Tuesday, July 21, 2015

Vì sao căng thẳng biên giới VN - Campuchia? (BBC | TS Vannarith Chheang)





BBC
21 tháng 7 2015

Nhà nghiên cứu, TS. Vannarith Cheang trong một cuộc Tọa đàm trực tuyến (Hangout) với BBC.

Gần đây diễn ra một số sự kiện căng thẳng trên đường biên giới Việt Nam - Campuchia thu hút sự chú ý của dư luận.

Nhân dịp này, BBC đã hỏi nhà nghiên cứu người Campuchia, Tiến sỹ Vannarith Chheang, dạy ở Đại học Leeds, Anh quốc, về động cơ, bối cảnh vụ việc.

Tiến sỹ Vannarith Chheang: Nguyên nhân gốc rễ của tranh chấp biên giới và những căng thẳng chủ yếu là do sự thiếu minh bạch trong đàm phán biên giới giữa hai chính phủ. Các công dân của cả hai nước đặc biệt là những người sống dọc theo biên giới đã không được thông báo đầy đủ về việc đàm phán biên giới, cắm mốc.

BBC:Liệu chính trị nội bộ của Campuchia là lý do đằng sau việc này, và nếu như vậy, ai sẽ là người được hưởng lợi từ nó về mặt chính trị?
Tiến sỹ Vannarith Chheang : Chủ nghĩa dân tộc đã được gia tăng ở Campuchia từ năm 2002 sau khi một nữ nghệ sỹ Thái đã bình luận sai lệch về Angkor Wat rằng đền này thuộc về Thái Lan, và cuộc xung đột biên giới Thái Lan-Campuchia trong năm 2010-2011.
Những căng thẳng biên giới trên giữa Campuchia và Việt Nam đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc ở Campuchia. Từ quan điểm của Campuchia, đây là do sự xâm lấn của Việt Nam vào lãnh thổ Campuchia. Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi công hàm chống lại việc Việt Nam xây dựng trong khu vực tranh chấp.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Campuchia có lập trường mạnh mẽ chống lại Việt Nam liên quan đến các tranh chấp biên giới giữa hai nước. Một số nhà phân tích cho rằng việc tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia đã làm cho Campuchia cảm thấy tự tin hơn và đẩy cao sức mạnh mặc cả, thương lượng của Campuchia với Việt Nam. Nói cách khác, Campuchia đang chuyển quan hệ từ liên minh truyền thống bè bạn với Việt Nam sang với Trung Quốc.

BBC:Ông có nghĩ rằng ASEAN, với tư cách một khối ở khu vực, có thể làm điều gì đó về tranh chấp biên giới Campuchia-Việt Nam? Liệu vụ việc này giống như tranh chấp về ngôi đền Preah Vihear với Thái Lan một vài năm trước đây?
Tiến sỹ Vannarith Chheang :  ASEAN không có vai trò quan trọng trong việc làm trung gian cho các tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia thành viên do nguyên tắc không can thiệp.
Nếu căng thẳng tiếp tục, Campuchia có thể chọn để đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế. Hiện nay, Chính phủ không có ý định làm như vậy, nhưng những áp lực ngày càng tăng từ các đảng đối lập và công chúng nói chung có thể buộc chính phủ phải tìm kiếm sự hòa giải của bên thứ ba.

BBC:Theo ông, chính phủ Việt Nam nên giải quyết vấn đề như thế nào?
Tiến sỹ Vannarith Chheang : Tôi nghĩ rằng ngoại giao song phương và đàm phán sẽ giúp giải quyết các khác biệt.

-----------------------------
(BBC  -  16 tháng 7 2015)




No comments: