Hai chữ “kiều bào” phải nói là nó có cái âm hưởng ấm
cúng và gần gũi, nhưng sự thân thiện đó bị phá nát khi hai chữ “tuyên truyền”
được đặt chễm chệ ngay phần đầu. Đã bao nhiêu lần tôi nói với các quan chức và
báo chí trong nước rằng người Việt ở nước ngoài, đa số là đi từ miền Nam, rất dị
ứng với hai chữ tuyên truyền – propaganda, vì nó nghe rất ghê tởm.
Báo Đại đoàn kết có bài “Tuyên truyền hiến pháp cho
kiều bào” (1), mà chỉ đọc cái tựa đề là người ta đã không muốn đọc tiếp. Thời đại
internet này, chỉ cần lên mạng và không đầy 1 phút là có thể đọc được hiến pháp
của nước CHXHCNVN. Mà, bản hiến pháp đó đâu có gì hay ho để nói với kiều bào ở
nước ngoài. Đó là bản hiến pháp gây ra rất nhiều tranh cãi trong quá khứ, đặc
biệt là cái điều lệ khẳng định sự độc tôn lãnh đạo của đảng. Đối với kiều bào ở
nước ngoài đang sống trong các nước đa nguyên và đa đảng, họ thấy cái điều lệ độc
tôn đó rất xa lạ và lạc hậu. Vả lại, hiến pháp — cũng như rất nhiều văn bản
pháp lí ở VN — chỉ là những tập hợp chữ nghĩa chứ ít khi nào có giá trị trong
thực tế, hay có giá trị thì mỗi người hiểu mỗi cách, do cách hành văn mù mờ và
quen với ngôn ngữ gỗ. Vậy thì giới thiệu cái lạc hậu và cái ngôn ngữ gỗ đến kiều
bào làm gì? Chắc chắn khônng được khen, và chắc chắn gây phản tác dụng.
Còn “tuyên truyền” là có hàm ý xấu, hay được hiểu là
có hàm ý xấu. Từ điển
Oxford định nghĩa propaganda là “Information, especially of a biased or
misleading nature, used to promote a political cause or point of view” (tạm dịch:
tuyên truyền là thông tin, đặc biệt thông tin mang tính chất sai lệch và lừa
gạt, được dùng để vận động cho một động cơ chính trị hay quan điểm).
Do đó, không ngạc nhiên, khi nói đến “tuyên truyền” là người ta nghĩ ngay đến
những thủ thuật như sử dụng các thông điệp nặng cảm tính hơn là những thông tin
mang tính lí lẽ. Thay vì đưa tin khách quan, tuyên truyền cung cấp thông tin một
cách có lựa chọn, và do đó là một cách nói dối. Do đó, nghe đến hai chữ “tuyên
truyền” người ta thấy ghê tởm.
Tuyên truyền là một phương tiện rất sặc mùi cộng sản
và Nazi. Hai thể chế này dùng tuyên truyền rất nhiều, dùng như là một vũ khí lợi
hại. (Mĩ cũng dùng, nhưng họ thông minh hơn, và không gọi là “tuyên truyền”).
Mà, hai chủ nghĩa này bị đánh giá rất thấp ở nước ngoài, đặc biệt là thế giới
phương Tây. Chỉ cần nói đến “xã hội chủ nghĩa” hay socialism là dân chúng đã thất
kinh hồn vía, chỉ nói đến communism thì nhiều người hồn phi phách tán. Ở nhiều
nơi, communism được đánh giá ngang hàng với tội phạm. Biết là cảm nhận và đánh
giá như thế là không đúng với thực tế, nhưng đó là cách hiểu của đám đông. Những
người làm ngoại giao ở VN thừa hiểu điều đó, vậy thì hà cớ gì mà họ cứ khăng
khăng dùng chữ “tuyên truyền”.
Nhiều người nghĩ rằng chữ propaganda xuất hiện lần đầu
vào năm 1914, nhưng không phải như thế. Tôi tìm đọc lịch sử của chữ tuyên truyền
– propaganda thì thấy nó xuất phát từ thời thế kỉ 17 (2)! Giáo hội Công giáo La
Mã là “cha đẻ” của tuyên truyền. Theo sử, năm 1622, Giáo hoàng Gregory XV sáng
lập một tổ chức gọi là “Congregation for the Propagation of the Faith” (Giáo
đoàn tuyên truyền niềm tin) ở La Mã. Giáo đoàn thực chất là một hội đồng có nhiệm
vụ truyền bá niềm tin và điều hành giáo sự của Giáo hội. Một trường cao đẳng
tuyên truyền (College of Propaganda) được thành lập dưới quyền của Giáo hoàng
Urban VIII để huấn luyện tu sĩ cho các sứ mệnh truyền giáo. (Tôi đoán trường
này chắc cũng giống như cái trường tuyên truyền ở Việt Nam). Ý nghĩa nguyên thuỷ
của “propaganda” là một danh từ đáng kính. Những hành động mang tính tôn giáo gắn
liền với tuyên truyền được xem là thiêng liêng và được dân chúng kính nể.
Nhưng tuyên truyền chỉ được phát triển sau Thế chiến
I. Khi Thế chiến thứ I xảy ra, tuyên truyền được sử dụng rất phổ biến bởi chế độ
Nazi và thế giới cộng sản. Họ dùng tuyên truyền để củng cố quyền lực và bành
trướng ảnh hưởng ra ngoài. Năm 1933, Hitler bổ nhiệm Joseph Goebbels làm Bộ trưởng
Bộ Tuyên truyền, và chính ông này là bậc thầy, là người định nghĩa các chuẩn mực
tuyên truyền cho thế giới. Mĩ và đồng minh cũng dùng tuyên truyền, nhưng họ thậm
chí còn tinh vi hơn cả Goebbels! Tương truyền rằng khi Hitler nghiên cứu về tài
liệu tuyên truyền của Mĩ và Anh, và từng nhận xét rằng đó là cách làm
“brilliant”. Nhưng cả Mĩ và Anh đều chào thua Hitler và Goebbels trong thuật
“nói dóc” này.
Chiến tranh luôn là động lực và là môi trường cho
tuyên truyền. Tuyên truyền trong chiến tranh là phương tiện để thuyết phục công
chúng về tính chính nghĩa của chiến tranh. Những người lãnh đạo miền Bắc trước
1975 dùng tuyên truyền để thuyết phục đồng bào rằng miền Nam đang bị đói khổ,
người dân đang rên xiết dưới gót giầy xâm lược của Mĩ và sự cai trị dã man của
Nguỵ, và người anh em trong Nam cần chúng ta giải phóng. Còn trong Nam thì họ
cũng có bộ máy tuyên truyền, nhưng dưới danh nghĩa “tâm lí chiến”, để thuyết phục
công chúng rằng miền Nam là thành trị của thế giới tự do. Phải nói rằng giới
tâm lí chiến ở miền Nam nói dóc không trắng trợn và trơ tráo bằng giới tuyên
truyền ngoài Bắc. Do đó,
cho đến nay, chữ “tuyên truyền” được hiểu như là một hành động bất lương, thiếu
thành thật, và với ý đồ đen tối.
Người trong nước nói đến “tuyên truyền” một cách rất
… vô tư. Cái gì cũng tuyên truyền. Thấy tai nạn xảy ra nhiều, người ta nghĩ
ngay đến tuyên truyền đến tài xế. Khi thấy người dân hay xả rác, người ta cũng
nghĩ đến tuyên truyền. Khi thấy có người Việt hải ngoại không ưa chính quyền,
người ta cũng nghĩ đến tuyên truyền. Nhưng khi lắng nghe ý nghĩa của cách dùng
chữ thì nó thực chất có nghĩa là “cung cấp thông tin”. Họ nói hai chữ “tuyên
truyền” nhiều đến nỗi thành … quán tính. Vì là quán tính, nên họ nói ra một
cách không suy nghĩ rằng cái danh từ đó nó kinh tởm như thế nào. Thật ra, cũng
có thể xem đó là một sự thành công tuyệt vời của thể chế nhồi sọ người dân.
Thời đại thế kỉ 21, với thông tin mở, mà có người vẫn
còn nghĩ và nói đến tuyên truyền (hiểu theo nghĩa propaganda) thì tôi cho là họ
chưa trưởng thành với thời đại. Thời đại văn minh này, người ta cần được thuyết
phục, và thuyết phục phải bằng chứng cứ và thực hành, chứ không phải bị xỏ mũi
bằng những thủ thuật cung cấp thông tin một cách chọn lọc dưới danh nghĩa
“tuyên truyền”.
____
(1) Tuyên truyền Hiến pháp cho kiều bào (ĐĐK).
(2) Propaganda
Through the Ages (SAGE).
(3) “Tuyên truyền” và người Việt ở nước ngoài (NVT).
No comments:
Post a Comment