Thụy My - RFI
Đăng ngày 13-07-2015
Một
nhà sư Tây Tạng đã qua đời trong nhà tù Trung Quốc, mười ba năm sau khi bị lãnh
án vì tội danh khủng bố và ly khai, mà các nhà quan sát cho rằng hết sức bất
công. Tổ chức Student for a Free Tibet (SFT) hôm nay 13/07/2015 cho biết như
trên.
Thân nhân của nhà sư Tenzin Delek Rinpoche, 65 tuổi,
được công an Thành Đô (Chengdu) thông báo rằng ông đã chết trong tù. Năm 2002,
ông bị kết án tử hình vì tội ly khai và có liên can đến một vụ đánh bom nơi
công cộng, sau đó giảm xuống thành chung thân và tiếp đó là 20 năm tù.
Trợ lý của nhà sư Delek là Lobsang Dhondup cũng bị
lãnh án vào thời kỳ đó và đã bị hành quyết năm 2003. Hai bản án này đã bị Liên
hiệp Châu Âu và các tổ chức bảo vệ nhân quyền mạnh mẽ lên án.
Thông cáo của SFT cho biết Delek trước nay luôn kêu
oan, và nói thêm, thân nhân đang yêu cầu công an giao trả xác để gia đình có thể
tổ chức tang lễ. Một thông cáo khác của chính phủ lưu vong Tây Tạng nói rằng
nguyên nhân cái chết của nhà sư không rõ ràng. Sáng nay thân nhân của ông đến
trại giam đòi lại xác nhưng chỉ hoài công. Theo Free Tibet có trụ sở tại Luân
Đôn, nhiều người Tây Tạng tập trung trước văn phòng chính quyền Yajiang (Tứ
Xuyên), nơi thường trú của nhà sư, nhưng lực lượng an ninh hùng hậu được triển
khai để đối phó.
Radio Free Asia (RFA) dẫn một nguồn tin ở Tây Tạng
nói rằng: « Công an Trung Quốc báo với gia đình là ông Delek bị bệnh nặng,
và khi người thân vội vàng đến thăm thì được nói rằng ông đã chết ».
Cũng theo RFA, nhà sư rất yếu sức và bị bệnh tim nặng, nhưng không hề được chữa
trị. SFT cho biết thêm, sức khỏe tệ hại của ông là do « trên 13 năm bị
tù tội bất công và bị tra tấn ». Gia đình năm ngoái đã xin trả tự do
có điều kiện để chữa bệnh cho ông nhưng bị từ chối.
Trung Quốc sau khi chiếm Tây Tạng năm 1951 đã bị lên
án về việc đàn áp tôn giáo và chính trị, và cho người Hán di dân đến tràn ngập
vùng đất này. Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma sau cuộc nổi dậy bất
thành năm 1959 đã phải trốn sang Ấn Độ lập chính phủ lưu vong ở Dharamsala.
---------------------------
RFA
2015-07-13
2015-07-13
Nhà sư tranh đấu
Tenzin Delek Rinpoche năm 1990 và ảnh bên phải năm 2003. Courtesy
freetibet.org
Tin từ văn phòng chính phủ lưu vong Tây Tạng cho hay
nhà sư tranh đấu Tenzin Delek Rinpoche đã chết trong tù hôm Chủ Nhật vừa rồi,
thọ 65 tuổi.
Hiện chưa rõ nhà sư nổi tiếng này chết vì lý do gì,
nhưng nhân viên nhà tù ở tỉnh Tứ Xuyên cho người nhà của ông biết rằng ông chết
vì bệnh tim.
Nhà sư Tenzin Delek Rinpoche bị chính phủ Trung Quốc
bắt giữ hồi năm 2002, cáo buộc tội hoạt động khủng bố và chia rẽ sắc tộc để
tuyên án tử hình, trong khi ông chỉ lên tiếng ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma, là người
nhân dân Tây Tạng xem là nhà lãnh đạo tinh thần đáng kính của họ.
Bản án đó sau được giảm xuống còn tù chung thân, và
giảm lần thứ nhì xuống còn 20 năm.
Thông cáo do văn phòng chính phủ lưu vong Tây Tạng
phổ biến từ Ấn Độ nhắc lại rằng mặc dù nhà sư Rinpoche bị bệnh nặng nhưng chính
phủ Trung Quốc vẫn không cho ông được rời trại giam để chữa trị. Ngay cả nguyện
ước được gặp các đệ tử trước khi nhắm mắt từ trần cũng không được chấp thuận.
Tin Đài chúng tôi ghi nhận được cho hay ngay sau khi
được tin nhà sư Rinpoche viên tịch, một số đông người Tây Tạng đã tập họp ngay
trước văn phòng ủy ban nhân dân Tứ Xuyên. Tức khắc cảnh sát và công an được điều
đến giữ trật tự, sợ người dân biểu tình phản đối.
--------------------------------
BBC
13-7-2015
Một
nhà sư Tây Tạng có tiếng đã qua đời trong nhà tù ở Trung Quốc sau 13 năm giam cầm,
theo thông tin từ gia đình ông và các tổ chức nhân quyền.
Ông Tenzin Delek Rinpoche, 65 tuổi, phải chịu mức án
20 năm tù vì tội gây chia rẽ và khủng bố, sau khi bị buộc tội liên quan tới vụ
tấn công bằng bom ở Thành Đô năm 2002.
Ông Tenzin Delek đã phủ nhận mọi cáo buộc, và nói có
động cơ chính trị.
Các nhóm vận động nhân quyền ở Hoa Kỳ và châu Âu lúc
đó đã lên tiếng chỉ trích án tù và kêu gọi thả tự do cho nhà sư.
Cảnh sát ở thành phố Tứ Xuyên, Thành Đô, nơi ông
Tenzin bị giam giữ, đã báo với thân nhân về cái chết của ông hôm Chủ Nhật
12/07, nhóm vận động Students for a Free Tibet (Sinh viên vì một Tây Tạng Tự
do) cho biết.
Người em họ của ông, Geshe Nyiama, hiện sống ở Ấn Độ,
nói với hãng Reuters rằng vẫn chưa rõ nguyên nhân cái chết của ông.
Một nhóm nhân quyền khác, Free Tibet (Giải phóng Tây
Tạng), nói gia đình vị sư đã yêu cầu trả thi thể nhưng bị các quan chức trại
giam từ chối.
Một nhân viên của phòng Công an huyện Đại Trúc, Tứ
Xuyên, xác nhận về cái chết của ông Tenzin Delek với hãng tin AP nhưng không
cho biết thêm chi tiết.
Ban đầu, nhà sư bị xử án tử hình treo năm 2002, sau
đó đã được giảm thành án chung thân và sau này là 20 năm tù giam.
Một vị sư khác, ông Lobsang Dhondup, cũng bị xử cùng
với ông Tenzin Delek trong vụ đánh bom, đã bị xử tử hồi tháng 01/2003.
Các nhóm nhân quyền cáo buộc Trung Quốc đàn áp văn
hóa và tự do biểu hiện của người Tây Tạng, và bắt giữ nhiều nhà sư bày tỏ ủng hộ
vị lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đang lưu vong Dalai Lama.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc nói kinh tế Tây Tạng
đã phát triển đáng kể, và rằng các cộng đồng Tây Tạng được hưởng tự trị lớn hơn
trong hệ thống chính phủ phân cấp.
Năm 1959, sau cuộc nổi dậy chống Trung Quốc không
thành, Đức Dalai Lama thứ 14 rời Tây Tạng và thành lập chính phủ lưu vong ở Ấn
Độ.
No comments:
Post a Comment