối trọng với ông Trọng và cộng sự quyền thế của Bộ Chính trị, và Ủy ban Trung ương tiếp theo cũng sẽ như thế.

Đầu tiên, điều quan trọng chiến lược là Ủy ban Trung ương phải duy trì một sự cân bằng giữa hai phe cánh mạnh nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam – phe bảo thủ thân Trung Quốc do ông Trọng dẫn đầu, và phe cải cách thân Tây phương do ông Dũng dẫn đầu – để sự thống nhất đảng có thể được bảo đảm. Bằng cách dàn dựng tính lưỡng cực trong nội bộ đảng (luận đề / phản đề) chứ không phải là tiêu diệt phe đối lập (phản đề nội bộ) như Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm ở Trung Quốc, cả xung đột và hài hòa trong đảng và nhà nước có thể được duy trì, cho phép cả Đảng và quốc gia giữ được tính độc lập trước các trò chơi quyền lực chính trị được sử dụng bởi các tác nhân bên ngoài như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, và Ấn Độ. Thứ hai, bằng cách duy trì tính lưỡng cực trong nội bộ đảng, các thành viên của Ủy ban Trung ương cũng có thể duy trì và bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân và phe phái một cách có hiệu quả nhất về mặt chính trị và cấu trúc. Điều này lại có thể giúp họ tránh được thảm họa cuối cùng: “cảnh nước mất nhà tan”. Tại Sao? Vâng, nếu phe thân Trung Quốc được phép nổi lên như là quyền lực thống trị duy nhất trong khi phe do ông Dũng dẫn đầu bị tiêu diệt hoàn toàn, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bất lực chính trị trước các kế hoạch của Trung Quốc để biến Đông Nam Á thành khu vực ảnh hưởng đầu tiên trong tiến trình theo đuổi bá quyền.

Lý do thứ tư tại sao ông Dũng rất có thể sẽ nổi lên chiến thắng tại đại hội đảng lần thứ 12 là một “thỏa thuận quyền lực” có thể đã được thực hiện theo lời khuyên của các đảng viên lão thành để duy trì sự thống nhất đảng – nhà nước và chủ quyền quốc gia trước các quyền lực bên ngoài. Khả năng này, là tiền đề để giải quyết sự bế tắc giữa hai phe phái đối nghịch mạnh ngang nhau trong đảng, phe ông Dũng và phe ông Trọng, có thể giải thích hai sự kiện chính trị có vẻ kỳ lạ. Đầu tiên là việc chọn ông Dũng – không phải ông Trọng hay ông Sang, là điều hợp lý hơn – làm diễn giả chính cùng với những đảng viên lão thành dàn hàng phía sau ông tại lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam Việt Nam, và bài diễn văn chống Mỹ đáng ngạc nhiên mà ông Dũng phát biểu. Có thể giải thích rằng ông Dũng làm điều này như một phần của thỏa thuận để trở thành tổng bí thư kế tiếp, cho phép ông tuyên bố rằng ông đã theo dòng chính ý thức hệ và thực sự tôn trọng các đóng góp không thể bỏ qua của Nga và Trung Quốc để giải phóng miền Nam, Việt Nam. Sự kiện kỳ ​​lạ thứ hai là thông báo chính thức về chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trọng hiện nay, cho phép ông có một cơ hội để tận hưởng tất cả uy tín liên quan trước khi rời khỏi quyền hành một cách êm thắm. (Một sự kiện kỳ ​​lạ: Tại sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời ông Trọng qua thăm Trung Quốc trước và đón tiếp ông trong tư cách chuyến thăm nhà nước trước chuyến đi Mỹ? Phải chăng để đề phòng bất kỳ giao dịch trong tương lai mà Việt Nam có thể thực hiện với Mỹ và để nhắc nhở mọi người liên quan rằng Trung Quốc vẫn có thể chủ động và Hà Nội vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát hiệu quả của Bắc Kinh?)

Yếu tố thứ năm có lợi cho ông Dũng tại đại hội đảng lần thứ 12: khả năng của ông đối với công việc. Thủ tướng là lãnh đạo gây ấn tượng nhất mà Đảng Cộng sản Việt Nam có. Nếu chúng ta lấy 9 tiêu chuẩn quyền lực chung tại Việt Nam, cụ thể là, tầm nhìn chính trị, năng lực quản lý sự phát triển kinh tế và kinh tế thị trường, khôn ngoan chính trị và thực tế, sức thu hút, danh tiếng toàn quốc, danh hiệu dân tộc chủ nghĩa, có tầm vóc quốc tế, giàu có và gia đình ổn định, rõ ràng là ông Dũng không sở hữu tất cả, nhưng cũng rõ ràng không kém là ông ta dẫn trước các nhà lãnh đạo cao cấp khác trên hầu hết các điểm. Không ai trong số các đồng nghiệp của ông có tầm vóc quốc tế, sự kết nối rộng rãi ở nước ngoài, và các mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo thế giới khác mà ông Dũng đã gieo trồng trong nhiều chuyến đi nước ngoài trong hai năm qua, kể cả chuyến đi mới nhất qua Nhật để dự Hội nghị Cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ 7.

Hãy xét đặc điểm lãnh đạo khác. Nếu dấu hiệu của một nhà lãnh đạo chính trị quyền lực là sự can đảm để thực hiện một quyết định khó khăn vào đúng thời điểm, như vậy thủ tướng dường như đã sống với ý nghĩa ban đầu của tên “Nguyễn” của ông (có thể dịch là “vô cùng dũng cảm”). Thời điểm quyết định quan trọng đầu tiên đã đến với bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng CSVN và Bộ Chính trị cầm quyền, khi vào ngày 1 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc lắp đặt giàn khoan dầu HD-981 của họ bên trong vùng kinh tế đặc quyền do Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Trong số các quan chức nhà nước hàng đầu, chỉ có ông Dũng đứng vững. Mười ngày sau đó, vào ngày 11 tháng 5, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 ở Naypyidaw, thủ tướng đã lên tiếng phản đối chính thức. Bằng cách đứng thẳng trước người Trung Quốc, ông Dũng đã tự chứng minh trước con mắt của các lực lượng vũ trang, Trung ương, và công chúng Việt Nam. Sau đó, Thủ tướng đã làm ngạc nhiên các nhà quan sát bằng cách công khai lên án đế quốc Mỹ trong lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam Việt Nam, trong quá trình giành sự ngưỡng mộ của những người Việt Nam yêu nước và những người bảo thủ chống Mỹ trong đảng Cộng sản Việt Nam với việc lên tiếng chống Mỹ, ngay cả khi đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Washington để chống lại Trung Quốc.

Yếu tố thứ sáu và cuối cùng: ông Dũng dường như đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng vũ trang và giới ưu tú quyền lực trong quân đội, không chỉ do lập trường dân tộc của ông mà còn các chương trình hiện đại hóa quân sự trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp quốc phòng, mua máy bay phản lực chiến đấu và 6 tàu ngầm Kilo trong chuyến thăm Nga năm 2009, một hành động có tầm nhìn xa trước viễn cảnh sự xâm lấn của Trung Quốc trong vùng Biển Đông. Bất kỳ sự kháng cự nào từ ông Trọng và các nhà lãnh đạo thân Trung Quốc của Bộ Chính trị đối với loại chuẩn bị quân sự này có thể phải trả giá cho tham vọng lãnh đạo của họ trong con mắt của giới tinh hoa quân sự, đặc biệt là giữa các tướng lĩnh có lập trường dân tộc hiện nay đang tập trung sau lưng ông Dũng. Bằng chứng mới nhất về sự hỗ trợ quân sự mà ông Dũng hiện đang có là sự chủ trì của ông trước “Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân” lần thứ IX của lực lượng vũ trang quốc gia tại Hà Nội vào ngày 01 tháng 7 (trong khi ông Trọng, Sang và Hùng đều vắng mặt).

Tôi sẽ không đi xa như ông Lê Hồng Hiệp và gọi ông Dũng là “chính trị gia quyền lực nhất của Việt Nam trong ba mươi năm qua”. Giống như ông Carl Thayer, tôi cho rằng thủ tướng chính phủ hiện nay có khả năng nhất trong số các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hàng đầu, và là người có khả năng nhất để lãnh đạo Việt Nam và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Tuy nhiên, nếu lãnh đạo kế tiếp của Việt Nam thực sự có hiệu năng và quyền lực ở cả trong và ngoài nước, Ủy ban Trung ương kế tiếp nên thống nhất các vị trí đảng – nhà nước riêng biệt hiện nay thành một vị trí lãnh đạo thống nhất về chính trị, bằng cách bầu chủ tịch Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam, vào các chức tổng tư lệnh của các lực lượng vũ trang Việt Nam, và tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng cũng nên bắt đầu làm việc để tạo ra một nền cộng hòa hiện đại với các tính năng như một nền dân chủ tổng thống, một quốc hội lưỡng viện, hệ thống hai đảng, và tự do báo chí. Điều này sẽ tránh sự nổi dậy của nền cai trị triều đình hay độc tài các loại, và có khả năng tốt hơn để quản lý các tệ nạn chính trị xã hội như tham nhũng.
____

Phan Công Chánh, Tiến sĩ (Đại học Chicago), là một phó giáo sư về khoa học nhân văn và triết học tại Đại học San Jose State University, San Jose, California, và tác giả sách The Eastern Paths to Philosophic Self-Enlightenment (Kendall Hunt, 2002).






No comments: